OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Thầy là Đấng Ki-tô. Con Người phải chịu đau khổ nhiều. Tin Mừng Mc 8,27-35 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : “Người ta nói Thầy là ai ?” Các ông đáp : Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô trả lời : “Thầy là Đấng Ki-tô.” Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết : Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô : “Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Suy niệm: "CÒN ANH EM, ANH EM BẢO THẦY LÀ AI ?" 1. Đức Giêsu – Đấng Kitô của Thiên Chúa, Ngài là ai? - Ngài là Con Người đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Ngài đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. không hổ thẹn, mặt trơ ra như đá. vì có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ (Is 50,5-7). - Ngài sinh ra để gánh tội, mang lấy đau khổ, và cái chết của nhân loại trên thân mình: bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết . Nhưng ba ngày sau, Ngài sống lại, để những ai tin Ngài được bước vào đời sống mới, sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời , trong cõi đất dành cho kẻ sống. (Tv 115,9). 2. "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?"- "Thầy là Đấng Ki-tô." Tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa Kitô của mình, và từ bỏ mọi sự theo Ngài – Chúa ơi, quá khó! Con không thể để mất tất cả, không thể từ bỏ chính mình. Chúa nói với con: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được" (Mt 19,26). DỄ KHÓ TRONG ĐỜI DỄ là ăn nói ba hoa KHÓ là cẩn trọng những lời nói ra. DỄ là xét đoán người ta, KHÓ sao hàn gắn tương quan với người! DỄ là ai sao tôi vậy (ai bậy tôi theo) KHÓ sao thoát khỏi tơ vương thế trần, DỄ là dung túng bản thân KHÓ sao dung thứ tha nhân lỗi lầm! DỄ là phụ nghĩa vong ân, KHÓ sao sống mãi tâm tình tri ân. DỄ là bảo thủ đóng khung, KHÓ là khiêm hạ, nhận ngu trước người. DỄ là mê hoặc người theo KHÓ là luôn giữ tấm lòng trinh trong. DỄ là thuyết giảng điều hay KHÓ là sống đúng như lời nói ra. DỄ là tính toán thiệt hơn. KHÓ là chịu mất phần mình cho đi. DỄ là sống thử, sống mau KHÓ là tâm lặng, thở sâu, ngắm nhìn. DỄ là hứa hẹn đủ điều. KHÓ lời tín nghĩa chân thành khắc ghi. DỄ là vung vãi oán hờn, KHÓ là xây dựng an bình nội tâm. DỄ là mơ mộng vinh quang, KHÓ lòng từ bỏ, thấy mình ra không. DỄ là quen biết nhiều người KHÓ là ấp ủ người người trong tim. DỂ thời mau nói, chậm nghe KHÓ ngồi chiêm ngắm lắng nghe mọi điều. DỄ vào bóng tối ẩn mình, KHÓ là loé sáng đêm trường tối tăm. DỄ trượt chân ngã liên hồi, KHÓ vùng đứng dậy, canh tân đời mình. DỄ tìm sự lạ nơi nơi, KHÓ là biết được “Ngôi Đền trong tâm”. DỄ vui xác thịt thế gian, KHÓ là tỉnh thức nhận đâu bến bờ. DỂ vui - buồn hận - phân ly. KHÓ khi hữu phúc biết thương giữ gìn. DỄ là vun vén quanh mình, KHÓ tình trải rộng ánh nhìn vị tha. DỄ để ngày tháng đi qua, KHÓ là tỉnh thức trong ta vài giờ. DỄ thấy sinh tử mơ hồ. KHÓ là đối diện nấm mồ “PHỤC SINH’. DỄ là viết những lời trên KHÓ rằng mơ ước đời ni vẹn toàn. Thôi, chừ tìm đến THÁNH TÂM, Cúi mình phủ phục, tâm thân hoá Thần. 3. TÌNH YÊU thầm thỉ trong tâm, Thấm vào LỜI CHÚA, hiện sinh Nước Trời: * Thấm vào LỜI CHÚA: Con là con yêu dấu của Cha (Lc 3,22). Cha sẽ ban tặng cho con một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng con . Cha sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình con và sẽ ban tặng cho con một quả tim bằng thịt. Chính Thần Trí của Cha, Cha sẽ đặt vào lòng con, Cha sẽ làm cho con đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Cha và đem ra thi hành (x. Ed 36,26-27). * Hiện sinh Nước Trời là ân sủng Tình Yêu: hiệp thông với nỗi đau của Nhiệm Thể Chúa Kitô - gia đình nhân loại, và dấn thân phục vụ tới hơi thở cuối cùng. Gia đình nhân loại dấu yêu, Ôi thôi! Tan tác đau thương muôn bề. Trong cơn đại nạn tai ương, Nỗi đau quặn thắt thê lương cõi lòng… Ngước nhìn lên Chúa nguyện cầu, Hồn con thấm cảm Tình Yêu nhiệm mầu. Ngàn đời Chúa trọn tình thương, Nỗi đau - cái chết, Chúa mang nơi mình, Ôm con hơi thở cuối đời, Dìu con đi đến cõi trời phục sinh. Ngàn đời Chúa trọn tình thương, Niềm vui bất tận, dạt dào thánh ân. Amen, Amen. CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU Bức thư cuối cùng trước khi qua đời (24/8/2021) của Sr. Maria Trần Ngọc Thảo Linh gửi cho các soeurs cùng tham gia chống dịch Covid tại Việt Nam Các chị rất thương mến ! Có chị từng hỏi em: "Đây là một căn bệnh hiếm, tại sao trong bao nhiêu người, lại là chị?" Em đã suy nghĩ về câu hỏi này và thấy rằng: Ồ, có lẽ em là người được chọn nhỉ. Như thế thì thật là tốt phải không? Là em thì không phải là những người còn lại: không phải là các chị, không phải là ai đó trong gia đình em, hay là một người nào khác. Nhìn theo hướng khác, thì căn bệnh này là thánh giá Chúa đã chọn và dành riêng cho em. Với em, đây là cơ hội để sống ơn gọi Mến Thánh Giá triệt để hơn. Có thánh giá thì mình sẽ dễ dàng "tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Giêsu" hơn, dễ mang lấy tâm tình và ý hướng của Chúa Giêsu khi Ngài chịu thương khó hơn, phải không các chị? Chưa biết tương lai thế nào, nhưng hiện tại em vẫn tạ ơn Chúa vì bệnh của em chẳng làm em mệt mỏi hay đau đớn gì cả. Suy nghĩ về sự sống và cái chết, em thấy nó chỉ là tên gọi của hai hình thái sống khác nhau mà thôi. Thực tế thì, chúng ta có bao giờ chết đâu. Vậy đó, nên em cũng chẳng năn nỉ Chúa cho mình được khỏi bệnh hay được sống lâu. Nếu bước đi trên một cuộc hành trình, điều người lữ hành mong mỏi nhất là có thể đến đích sớm bao nhiêu có thể. Thì cũng vậy, nếu cái chết đến sớm có lẽ là điều đáng mừng phải không? Tuy cái chết không phải là đích chúng ta nhắm tới, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã gần đích lắm rồi. Thế nên, em đã nói với Bà Ngân thế này: "Con với Bà cùng chạy nhé, không chừng con sẽ đến đích trước Bà đấy!" Các chị biết đấy, bây giờ em là một loại cây không ưa ánh nắng mặt trời và có thể chỉ là một loại cây ngắn ngày. Không biết nhà thiết kế cảnh quan của Hội dòng có thể tìm được chỗ nào thích hợp cho loại cây đặc biệt này không nhỉ? Sr. Maria Thảo Linh. (Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com) Lm Giu-se Đinh Kim Chí, OMI. Dung Mạo Đấng Được Xức Dầu Trong lịch sử, có nhiều truyền thống trình bày về Đấng Mê-si-a và mỗi truyền thống trình bày về dung mạo Đấng được xức dầu theo cách của riêng mình. Các bài đọc hôm nay tập trung mô tả dung mạo Đấng Mê-si-a, Đấng được Xức dầu, đồng thời, cũng cho thấy nhiều cái nhìn khác nhau về Đấng Mê-si-a mà dân chúng đang mong đợi. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su đã mạc khải cho các môn đệ và dân chúng về Đấng Mê-si-a hoàn toàn khác so với suy nghĩ và sự trông đợi của họ. Dung mạo về một Đấng Mê-si-a trung thành thực thi kế hoạch của Thiên Chúa cho dù phải chịu bao đau khổ, bị đánh đến tan nát thịt xương, không còn hình dạng người đã được ngôn sứ I-sai-a loan báo từ ngàn xưa và được thể hiện: Nơi Người Tôi Trung Sau khi chữa cho anh mù ở Bết-xai-đa, Đức Giê-su dẫn các môn đệ đi vào các làng mạc vùng Xê-da-rê. Trên suốt hành trình, Đức Giê-su có lẽ đã nghe nhiều người nói về mình nên Ngài đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai ?” (Mc 8,27). Sau khi nghe các bạn đồng môn nói với Thầy Giê-su về các tước hiệu mà dân chúng dùng để gọi Đức Giê-su, Phê-rô bất ngờ tuyên xưng Thầy Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng được xức dầu, Đấng mà muôn dân trông đợi. Lời tuyên xưng của Phê-rô về Chúa Giê-su rất đúng, tuy nhiên, Phê-rô đã hiểu về Đấng được xức dầu theo nghĩa chính trị. Cho nên, Đức Giê-su đã mặc khải cho ông và các môn đệ khác về dung mạo Đấng được xức dầu. Dung mạo Đấng được xức dầu đã được ngôn sứ I-sai-a mô tả qua hình ảnh Người Tôi Trung trong bài đọc I. Người Tôi Trung sẵn sàng chấp nhận đau khổ và chịu sỉ nhục để thi hành sứ mạng Thiên Chúa trao phó. Người Tôi Trung chấp nhận bị đánh đòn, bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Mặc dù bị đánh đòn và bị phỉ nhổ nhưng Người Tôi Trung không bao giờ biện bạo và luôn giữ im lặng và luôn vững tin vào Chúa. Có Chúa ở cùng Người Tôi Trung nên Người không sợ bất kỳ sự sỉ nhục, hành hạ bởi vì Người tin, cuối cùng, Thiên Chúa sẽ minh oanh cho Người. Nơi Đức Giê-su Sau khi chữa cho người mù ở Bết-xai-đa, Chúa Giê-su dẫn các môn đệ đi vào Xê-da-rê. Việc di chuyển từ phía bắc vào trong khu vực Xê-da-rê Phi-lip-phê là khởi đầu một giai đoạn mới trong sứ vụ của Chúa Giê-su. Suốt dọc đường đi Chúa Giê-su nghe nhiều người nói về Ngài với những tước hiệu khác nhau nên Chúa đã hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai ?” (Mc 8, 27). Đây là câu hỏi đầu tiên, của Chúa Giê-su, liên quan đến quan niệm của những người đương thời về Ngài. Các môn đệ đã trả lời tương tự như đám đông dân chúng: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8, 28). Qua câu trả lời của các môn đệ, chúng ta thấy, dân chúng nhìn thấy điều gì đó siêu việt nơi Chúa Giê-su, họ ấn tượng về Ngài nên nghĩ Ngài là vị tiền hô của Thiên Chúa, hoặc là Ê-li-a hay Gio-an Tẩy Giả đã sống lại. Không bình luận về các câu trả lời của dân chúng, Chúa Giê-su trực tiếp hỏi các môn xem họ nghĩ Ngài là ai: “Còn anh em, anh em bảo thầy là ai ?” (Mc 8,29). Chúa Giê-su muốn các môn đệ nói lên suy nghĩ của họ về thân thế của Ngài. Câu hỏi về căn tính của Chúa Giê-su, chứ không hỏi về những việc Chúa đã làm. Phê-rô, đại diện cho Nhóm Mười Hai, trả lời cách dứt khoát: “Thầy là Đấng Ki-tô” (Mc 8,29), Đấng Mê-si-a, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa. Khi nghe lời tuyên tín của Phê-rô, Chúa Giê-su đã nói rõ hơn cho Phê-rô và các môn đệ về đặc tính Thiên sai của Ngài. Người là Đấng muôn dân đang trông đợi, là Đấng Mê-si-a như được hình dung trong truyền thống, là một nhân vật bí ẩn sẽ ngự giá mây trời mà đến trong ngày phán xét, ngày cánh chung. Người là Đấng sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị sỉ nhục, bị các thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, nhưng Ngài sẽ sống lại. Bởi vì Chúa Giê-su không làm thỏa mãn những chuẩn mực của người Ít-ra-en, cũng như các môn đệ, về một Đấng Mê-si-a theo nghĩa chính trị nên họ đã không nhận ra Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến thế gian. Xác định này của Chúa Giê-su chắn chắn không tương hợp với niềm mong đợi của dân chúng và các môn đệ. Cho nên, thánh Phê-rô đã kéo riêng Chúa ra và trách Chúa. Có lẽ, Phê-rô nghĩ mình là trưởng nhóm Mười Hai nên ông kéo Chúa Giê-su sang một bên như thể là để tìm cách giúp Chúa khỏi sự chỉ trích công khai. Ngay lập tức, ông bị Chúa Giê-su trách: “Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Sở dĩ Chúa Giê-su quở trách Phê-rô là vì Chúa biết, một cách vô ý thức, Phê-rô đã rơi vào đúng ý của Xa-ta là muốn Chúa Giê-su tránh khỏi cuộc khổ nạn. Phê-rô không hiểu được rằng, trong kế hoạch của Chúa Cha, con đường dẫn tới vinh quang là phải trải qua đau khổ và cái chết. Chiến thắng khải hoàn phục sinh chỉ xẩy ra sau cái chết của Chúa Giê-su. Sự ngăn cản của thánh Phê-rô là cơ hội để Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ những chân lý vĩ đại về tư cách người môn đệ. Đau khổ không chỉ là số phận của Đấng Mê-si-a, nhưng còn là số phận của những ai muốn nên đồng hình đồng dạng với Ngài (xc Ga 15,20). Muốn nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su, trước tiên, người môn đệ phải từ bỏ chính mình. Từ bỏ chính mình là không tìm kiếm lợi ích cho bản thân, không chăm chút cho bản thân nhưng hiến mình vì Chúa, vì tha nhân. Từ bỏ chính mình nghĩa là có sự thay đổi tận căn: nếu trước đây chỉ biết lo cho bản thân thì giờ đây hiến thân phục vụ Chúa cách vô vị lợi. Đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa không có nghĩa là chỉ bắt chước lối sống của Chúa nhưng còn phải chịu nhiều đau khổ, thậm chí là phải chết để minh chứng cho đức tin. Vì thế, những ai muốn theo Chúa phải từ bỏ sự tôn thờ bản thân, chấp nhận bị phỉ nhổ, đau khổ và luôn giữ mối tương quan mật thiết với Chúa Giê-su. Qua lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi chúng ta luôn biết nhận ra dung mạo của Thiên Chúa nơi: Bí Tích Thánh Thể, nơi Giáo hội, nơi tha nhân cũng như nơi chính mỗi người chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm dám tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a nơi: công sở, trường học hay ở các nơi công cộng. Xin cho những ai đã đón nhận bí tích Thánh Tẩy dám can đảm tuyên xưng và sống đức tin mà mình đã lãnh nhận như lời khuyên dạy của thánh Gia-cô-bê. Khi thánh Gia-cô-bê nói rằng nếu đức tin của chúng ta không có hành động thì nó đã chết, ngài thực sự muốn nói rằng đó là một đức tin khô héo, tàn lui hoàn toàn không còn phải là đức tin nữa. Thanh Tùng, OMI. Ngày 11 tháng 09 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên Chúa Nhật XIV – Thường Niên