OMI VIỆT NAM::Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Tin Mừng Ga 6,51-58 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” Đức Giê-su nói với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Suy niệm: Dẫn nhập: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô được lập vào thế kỷ 13: Vào năm 1263, một linh mục người Đức, đi hành hương tới Rôma, cử hành thánh tại thánh đường kính thánh Christina. Tại đây, trong thánh lễ, khi truyền phép ngài nâng cao bánh lễ lên, tấm bánh đã trở nên thịt và bắt đầu chảy máu. Những giọt máu đã chảy xuống trên tấm khăn thánh nhỏ màu trắng trên bàn thờ. Năm sau, 1264 Đức Giáo Hoàng Urban IV đã thành lập lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, Tấm khăn thánh mang những vết máu vẫn còn được lưu giữ tại vương cung thánh đường Orvieto, phía bắc thành phố Rôma. Mặc dù phép lạ thánh thể này đã dẫn tới việc thiết lập ngày lễ Mình và Máu Chúa Giêsu, nhưng phép lạ Thánh Thể nổi tiếng ở Lanciano, cũng tại Ý, đã xảy ra nhiều thế kỷ trước vào năm 700. Câu chuyện xảy ra tại nhà thờ thánh Legonzanô khi một linh mục dòng thánh Basiliô đang dâng thánh lễ bỗng trở nên nghi ngờ sự hiện diện thực sự của Mình Máu Thánh Chúa trong hình bánh rượu. Lúc truyền phép, sự lạ liền xảy ra ngay trong tay vị linh mục. Bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành 5 cục to nhỏ. Tuy đã trải qua 1300 năm rồi, ngày nay vẫn còn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt này có màu hơi nâu, nhìn dưới ánh sáng thấy màu hồng được đặt trong một mặt nhật quý giá. Và năm cục máu màu vàng nghệ được đặt trong một chén thánh bằng kính trưng bày ở nhà thờ Lancianô để giáo dân tự do kính viếng. Đây là hai phép lạ Thánh Thể trong tổng số khoảng hơn 22 các phép lạ khác xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Những phép lạ này trả lời cho những nghi ngờ về sự hiện diện thực của Chúa Giêsu qua hình bánh và rượu. Suy niệm Phải chăng đạo nào cũng là đạo? Ai ăn ngay ở lành, giữ luật của tôn giáo mình theo, tất mai sau được hưởng phúc đời đời? Nhưng Chúa Giêsu không muốn ta sống ở mức như vậy, Ngài nói với chàng thanh niên sống như vậy hãy bỏ tất cả những gì anh có, và theo Ngài (x. Mt 19,16-22). Đạo của Chúa Kitô không phải đạo lề luật, đạo đức luân lý. Đạo của Ngài là đạo Thiên Chúa tình yêu nhập thể, đạo của con người thụ tạo được tháp nhập vào Thiên Chúa và nên một với Thiên Chúa. Con người được tháp nhập với Thiên Chúa, nhờ ăn bánh bởi trời do Thiên Chúa ban. Mana khi xưa tiên trưng cho Bánh Hằng Sống- Chúa Giêsu Kitô. 1. Mana nuôi dân Do-thái 40 năm lang thang trong sa mạc để đến vùng đất hứa. Đnl 8, 2-3, 14b-16a: Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra. Thánh Vịnh 78,25, bản tiếng Do-thái, gọi manna là Bánh của những người mạnh; trong khi bản dịch Hy Lạp (bản Bảy Mươi) gọi là Bánh của các thiên thần. Bản dịch Do-thái chính xác hơn, vì manna là Bánh ban sức mạnh cho người Do-thái, để họ có sức chịu đựng bao nhiêu thử thách xảy đến cho họ trong sa mạc trong suốt 40 năm trường. Chỉ khi dân Do-thái đặt chân tới đồng bằng Jericho, vào đúng ngày Lễ Vượt Qua, manna mới chấm dứt, và dân Do-thái bắt đầu dùng các thức ăn địa phương (Jos 5,12). Khi còn lang thang trong sa mạc, ông Môsê đã truyền cho dân chúng gom một bình đầy manna đặt trong Hòm Chứng Ước, cùng với cây gậy của Aharon và hai bia đá có khắc Thập Giới (x. Dt 9,4), để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa đã làm mưa manna từ trời cho dân có bánh ăn trong sa mạc. Manna được giữ trong nơi Cực Thánh để người Do-thái luôn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Đó như dấu chỉ tiên trưng cho chính Bánh Hằng Sống hiện diện trường tồn trong Hội Thánh, trong mọi thánh đường của Giáo hội. 2. Mình Máu Chúa dưỡng nuôi Hội Thánh lữ hành về quê Trời Hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta: chính Ngài là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời Ga 6,51-59: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." Bánh Hằng Sống chính là Thịt (sárk) của Chúa Giêsu. Ngay từ đầu Tin Mừng, Gioan đã dùng danh từ này để nói về mầu nhiệm Nhập Thể: Và Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm (sárk) và đã cư ngụ giữa chúng ta. Khi chúng ta rước lễ, chúng ta dự phần vào Thân Thể Chúa Giêsu, tất cả chúng ta trở nên một trong Nhiệm Thể Chúa. 1 Cr 10:16-17: Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể. Trong truyền thống của các nước miền Cận Đông thời Đức Giêsu, người ta tin rằng khi họ dâng lễ vật cho bất cứ thần nào, chính thần ấy nhập vào lễ vật họ dâng; và khi họ ăn phần dâng cúng được các tư tế trả lại cho họ, các thần sẽ vào trong thân thể họ và phù hộ cho họ được khỏe mạnh, thông minh và nhân đức. Có lẽ, đó là mặc khải tiệm tiến cho thời sau hết này: Khi người Kitô hữu nhận lãnh Mình Máu Thánh Chúa, họ trở nên đền thờ Thiên Chúa, Chúa sống trong mình. Một gia đình hay một cộng đoàn cùng lãnh nhận Mình Thánh Chúa, tất cả sẽ được hiệp nhất trong Đức Kitô. Tất cả đều dự phần vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh của gia đình Nước trời tại thế. 3. Gương tôn sùng Thánh Thể Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen sinh ngày 8 tháng 5 năm 1895 và qua đời vào ngày 9 tháng 12 năm 1979. Án tuyên thánh cho ngài đang được xúc tiến. Một vài tháng trước khi ngài qua đời, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã được phỏng vấn trên truyền hình quốc gia. Một trong những câu hỏi được đặt ra với ngài là: “Đức Cha đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Vậy ai là người truyền cảm hứng cho Đức Cha? Có phải đó là một giáo hoàng không?” Câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục đã gây kinh ngạc cho nhiều người: “Đó không phải là một giáo hoàng, Hồng Y, một giám mục khác, hay thậm chí là một linh mục hay nữ tu, mà là một cô gái Trung Quốc mười một tuổi.” Ngài kể rằng khi những người lính chiếm được Trung Quốc, họ đã giam cầm một thừa sai trong nhà xứ của mình sát bên ngôi nhà thờ. Một ngày kia, trong khi bị nhốt trong nhà mình, vị linh mục nhìn ra ngoài cửa sổ và kinh hoàng khi thấy lính tráng rầm rập bước vào nhà thờ. Chúng tiến lên cung thánh, mở cửa nhà tạm và trong một hành động đầy hận thù, đã quăng chiếc chén thánh xuống làm vung vãi Mình Thánh Chúa trên sàn nhà. Giữa hoàn cảnh nguy ngập của tình hình đã từ lâu, bị cô lập tứ bề, nhà thờ không còn nhận được bánh lễ và rượu lễ nên vị linh mục biết chính xác có bao nhiêu bánh thánh còn trong chén: ba mươi hai chiếc. Rồi thì chúng bỏ đi, không chú ý đến một cô gái nhỏ đang núp trong những hàng ghế trong nhà thờ, là người đã thấy mọi thứ. Đêm đó, cô trở lại, và lén lút vượt qua tên lính vẫn ngồi canh trước cửa nhà xứ. Cô bước vào nhà thờ, nơi cô đã làm một giờ thánh có lẽ để đền tạ cho sự khinh miệt Thánh Thể mà cô đã chứng kiến. Sau giờ thánh của mình, cô lên cung thánh, và quỳ gối xuống, cô đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh bằng lưỡi mình vì vào thời điểm đó, Giáo Hội không cho phép người giáo dân chạm vào Hình Bánh bằng tay của họ. Mỗi đêm, cô gái trở về nhà thờ để làm giờ thánh của mình và đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh trên lưỡi của mình cũng giống như cô đã làm đêm đầu tiên. Vào đêm thứ ba mươi hai, sau khi rước chiếc bánh cuối cùng, cô vô tình tạo ra tiếng động đánh thức tên lính canh đang ngủ gật trước nhà xứ. Từ cửa sổ phòng ngủ của mình, vị linh mục chứng kiến một cảnh tượng quá đau đớn đang mở ra trước mắt ngài. Cô gái cố gắng chạy nhưng tên lính bắt kịp cô và dùng báng súng đánh cô đến chết. Khi Đức Giám Mục Sheen nghe câu chuyện được chính vị thừa sai kể lại trong một Đại Hội Thánh Thể, ngài cảm động đến rơi lệ, và đã hứa với Chúa, ngài sẽ dành một giờ thánh trước Thánh Thể mỗi ngày trong suốt cuộc đời còn lại của mình. Và không chỉ trung tín với lời hứa của mình, nhưng trong mọi cơ hội có thể có, ngài luôn truyền bá lòng tôn sùng Thánh Thể. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con kính yêu tôn thờ Chúa, xin Chúa đón nhận và chiếm ngự tâm thân của con, xin linh hồn con mãi thuộc về Chúa, mọi sự là của Chúa. Amen. Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI Ngày 07 tháng 06 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên Chúa Nhật XIV – Thường Niên Chúa Nhật XIII – Thường Niên Chúa Nhật XII – Thường Niên Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su