OMI VIỆT NAM::Tu sĩ và lời mời gọi đi theo bước chân dẫn đầu Cộng đoàn Ứng Sinh Tu sĩ và lời mời gọi đi theo bước chân dẫn đầu Dẫn nhập Truyện kể về giấc mơ của một thánh nhân. Hôm ấy, ngài nằm mơ thấy một con đường bắt đầu từ mặt đất hướng thẳng lên trời cao rồi mất hút dần trong những đám mây. Thoáng nhìn, con đường trải đầy những cánh hoa hồng nhưng nhìn lâu mới thấy ẩn giấu bên dưới tấm thảm hoa ấy là những gai nhọn sắc bén. Mọi người đều bước đi chân không và chân mỗi người dính đầy máu. Những nguời nhát đảm không chịu đựng được gian khổ đều rút lui, nhưng cũng có nhiều người quyết tâm nhất trí đi cho tới cùng, dù phải bước đi thật chậm chạp và đau đớn. Nhìn kỹ hơn, vị thánh nhân nhận ra người đang dẫn đầu đoàn người ấy chính là Chúa Giêsu, Người cũng đi chân không, những bước chân của Người đầy vẻ quyết liệt, không do dự và cũng không một cái gai nào gây vết thương nơi chân Người. Chúa Giêsu tiến bước mỗi lúc một lên cao và tới ngồi ở ngai vinh hiển của Người. Người đưa mắt nhân từ nhìn những người đang cố gắng bước đi trên con đường khó khăn đó và khích lệ họ can đảm tiến lên. Tiếp sau Chúa Giêsu, thân mẫu của Người là Đức Maria cũng đang bước đi cách nhanh nhẹn và thanh thoát, nhanh hơn cả bước chân Chúa Giêsu. Tại sao vậy? Thưa là bởi vì Mẹ đặt chân của mình lên trên vết chân của Chúa Giêsu, nơi Người đã bước đi trước. Kế đó, Mẹ cũng tiến lên kề ngai vinh hiển của Chúa Giêsu Con Dấu Yêu của Mẹ và Mẹ cũng giơ tay làm hiệu cho những người khác đang tiến bước, để bước đi trên bước chân của Chúa Giêsu đã để lại, như Mẹ đã tiến bước đi. Những người khôn ngoan biết vâng theo lời chỉ dẫn và khích lệ của Mẹ thì tiến bước nhanh nhẹn, còn những người dại dột không biết vâng theo lời chỉ dẫn của Mẹ phải bước đi một cách khó nhọc, họ lẩm bẩm than trách vì những mũi gai nhọn, họ dừng lại dọc đường và cũng không thiếu những người thất vọng bỏ cuộc, quay gót trở lại trong buồn tủi. Con đường trong giấc mơ ấy dường như là cuộc đời của mỗi người chúng ta. Trên hành trình cuộc đời, có những bước chân hời hợt, nhát đảm, cũng như những bước chân xông pha, nhưng rồi quỵ ngã giữa dòng đời đầy dẫy những gai nhọn vì họ bước đi một mình. Nhưng cũng có những bước chân kiên cường mạnh mẽ bước đi vào con đường hẹp, con đường của Thập Giá, nhưng họ không nao núng vì họ bước theo bước chân dẫn đầu chính là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã bước qua sự chết mà đi vào sự sống. 1. Bước chân theo dấu chân Đức Ki-tô. Đi tu là một hành trình liên lỉ bước theo dấu chân của Chúa Ki-tô. “ Bước theo” có nghĩa là đi theo sau một người, trở thành môn đệ (theo nghĩa ẩn dụ). Chúng ta luôn được mời gọi bước đi theo Chúa, đi theo chính con người của, gắn bó với Người và nhất là sống thân mật với Người trong tâm tình của người con thảo. Lời mời gọi ấy dường như không thể nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, không thể được kiểm chứng bằng máy móc, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm trong ân sủng của đức tin. Nhờ tin mà Abraham đã trở thành cha của mọi dân tộc, nhờ tin mà Đức Ma-ri-a đã trở thành mẹ Đấng Cứu Thế và nhờ tin mà Phê-rô đã trở thành đá tảng xây dựng Giáo Hội. Xác tín vào lời mời gọi “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”(Mt 4,19), chúng ta không ngần ngại bước theo dấu chân của Đức Ki-tô. Dấu chân rong rủi năm xưa vẫn còn in đậm khắp miền Ga-li-lê, cũng như trên đường tiến về Giêrusalem để chịu đóng đinh và chịu chết. Trên thập giá, đôi chân ấy dường như bất động, không còn bước đi được nữa vì nó bị xiết chặt bởi những đinh sắt. Người đã chết, Người đã chết thật! Thế nhưng, chính trong cái chết ấy, Người đã bước vào sự sống. Đôi chân Người không còn phụ thuộc vào khoảng cách địa lý nữa. Người oai phong bước đi trong sự chiến thắng để mở đường cho chúng ta bước vào cõi hạnh phúc. Đây là niềm tin của người Kitô hữu. Là người tu sĩ, chúng ta càng xác tín mạnh mẽ hơn về niềm tin ấy vì “nếu Đức Kitô đã không sống lại, chúng ta là những người khốn khổ nhất trong mọi người” (1Cr 15, 19). Vì xác tín mạnh mẽ như thế, chúng ta mạnh dạn bước theo dấu chân Chúa mà không hề đắn đo suy nghĩ. Hành trình đi theo ấy tuy lắm gian nan nhưng không sao làm chúng ta chùn bước. Dù cho đôi chân có mệt nhoài, thậm chí quỵ ngã, nhưng hình ảnh Đức Giê-su quỵ ngã trên đường lên đồi Golgotha đã thúc bách chúng ta đứng dậy để bước tiếp. Chúng ta luôn nuôi dưỡng trong lòng một niềm hy vọng lớn lao vào ngày mai. Ngày mai ấy là ngày mà khắp nơi chẳng còn tiếng khóc than hay buồn phiền ai oán, nhưng chỉ là tiếng cười của ngày gặt bội thu. Ngày mai ấy là ngày mà bước chân chúng ta bước vào khung trời của cuộc sống vĩnh hằng. Ngày ấy, chúng ta và Người sẽ trở nên một, bước chân của chúng ta và Người sẽ cũng chung điệu múa trong vương quốc của tình yêu. Tình yếu ấy mãnh liệt đến nỗi “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8, 39). Như thế, bước chân theo Đức Ki-tô là luôn nhìn về phía trước để dõi theo những bước chân dẫn đầu. Chúng ta không bao giờ ngoái đầu lại phía sau để rồi luyến tiếc với những nỗi niềm quá khứ, để chôn mình trong mặc cảm của tội lỗi. Khi quay đầu, ngay lập tức chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau vì không còn thấy đâu là dấu chân dẫn đầu nữa. Lúc đó, đôi chân của chúng ta sẽ dễ dàng đẫm máu và bỏ cuộc vì dẫm phải những gai nhọn. 2. Bước chân từ bỏ của những người bước theo Đức Giêsu. Bước đi theo Chúa có nghĩa là không mang theo gì cả ngoại trừ chính con người của mình. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc hành trình từ bỏ đến tận cùng “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-8). Chấp nhận lời mời gọi của Chúa đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bước đi những bước chân từ bỏ. Bước chân từ bỏ gian nan nhất của người tu sĩ thời nay không phải là từ bỏ những mối quan hệ thân thuộc hay của cải vật chất mà là “từ bỏ ý riêng của mình”. Xã hội phát triển, chủ nghĩa cá nhân ngày càng được mọi người đề cao là một thách đố cho những người môn đệ của Chúa. Là tu sĩ, chúng ta tin rằng ý của Chúa được thể hiện rõ nét nhất qua ý của bề trên. Thật dễ dàng để chúng ta đón nhận ý tưởng của bề trên khi nó trùng hợp với ý tưởng của chúng ta, nhưng cũng thật khó để đón nhận một ý tưởng trái ngược với ý tưởng của mình. Làm thế nào để chúng ta có thể đón nhận ý kiến khi có sự bất nhất? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải quay trở về lịch sử để tìm lại xem đâu là nguồn gốc, căn nguyên của việc đi theo ý riêng của mình. Ngay từ những trang đầu của sách sáng thế, ông bà nguyên tổ đã không thể bước đi trong sự từ bỏ ý riêng. Họ bước đi theo lối của họ, bước đi trong chính sự kiêu căng, nghĩ mình là khôn ngoan tài giỏi và họ đã đi ra khỏi hạnh phúc viên mãn của vườn địa đàng. Từ đây, sự kiêu ngạo đã xâm nhập vào thế gian theo suốt dòng lịch sử và luôn hấp dẫn những người hậu thế. Giuđa Iscariốt đã bị lôi cuốn vào vòng xoáy đó. Ông đã bỏ qua những lời cảnh báo của Chúa Giêsu để bước đi theo lối riêng của mình. Chính sự cố chấp đó đã dẫn bước ông vào đêm tối của sự dữ là cái chết. Chúa Giê-su đã vạch ra những bước chân từ bỏ dành cho những người môn đệ theo Người đó là lấy ý của Chúa Cha làm ý của mình. Người khẳng định “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”( Ga 4, 34). Đây là một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Từ địa vị của một Thiên Chúa cao cả, Người đã bước xuống thân phận thấp hèn của con người để đi vào kiếp sống khổ đau. Người cũng không ngần ngại bước xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả (Xc. Mt 3, 13-17). Tuy nhiên, Chúa không dạy chúng ta phải im lặng đón nhận hoàn toàn mọi ý kiến từ bề trên một cách thụ động. Chúng ta có thể trao đổi ý kiến khi cảm thấy điều đó chưa rõ, nhưng cần phải trao đổi với một ý hướng ngay lành duy nhất là vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Trong vườn cây dầu, Chúa Giê-su cũng đã từng thân thưa với Chúa Cha rằng : “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22, 42). Tóm lại, người môn đệ theo Chúa phải bước đi những bước chân từ bỏ. Chúng ta không chỉ từ bỏ những điều bên ngoài như các mối quan hệ thân thuộc hay của cải vật chất, mà còn phải từ bỏ ngay trong những ý kiến cá nhân. Khi bước chân chúng ta không còn bị trói buộc trong những ý kiến riêng, chúng ta sẽ dễ dàng bước đi theo dấu chân dẫn đầu, dấu chân của sự từ bỏ tận cùng. 3. Bước chân người môn đệ ra đi vì phần rỗi các linh hồn. Bước chân theo Chúa Giêsu là bước chân loan truyền tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho muôn dân. Hình ảnh Chúa Giê-su rảo bước khắp miền Galilê để tìm kiếm cho bằng được con chiên lạc đàn vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng ta. Người bước ngang qua bàn thu thuế của con chiên lạc Matthêu để đưa ông về sống trong cánh đồng tình yêu cùng với những con chiên khác. Chúa Giêsu không muốn một ai phải hư mất (Xc. Mt 18, 14) nên Người đã nhập thể làm người. Người xuống thế với một mong ước duy nhất là cứu tất cả mọi người thoát khỏi cái chết do tội lỗi gây nên. Bước theo dấu chân người dẫn đầu là kế thừa mọi di sản, là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa. Đây là một sứ mạng mà Chúa Giê-su đã truyền cho các tông đồ trước khi về trời: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28, 19). Ngày nay, sứ mạng ấy vẫn không ngừng thôi thúc bước chân những người theo Chúa. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải lên đường chứ không phải ngồi yên ở nhà chờ muôn dân đến để làm cho họ thành môn đệ của Chúa. Trong dụ ngôn “con chiên lạc đàn”, chính người chủ chiên đã ra đi để tìm kiếm con chiên lạc chứ không phải ngồi đợi con chiên lạc tự ý trở về (Xc. Mt 18, 12-14). Đứng trước những đòi hỏi đó, chúng ta hãy bước đi đến những cánh đồng băng giá, nơi những con chiên đang khao khát được sưởi ấm, đến để thắp lên trong tâm hồn họ ngọn lửa đức tin. Chúa Giê-su đã đến ném lửa vào trần gian và Người luôn ước mong cho ngọn lửa ấy bừng cháy lên (Xc. Lc 12, 50). Người luôn ưu tư lo lắng cho phần rỗi các linh hồn, nên Người cũng muốn những kẻ bước theo Người cũng hãy quan tâm đến ơn cứu độ của những người khác. Người mời gọi: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16). Chúng ta hãy bước đi và trao ban niềm tin mà mình đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa, để rồi thông qua sự cố gắng của chúng ta cùng với ơn Chúa, mọi người sẽ tin vào danh Đức Giêsu Kitô. Những ai tin vào danh Chúa Giê-su thì chắc chắn họ sẽ ở với Người và ở trong Người. Họ sẽ được dìm vào trong cái chết của Đức Giê-su để được tái sinh với Người. Sứ mệnh của những người theo Chúa là bước đi rao truyền tình yêu và lòng thương xót của Người. “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (Rm 15, 1). Chúng ta phải ra đi làm cho ngọn lửa đức tin mà Đức Giê-su đã ném vào thế gian khi xưa được bừng cháy. Như Chúa Giê-su quan tâm phần rỗi các linh hồn thế nào thì chúng ta, những người môn đệ của Người cũng phải ấp ủ trong lòng niềm khao khát phần rỗi các linh hồn như thế. Lời kết Chúa Giê-su đã bước đi trên con đường thánh ý của Chúa Cha một cách hoàn hảo nhất. Người đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá” (Pl 2, 8). Qua cái chết và sự phục sinh, Người mở ra cho chúng ta con đường sự sống. Do đó, chúng ta tin rằng, khi bước theo dấu chân Người, chúng ta cũng sẽ bước vào vương quốc của sự sống. Tuy nhiên, để được sống trong vương quốc ấy, chúng ta phải chấp nhận bước đi những bước chân từ bỏ; từ bỏ những mối liên hệ thân thuộc, từ bỏ mọi vướng bận của vật chất và nhất là từ bỏ ý riêng của mình cùng với đó là bước đi những bước chân loan truyền tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người mọi thời bước theo Người. Đức Maria và các thánh đã bước đi theo Người một cách khôn ngoan vì Mẹ và các ngài đã đặt bàn chân của mình lên vết chân của Chúa. Giờ đây Đức Kitô cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta “hãy theo Thầy”. Trưởng Nam, Tiền Tập Sinh. Ngày 04 tháng 07 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Cộng đoàn Ứng Sinh OMI hành hương Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn Thông Báo Tuyển Sinh Ơn Gọi Hiến Sĩ Hành Trình Trở Về Thánh Lễ Bế Giảng Năm Học 2022-2023 Và Trao Tác Vụ Giúp Lễ Thánh Lễ Tạ Ơn – Kỷ Niệm Ngày Giáo Hội Chuẩn Nhận Hiến Pháp và Quy Luật Dòng – Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Ngày Về Làng Cảm Nghiệm Về Hành Trình Thăm Người Vô Gia Cư Dịp Cuối Năm Chút Tâm Tình Về Hội Chợ “Mừng Chúa Giáng Sinh” Tại Học Viện Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Học Viện Mai Thiên Lộc Cử Hành Thánh Lễ Khai Giảng Năm Học Mới 2022-2023 Nghi Thức Khai Mạc Năm Tập, Niên Khóa 2022-2023