OMI VIỆT NAM::Lặng và Cảm…..! Giới trẻ Lặng và Cảm…..! Maadi là một nơi có nhiều căn nhà cao tầng ở gần học viện Jaffna của chúng tôi. Mới thoáng nhìn, mọi người đều nghĩ đó là những chung cư cao cấp, sang trọng dành cho những người khá giả, vì dân trong vùng hay những người sống quanh đó chỉ ở trong những căn nhà lụp xụp, ọp ẹp. Nhưng thực ra, đó là những căn nhà xã hội do nhà nước cấp cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Tsunami năm 2007 đã qua. Người dân không nhà, không cửa, được đưa về đây sống tập trung trong khu “ổ chuột” này. Mỗi khu nhà xã hội có năm tầng, mười phòng. Và mỗi hộ gia đình được cấp cho một phòng tương đương 44 m2. 44 m2 này là tài sản của đại gia đình gồm nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cái, cháu, chắt, chít... Nơi đây có khoảng 110 hộ gia đình công giáo, họ trực thuộc giáo xứ chính toà. Điều đáng tiếc là rất hiếm khi có cha, thầy hay sơ đến thăm hỏi và đồng hành với họ. Chính vì vậy, mà dường như họ rất thờ ơ với việc giáo dục con cái về mặt văn hoá, tinh thần cũng như đạo đức. Chúng tôi những người Hiến Sĩ và T.O.R (2 Hiến Sĩ người Tamil, 1 Hiến Sĩ Việt Nam và 1 thầy T.O.R người Silhalese) được gởi đến Maadi để làm mục vụ cuối tuần. Và chính tại nơi đây có rất nhiều thứ làm tôi chết lặng…! Tuần đầu, khi chúng tôi đến thì lũ trẻ và mọi người hồ hởi, tụ tập trò chuyện và họ kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tôi chả hiểu gì, tôi chỉ nghe các em đi cùng thuật lại bằng tiếng anh. Tôi thương cho thân phận con người, tôi thương cho sự nhận thức quá non nớt của họ và tôi cảm thấy bùi ngùi vì “sự thiếu quan tâm, chăm sóc” của các vị chủ chăn. Tôi bắt nhịp vào cuộc sống thường ngày ở Maadi với những đứa trẻ từ 4-21 tuổi. Chúng thường hay tụ tập thành từng nhóm nhỏ để chơi bắn bi, trốn tìm, đuổi bướm hay thậm chí là chia phe để đánh nhau. Tôi hoà mình cùng những đứa trẻ để rượt bắt những con bướm bay lang thang giữa trưa nắng chói chang. Có lúc thì tôi lặng nhìn chúng bắn bi, tạt hình. Cũng có lúc tôi phải la hét “Stop, you should not do like that” vì chúng đánh nhau. Chỉ đơn giản vậy, là tôi có thể tụ tập được các em và chúng tôi có những trò sinh hoạt, những giờ đọc kinh mân côi (chỉ các em nhỏ từ 4-15 tuổi). Cuộc sống tưởng chừng như êm xuôi, nhưng thật sự đầy những trở ngại mà tôi không lường trước được. Mấy tuần đầu các em còn hớn hở, nhưng dần dà các em thấy bóng dáng của chúng tôi là các em chạy trốn biệt tăm. Trốn vì các em làm biếng học giáo lý và lần chuỗi. Thế là chúng tôi phải đạp xe rảo khắp mọi ngóc ngách để qui tụ các em. Cũng chính vì những lần rong rủi đó mà chúng tôi phát hiện được nhiều điều vượt quá sự suy nghĩ của mình. Người dân ở những khu nhà xã hội bị tách biệt bởi những người xung quanh đó. Chỉ đơn giản là vì hàng xóm của họ có đất và sở hữu những căn nhà dù là ọp ẹp, xiêu vẹo… Bạn không thể tưởng được, xung quanh những căn nhà xã hội là những cống thải đủ loại mùi, lại còn có những bãi rác mênh mông, ủ đầy mùi hôi thối. Cộng thêm vào đó là mùi nước tiểu nồng nặc vì những người đàn ông và trẻ em vô tư, tự nhiên xả thải vào những bức tường và những góc khuất. Tất cả các mùi hoà quyện vào nhau tạo nên một môi trường sống mang đẫm chất Maadi. Bạn cũng không thể tưởng được là có những bầy quạ sẵn sàng tấn công người nếu họ vô tình đi ngang qua trong lúc chúng tranh dành thức ăn. Và có lần tôi đã bị chúng tấn công khi đang chạy xe đạp vào làng… Maadi là một địa danh bao gồm những người sống trong khu nhà xã hội và những người lân cận đó. Dù công giáo hay không công giáo, hễ bạn sống trong những căn nhà xã hội đấy thì bạn thuộc tầng lớp nghèo, và bị “khinh”. Điều này thể hiện ở nhiều điểm nhưng thấy rõ nhất là việc họ đọc kinh mân côi mỗi tuần. Người dân ở các ngôi nhà xã hội tụ tập riêng và có một khu riêng cho họ để đọc kinh, lần chuỗi. Còn người dân xung quanh thì họ tập trung ở nhà một người dân nào đó, có khoảng không rộng hay có phòng khách to để cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện. Đức Mẹ của những người dân trong các ngôi nhà xã hội thì được trang hoàng bằng vài ngọn nến leo loét, còn Đức Mẹ của người dân quanh đó thì được trang hoàng bằng những ánh đèn màu lung linh. Con của họ thì có bánh qui, có bim bim để ăn, có kẹo để ngậm, có game trong điện thoại để chơi, còn con của những người dân trong các khu nhà xã hội thì nhai những cọng dây thun dẻo dẻo cho vui miệng, và chúng thường hay tụ tập để chơi các trò chơi dân gian: đuổi bướm, hái hoa, bắn chim... Chứng kiến cảnh này, nước mắt của tôi trào ra tự lúc nào tôi cũng chẳng hay. Chúng tôi, những người Hiến Sĩ, T.O.R là cầu nối giúp họ nhận ra giá trị tình thương của Thiên Chúa ở giữa họ. Bằng lối sống, bằng những nụ cười hiền hoà, chúng tôi đã giúp họ đến gần nhau hơn. Chúng tôi mặc dù là người Việt, người Tamil hay người Silhalese thì chúng tôi vẫn vui vẻ, hoà đồng làm việc, cộng tác với nhau. Chúng tôi chia sẻ với họ và chúng tôi mời gọi họ cùng đến để lần chuỗi dâng kính Đức Mẹ. Và chúng tôi đã làm được điều đó. Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong môi trường của những ngôi nhà xã hội thì chúng chẳng màng gì đến việc học văn hoá lẫn việc học giáo lý, vì cha mẹ chúng chỉ biết làm quần quật cả ngày để kiếm cái ăn, thì thời giờ đâu mà nghĩ đến chuỵên khuyên răn, bảo ban con cái phải học hành… Và đây là điều chúng tôi hằng trăn trở. Chúng tôi luôn nguỵên cầu và ước mong rằng: qua những lần sinh hoạt, những bài dạy và những lời động viên (của các thầy người Tamil) thì các em sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc học văn hóa và học nếp sống đạo đức để tự cố gắng mà vươn lên. Tôi không đủ kiến thức tiếng địa phương để động viên hay khuyến khích họ, và tôi cũng không thể dùng tiếng anh để nói chuyện với họ, chỉ đơn giản là vì hai hệ thống ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt, và ngôn ngữ cũng chính là thứ rào cản để tôi đi sâu vào hệ tư tưởng của người dân. Điều này cũng là một trở ngại lớn cho tôi trong việc mục vụ cuối tuần. Nhưng thực ra tôi luôn có Thiên Chúa đồng hành cùng và Thánh Thần của Người hướng dẫn tôi phải làm gì, và phải nói gì. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc tôi đồng hành, vui chơi cùng lũ trẻ. Chúng thể hiện chúng bằng ngôn ngữ của chúng, hành động của chúng, còn tôi thể hiện, biểu cảm bằng nét mặt, bằng hành động của riêng tôi. Và Thiên Chúa là Người nối kết các hành động để chúng tôi hiểu nhau hơn. Tôi biết dùng ngôn ngữ của những đứa trẻ, tôi biết dùng ngôn ngữ của tình thương để thể hiện cùng chúng. Và tôi học được rằng: ngôn ngữ của những đứa trẻ là không giận hờn, không thù oán, có chăng thì chỉ chốc lát rồi mọi chuyện cũng được hoà giải. Tôi không thể trực tiếp dùng ngôn ngữ của chúng để dạy giáo lý hay văn hóa cho chúng, nhưng bằng ngôn ngữ của tình thương, sự chân thành, các trò chơi sinh hoạt và cách sống, tôi đã cố gắng truyền đạt ý nghĩa sống và tinh thần Kitô giáo cho chúng. Bạn có biết! Nhiều lần lũ trẻ bao vây lấy tôi và người tôi bị ám đầy mùi “nước tiểu”, chỉ đơn giản là vì chúng “đái dầm”, và rồi mấy “thầy” đi chung hỏi: “sao người mày có mùi khai thế, sao mày không dùng nước hoa?”, tôi chỉ mỉm cười và bảo: “Chủ chiên thì phải thắm đẫm mùi chiên chứ sao.” Dần dà, các thầy đi chung hiểu được và bảo “nên tránh, đừng để lũ trẻ ôm bám lấy người mày.” Tôi cười và bảo: “Hãy để cho lũ trẻ đến với mình”. Chỉ trong những trường hợp cụ thể, những hoàn cảnh cụ thể thì tôi mới nhận ra được giá trị của KINH THÁNH, và đó là nguồn động lực giúp tôi sống và thực thi Lời Chúa cách sống động hơn. Giuse Anh Phương, OMI Viết từ Jaffna, Srilanka Ngày 05 tháng 11 Năm 2019 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Người Trẻ Hoạt Động Tông Đồ Hiến Sĩ Với Người Trẻ Ngày Hội Giới Trẻ Hiến Sĩ Lần IV – “Tiến Bước Trong Hy Vọng” Giới thiệu nhà Lưu Xá Sinh Viên - Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Lễ Mừng Thánh Bổn Mạng của Nhóm “Người Trẻ Sống Chứng Nhân” Nhóm Nắng Ấm Hội Nghị Online Của Giới Trẻ Hiến Sĩ Vùng Châu Á- Thái Bình Dương Ngày Hội Giới Trẻ Hiến Sĩ Lần 2 - 2019 Mời tham dự Ngày Hội Giới Trẻ Hiến Sĩ Lần II Cuộc gặp gỡ giới trẻ ở Lourdes trong cái nhìn hướng đến Thượng Hội Đồng Giám mục Lourdes