OMI VIỆT NAM::Strasbourg, 40 Ngày Của Niềm Vui Và Hy Vọng Cộng đoàn học viện Strasbourg, 40 Ngày Của Niềm Vui Và Hy Vọng Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam đã bị “đóng băng” trong một thời gian khá dài. Rất nhiều người Việt Nam, vì nhiều lý do khác nhau, đã bị kẹt lại ở nước ngoài và đang phải đối diện với vô vàn khó khăn. Mặc dù các Đại sứ quán Việt Nam ở hải ngoại đã cố gắng tổ chức các “chuyến bay giải cứu” đưa công dân về nước, nhưng rõ ràng tần suất của các chuyến bay này là quá ít, không thể đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân. Nhiều người đã đăng kí với các cơ quan Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài liên tục nhiều tháng liền với các lý do vô cùng khẩn thiết, mà vẫn chưa một lần được điền tên vào danh sách được tham gia chuyến bay. Bản thân tôi cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Sau khi hoàn thành chương trình học của mình tại Học viện Hiến sĩ quốc tế Roma, tôi cũng đã mòn mỏi chờ đợi chuyến bay để trở về Sứ Vụ Việt Nam. Sau nhiều tháng chờ đợi mà không có kết quả, cộng với việc tôi đã hết “biên chế” tại học viện Roma, cuối cùng các bề trên đã quyết định gửi tôi đến “tạm trú” một thời gian tại một cộng đoàn Hiến sĩ ở Strasbourg - Pháp, nơi có sự hiện diện của cha Đại diện giám tỉnh kính yêu, Roland Jacques và cha Vincent Lê Phú Hải, người anh cả của các Hiến Sĩ Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của cha Vincent, hai trong số các lớp tập viện đầu tiên của sứ vụ Việt Nam đã diễn ra tại cộng đoàn này. Vì vậy, tôi rất phấn khích khi nghe tin mình sẽ được gửi đến đây. Tôi đã sống ở đó từ ngày 12 tháng 9 cho đến khi tìm được cơ hội trở về Việt Nam, vào thứ sáu ngày 22/10, đúng vào ngày mà Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn là ngày toàn quốc giữ chay (như thứ sáu Tuần thánh) để cầu nguyện cho đại dịch Covid mau qua. Biến cố này làm tôi liên tưởng đến 40 ngày của Mùa chay thánh, và một cách tình cờ, 40 ngày cũng là thời gian mà tôi đã lưu trú tại cộng đoàn hiến sĩ Strasbourg. Chính sự trùng hợp này đã thôi thúc tôi dành ra một chút thời gian để suy tư về biến cố này. Và tôi đã tìm thấy một vài điều thú vị cho riêng bản thân mình. Như chúng ta đã biết, con số 40 là một con số mang tính biểu tượng, rất quen thuộc trong Kinh Thánh. Biến cố đầu tiên liên quan đến con số 40 đó chính là câu chuyện về ông Nô-ê và trận đại hồng thủy, trời mưa ròng rã 40 đêm ngày (x. St 8,6); sau khi ký kết giao ước trên Núi Xi-nai, ông Mô-sê đã ở trên núi với Thiên Chúa 40 đêm ngày (x. Xh 24,18); dân Israel đã đi trong sa mạc 40 năm, họ đã đến và đóng trại tại vùng sa mạc phía nam, cận kề với Đất Hứa; theo lời Đức Chúa, ông Môsê đã sai người đi do thám đất Canaan (x. Ds 13,1), và họ đã hoàn tất công việc này sau 40 ngày (x. Ds 13,25); khi ngôn sứ Ê-li-a bị hoàng hậu Izebel cho người tìm giết, ông đã chạy trốn, đi suốt 40 ngày đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa (x. 1V 19,8); tiên tri Giôna đã cho dân thành Ninivê thời hạn 40 ngày để ăn năn sám hối (x. Giona 3,4). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu trước khi chính thức bắt đầu sứ vụ công khai, Người đã ăn chay 40 ngày đêm và sau đó chịu cám dỗ trong sa mạc (x. Mt 4,1-11); sau khi từ cõi chết sống lại Người đã hiện ra và nói chuyện nhiều lần với các tông đồ trong 40 ngày trước khi về Nước Thiên Chúa (x. Cv 1,3)... Bốn mươi ngày hay bốn mươi năm, đó là khoảng thời gian của thử thách, của thiếu thốn, thời gian của sự phấn đấu, kiên nhẫn và mong chờ. Thật vậy, mỗi sự kiện liên quan đến con số 40 đều mang một ý nghĩa quan trọng nhất định nào đó. Thời gian 40 ngày đại hồng thủy được xem như là thời gian thanh tẩy tâm hồn, 40 ngày Mosê trên núi Sinai là thời gian tìm kiếm Lời ban sự sống, 40 ngày tiên tri Giona dành cho dân thành Ninive là thời gian sám hối, 40 ngày Chúa Giêsu trong hoang mạc là thời gian chay tịnh và cầu nguyện v.v… Như vậy, tôi nghĩ rằng 40 ngày “lưu lạc” của tôi tại Strasbourg chắc chắn cũng hàm chứa một ý nghĩa quan trọng nào đó. Và tôi đã khám phá ra rằng, đó chính là thời gian của niềm vui và hy vọng. Tôi cảm thấy vui mừng vì những gì mà tôi đã nhìn thấy tại Strasbourg, và hy vọng về một sứ vụ của mình trong tương lai. Tôi đã nhìn thấy một cộng đoàn truyền giáo thầm lặng tại nhà OMI Strasbourg. Cộng đoàn này là nơi các Hiến Sĩ lớn tuổi trở về nghỉ ngơi sau thời gian dài phục vụ Hội dòng, phục vụ Giáo hội. Cộng đoàn hiện tại có tổng cộng 15 Hiến Sĩ, trong đó 13 linh mục và 2 tu huynh, người trẻ tuổi nhất là cha Vincent Lê Phú Hải (65 tuổi), người cao tuổi nhất là cha Vincent Igoa (94 tuổi). Khi nói đến nhà hưu dưỡng, có lẽ chúng ta đều nghĩ rằng đó là nơi của những con người bị gạt ra bên lề xã hội, là nơi của những “ông già” với cuộc sống buồn chán, tẻ nhạt. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Cộng đoàn Hiến Sĩ ở Strasbourg hoàn toàn không phải như vậy. Những gì tôi nhìn thấy và cảm nghiệm chỉ ra rằng, họ vẫn đang là những người anh hùng truyền giáo đích thực. Cuộc sống của họ vẫn phản ánh chính xác những nét linh đạo đặc trưng của người Hiến Sĩ. Họ trở về từ nhiều vùng truyền giáo với nhiều công việc mục vụ khác nhau và họ vẫn tiếp tục “dõi bước theo chân Đức Kitô” với “lòng nhiệt thành, để mưu cầu làm vinh danh Chúa, phụng sự Giáo hội và thánh hóa tha nhân” (Lời nói đầu của Hiến pháp & Luật dòng). Sự dâng hiến của người Hiến Sĩ là trọn vẹn tất cả con người mình, cho đến hơi thở cuối cùng. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong thông điệp nhân ngày Thế giới ông bà và người cao tuổi lần thứ nhất vào 25 tháng 7 năm 2021, nói rằng: “Không có tuổi hưu đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng”[1]. Thật vậy, đối với các Hiến Sĩ, nhà hưu dưỡng không phải dấu chấm hết cho sự dâng hiến của họ dành cho Thiên Chúa. Mặc cho những đau đớn bệnh tật (nhiều người trong số họ mỗi ngày uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm), họ vẫn trung thành với các giờ kinh nguyện mỗi ngày. Các giờ phụng vụ diễn ra sốt sắng với sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể. Các Hiến Sĩ già tại cộng đoàn Strasbourg là những người rất yêu mến Giáo hội, cuộc sống của họ hòa nhịp theo từng hơi thở của Giáo hội. Một buổi chầu Thánh Thể trọng thể đã được cử hành để cầu nguyện cho Giáo hội (ngay sau khi họ đón nhận tin tức về một báo cáo, trong đó cáo buộc tệ nạn lạm dụng tình dục của các giáo sĩ trong Giáo hội Pháp), hay các cử hành phụng vụ đặc biệt để cầu nguyện cho công tác truyền giáo của Giáo hội, etc. Hay như cha Nobert, trong các giờ cơm, vẫn thường bàn luận về những căng thẳng đang diễn ra giữa các Hiến Sĩ tại Cameroon với những người hồi giáo địa phương xung quanh việc các học sinh theo học tại trường trung học “Collège de Mazenod” phải đeo huy hiệu (trên đó có hình thánh giá). Ngôi trường này tọa lạc tại thành phố Ngaoundéré do Đức Cha Yves Plumey OMI, cựu Tổng giám mục của Garoua, thành lập vào năm 1954. Đức Giáo hoàng Benedicto XVI trong chuyến viếng thăm nhà hưu “Viva gli anziani” vào ngày 2/11/2012, đã nói rằng: “Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, giúp nó theo cách có lẽ còn sâu xa hơn là thói hoạt động của biết bao người”[2]. Có thể nói rằng, các Hiến Sĩ về hưu vẫn đang đồng hành cùng với Hội dòng và Giáo hội. Là những người con của thánh Mai Thiên Lộc, Giáo hội và Chúa Kitô cũng là hai thực tại không thể tách rời trong tư tưởng của các Hiến Sĩ “về hưu” này. Tuổi già và bệnh tật không thể tách họ ra khỏi lòng yêu mến Chúa Kitô và yêu mến Giáo hội. Họ đang sống những điều mà cha thánh Mai Thiên Lộc, trong thư mục vụ năm 1860, đã viết: “Làm thế nào có thể tách tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giê-su Ki-tô khỏi tình yêu chúng ta dành cho Giáo hội của Người? Hai tình yêu này hòa trộn vào nhau: yêu Giáo hội là yêu Chúa Giêsu Kitô và ngược lại. Chúa Giê-su Ki-tô được yêu mến trong Giáo hội của Người vì Giáo hội là cô dâu vô nhiễm nguyên tội của Người, khai sinh từ cạnh sườn mở rộng của Người trên Thập tự giá”[3]. Lòng nhiệt thành tông đồ ở những con người này thật mạnh mẽ. Cha Roland Jacques, ở tuổi 78 vẫn đang miệt mài phục vụ Giáo hội với rất nhiều công việc khác nhau. Đối với cha ấy, một ngày 24 tiếng là không đủ để làm việc. Tôi rất khâm phục sự hy sinh tận tụy mà ngài đã dành cho sứ vụ Việt Nam. Lòng yêu mến Chúa Kitô, yêu mến Giáo hội thúc đẩy người Hiến Sĩ hướng đến phục vụ tha nhân. Cha bề trên cộng đoàn Albert và cha quản lý Gerard vừa chăm lo đời sống và sức khỏe của các cha trong cộng đoàn, vừa đi lại thăm nom những người đang được điều trị tại bệnh viện. Cha Vincent Lê Phú Hải, ngoài mục vụ cho cộng đồng người Việt tại Strasbourg và các vùng lân cận, còn mục vụ tại một trung tâm chăm sóc người già trong thành phố. Tôi còn nhìn thấy nơi đây một đời sống cộng đoàn trong tình huynh đệ, sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Tôi nhớ hình ảnh cha François mang từng tách cà phê đến phục vụ cho mọi người sau mỗi bữa cơm, và cha nhớ rõ thói quen của từng người, ai thích uống với đường và ai không. Tôi nhớ hình ảnh cha Vincent (94 tuổi), người hay tìm cách chọc ghẹo tôi với chiếc xe đẩy (hỗ trợ việc di chuyển) của cha mỗi khi tôi đi ngang qua ngài. Tất cả họ đều sống một cuộc sống rất đơn sơ với niềm vui và nụ cười trên môi. Bên cạnh những điều này, tôi còn bắt gặp nơi các Hiến Sĩ nhà Strasbourg một tình yêu đặc biệt dành cho Đức Maria, người vừa là mẹ vừa là mẫu gương cho sự dâng hiến của tất cả các Hiến Sĩ. Cha Gaby và một số cha khác nữa thường đi dạo xung quanh vườn nhà mỗi buổi chiều với tràng hạt trong tay. Mỗi khi mang cơm lên phòng cho thầy Paul (92 tuổi), tôi thấy trong tay thầy lúc nào