OMI VIỆT NAM::Linh Mục Người H’mông Đầu Tiên Của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Giáo Hội Việt Nam Linh Mục Người H’mông Đầu Tiên Của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Trong thời gian vừa qua, “chúng mình” cộng đồng người H’mông, rất mong chờ ngày được đón người linh mục mang tên Giuse Má A Cả, người con của cộng đồng H’mông, mang dòng máu người H’mông trở về dâng thánh lễ tạ ơn này. Từ nay, cha có thể giúp chúng con trình bày những ý nguyện của chúng con tới giáo phận nói riêng và Giáo hội Việt Nam nói chung Lm. Đình Thái, OMI Vào ngày 13.10.2021 vừa qua, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên - Giám quản Tông tòa Giáo phận Hưng Hóa đã long trọng đặt tay truyền chức linh mục cho 11 thầy phó tế tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, trong đó có thầy Giuse Má A Cả là người H’mông đầu tiên tại Việt Nam được lãnh nhận thiên chức linh mục cao quý này. Vậy là sau bao năm miệt mài truyền giáo cho anh em đồng bào H’mông, Giáo phận Hưng Hóa đã có được hoa trái đầu tiên trong cảm xúc vỡ òa. Đây là một niềm vui lớn lao không chỉ đối với Giáo phận Hưng Hóa nói riêng, mà còn là niềm vui của cả Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung. Và ngày 04.11.2021, trong tâm tình tri ân sâu sắc, Tân linh mục Giuse Má A Cả (Qiam Muas) đã trở về với quê hương của mình là chuẩn giáo xứ Hầu Thào, Sapa để dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, xin ơn bình an cho thân nhân và ân nhân xa gần. Tân linh mục Giuse Má A Cả sinh năm 1983, là người con thứ 3 trong gia đình có 13 người con (2 người được Chúa gọi về sớm) và là con trai cả trong 5 anh em trai. Ông bà cố là Giuse Má A Dình và Têrêsa Lồ Thị Sông, thuộc chuẩn xứ Hầu Thào. Cũng như biết bao người khác, Tân linh mục Giuse Má A Cả được sinh ra và lớn lên tại một bản làng H’mông nép mình dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với đỉnh núi Phanxipăng được mệnh danh là «nóc nhà Đông Dương». Bản làng H’mông của cha cùng với những bản làng của các dân tộc: Tày, Dao, Hà Nhì… đậm đà bản sắc văn hóa Tây Bắc đã làm nên một Sapa không chỉ là nơi gặp gỡ đất trời, mà còn là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau như: Công giáo, Tin Lành… Thật vậy, Sapa không chỉ là nơi gặp gỡ đất trời, mà còn là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, Thiên Chúa đoái thương phận hèn các tôi tớ Người. Điều đó được minh chứng cụ thể qua công cuộc truyền giáo của các vị Thừa Sai. Những hạt giống Tin Mừng được gieo trồng trong vùng đất Sapa ngày nào vẫn âm thầm mọc lên và tăng trưởng, vùng đất màu mỡ phì nhiêu này đã nuôi dưỡng và làm trổ sinh bao hạt giống đức tin. Chính tại vùng đất này, công sức và cả mạng sống của các vị Thừa sai đã làm trổ sinh những bông hạt tốt đẹp như của lễ dâng lên Thiên Chúa tình yêu. Mỗi năm, vùng Sapa đón nhận khoảng 120 - 150 anh chị em gia nhập đạo công giáo và bây giờ những hạt giống đó tiếp nối các vị thừa sai để “cõng” Tin mừng của Chúa đến với bà con của bản làng mình. Và như có người ví von rằng: “Như con ngựa con trâu nó chở ngô chở lúa từ các ruộng nương về với nhà mình thì các cha cũng chở “ơn Chúa” về từng nhà và nhất là người chở đó “nó” lại là cha thật của mình thì thích lắm, hạnh phúc lắm!” Nó là cha thật của chúng ta rồi. Nỗi khát khao có một linh mục người H’mông của bà con nơi đây rất lớn lao. Điều đó có thể thấy được trong lời cảm ơn của một vị đại diện cho đồng bào H’mông trong Thánh lễ Tạ ơn của Tân linh mục, ông nói: “Có lẽ cuộc đời người H’mông đã quen với cảnh núi rừng, ngày ngày trên nương trên đồi núi với thời tiết lạnh giá ở độ cao 3,143m. Chúng con rất quen thuộc với hình ảnh người vợ ngồi chờ người chồng say rượu bên vệ đường, để mong người chồng về nhà với gia đình, với vợ con. Trong thời gian vừa qua, “chúng mình” cộng đồng người H’mông, rất mong chờ ngày được đón người linh mục mang tên Giuse Má A Cả, người con của cộng đồng H’mông, mang dòng máu người H’mông trở về dâng thánh lễ tạ ơn này. Từ nay, cha có thể giúp chúng con trình bày những ý nguyện của chúng con tới giáo phận nói riêng và Giáo hội Việt Nam nói chung. Từ đây, chúng con có một người cha, một linh mục 100% người Mông, nói tiếng Mông, dâng lễ và giảng lễ bằng tiếng Mông. Từ nay, chúng con có thể tự hào và khoe với người khác là “dân tộc chúng mình cũng có linh mục rồi đấy nhé”. Xuất thân từ cộng đồng người H’mông, từ dòng họ Má là dòng họ lớn nhất trong vùng, Tân linh mục Giuse Má A Cả là hoa quả đầu mùa của núi rừng Tây Bắc, là niềm tự hào của anh em đồng bào dân tộc H’mông và là niềm hi vọng cho mầm non ơn gọi nơi miền sơn cước xinh đẹp này. Ước mong nhiều dòng họ H’mông khác cũng đóng góp cho quê hương, cho dân tộc mình những người con ưu tú của bản làng để làm sáng danh Chúa khắp núi rừng Tây Bắc bao la và nhất là ngay tại vùng Sapa yêu dấu này. Được biết vùng Sapa có khoảng 4.350 giáo dân với 841gia đình trong đó 90% là sắc tộc H’mông, chiếm khoảng 20% trong giáo phận. Giáo họ Hầu Thào được hình thành từ năm 1926, ban đầu gồm có 4 dòng họ chính của những người H’mông tại thôn Hang Đá, đến nay đã có 10 dòng họ đón nhận đức tin công giáo, đó là: Họ Má, họ Giàng, họ Lồ, họ Thào, họ Tận, họ Châu, họ Lý, họ Vàng, họ Sùng và họ Hạng. Tên của các dòng họ này đã được lưu lại trên quả chuông hiện tại được đúc vào năm 2014. Chuẩn xứ Hầu Thào được tách ra từ Giáo xứ Sapa và được Đức Giám mục Gioan Maria Vũ Tất thiết lập ngày 14.09.2019, với trụ sở chính tại thôn Hang Đá, xã Mường Hoa, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai. Hiện nay chuẩn xứ Hầu Thào gồm có 5 giáo họ và giáo điểm với tổng số giáo dân là 1.085 người. Giáo xứ Sapa với bề dày lịch sử 119 năm hiện diện và đồng hành với các bản làng dân tộc thiểu số, là nơi bồng lai tiên cảnh bậc nhất nhì của Việt Nam. Cùng với năm tháng, ơn gọi trong cộng đồng sắc tộc H’mông tại Giáo phận Hưng Hóa đang có nhiều tiến triển tốt đẹp với một linh mục, 9 thầy Đại chủng sinh và 3 thầy tiền chủng viện. Tại Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa hiện nay cũng đã có một số ơn gọi thuộc dân tộc H’mông; cụ thể có 2 nữ tu, tập sinh và 5 ứng viên trong giai đoạn thanh tuyển, và một tập sinh ở dòng khác. Đó là tin vui của Giáo phận Hưng Hóa cũng là tín hiệu khởi sắc ơn gọi tu trì trong cộng đồng người H’mông. Riêng dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) có 3 tu sĩ người H’mông, trong đó: 1 thầy đã học xong thần học, 1 thầy đang học triết năm 1 và 1 linh mục ở Pháp. Hy vọng trong vài ba năm tới, nhà dòng sẽ có thêm linh mục là người “chính Mông” như lời một người giáo dân đã nói. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 25.000 người dân tộc H’mông theo đạo Công giáo, trong đó Giáo phận Hưng Hóa có khoảng 20.000 người. Ước mong trong tương lai không xa, sẽ có thêm nhiều anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số nghe được tiếng Chúa gọi và sẵn sàng can đảm đáp trả lại lời mời gọi của Chúa để phục vụ cho sắc tộc của mình và để Tin Mừng được thấm nhập vào nền văn hóa bản địa. Xin Thiên Chúa chúc lành cho đồng bào dân tộc H’mông và cho công cuộc loan báo Tin mừng nơi vùng ngoại biên xa xôi này đang hứa hẹn sẽ được những mùa gặt bội thu. Lm. Đình Thái, OMI Ngày 07 tháng 11 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan BỔ NHIỆM GIÁM MỤC CHÍNH TÒA GIÁO PHẬN NHA TRANG Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng Sinh 2022 Bổ nhiệm Giám mục giáo phận Thái Bình Thư Chung năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam – Về Giáo hội hiệp hành Bổ Nhiệm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Nha Trang Ủy ban Giáo lý Đức Tin: Thông cáo về “Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc” BỔ NHIỆM GIÁM MỤC CHÍNH TÒA GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG Bổ Nhiệm Giám Mục Phó Giáo Phận Bắc Ninh Cha Giuse Má A Cả : Linh mục đầu tiên người H’mong tại Việt Nam