OMI VIỆT NAM::Phỏng vấn Đức Hồng Y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, I.V.D. Giáo Hội Hoàn Vũ Phỏng vấn Đức Hồng Y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, I.V.D. Đức Hồng Y Louis-Marie Ling không xa lạ gì với các Hiến sĩ. Ngài sinh ở Ban Na Louang, ngôi làng của người dân tộc thiểu số Kmhmu, một dân tộc mà các Hiến sĩ chỉ vừa bắt đầu loan báo Tin Mừng cho họ. Ngài được các Hiến sĩ ở Xiêng Khoảng rửa tội và dạy dỗ. Các linh mục mà ngài quen biết khi còn nhỏ là các nhà truyền giáo Hiến sĩ đến từ Pháp. Vào Chúa nhật, ngày 21 tháng 5 năm 2017- Lễ Thánh Mai Thiên Lộc- Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm chúng ta ngạc nhiên khi thông báo việc tấn phong 5 vị tân Hồng Y “ ngoại thường”. Một trong đó là Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, ngài là một trong 3 Giám mục của Lào. Đức Hồng Y Louis-Marie Ling không xa lạ gì với các Hiến sĩ. Ngài sinh ở Ban Na Louang, ngôi làng của người dân tộc thiểu số Kmhmu, một dân tộc mà các Hiến sĩ chỉ vừa bắt đầu loan báo Tin Mừng cho họ. Ngài được các Hiến sĩ ở Xiêng Khoảng rửa tội và dạy dỗ. Các linh mục mà ngài quen biết khi còn nhỏ là các nhà truyền giáo Hiến sĩ đến từ Pháp. Kính thưa Đức Hồng Y ! Phản ứng đầu tiên của ngài là gì khi nghe tin ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn làm Hồng Y ? Tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi nghe tin đó. Thậm chí ngay cả lúc được bổ nhiệm làm Giám mục, tôi cũng rất ngạc nhiên, vì tôi xác định sẽ phục vụ cả đời như một linh mục chứ không phải là một giám mục. Tuy nhiên, bạn không thể từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa để phục vụ. Thế nên, lời mời gọi trở thành Hồng Y thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn. Có người gọi điện thoại cho tôi và nói: "Xin chúc mừng Đức Cha, ngài đã được Đức Giáo hoàng chọn làm Hồng Y!". Tôi nói: “Tôi không tin đâu”. Tôi nghĩ người đó đang đùa. Tuy nhiên, ngay sau cuộc gọi đầu tiên có nhiều cuộc gọi khác và lúc đó, tôi nghĩ "Có thể điều này là thật." Sau đó, tôi đi kiểm tra Internet để xem liệu đó có thực sự là tôi và tôi đã tìm thấy tên của mình ở đó. Hôm sau, Sứ Thần Tòa Thánh (Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam, Đặc phái Tòa Thánh tại Lào) và một vị ở Bộ Truyền Giáo cũng gọi điện chúc mừng. Đức Cha nghĩ vì sao Đức Giáo Hoàng chọn ngài làm Hồng Y ? Tôi nghĩ rằng Đức giáo hoàng có một cách làm việc thú vị. Không phải vậy sao? Khi chúng tôi gặp Đức Thánh Cha trong chuyến thăm Ad Limina (chuyến đi viếng mộ Hai Thánh Tông đồ và yết kiến Đức Thánh Cha của các giám mục) vào tháng Giêng, ngài nhấn mạnh vào chiều kích truyền giáo của Giáo Hội. Ngài cũng nói về tầm quan trọng của việc đặt người nghèo lên hàng đầu. Ngài nói: "Cha muốn thấy Giáo hội ở ngoại vi, một Giáo hội của người nghèo và một Giáo hội truyền giáo". Vì vậy, tôi nghĩ đây là một sự công nhận cho Giáo hội Lào là một Giáo hội truyền giáo và chủ yếu bao gồm người nghèo. Ngài thuộc về Tu Hội Voluntas Dei, Tu hội được thành lập bởi một Hiến sĩ, Cha Louis-Marie PARENT. Hơn nữa, cả cuộc đời ngài đã sống với các Hiến sĩ. Vậy các Hiến sĩ đã góp điều gì cho đời sống của ngài? Cha biết đó, tôi luôn luôn ở với các Hiến sĩ. Kể từ khi được rửa tội, luôn có một Hiến sĩ trong cuộc sống của tôi. Trong số họ, một vài vị đã được phong Chân Phước. Chân Phước Wauthier là cha xứ của tôi và nhiều người khác nữa đã đào tạo và huấn luyện tôi. Di sản tâm linh và tinh thần phục vụ của tôi có được là do các ngài. Tóm lại, tôi nhận được rất nhiều từ sự hiện diện của các Hiến sĩ ở Lào. Ngoài ra, Đức Giám mục Etienne LOOSDREGT OMI đã gửi tôi đến Canada để tham gia Voluntas Dei. Thực tế, tôi là người đầu tiên được ngài gửi đi gia nhập Tu Hội. Trước đó, có một số người được gửi đi Pháp để tìm hiểu ơn gọi trong Dòng Hiến sĩ. Tôi cũng có rất nhiều kỉ niệm rất đẹp với Đức Giám Mục. Ngài thực sự yêu mến người nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Chính tôi cũng thuộc về một cộng đoàn người dân tộc thiểu số nghèo. Việc ngài chọn tôi gửi đi Canada là một điều gì đó rất đặc biệt. Tôi hạnh phúc vì tôi có thể trở thành người mà ngài muốn. Đặc điểm chính mà Đức Cha đã thấy trong các nhà truyền giáo Hiến sĩ đó là gì ? Điểm chính yếu là các Hiến sĩ yêu mến dân tộc chúng tôi. Các vị ấy đã sẵn sàng học hỏi các truyền thống, văn hóa và ngôn ngữ của chúng tôi. Nếu một người không yêu mến chắc chắn sẽ không bao giờ tự nguyện làm điều đó. Các ngài đã từ bỏ chính mình vì dân tộc này và thực sự dân tộc tôi rất quý trọng sự hi sinh đó. Tôi nhớ rằng tôi không khi nào có khả năng trả học phí của mình. Do đó, các linh mục giáo xứ của tôi đã quan tâm đến điều đó. Các cha Jean WAUTHIER, Jean SUBRA, Henri DELCROS và André HEBTING (cha vẫn đang sống ở Pháp), tất cả các vị ấy đã giúp tôi. Tôi nghĩ rằng việc loan truyền Tin Mừng không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính chứng tá đời sống của chính mình. “LÀ” thì quan trọng hơn là “LÀM”. Những vị truyền giáo này là những ví dụ rất hay về điều đó. Tôi luôn tự hỏi mình "Tại sao họ làm tất cả những điều này?" Nhưng sau một thời gian tôi tự nói với bản thân mình "mình phải làm như vậy". Những gì các nhà truyền giáo đã làm cho tôi, giúp tôi nhận thức rằng tôi phải phục vụ người khác. Cha có thể chia sẻ một trong những trải nghiệm khó quên của cha như một linh mục hay một giám mục không ? Năm 1975, các nhà truyền giáo nước ngoài được yêu cầu rời khỏi đất nước. Vào lúc đó, tôi mới lãnh nhận tác vụ linh mục được 3 năm. Khi tôi biết điều đó, tôi cảm thấy như bị bỏ lại một mình. Cha Subra, cha xứ của tôi đã nói với tôi rằng "Không, cha không đơn độc, có Đức giám mục ở với cha". Tuy nhiên, trong thực tế, tôi phải ở một mình trên núi, tôi đã cố gắng trở lại Viêng Chăn nhưng Đức cha đã yêu cầu tôi đợi, vì còn quá nguy hiểm. Tôi đợi 11 năm (cười)! Con cũng đã nghe nói về sự kiện kịch tính đó, nơi Đức Cha đã sống sót, trong khi những người khác ở cùng Đức Cha đã bị giết. Tôi nghĩ là tôi đã mất một cơ hội tuyệt vời để được phong Chân phước tử đạo (cười). Chỉ sau lễ Phục Sinh năm 1970, nếu tôi nhớ không lầm, tôi vẫn còn là phó tế và bề trên của tôi yêu cầu tôi giảng tĩnh tâm cho một làng gọi là Ban Na Phong, phía đông bắc của Vang Vieng. Sau kì tĩnh tâm, tôi phải đến Den Dine, một ngôi làng mới theo đạo cách đây chưa đầy một năm. Hai Giáo lý viên Luc Sy và Maisam Phô Inpèng đã đi cùng tôi. Vì vậy, cả ba chúng tôi cùng đi và đã hoàn tất sứ vụ của mình. Chúng tôi đã nghỉ đêm ở đó và ngày hôm sau, khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi muốn trở lại Vang Vieng. Do không có phương tiện di chuyển nên chúng tôi đi nhờ xe tải của quân đội. Mới đi không xa ngôi làng chúng tôi đã ở, có thể chỉ hai cây số, chúng tôi bị phục kích. Chúng tôi có khoảng mười bốn người và bảy hoặc tám người đã thiệt mạng. Luc Sy và Maisam chết tại nơi đó. Cả hai đều đã được tuyên Chân Phước. Một cách nào đó, tôi đã chạy thoát được đến ngôi làng và sau đó trở lại tìm kiếm bạn bè của tôi. Sau đó, theo chỉ thị của quân đội, chúng tôi chôn họ bên cạnh đường mà không có quan tài, mặc dù chúng tôi muốn chôn cất họ trong làng. Sau đó, tôi có một thử thách khác là thông báo tin buồn này cho gia đình họ. Đó thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Tôi sẽ không bao giờ quên sự việc đó. Với tất cả những kinh nghiệm khủng khiếp đó, ngài đã quyết định trở thành một linh mục ? Cha biết đấy, không phải tôi là một người không sợ hãi. Nói thật, tôi vẫn còn do dự. Tôi đã hoàn thành năm thực tập mục vụ đầu tiên và tôi không hài lòng với bản thân. Vì vậy, tôi xin thêm vài năm nữa và được chấp thuận. Tôi đã cầu nguyện ít nhất 7 năm để chắc chắn về những gì tôi muốn trở thành trong đời sống. Đó thực sự là sự kiện mà tôi đã kể lại trước đây, nhưng khi hai người bạn của tôi bị giết, điều đó đã làm tôi thay đổi. Vào thời điểm đó, khi một mình tôi trong nơi ẩn nấp, nhưng vẫn bị bao vây bởi những tay súng, một cái gì đó " đụng chạm " trái tim tôi. Tôi bắt đầu suy nghĩ. Tại sao tôi sống sót? Thiên Chúa đã làm cho tôi nhận ra rằng Ngài muốn tôi phục vụ dân Ngài một cách đặc biệt. Tôi tự nói với mình: "Từ bây giờ, tôi sẽ trở thành một linh mục" Đó là quyết định đầu tiên và cuối cùng của tôi mà tôi quyết định để trở thành một linh mục, tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa đã gọi tôi để trở thành linh mục.Điều thú vị là quyết định đó đến như hoa trái của một khoảnh khắc đáng sợ nhất trong cuộc đời của tôi. Ngài có kinh nghiệm cá nhân nào với người Sáng lập Tu Hội Voluntas Dei (IVD), cha Louis-Marie Parent không ? Cha biết tôi khi tôi ở trong tiểu chủng viện tại Paksan, Lào, bởi vì cha đã đến thăm nơi này rất nhiều lần.Trước tiên, vào thời điểm đó,tôi là người duy nhất nói tiếng Pháp tốt. Do vậy, điều này giúp tôi có mối quan liên hệ tốt hơn với cha Parent. Tôi nghĩ cha coi tôi là một cậu bé đặc biệt hoạt bát và năng động. Cha luôn gọi tôi là "TI LOUIS" bằng tiếng Pháp, có nghĩa là "chú bé Louis", chỉ tới khi tôi được tấn phong làm giám mục, cha nói: "Không, bây giờ tôi phải thay đổi.". Tôi nói: "Không, không có vấn đề gì, con luôn luôn là ' chú bé Louis'" của cha. Đức cha đã là Giám quản Tông Tòa của Paksé từ tháng 10 năm 2000. Tháng 2 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám quản Tông tòa của Vientiane.Và bây giờ ngài cũng là Hồng y, vậy ngài có kế hoạch đặc biệt nào cho Giáo hội địa phương ở Lào không? Không, tôi nghĩ rằng tôi sẽ tiếp tục theo cách tôi đã làm từ trước cho đến nay. Tuy nhiên, tôi xác định sẽ chú trọng tới vấn đề ơn gọi. Đặc biệt ở Viêng Chăn, chúng tôi phải bắt đầu từ số không. Tôi cũng nghĩ đến việc đào tạo một ai đó để kế thừa tôi. Đó là hai điều tôi sẽ tập trung làm ngay từ bây giờ. Là một người bạn tốt của Hiến sĩ, ngài có muốn nhắn gửi điều gì tới các Hiến Sĩ ? Trước hết, Hiến sĩ phải là Hiến sĩ, có nghĩa là một Hiến sĩ thực sự theo nghĩa của từ này. Trong một cuốn bách khoa toàn thư tiếng Pháp vào cuối thế kỷ 19, các Hiến sĩ được định nghĩa là "Jésuites des campagnes" hay gọi là "Các cha dòng Tên miền quê", họ đi đến các vùng ngoại vi, tôi nghĩ đó là đặc tính của họ, ví dụ, tôi đã thấy ở Thái Lan rất nhiều Hiến sĩ đang vươn tới người nghèo, những người bị người khác lãng quên và bỏ rơi. Đó là đặc tính của các bạn. Thế nên, đó là lý do tại sao tôi nói, Hiến sĩ hãy là Hiến sĩ. (Cha Shanil Jayawardena OMI phỏng vấn Đức Hồng Y tại Roma) Nguồn omiworld.org Chuyển ngữ: Trần Lý Huỳnh, OMI Ngày 25 tháng 07 Năm 2017 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 62 Sứ Điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha: Chúng Ta Hãy Cùng Nhau Bước Đi Trong Hy Vọng Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Việc Chăm Sóc Thụ Tạo Năm 2023 Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ Thư của Đức Thánh Cha gửi cho Tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 109 năm 2023 - Tự do chọn lựa di cư hay ở lại Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2023 SỨ ĐIỆP PHỤC SINH URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA, NĂM 2023: ĐẤNG HẰNG SỐNG Ở VỚI CHÚNG TA MÃI MÃI Thánh Lễ Truyền Dầu: Đức Chúa đã xức dần tấn phong tôi Sứ điệp Mùa Chay năm 2023 của Đức Thánh Cha Phanxicô