OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XIV – Thường Niên A Chúa Nhật Chúa Nhật XIV – Thường Niên A Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tin Mừng Mt 11,25-30 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.Vân g, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Suy niệm: HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG Nhà văn Ê-xốp có kể câu chuyện ngụ ngôn về một cuộc tranh cãi giữa Mặt Trời và Gió, xem ai mạnh hơn ai. Hôm ấy, Gió và Mặt Trời nhìn thấy một du khách đang rảo bước trên đường quê hoang vắng. Mặt Trời nói với Gió: “Tôi tìm ra một cách để giải quyết sự tranh chấp của chúng ta. Ai trong chúng ta có thể làm cho vị du khách kia cởi bỏ chiếc áo choàng nhanh hơn thì người đó thắng cuộc. Anh bắt đầu trước đi.” Thế là Mặt Trời đã ẩn nấp sau đám mây, và Gió bắt đầu thổi hết sức có thể vào người du khách. Tuy nhiên, nó càng thổi thì người du khách càng giữ lấy thật chặt chiếc áo choàng của mình, cuối cùng Gió kiệt sức, đành từ bỏ trong tuyệt vọng. Mặt Trời bước ra và chiếu tất cả ánh sáng chói lọi của nó lên người du khách, anh ta nhanh chóng cởi bỏ chiếc áo choàng ra. Cuối câu chuyện, Ê-xôp bàn luận: “Bạn có thể thành công nhờ sự dịu hiền dễ thương hơn là nhờ bạo lực”. (Gió và Mặt Trời) Câu chuyện ngụ ngôn trên đây soi sáng cho chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay. Hiền lành và khiêm nhường là lời mời gọi chân thành của Chúa Giê-su cho những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính được thể hiện cách rõ rệt nhất nơi cuộc đời của Chúa Giê-su. Vì thế, trong thư Phi-líp-phê thánh Phao-lô đã diễn tả: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Quả thế, đây là một sự khiêm nhường đến tột cùng của một vị Thiên Chúa làm người. Ngài đã hạ mình xuống tận cùng của kiếp người, lãnh nhận cái chết như một tội nhân trên cây thập tự. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su còn cho biết thêm: Những con người có tâm hồn bé nhỏ, khiêm nhường, sẽ được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt và tỏ bày cho họ biết những mầu nhiệm sâu xa về Nước Trời. Quả thế, chỉ những ai có tâm hồn bé nhỏ mới có tinh thần và trái tim rộng mở để đón nhận Lời Chúa. Thế nên, trong lời cảm tạ Chúa Cha, Chúa Giê-su đã nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” Theo Tin Mừng Mát-thêu, những kẻ bé mọn là những người nghèo khổ, những người yếu thế, những kẻ đang vất vả và phải mang gánh nặng nề. Trong Do-thái giáo, cái ách hay gánh nặng thường là hình ảnh của những luật lệ trói buộc con người. Các thầy thông luật tự cho mình là khôn ngoan thông thái, thường bày vẽ ra đủ thứ luật lệ mà những kẻ đơn sơ, bé mọn dù cố gắng đến mấy cũng chẳng thể nào tuân giữ cách trọn vẹn được. Như chúng ta biết, nhiều lần trong Tin Mừng Chúa Giê-su đã quở trách các luật sĩ và biệt phái cách nặng nề. Họ đã tạo ra cho mình cái vương quốc thánh thiêng của riêng họ bằng những khoản luật chi li lắt léo, khiến cho những kẻ đơn sơ chất phác không thể nào lọt vào cái thế giới đó được. Chúa Giê-su không thể chấp nhận một thứ vương quốc của Thiên Chúa chỉ dành riêng cho những kẻ khôn ngoan thông thái và những kẻ đạo đức giả, chỉ biết cậy vào thành tích giữ luật của mình mà không màng đến bác ái yêu thương. Thật vậy, Chúa Giê-su đã bước vào thế gian như một người nghèo, sống giữa những người nghèo và loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Nước Trời mà Ngài loan báo là một vương quốc mở ra cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bé nhỏ, nghèo hèn; nghèo về vật chất đã đành, nhưng còn nghèo cả về tinh thần nữa, nghĩa là những người tội lỗi, những người thấp cổ bé miệng, những người bị xã hội ruồng bỏ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không phải là người chủ trương phá hủy luật lệ, mà Ngài đến để kiện toàn lề luật; làm cho lề luật trở nên ‘êm ái nhẹ nhàng’ hơn. Ngài mời gọi mọi người: Hãy đến cùng tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng. Cả cuộc đời của Chúa Giê-su, Ngài đã nêu gương cho chúng ta về sự hiền lành và khiêm nhường. Ngài đã đến thế gian trong sự đơn sơ, nghèo hèn, sống giữa loài người cách đơn sơ, chan hòa yêu thương, và chết trong sự khó nghèo; tất cả cũng chỉ vì