cũng có tràng hạt mân côi, cho dù lúc ngài nằm trên giường hay lúc thầy ngồi trên ghế. Rồi một lần khác, khi tôi có dịp ghé thăm thầy Giuse (88 tuổi) đang được điều trị tại bệnh viện với đủ thứ bệnh tật trong người, một hình ảnh đã gây ấn tượng mạnh cho tôi: thầy ngồi trên ghế với đủ thứ dụng cụ y khoa treo xung quanh mình, và trên cái bàn nhỏ trước mặt thầy chỉ có duy nhất tràng hạt mân côi. Khi thầy trò chuyện với chúng tôi, trên môi thầy vẫn nở nụ cười. Lòng trông cậy vào Chúa và đức tin mạnh mẽ của thầy khiến tôi cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Tất cả họ, mỗi người là một chứng nhân cho tinh thần dâng hiến của người Hiến Sĩ. Đức Phaolô VI đã viết trong Evangelii nuntiandi: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng” (n. 41). Bằng đời sống và lời cầu nguyện, bằng những hy sinh và đau khổ mà các Hiến Sĩ lớn tuổi đang chịu, họ là những nhân chứng hùng hồn và là những người thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ. Xin cảm ơn tất cả các cha rất nhiều. Các cha đã đón tiếp tôi như một thành viên trong gia đình. Sự khác biệt về ngôn ngữ đã không làm chúng ta quá xa cách nhau bởi vì tình yêu có tiếng nói riêng của nó. Tôi còn nhìn thấy ở Strasbourg một cộng đoàn công giáo người Việt năng động. Trong thời gian lưu trú tại đây, tôi đã có dịp tham dự vào một số sinh hoạt của bà con giáo dân Việt Nam tại thành phố Strasbourg và các vùng lân cận. Đây là một cộng đoàn rất năng động, được tổ chức một cách nề nếp và vẫn giữ được những giá trị truyền thống của người Việt Nam. Các sinh hoạt chung định kì, các dịp lễ giỗ, lễ an táng, hay các buổi đọc kinh cầu nguyện cho người mới qua đời .v.v… thường diễn ra với khá đông người tham dự, trong số đó nhiều người phải đi xa hàng trăm cây số. Đây chính là môi trường cần thiết để góp phần làm cho đời sống đức tin được nuôi dưỡng và tăng trưởng hơn. Đức tin vừa mang chiều kích cá nhân vừa mang chiều kích cộng đoàn. Đức tin là lời đáp trả cá nhân, nhưng nó sinh sôi và phát triển nhờ cộng đoàn. Tôi cũng vui mừng vì được gặp gỡ những người thợ Tin mừng lành nghề, nhiệt thành đang đồng hành với họ, trong đó phải kể đến sự hiện diện đông đảo của các nữ tu Mến thánh giá Huế với các việc mục vụ đa dạng trong giáo phận. Giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân sống gần gũi với nhau, trong tình thân thương và nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin. Phải thừa nhận rằng, sau 6 năm học tập ở Roma, đây là khoảng thời gian mà tôi cảm thấy mình như đang sống trên chính quê hương vậy. Bên cạnh những niềm vui này, trong tôi cũng còn đọng lại những điều băn khoăn. Tôi không có ý nói đến một sự thiếu sót, nhưng tôi nghĩ rằng trong công tác mục vụ, chúng ta cần phải chú ý hướng đến việc xây dựng một đời sống đức tin vượt qua khuôn khổ của các hình thức sinh hoạt cộng đồng. Không thể phủ nhận vai trò và giá trị của các sinh hoạt cộng đoàn, nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó thì là chưa đủ. Mỗi cá nhân cần đạt đến sự trưởng thành trong đời sống đức tin, cái sẽ giúp họ đối mặt với những thách đố trong đời sống hàng ngày, hay trong việc giải quyết các xung đột giữa vợ chồng con cái trong đời sống gia đình. Một điều khác cũng làm tôi suy nghĩ đó là tình trạng các bạn trẻ trong các gia đình Việt Nam cũng bắt đầu rời bỏ nhà thờ giống như giới trẻ phương tây. Chắc hẳn, những ai từng mục vụ cho các gia đình Việt Nam ở hải ngoại không ít hơn một lần đã nhận được câu hỏi: “Cha ơi, con phải làm sao để cho con của con chịu đến nhà thờ?” Thật vậy, cho dù các bậc cha mẹ là những người vô cùng siêng năng và đạo đức, họ cũng không thể kéo nổi con cái họ đến với nhà Chúa. Một thực trạng đáng để chúng ta quan tâm. Khi tham dự lễ các thánh Tử đạo Việt Nam tại cộng đoàn Colma (17/10), cha chủ tế, cũng là cha tuyên úy của cộng đoàn có nhắc đến câu nói nổi tiếng của giáo phụ Tertulliano: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”. Ngay lúc ấy, trong tôi nảy sinh một suy nghĩ: Thật vậy, các tiền nhân đã hy sinh và để lại cho chúng ta một di sản đức tin to lớn. Vậy thì thế hệ tương lai sẽ phán xét mỗi người chúng ta hôm nay, những người đang hưởng quả ngọt mà các vị tiền nhân gieo trồng. Chúng ta đã làm gì để trao tặng cho thế hệ mai sau. Thế hệ tương lai cũng cần sự tử đạo của mỗi người chúng ta hôm nay. Một sự tử đạo không phải bằng máu nhưng bằng những hy sinh và đời sống chứng nhân cho Đức Kitô. Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên trong bài viết có tựa đề “Nên thánh đối với giới trẻ”, đã nhấn mạnh: “Giới trẻ là mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội. Như Chúa Giêsu đã có cái nhìn thương mến đối với chàng thanh niên trong Phúc Âm (x. Mc 10,21), Giáo Hội luôn cảm thông và ưu ái các người trẻ, là tương lai của Giáo Hội và của xã hội”[4]. Trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi, 1975), Đức Phaolo VI viết: “Hoàn cảnh hiện nay thôi thúc chúng ta lưu ý đặc biệt đến những người trẻ... Giáo hội tin tưởng rất nhiều vào sự đóng góp của họ và chúng ta đã nhiều lần bày tỏ sự tín nhiệm hoàn toàn vào họ” (Evangelii Nuntiandi 72). Chính vì lẽ đó, giới trẻ cần được chúng ta quan tâm một cách đặc biệt. Việc giáo dục giới trẻ phải bắt đầu trước hết từ trong gia đình. Nếu các bậc cha mẹ là những kitô hữu không thực hành đức tin thì làm sao có thể truyền đạt đức tin ấy cho con cái được? Ở các làng quê Việt Nam, khi con cháu chậm trễ và lười biếng đi nhà thờ, chắc chắn ông bà sẽ cho ăn roi ngay. Văn hóa phương Tây thì khác, các bậc cha mẹ không thể áp dụng cùng một cách như vậy. Tuy nhiên, lời nhắc nhở và sự chia sẻ kinh nghiệm đức tin của họ với con cái là cần thiết. Cha mẹ phải thường xuyên nhắc nhở con cái tham dự thánh lễ chủ nhật. Có câu nói rằng: “im lặng là đồng ý”. Người Việt Nam vốn có bản tính hiếu thảo, vâng lời cha mẹ, vì vậy các bậc cha mẹ hãy tận dụng điều này trong việc thúc đẩy con cái đến nhà thờ. Đừng buông xuông hay im lặng, nhưng cũng đừng dùng áp lực với chúng. Hãy sống gương mẫu, cầu nguyện và thường xuyên khuyên nhủ chúng với tình yêu thương. Bên cạnh nỗ lực bên trong gia đình thì chúng ta cũng rất cần xây dựng các chương trình mục vụ đặc biệt thu hút giới trẻ. Cha Thánh sáng lập Dòng Hiến Sĩ, Mai Thiên Lộc đã làm như vậy trong thời của Ngài. Giới trẻ cần một “sân khấu” để cho chúng “biểu diễn”, hãy trao trách nhiệm cho họ để họ có dịp thể hiện tài năng, hãy để họ trở thành những chủ thể chủ động. Đây quả thật là một thách đố cho những ai đang làm công tác mục vụ giới trẻ. Tôi đã có 40 ngày sống vô cùng ý nghĩa tại công đoàn Hiến Sĩ Strasbourg. Như đã đề cập ở trên, 40 là con số biểu tượng, mang ý nghĩa của một sự chuyển tiếp, một thời gian chuẩn bị cho hành động đặc biệt của Thiên Chúa, thời gian mà sau đó mọi người sẽ đón nhận ơn sủng của Thiên Chúa. Theo sách Sáng Thế, sau nạn lụt hồng thủy, một cuộc tạo dựng mới bắt đầu. Sau cuộc gặp gỡ giữa Môsê và Thiên Chúa trên núi thánh, một giao ước mới được thiết lập. Sau thời gian dài lang thang trong sa mạc, dân Israel bước vào miền Đất Hứa tràn đầy sữa và mật. Sau 40 ngày ăn chay thống hối, dân thành Ninive đã được Thiên Chúa thứ tha. Sau hành trình lên núi Hôreb, Êlia được Chúa tăng sức và tiếp tục sứ mạng của mình. Sau thời gian cầu nguyện và chịu cám dỗ trong sa mạc, Chúa Giêsu bắt đầu công cuộc mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, một Giáo hội mới đã khai sinh… Cũng vậy, tôi nghĩ rằng Thiên Chúa cũng dành cho tôi 40 ngày tại Strasbourg như là thời gian của một sự chuyển tiếp (từ giai đoạn thụ huấn sang giai đoạn thi hành sứ vụ). Chính tại nơi đây, Thiên Chúa đã cho tôi cơ hội để nhìn ngắm, để cảm nghiệm và học hỏi những điều cần thiết cho việc thi hành sứ vụ mà Ngài sẽ trao cho tôi trong tương lai. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì tất cả những hồng ân mà Ngài đã dành cho con. Con tin rằng mỗi biến cố xảy ra trong cuộc đời con đều nằm trong sự quan phòng của Ngài. Con tin rằng những người con gặp gỡ trên đường đời đều là những khí cụ của Ngài, qua họ Ngài dành cho con những giáo huấn và những sự chuẩn bị cần thiết trên con đường phục vụ tha nhân. Đà Nẵng, ngày 29 tháng 10 năm 2021 Pierre Hồ, omi. [1] Francesco, Messaggio del Santo Padre Francesco in occasione della I Giornata Mondiale Dei Nonni e degli Anziani, Roma 25 luglio 2021: “non esiste un’età per andare in pensione dal compito di annunciare il Vangelo”, [truy cập 25.10.2021] https://www.vatican.va/content/francesco/it/messages/nonni/documents/20210531-messaggio-nonni-anziani.html [2] Ibid. «La preghiera degli anziani può proteggere il mondo, aiutandolo forse in modo più incisivo che l’affannarsi di tanti». [3] Eugenio de Mazenod, Estratti dalla lettera pastorale per la Quaresima, 16 febbraio 1860, in Testi Scelti, n. 51, 66. [4] Aug. Trần Cao Khải, Đôi Nét Về Thực Trạng Sống Đạo Của Giới Trẻ Ngày Nay, [truy cập 25.10.2021] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/doi-net-ve-thuc-trang-song-dao-cua-gioi-tre-ngay-nay-39747 Ngày 25 tháng 03 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Học viện Mai Thiên Lộc – Thánh lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025 Thánh lễ Trao Tác Vụ Giúp Lễ - Bế Giảng Niên Khóa 2023-2024 Niềm Vui Chào Đón Chúa Giáng Sinh Học Viện Mai Thiên Lộc - Thánh lễ Khai Giảng Năm Học Mới, Niên Khóa 2023-2024. Giới Thiệu Cộng Đoàn Học Viện Hiến Sĩ Quốc Tế Tại Manila Cảm Nghiệm Về Cuộc Gặp Gỡ Đầu Xuân Của Một Hiến Sĩ Việt Nam Trên Đất Nước Sri Lanka Thánh lễ trao ban tác vụ đọc sách Giáng Sinh yêu thương tại Học viện Mai Thiên Lộc 2019 Học Viện HIẾN SĨ với 24 Giờ Dành Cho Chúa Anh Em Hiến Sĩ - Học Viện Mai Thiên Lộc - Lặp Lại Lời Khấn Năm 2020