OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXXIII – Thường Niên A Chúa Nhật Chúa Nhật XXXIII – Thường Niên A Được giao ít mà anh đã trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh. Tin Mừng Mt 25,14-30 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm ! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh ! Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm ! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !’ Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này !’ Ông chủ đáp: ‘Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác ! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa ; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng’.” Suy niệm: Siêng Năng Và Biếng Nhác Giữa những toan tính bon chen của cuộc sống hằng ngày, vào lúc cuối năm, Phụng vụ nhắc chúng ta đừng quên tính sổ với Chúa, để “kết toán” những gì chúng ta đã sống, đã hành động, đồng thời đừng quên ơn mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa. Những ơn đó cũng chính là số vốn mà Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi. Có những người sử dụng ơn Chúa ban một cách siêng năng và sinh lợi gấp nhiều lần, nhờ vậy mà được ban thưởng; nhưng cũng có những người biếng nhác, chẳng chịu làm gì, để rồi bị chúc dữ và chịu án phạt. Vào lúc năm cùng tháng tận, chúng ta cần suy xét cuộc đời, nhờ đó, xác định hướng đi, với hy vọng đạt tới hạnh phúc vào lúc cuối cuộc đời. Bài Tin Mừng hôm nay được đặt vào ngữ cảnh một chuỗi những bài giảng về cánh chung, tức là ngày tận thế. Chúa Giêsu đã giáo huấn bằng 5 dụ ngôn liên tiếp, đó là dụ ngôn về đại hồng thủy (Mt 24,37-42); về kẻ trộm ban đêm (Mt 24,43-44); về người đầy tớ trung tín (Mt 24,45-51); về mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13). Như vậy, dụ ngôn những nén bạc (Mt 25,14-30) là dụ ngôn cuối cùng của chuỗi dụ ngôn này, trước khi Chúa nói về cuộc phán xét chung (Mt 25,31-46). Thật hiếm thấy tác giả Tin Mừng dùng ngôn ngữ của thương mại để diễn tả giáo huấn của Chúa Giêsu. Nên lưu ý, trong tiếng Anh và tiếng Pháp, chữ “Talent” vừa có nghĩa là “yến bạc” hoặc đơn vị tiền tệ, vừa có nghĩa là “tài năng”. Một tác giả đã nghiên cứu lịch sử và lượng giá một “Talent” hay một yến bạc thời Chúa Giêsu tương đương với thu nhập của 15 năm đối với một người lao động bình thường. Dụ ngôn muốn nói với chúng ta, những gì chúng ta có được, kể cả tài năng và của cải, đều là Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi. Sẽ đến lúc chúng ta phải tường trình về cách sử dụng những tài năng và của cải đó. Ông chủ trong dụ ngôn vừa khôn ngoan và vừa quảng đại. Ông khôn ngoan vì biết khả năng của mỗi đầy tớ. Ông quảng đại vì không hề ra điều kiện buộc phải sinh lợi bao nhiêu với số vốn đã trao. Ông chủ chính là hình ảnh Thiên Chúa. Ngài ban cho chúng ta những yến bạc, những tài năng để chúng ta sinh lợi. Người ban nhiều hay ít là tùy theo khả năng của mỗi người. Chúa trao cho chúng ta sức khỏe, trí thông minh, hoàn cảnh gia đình, bạn bè và những điều kiện thuận lợi. Đó là vốn liếng chúng ta được nhận từ Chúa và chúng ta có bổn phận phải sinh lợi. Sau khi trao phó của cải cho các đầy tớ, ông chủ đi xa lâu ngày. Thiên Chúa cũng dường như vắng bóng trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta không nhìn thấy Ngài. Nhưng chắc chắn có ngày Ngài đến để thanh toán sổ nợ với chúng ta. Người Kitô hữu tin rằng đó là lúc sau hết của cuộc đời con người. Khi ấy, Thiên Chúa sẽ đến gặp gỡ chúng ta và chúng ta phải trả lời trước mặt Chúa về số vốn được trao. Người đầy tớ thứ nhất và thứ hai được ông chủ khen là “tài giỏi và trung thành”, vì họ đã làm lợi gấp đôi số vốn được trao. Khi tuyên bố: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”, ông chủ đã đưa anh từ địa vị đầy tớ lên ngang hàng với ông chủ, không còn phân biệt “chúa-tôi” nữa. Nói cách khác, nhờ sự trung thành và cần mẫn, hai người đầy tớ đã thoát khỏi thân phận nô lệ mà trở nên như con cái của ông chủ, được cho hưởng niềm vui và vinh quang. Đây cũng là mạc khải Kitô giáo về ý nghĩa và phẩm giá con người. Những ai tin vào Chúa Giêsu và thực hành giáo huấn của Người sẽ trở nên những nghĩa tử của Thiên Chúa. Sau khi kết thúc cuộc sống đời này, họ được đón nhận vào nhà Chúa để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Họ không còn phải than khóc, buồn sầu, nhưng được hưởng niềm vui trọn vẹn mà Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến và phụng sự Ngài. Thân phận của người đầy tớ thứ ba thì lại không được như thế. Anh bị ông chủ mắng là “vô dụng, xấu xa và biếng nhác”. Anh không thật tâm với ông chủ. Bằng chứng là mặc dù anh chịu ơn ông chủ, nhưng trong đầu óc của anh luôn nghĩ xấu về chủ mình. Những nhận định của anh về ông chủ vừa thiếu thiện chí vừa mang tính vu khống: “Tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi…”. Tại sao lại nói ông chủ là người “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” trong khi chính ông chủ đã trao tận tay anh ta một yến bạc để làm vốn? Hơn nữa, trong khi hai người đầy tớ trước rất tự tin nói với ông chủ: “Ông đã trao cho tôi năm (hai) yến, tôi đã gây lời được năm (hai) yến khác đây”, thì anh đầy tớ lười nhác này lại nói với ông chủ: “Của ông vẫn còn nguyên đây này!”. Cách nói “Nén bạc của ông” và “Của ông vẫn còn nguyên” ở câu 25 cho thấy người đầy tớ xấu xa và lười nhác chưa bao giờ coi số vốn đó là như của mình, để rồi anh quan tâm làm cho sinh lợi. Anh là người vô trách nhiệm và thiếu thiện chí. Một điều nhỏ nhất anh có thể làm được mà anh cũng bỏ không làm, đó là đem gửi số bạc đó vào ngân hàng để hưởng lợi. Anh đáng khiển trách không phải vì đã làm điều xấu, nhưng vì anh biếng nhác không chịu làm gì. Hơn thế nữa, anh còn có lối suy nghĩ không tốt về chủ mình, người chủ đã tin tưởng trao vốn cho anh một yến bạc, dù biết khả năng anh khiêm tốn. Hình phạt cho anh đã rõ ràng và thích đáng: anh bị tước mất một yến bạc được trao phó và bị tống ngục. Ngục giam ở đây được trình bày như một nơi tăm tối và khóc lóc, là nơi thiếu vắng tình yêu. Đó chính là cách diễn hỏa ngục theo niềm tin của Do Thái giáo. Siêng năng là một đức tính cần thiết trong đời sống Đức Tin cũng như trong đời sống xã hội. Tác giả sách Châm ngôn diễn tả sự siêng năng qua chân dung một người phụ nữ đức hạnh. Nàng biết miệt mài làm việc trong gia đình. Nơi nàng, người chồng đặt niềm tin tưởng hoàn toàn. Nàng luôn biết quan tâm đến những người xung quanh, mang cho họ niềm vui và nụ cười (Bài đọc I). Đó là vẻ đẹp nội tâm, vượt xa những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài. Siêng năng cũng mang một khuôn mặt khác là tỉnh thức. Vâng, chúng ta cần tỉnh thức, vì cuộc sống này chính là một cuộc chờ đợi không ngừng. Chúa sẽ đến vào giờ chúng ta không ngờ, ngay cả lúc người ta nghĩ là yên ổn và an bình. Hãy tỉnh thức và sống tiết độ, đó là lời khuyên của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thessalonica (Bài đọc II). Đó cũng là thông điệp mà Giáo Hội gửi đến chúng ta trong những ngày cuối năm này. Bốn điều mà thế hệ trẻ nên suy gẫm: - Thất bại là gì? Bỏ cuộc là thất bại lớn nhất. - Kiên cường là gì? Một khi bạn đã kinh quan gian khó, uất hận và thất vọng, chỉ khi đó bạn mới hiểu được kiên cường là gì. - Nghĩa vụ của bạn là: Siêng năng hơn, chăm chỉ hơn, và tham vọng hơn người khác. - Chỉ kẻ ngu muội mới dùng miệng để nói. Người thông minh dùng trí óc, và người sáng suốt dùng trái tim (Samuel Johnson). +TGM Giuse Vũ Văn Thiên Nguồn: tonggiaophanhanoi.org Tính Sổ Sách Phương Ngôn (còn gọi là sách Châm Ngôn) diễn tả hình ảnh một người vợ tài đức vẹn toàn. Nàng lo toan cần mẫn trong công việc cửa nhà rất chu đáo. Nàng yêu thương và chăm lo cho chồng con. Với lòng bác ái từ bi: Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó và giơ tay hướng dẫn người bần cùng (Cn 31, 20). Nàng quí giá hơn ngọc ngà châu báu muôn vàn. Nàng mang lại niềm an vui và hạnh phúc cho gia đình. Trong vai trò là vợ, là mẹ và là người phụ nữ, nàng lo liệu mọi việc trong nhà và ngoài xã hội một cách chăm chỉ. Đời sống nội tâm của nàng thể hiện một niềm tin mạnh mẽ trong sự kính sợ Thiên Chúa: Duyên dáng thì giả dối và nhan sắc thì hão huyền. Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng (Cn 31, 30). Nàng nhận diện giá trị đích thực của người phụ nữ không hệ tại ở nhan sắc chóng tàn phai, nhưng là cái tâm trinh trong vẹn tuyền. Nàng đáng được ca ngợi! Bài Phúc Âm hôm nay kể cho chúng ta một dụ ngôn về kết qủa tính sổ của các đầy tớ. Câu truyện rất ý nghĩa, trước khi trẩy đi miền xa, ông chủ đã trao cho các đầy tớ những nén bạc để làm vốn sinh lời: Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi (Mt 25, 15). Trao nén bạc cho các đầy tớ xong, ông ra đi. Họ phải tự mình lo chu toàn bổn phận và trách nhiệm đã được trao. Người nhận nhiều, kẻ nhận ít. Ông chủ chỉ muốn mỗi đầy tớ hãy cố công lao động sinh lời từ số vốn liếng mà mình đã nhận được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để áp dụng cho mọi người ở mọi thời. Đã hơn hai ngàn năm trôi qua, dụ ngôn tính sổ đời là một lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và tự vấn. Ông chủ trao các nén bạc cho mỗi người đầy tớ tùy theo khả năng của họ. Ai trong chúng ta cũng đã lãnh nhận những nén bạc quí báu. Nén bạc là khả năng, thời giờ, của cải và tài đức. Ngoại trừ những người bị bệnh tật, khiếm khuyết, dị tật và bất thường, đa số chúng ta là những người bình thường có thể lao động sinh lời. Mỗi cá nhân đã nhận được biết bao nhiêu vốn liếng hồng ân. Thiên Chúa ban cho mỗi người một khả năng để chúng ta làm lời thêm cho gia đình, tha nhân và xã hội. Nhìn quanh, chúng ta đang được thừa hưởng nhiều thành qủa do công khó của biết bao người cống hiến. Họ đã hy sinh thời giờ, khả năng và sức lực để xây dựng một xã hội kỹ thuật văn minh giầu đẹp. Tự hỏi, mỗi người chúng ta đã đóng góp được gì vào kho tàng cuộc sống của xã hội và Giáo Hội? Hãy tận dụng những khả năng sẵn có để phục vụ anh em đồng loại. Một chi tiết đáng chú ý: Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn dấu tiền của chủ mình (Mt 25, 18). Người đầy tớ lãnh một nén bạc đã đem chôn vùi. Có thể vì người đầy tớ này khinh thường, chê vốn ít, không kính phục và cũng có thể vì lười biếng hoặc muốn làm theo ý mình. Nại đến nhiều lý do không thích đáng để chôn dấu nén bạc của mình. Trong thế giới con người, một sự thật hiển nhiên là mỗi người có những khả năng chuyên môn khác nhau. Có những thiên tài trổi vượt trong một số các ngành nghề. Có nhiều người rất thông minh, giỏi giang lại còn giàu có và tốt lành.Có những người phải học hành và làm việc cực lực để đạt được những thành qủa giá trị. Có nhiều kẻ trí khôn trì độn, chậm chạp và kém cỏi, cần sự giúp đỡ. Khả năng thiên phú nơi mỗi người không giống nhau. Tạo Hóa không đòi hỏi mọi người phải sinh lợi bằng nhau. Điều quan trọng là, dù ít dù nhiều, mỗi người phải tận dụng khả năng mình có, để góp phần làm giầu cho đời sống chung. Ai lười biếng sẽ bị tước đoạt hết. Lời kết của dụ ngôn rất chí lí: Vì người có, sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi (Mt 25, 29). Người có, lại được thêm dư dật. Người ta nói: Xởi lởi, trời lại ban cho. Kinh nghiệm ở đời cho chúng ta thấy rằng những người chí thú lo làm ăn, sớm hay muộn, họ cũng sẽ thành công. Nhờ có số vốn cộng thêm sự chăm chỉ làm việc, từ đó vốn mẹ đẻ ra vốn con. Bấy giờ, họ có, lại càng có thêm. Người có năm nén làm thêm được năm nén. Người có hai, làm lợi thêm hai nén khác. Ông chủ khen họ là những đầy tớ trung tín. Trung tín trong việc nhỏ, sẽ giao trách nhiệm công việc lớn hơn. Qua đó, khả năng càng được phát triển và giầu có thêm lên. Truyện kể: Một nữ tu tuổi trung niên đã bước vào khu ổ chuột của một thành phố lớn ở Ấn Độ. Lúc đó, bà ta chỉ có hai đồng đôla trong ví. Bà không có thu nhập và cũng không có chỗ để trú thân. Tất cả cái bà có là niềm tin tưởng rằng Chúa đang mời gọi bà thực hiện một điều gì đó cho người nghèo ở khu vực này. Bà cảm nhận một cách chắc chắn rằng, nếu thực sự là lời mời gọi của Chúa, Chúa sẽ cung cấp tất cả những gì cần thiết. Bà ấy chính là mẹ Têrêxa thành Calcutta. Ngày nay, Mẹ được biết đến và được kính trọng trên khắp thế giới. Mẹ đã dựng xây 80 trường học, 70 bệnh xá giúp người cùi, 30 nhà dành cho những người hấp hối và 40,000 cộng sự viên trên toàn thế giới. Mẹ khởi sự với mấy đồng lẻ chỉ tương đương với vài chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, nhưng mẹ đã sẵn sàng dâng hiến cho Chúa và rồi đã có cả ngàn ngàn người tiếp tục được nuôi dưỡng và chăm sóc. Thực thế, mẹ đã làm sinh lợi nhiều điều tốt lành cho Chúa và tha nhân. Chúng ta nhớ rằngsự quảng đại của Thiên Chúa vĩ đại gấp ngàn lần sự rộng rãi của chúng ta. Mẹ Têrêxa Calcutta với dáng thon gầy nhỏ bé, nhưng đã có một trái tim vĩ đại. Mẹ có thể ôm vào lòng tất cả những người cùng khốn, bệnh nhân ghẻ lở hôi hám và cả người hấp hối bên lề đường. Mẹ nhìn họ như là hình ảnh của Chúa Kitô. Mẹ yêu thương, chăm sóc và ban tặng lại cho họ phẩm giá con người. Với một vốn liếng rất khiêm nhường, mẹ đã sinh lời gấp trăm gấp ngàn. Chúa đã thưởng công cho mẹ và thế giới đã tôn vinh danh mẹ. Chúng ta nhận thấy sự thành công của mẹ không tùy thuộc vào số vốn liếng nhiều hay ít, nhưng là trái tim biết yêu thương và tấm lòng từ bi rộng mở. Ai trong chúng ta cũng có một vố vốn, chỉ cần dám dấn thân đầu tư vào một công việc thiện nhỏ, chúng ta sẽ gặt hái được kết quả. Trong tuần áp cuối của năm Phụng Vụ (A), thánh Phaolô nhắc nhớ mọi người về ngày giờ sau hết. Ngày đó, chúng ta phải chuẩn bị để tính sổ. Xét nhìn lại những những thành qủa mà chúng ta đã gặt hái được trên đường lữ thứ trần gian. Chúng ta cũng phải chấp nhận có những thất bại, thiếu xót và lầm lỗi. Vì gieo nhân nào, chúng ta sẽ được gặt qủa đó. Hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng trong sự tỉnh thức, vì ngày cùng sẽ tới vào lúc chẳng ai ngờ, Phaolô viết: Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa đến như kẻ trộm trong đêm tối (1 Tx 5, 2). Chẳng có sự gì là yên ổn và an toàn tuyệt đối. Cuộc sống con người như sợi chỉ mành. Một cơn gió thoảng cũng có thể làm cho nó biến mất. Chúng ta không thể cậy dựa vào những sự an toàn bảo hiểm xã hội. Mọi sự cố có thể xảy đến bất cứ lúc nào: Khi người ta nói rằng: yên ổn và an toàn, thì chính lúc đó, tai họa thình lình giáng xuống trên họ… (1 Tx 5, 3). Để tìm được sự bình an đích thực trong cuộc sống, chúng ta hãy chu toàn bổn phận hằng ngày và vui sống với cái mình đang có. Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì muôn ân huệ Chúa đã thương ban. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi khả năng, thời giờ và nguồn phúc lộc Chúa trao ban, để làm sinh hoa kết qủa tốt cho đời sống của chúng con và cho đồng loại. Lm. Giuse Trần Việt Hùng Nguồn: gpcantho.com Ngày 14 tháng 11 Năm 2020 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật Tuần 5 Mùa Thường Niên C Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên Chúa Nhật XIV – Thường Niên Chúa Nhật XIII – Thường Niên