một chữ “Tình”. Đây là cái ách, cái gánh mà Chúa Giê-su muốn gửi trao cho tất cả những ai đến với Ngài. Chân lý mà Ngài mặc khải không có gì là cao siêu, trừu tượng cả, đơn giản chỉ là một chữ “Tình” mà thôi. Nhân loại chúng ta có quá nhiều những nhà bác học, những nhà hiền triết thông hiểu những điều cao siêu huyền bí. Và trong Giáo Hội chúng ta cũng không thiếu những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng có lẽ chúng ta hơn bao giờ hết lại cần đến thứ ngôn ngữ giản dị nhất, đó là tình thương, một thứ ngôn ngữ có khả năng tuyệt vời để mặc khải chân lý của Chúa, bởi vì “Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ có ai yêu thương mới biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Ngài” (1 Ga 4,7-8). Là con cái của Chúa và là anh chị em của nhau, chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su sống hiền lành và khiêm nhường; lấy tình thương mà đối xử với nhau, hầu mọi người nhận biết chúng ta là con cùng một Cha trên trời. Chính tình yêu làm cho chúng ta trở nên đơn sơ, hiền hoà và khiêm nhường. Và cũng chính tình yêu làm cho chúng ta sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng cho anh chị em mình, hơn là làm khổ cho nhau. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, Đấng là hiện thân của chân lý tình thương lại sống đơn sơ, hiền lành và khiêm nhường. Ngài đã mời gọi chúng ta hãy đến học với Ngài bài học yêu thương ấy cho đến cùng. Amen. Lm G.B. Nguyễn Quốc Võng, OMI. "Hãy học cùng Ta..." Cuối mỗi cấp, học sinh hoặc sinh viên phải thi lấy bằng tốt nghiệp ra trường, gọi là tốt nghiệp Trung học, tốt nghiệp Đại học. Không biết có ai đã dùng từ tốt nghiệp cho những người học Giáo lý, Giáo lý Dự Tòng, Giáo lý Hôn Nhân không, nhưng hình như mới đây, hai từ “tốt nghiệp” cũng được dùng cho những Đại Chủng Sinh hoàn tất chương trình Đào tạo Linh mục tại các Đại Chủng viện. Thiết tưởng, ấy cũng chỉ là chuyện từ ngữ theo cách của xã hội mà thôi. Điều quan trọng ở chỗ: học không phải chỉ để tốt nghiệp, càng không phải để lấy bằng tốt nghiệp, nhưng là để có một cuộc biển đổi nên người trưởng thành. Học sinh nên người trưởng thành là có ý thức và trách nhiệm về tư tưởng, lời nói việc làm của mình. Cũng vậy, người học Giáo lý nên người trưởng thành, ấy là có ý thức chuẩn xác về ơn gọi được làm con cái Thiên Chúa, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, và có trách nhiệm sống cho ra người con của Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay cũng nhắc đến chữ “học”: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”. Trong Tin Mừng, tất cả những câu mệnh lệnh của Chúa Giê-su đều nói đến việc “làm”, như: “Hãy tin”, “hãy từ bỏ”, “hãy cầu nguyện”, “hãy tha thứ”, “hãy yêu nhau”... “Đừng thù oán”, “đừng lên án”… Và chỉ có một câu duy nhất này, Chúa bảo “hãy học”. Như vậy, hẳn là môn học mà Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy học, ấy là môn học quan trọng lắm. Đã vậy Chúa lại bảo “hãy học cùng Ta”, không học ở nơi thầy nào khác, cho thấy rằng chỉ có Chúa Giê-su mới xứng đáng là thầy dạy môn học này. Môn học đó là “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Hãy học cùng Chúa Giê-su, vì Chúa hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Quả thật, chỉ có Chúa Giê-su mới là người hiền lành kiểu mẫu, hiền lành đến mức chấp nhận thương tích mà không đánh trả, hay báo thù; hiền lành vì yêu và yêu cả người phản bội, sỉ nhục, thóa mạ hay hành hung tàn nhẫn… đúng như Ngôn Sứ I-sai-a đã tiên báo: “Người hiến thân vì Người tình nguyện và không mở miệng như con chiên hiền lành bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, Người thinh lặng chẳng hé môi” (Is 53, 7). Và Thánh Vịnh 30 mô tả chân dung của Chúa Giê-su: “Con đã nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa” (Tv 30). Sự hiền lành ấy còn mang nét đẹp trung tín đến ngàn đời, không có gì thay đổi được bản tính “hiền lành, hay thương xót” của Thiên Chúa Cha, phản chiếu nơi Chúa Giê-su, Người Con chí ái. Ấy vậy, Ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói: “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi” (Gr 11, 19). Chỉ có Chúa Giêsu mới là người khiêm tốn, như Ngôn Sứ Da-ca-ri-a ca tụng: “Này vua ngươi đến với ngươi. Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ” (Dcr 9, 9). Và Thánh Tông đồ Phao-lô còn khẳng định lòng khiêm nhượng của Chúa Giê-su sâu thẳm đến mức không giữ cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng lại khiêm hạ vâng phục Thiên Chúa Cha mọi đàng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. (Pl 2, 6-8) Bài học “hiền lành và khiêm nhượng” của Chúa Giê-su quả là một bài học khó, vì có vẻ như bài học ấy muốn dẫn học viên đến cái chết vì yêu, như Ngài đã chết vì yêu vậy. Hơn nữa, lại không thấy Chúa nói gì đến lễ tốt nghiệp, hay được vinh quang gì khi tốt nghiệp. Thực ra, Chúa đã nói đến lễ tốt nghiệp ấy rồi: “và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”. Chúa muốn chúng ta được bình an trong cuộc đời. Bình an có một giá trị lớn lao trong đời sống con người, vì khi có bình an hồn xác, ta mới có được hạnh phúc. Bình an là kết quả của lòng hiền lành khiêm nhượng, vì Chúa biết khi không có lòng hiền lành và khiêm nhượng thì chỉ chuốc lấy đau khổ, khó nhọc và gánh nặng. Vì muốn chúng ta được bình an, Chúa Giê-su đang mời gọi chúng ta đến và học cùng Ngài: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng". Nhìn lại cuộc sống chúng ta, quả là đang khó nhọc và gánh nặng. Khó nhọc, gánh nặng là vì chưa khiêm nhượng trong lòng đủ để có thể ký thác đường đời cho Chúa, lại ảo tưởng với trí tuệ, khả năng, sự khôn khéo của mình có thể giải quyết mọi vấn đề để mang lại cho mình bình an hạnh phúc. Khó nhọc và gánh nặng là vì không đủ hiền lành nhẫn nhịn chấp nhận sự thua kém, lại nông nổi lao mình vào chỗ tranh chấp hơn thua để chuốc lấy cái mất bình an cứ dày vò, đày đọa tâm hồn. Khó nhọc và gánh nặng cho nhau trong cuộc đời, là vì không đủ hiền lành và khiêm tốn nhìn nhận mỗi sự hiện diện của người bạn đời, của tha nhân, kể cả của người nghèo hèn thấp kém, mất tư cách, mất phẩm hạnh… đều có thể mang lại cho ta một hồng ân quí giá của Thiên Chúa. Khó nhọc và gánh nặng vì lòng tự phụ, vì tính chủ quan của người lớn hoặc tự cho mình là lớn, hoặc chỉ thích “chức” quyền, mà không chấp nhận thi hành nhiệm “vụ”, chắc chắn sẽ có lúc vấp ngã trên đường đời, để lộ chân tướng dối trá của lòng mình ra cho thiên hạ đàm tiếu. Khó nhọc và gánh nặng là vì mình đành lòng chấp nhận làm nô lệ cho những đam mê xác thịt hay hư nát này: hư danh, lạc thú, giàu sang, hưởng thụ…dẫn đến sự suy sụp tinh thần, kiệt quệ sức lực, mất cả ý chí nghị lực trong cuộc đời. Thánh Phaolô khuyến cáo: “Chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động xấu xa của thân xác, thì anh em sẽ được sống” (Rm 8, 11 – 13). Vâng, chính những món nợ xác thịt làm cho chúng ta ra khó nhọc và gánh nặng, ra đau khổ và mất bình an. Món nợ hư danh, món nợ nhục dục, món nợ của cải phù vân, món nợ hưởng thụ. Như tâm sự của một tác giả: ...Tôi đã vay của trần gian, mấy ngàn mảnh hữu danh vô thực Tôi đã mượn của thân xác phù vân, những thoáng mơ màng hạnh phúc Tôi phải trả cho người, bằng sự nô lệ cả đời tôi Tôi phải trả cho phù vân, bằng sự chết nghìn thu tan tác. Có còn được nghe niềm bình an ca hát Nơi vực thẳm lòng kiêu ngạo của tôi? Ôi ! Đức Khiêm Hạ trên cao vời Hãy nhỏ xuống lòng tôi, mấy giọt ân tình lòng thứ tha, thương xót một kiếp đời không chịu học Chúa Giê-su. (Tuyết Mai Texas) Chúa Giê-su luôn mời gọi chúng ta sống “hiền lành và khiêm nhượng” theo gương Ngài, không phải để chúng ta phải chết, nhưng là để chúng ta được vinh dự chết cái tôi kiêu hãnh, cái tôi mặt dày mặt dạn của mình, cái tôi khó từ bỏ của mình để sống cho người khác được sống; để chúng ta cất được những khó nhọc, những gánh nặng do làm nô lệ tính xác thịt của mình; và cuối cùng, là để tâm hồn chúng ta được bình an. Lạy Chúa Giê-su hiền lành khiêm nhượng trong lòng, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa, tin tưởng Chúa và học cùng Chúa sự hiền lành khiêm nhượng, để chúng con được thanh thản, bình an, hạnh phúc trong Chúa luôn. Amen. PM. Cao Huy Hoàng Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 04 tháng 07 Năm 2020 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật IV – Mùa Vọng Chúa Nhật III – Mùa Vọng Chúa Nhật II – Mùa Vọng Chúa Nhật I – Mùa Vọng Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên