OMI VIỆT NAM::Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Tin Phụ Tỉnh Việt Nam Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm PHẦN MỘT – ĐẶC SỦNG - SỨ VỤ - ƠN GỌI : Điều 6 JAMES, OMI & RICHARD, OMI ĐIỀU 6 TRONG HỘI THÁNH Tình yêu sâu đậm đối với Hội Thánh thôi thúc chúng ta sống trọn sứ mạng trong sự hiệp thông với các vị mục tử mà Chúa đã đặt làm người chăn dắt Dân Người. Với đức tin sáng suốt và lòng trung tín, chúng ta vâng phục sự hướng dẫn và giáo huấn của những Đấng kế vị thánh Phêrô và các Tông Đồ. Chúng ta liên kết các hoạt động truyền giáo của mình với kế hoạch mục vụ chung của các Giáo hội địa phương, nơi chúng ta hiện diện và phục vụ, đồng thời cộng tác trong tinh thần huynh đệ với mọi thành phần đang dấn thân phục vụ Tin Mừng. Sứ vụ của chúng ta cần được thấm đượm khát vọng chân thành hướng đến sự hiệp nhất với tất cả những ai tự nhận mình là môn đệ Đức Giêsu, để, theo lời nguyện của chính Người, “tất cả nên một, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (x. Ga 17,21). Sau cùng, trong niềm hy vọng vào ngày viên mãn của Nước Thiên Chúa, chúng ta cũng liên đới với tất cả những ai, dù chưa nhận biết Đức Kitô là Chúa, nhưng vẫn yêu mến những điều Người yêu. Lời Chúa để cầu nguyện: Lc 10, 16-20 : “…Tên anh em đã được ghi trên trời…” Mt 13, 31-32 : “…Nước Trời giống như hạt cải…” Mt 28, 16-20 : “…Hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em…” 1 Cr 14, 12 : “…Anh em hãy nhiệt thành tìm kiếm những ân sủng có thể xây dựng Hội Thánh…” Cv 2, 42-47 : “…Họ đồng tâm nhất trí ca ngợi Thiên Chúa và được toàn dân thương mến…” 1 Tx 5, 12-22 : “…Hãy sống hòa thuận với nhau…” Ga 17, 6-19 : “…Con đã sai họ đến trần gian…” Văn kiện Giáo Hội: Evangelii Nuntiandi, số 62–63; Perfectae Caritatis, số 2c. Suy Niệm: SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG Đời sống thánh hiến không thể được hiểu đúng, cũng như không thể được biện minh cho sự hiện hữu của nó, nếu không đặt trong bối cảnh của Hội Thánh. Hội Thánh chính là sự hiện diện sống động của Đức Kitô, như một lời đáp trả trước những khát vọng sâu xa của thế giới, một thế giới đang rên xiết trong cơn vật lộn để trở thành Vương Quốc của Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần luôn hiện diện cách sống động để bảo đảm rằng Hội Thánh không ngừng là sự Hiện Diện của Đức Kitô giữa trần gian, như một lời đáp lại những khát vọng sâu thẳm của nhân loại, nhờ việc “phân phát các ân huệ cho mỗi người tùy theo ý Ngài muốn” (x. 1 Cr 12,11). Ngài phân phát những ân sủng đặc biệt cho mọi thành phần trong Hội Thánh, bất kể phẩm trật hay địa vị. Nhờ những hồng ân này, Thánh Thần làm cho các tín hữu nên xứng đáng và sẵn sàng đảm nhận các tác vụ khác nhau, hầu phục vụ cho việc canh tân và xây dựng Hội Thánh (x. Lumen Gentium 12). Trong số những ân ban ấy, có ơn gọi sống đời thánh hiến, một đặc sủng không chỉ đơn thuần là một “tổ chức” hay “hệ thống phụ trợ” trong Hội Thánh, nhưng là một hồng ân đích thực đến từ Chúa Thánh Thần, được trao ban cho Hội Thánh, và vì sự sống của Hội Thánh. Hồng ân đời sống thánh hiến chỉ hiện hữu cách cụ thể và sống động nơi từng con người cụ thể, những người được Thiên Chúa kêu gọi để sống ơn gọi ấy trong một đặc sủng cụ thể, thuộc về một hội dòng cụ thể. Đặc sủng của đời sống thánh hiến được hiện thân trong đặc sủng riêng của từng hội dòng, vốn đã được Hội Thánh đón nhận và xác nhận. Ơn gọi của mỗi hội dòng – và ơn gọi của chúng ta, các Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm – là phục vụ Hội Thánh bằng một cách thế đặc biệt, để cùng Hội Thánh sống chiều kích kép của mình. Chúng ta được mời gọi góp phần vào việc canh tân Hội Thánh, bằng cách không ngừng kêu mời Hội Thánh trở về với Đức Kitô và trở lại với cội nguồn Tin Mừng, qua một tiến trình hoán cải không ngừng, mà chính đời sống chúng ta phải là chứng tá sống động. Chúng ta cũng được mời gọi cộng tác vào việc cải tổ Hội Thánh, bằng cách đánh động lương tâm Hội Thánh về sự cần thiết phải thích nghi với nhu cầu của thời đại, qua việc đọc và phân định các “dấu chỉ thời đại”. Cũng như đời sống thánh hiến được hiện thân trong một hội dòng cụ thể, thì “Hội Thánh hoàn vũ, trên thực tế, được hiện thân nơi các Giáo Hội địa phương”, vốn là những cộng đoàn được hình thành từ những con người cụ thể, nói những ngôn ngữ khác nhau, thừa hưởng một gia sản văn hóa, một thế giới quan, một dòng lịch sử, và một nền tảng nhân học riêng biệt (Evangelii Nuntiandi 62). Do đó, với tư cách là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi để phục vụ Giáo Hội địa phương. Mỗi người trong chúng ta, khi đảm nhận một sứ vụ tại giáo xứ, nơi các cộng đoàn cơ bản, trong các cơ sở giáo dục, hay trong bất kỳ công cuộc tông đồ nào, phải biết chìm sâu vào trong mầu nhiệm của Giáo Hội địa phương, luôn hiệp thông với vị Mục tử. Giáo Hội địa phương này có thể mang nhiều cấp độ khác nhau, trong đó cấp độ chính yếu là giáo phận hoặc miền đại diện tông tòa, mà vị Mục tử là Giám mục. Giáo Hội địa phương cũng có thể hiện diện ở những cấp độ cụ thể hơn như giáo xứ hay cộng đoàn giáo hội cơ bản. Chính trên những cấp độ địa phương này mà chúng ta dấn thân một cách cụ thể nhất, bằng cách trao hiến cho Giáo Hội sự phong phú của đặc sủng mà chúng ta đã lãnh nhận. Nếu lời từng vang lên trong lịch sử của chúng ta: “chúng ta là người của Đức Giám Mục”, thì câu nói đó chỉ có thể đúng khi chúng ta là người của Giám Mục trong tư cách là người mang đặc sủng của mình, như một quà tặng từ Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội. Điều Luật 4 của chúng ta xác quyết rằng: “Sự trung thành với ơn gọi Hiến Sĩ phải là nguyên tắc hướng dẫn các hoạt động truyền giáo và việc đón nhận các sứ vụ mục vụ.” Điều đó không có nghĩa là chúng ta làm theo ý mình hoặc tự hào mà làm mọi việc theo cách của riêng mình. Chúng ta không thể tự cô lập, hay cạnh tranh với các linh mục giáo phận, các hội dòng khác hay với những người giáo dân đang tham gia sứ vụ mục vụ. Bởi tình yêu dành cho Hội Thánh, chúng ta tham gia vào các kế hoạch mục vụ chung, cộng tác và nâng đỡ các chương trình ấy bằng mọi cách, nhưng luôn phải mang theo dấu ấn của đặc sủng Hiến Sĩ, như một linh đạo sống động thấm nhuần mọi công việc mà ta được sai đi đảm nhận. Mục tiêu tối hậu của chúng ta khi phục vụ Giáo Hội địa phương không phải là để thoả mãn nhu cầu cộng đoàn Hiến Sĩ hay nhu cầu cá nhân, nhưng là để hiến dâng những khả năng, tài năng, tầm nhìn, cách sống và hành động, vốn được sinh ra từ đặc sủng của chúng ta,vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa và Giáo Hội. Chính vì thế, chúng ta không bám víu vào những gì đã làm trong quá khứ, nhưng phải luôn sẵn sàng lên đường cho những sứ vụ mới, dù ở trong hay ngoài giáo hội địa phương hiện tại. Sứ mạng và sự đóng góp của chúng ta luôn mang tính Giáo Hội và thuộc về Hội Thánh. Điều đó có nghĩa là chúng ta không hành động đơn lẻ, nhưng cùng tham dự vào một sứ mạng đã được ủy thác cho Hội Thánh, và cộng tác với những người khác cũng được mời gọi tham gia cùng một sứ mạng ấy. Chúng ta cần biết lắng nghe và đáp lại những lời mời gọi ngày càng rõ ràng mà Hội Thánh gửi đến chúng ta qua các văn kiện, lời mời gọi vượt lên trên những cấu trúc hiện hữu trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa, để trở nên, từ chính Giáo Hội địa phương như điểm khởi đầu, một lực lượng tiên phong trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Điều đó sẽ đưa chúng ta vào một hành trình đối thoại, trước hết là với các Đức Giám mục và các tác nhân mục vụ, để cùng nhau, với tầm nhìn và sự táo bạo trong đức tin, kiến tạo những cách thức mới mẻ và sống động để đem Tin Mừng đến với thế giới hôm nay. Nói tóm lại, chúng ta được mời gọi trở thành ký ức sống động của Hội Thánh ở mọi cấp độ địa phương, không ngừng nhắc nhở bản thân và tha nhân rằng chúng ta được kêu mời trở nên sự hiện diện của Đức Kitô, như một lời đáp trả đầy thích đáng cho thế giới hôm nay. Câu hỏi suy niệm cá nhân: Loan báo Tin Mừng và việc hội nhập vào Giáo Hội địa phương có thật sự là một thực tại sống động trong đời sống của tôi, trong đời sống của cộng đoàn tôi đang sống, và trong đời sống của Tỉnh Dòng tôi không? Trong Giáo Hội địa phương nơi tôi đang thi hành sứ vụ, có một định hướng mục vụ chung, một kế hoạch mục vụ tổng thể nào không? Tôi có thực sự dấn thân để sống và thi hành kế hoạch đó trong sự vâng phục và hiệp nhất, hay tôi chỉ làm theo cảm hứng và quyết định riêng? Tôi đã làm gì, đang làm gì để cổ võ, nâng đỡ và đóng góp vào chương trình mục vụ chung đó? Trong các chọn lựa và quyết định mục vụ, tôi có thực hiện việc phân định với anh em, với cộng đoàn, với vị hữu trách hay với những người đồng hành thiêng liêng không? Tôi chịu trách nhiệm với ai về công việc mục vụ của mình? Tôi có thường xuyên kiểm điểm và lượng giá công việc mục vụ của mình không? Khi nào, và bằng cách nào tôi làm điều đó? Bài tập thực hành: Hãy dành thời gian nghiên cứu một chính sách mục vụ cụ thể của Giáo Hội, có thể ở cấp giáo phận hoặc cấp quốc gia, đã được ban hành hoặc triển khai trong vòng một năm qua. Ví dụ như: Chính sách về việc đào tạo và sai đi các thừa tác viên giáo dân, chương trình chuẩn bị lãnh nhận các bí tích, những định hướng mục vụ về công lý xã hội, v.v. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, bạn hãy đặt ra những câu hỏi suy tư như: Tôi hoặc cộng đoàn của tôi có thể đóng góp điều gì cụ thể để chính sách ấy được triển khai hiệu quả hơn không? Tôi có thắc mắc, trăn trở, hoặc cần phân định điều gì xoay quanh chính sách đó không? Sau cùng, bạn hãy soạn thảo một kế hoạch cụ thể, với các bước thực tế, để hiện thực hóa chính sách mục vụ ấy ngay trong bối cảnh mục vụ địa phương nơi bạn đang sống và phục vụ. Ngày 26 tháng 06 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Thường huấn Tu Huynh Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Tình huynh đệ lan tỏa qua Hội Thao Hiến Sĩ lần II – Năm học 2024–2025 Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Ngày Đấng Sáng Lập Về Nhà Cha Và 35 Năm Khấn Dòng – 29 Năm Linh Mục Của Cha Nguyên Bề Trên Sứ Vụ - Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm