OMI VIỆT NAM::Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Điều 7 Tin Phụ Tỉnh Việt Nam Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Điều 7 PHẦN MỘT – ĐẶC SỦNG - SỨ VỤ - ƠN GỌI : Điều 7 JAMES, OMI & RICHARD, OMI ĐIỀU 7: CÔNG BỐ LỜI CHÚA Là linh mục và tu huynh, chúng ta đảm nhận những trách nhiệm bổ túc cho nhau trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chúng ta sẽ không tiếc công sức để đánh thức hoặc khơi dậy lại đức tin nơi những con người mà chúng ta được sai đến, và giúp họ nhận ra “Đức Kitô là ai.” Sứ mạng của chúng ta mời gọi chúng ta luôn sẵn sàng đáp lại những nhu cầu cấp bách nhất của Hội Thánh qua nhiều hình thức chứng tá và thừa tác vụ, đặc biệt là qua việc loan báo Lời Chúa, Lời ấy được kiện toàn trong các bí tích và trong đời sống phục vụ tha nhân. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu và các Hội Thánh được bén rễ sâu trong nền văn hóa địa phương, đồng thời trở nên những cộng đoàn có khả năng đảm trách chính sự tăng trưởng và phát triển của mình. Lời Chúa để cầu nguyện: Ep 1, 9-12 : “chúng ta đã được tiền định để ca ngợi vinh quang của Người” Ep 2, 19-22 : “Anh em là thành viên trong gia đình của Thiên Chúa.” Tv 133 : “Kìa xem anh em được sống thuận hòa, thật là tốt đẹp biết bao!” 1 Cr 15, 1-8 : “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta...” Cv 2, 42-47 : “Họ chuyên cần sống đời hiệp thông...” Rm 12, 9-21 : “Hãy yêu thương nhau bằng tình huynh đệ.” 2 Cr 8, 1-15 : “Họ đã khẩn khoản xin chúng tôi cho họ được chia sẻ vào việc phục vụ các thánh.” Văn kiện Giáo Hội: Gaudium et Spes, số 32 Suy niệm: CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU Hiến chế Mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” (Gaudium et Spes) đã xác quyết cách rõ ràng về mục đích trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa “Mọi người đều được mời gọi hướng đến cùng một cùng đích, đó chính là Thiên Chúa.” (G.S. 24). Họ được kêu gọi đến mục tiêu ấy như một gia đình, sống với nhau trong tình huynh đệ. Chính Đức Giêsu đã hàm ý cho thấy rằng ơn gọi của con người mang chiều kích cộng đoàn, và rằng ơn gọi ấy phản ánh sự hiệp nhất nhiệm mầu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa. Người đã cầu nguyện rằng: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” (Ga 17, 21–22) Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” cũng khẳng định rõ rằng ý định của Thiên Chúa là: “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người, không phải như những cá nhân biệt lập, không có tương quan gì với nhau, nhưng bằng cách quy tụ họ thành một dân tộc duy nhất.” (L.G. 9). Và hơn nữa, “Ngay từ khởi đầu của lịch sử cứu độ, Người đã không chọn gọi con người như những cá nhân đơn độc, nhưng như là những phần tử thuộc một cộng đoàn nhất định.” (L.G.32). Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trong Tông huấn “Evangelii Nuntiandi – Loan báo Tin Mừng trong Thế giới Ngày nay”, khẳng định rằng việc hình thành cộng đoàn Kitô hữu là dấu chỉ cho thấy việc rao giảng Tin Mừng đã đạt đến mức viên mãn. Khi Tin Mừng được lắng nghe, đón nhận, thấm nhuần, và khi nó khơi dậy nơi người đón nhận một sự gắn bó đích thực, thì lúc ấy, việc loan báo đã đạt tới sự thành toàn. Đó là sự gắn bó không chỉ với chân lý, mà còn với “một lối sống”, một sự gắn bó với Triều Đại Thiên Chúa, với một cách thế hiện hữu mới, sống mới, sống trong cộng đoàn mới. Và sự gắn bó ấy chỉ thực sự nên trọn khi người tín hữu gia nhập vào một cộng đoàn đức tin sống động (x. E.N. 23). Mục tiêu của đời sống Kitô hữu là sống đức tin, chúc tụng vinh quang Thiên Chúa, và sống sự hiệp thông với chính Người. Mục tiêu của mọi nỗ lực mục vụ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng là xây dựng Gia đình của Thiên Chúa – tức là xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu, không phải chỉ đếm số người tham dự hay phục vụ nhu cầu cá nhân, nhưng là nơi mà đời sống Kitô hữu đích thực được sống và thể hiện. Để thực sự trở thành một cộng đoàn, một cộng đoàn Kitô hữu phải đủ nhỏ để cho phép hình thành những mối tương quan Kitô giáo mang tính liên vị. Khi những cộng đoàn Kitô hữu nhỏ được hình thành và phát triển, chúng ta trở lại với ý nghĩa nguyên thủy và mục đích ban đầu của điều mà chúng ta gọi là “giáo xứ”. Từ “giáo xứ” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “oikias”, nghĩa là “khu xóm”. Dù “xóm đạo” ấy được hiểu theo nghĩa địa lý hay môi trường sống, thì đó là nơi quy tụ những người chọn cách sống cộng đoàn Kitô hữu như một lối sống. Dù mang tên gọi nào, cộng đoàn Kitô cơ bản, cộng đoàn giáo hội cơ bản, xóm đạo, cộng đoàn đức tin hay chỉ đơn giản là cộng đoàn nhỏ, thì đó vẫn là tế bào nền tảng và căn bản của Hội Thánh. Chính cộng đoàn ấy có trách nhiệm làm phong phú và phát triển chính mình, là điểm quy chiếu của công cuộc loan báo Tin Mừng, và là yếu tố chính trong việc thăng tiến con người. Thượng Hội đồng Giám mục về việc Loan báo Tin Mừng đã suy tư sâu xa về các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bởi vì chúng đang trổ sinh mạnh mẽ khắp nơi trong Hội Thánh. Chúng được quy tụ ngay trong Hội Thánh, liên kết mật thiết với Hội Thánh, và chính nhờ đó, làm cho Hội Thánh lớn lên. Họ sống hiệp thông với các vị mục tử của Hội Thánh địa phương. “Là những người được nghe Tin Mừng và hưởng những ân huệ của việc loan báo Tin Mừng, chính họ lại trở nên người loan báo Tin Mừng.” (E.N. 58). Các cộng đoàn Kitô hữu này khác biệt với những nhóm nhỏ, hội đoàn hay tổ chức khác trong lòng Hội Thánh, vốn có thể được hình thành để phục vụ những mục tiêu chuyên biệt hơn, như tông đồ, giáo dục, công tác xã hội hay tổ chức. Cộng đoàn Kitô hữu là chính Hội Thánh, mục tiêu của nó là để hình thành nên Hội Thánh. Nó được đặc trưng bởi sự liên kết mật thiết trong đức tin, đào sâu Lời Chúa nơi mỗi thành viên, tham dự Thánh Thể như cử hành những biến cố sống động, những vui buồn, sướng khổ của chính cộng đoàn. Cộng đoàn ấy làm cho Lời Chúa được sống động trong tình liên đới và cam kết sống giới răn mới của Thầy Giêsu. Nó làm cho sứ mạng của Hội Thánh và sự hiệp thông hữu hình với Mục tử trở nên hiện diện và hoạt động cụ thể. Những người Kitô hữu được kết hiệp như thế, nuôi dưỡng lòng gắn bó với Đức Kitô, tìm kiếm một đời sống Tin Mừng hơn giữa lòng nhân loại, và cùng nhau xây dựng một xã hội mới, nền văn minh tình thương, bằng đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em. (Puebla, Phần III, chương I). Cộng đoàn ấy thúc đẩy sự dấn thân mạnh mẽ hơn cho công lý trong bối cảnh xã hội cụ thể của mình. Đó không phải là một cộng đoàn khép kín, nhưng vươn xa ra khỏi chính mình, đến với giáo phận, với Hội Thánh hoàn vũ, với xóm làng, thành phố, đất nước và toàn thế giới. Muốn loan báo Lời Chúa, thì phải xây dựng cộng đoàn, phải là thành viên của cộng đoàn. Càng hiểu cộng đoàn là gì, càng có kinh nghiệm sống cộng đoàn, ta càng đủ sức đảm nhận sứ mạng ấy. Câu hỏi suy tư: Tôi đã làm gì để hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc xây dựng cộng đoàn? Tôi có những dè dặt hay phản đối nào đối với ý tưởng về các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ? Trong hai tháng qua, những hoạt động mục vụ nào của tôi nhắm đến việc giúp đỡ hay loan báo Tin Mừng cho từng cá nhân, và hoạt động nào được dành để xây dựng cộng đoàn? Bài tập thực hành: Hãy nghiên cứu chủ đề “cộng đoàn” dưới các khía cạnh thần học, xã hội học, tâm lý học và nhân học để hiểu sâu hơn lời mời gọi xây dựng cộng đoàn. Hãy bắt đầu một nhóm chia sẻ suy niệm với anh chị em giáo dân nơi bạn đang phục vụ, để cùng nhau khám phá con đường xây dựng cộng đoàn Kitô hữu đích thực. GIẢNG THUYẾT MỘT CÁCH GIẢN DỊ “Nhắm đến sự hoa mỹ trong văn chương hơn là sự vững chắc trong đạo lý, là đi ngược lại tinh thần của Luật Dòng chúng ta… Mục tiêu duy nhất và tối hậu của chúng ta phải là giáo huấn dân chúng… Không chỉ là bẻ ra bánh Lời Chúa cho họ, mà còn nhai giúp họ nữa; nói cách khác, phải làm sao để khi chúng ta giảng xong, họ không bị cám dỗ mà khen lấy khen để điều họ chưa hiểu, nhưng thay vào đó, họ ra về được xây dựng, được chạm đến, được dạy dỗ, Họ có thể lặp lại nơi gia đình điều họ đã học được từ miệng chúng ta.” – Năm 1818 – Ngày 03 tháng 07 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Điều 1 Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Phần Mở Đầu Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Điều 2 Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Điều 3 Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Điều 4 Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Điều 5a Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Điều 5b Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm - Điều 6 Thường huấn Tu Huynh Tình huynh đệ lan tỏa qua Hội Thao Hiến Sĩ lần II – Năm học 2024–2025