OMI VIỆT NAM::Cha Martin Prado, thừa sai người Argentina ở Papua New Guinea Sống đẹp Cha Martin Prado, thừa sai người Argentina ở Papua New Guinea Trong chuyến tông du đến Papua New Guinea, vào ngày 8/9/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành vài giờ ở Vanimo, một cảng nhỏ biệt lập ở Papua New Guinea với chỉ hơn 9.000 cư dân. Tại đây Đức Thánh Cha sẽ gặp lại nhà truyền giáo người Argentina mà ngài biết rõ, cha Martín Prado, thành viên của Tu hội Nhập Thể . Vatican News Từ năm 2014, cha Prado làm việc với một cộng đoàn gần 41.000 người Công giáo trải rộng trên một lãnh thổ rộng lớn. Năm 2019 cha đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Từ đó đã dẫn đến cuộc viếng thăm của vị cha chung tới “vùng ngoại vi” này. Mọi sự bắt đầu từ chuyến đi Ý của cha cùng với một nhóm 18 giáo dân Papua New Guinea. Theo vị thừa sai, đó là một chuyến đi mạo hiểm, nhưng diễn ra tốt đẹp vì cha và mọi người tin tưởng vào Chúa và Đấng Quan Phòng đã chăm sóc con cái Người rất chu đáo. Cha kể lại cuộc gặp gỡ bất ngờ với Đức Thánh Cha: “Khi đến Roma, những người đi với tôi nói: Thưa cha, chúng con có mang quà đến cho Đức Thánh Cha. Tôi nói với họ: Tốt lắm, nhưng làm cách nào chúng ta có thể trao cho Đức Thánh Cha? Một linh mục khác người Ý cùng đi với chúng tôi nói thử viết một thư bằng tiếng Tây Ban Nha và chuyển đến Nhà Thánh Marta, nơi ở của Đức Thánh Cha. Tôi đã làm như vậy, nhưng thực sự không tin sẽ có điều gì xảy ra. Lúc đó là kỳ nghỉ của Đức Thánh Cha. Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, sáng hôm sau chúng tôi nhận được tin từ thư ký của Đức Thánh Cha nói rằng ngài muốn gặp chúng tôi. Chúng tôi rất hạnh phúc nên đã đến Nhà thánh Marta và ở lại với Đức Thánh Cha khoảng hai mươi phút. Ngài rất vui mừng khi thấy những người đến từ rất xa. Họ giải thích tất cả những món quà họ đã mang theo: quần áo truyền thống làm từ cây cối và một chiếc mũ đội đầu được làm cách đặc biệt. Có thể thấy, Đức Thánh Cha có một trái tim rộng mở đối với những người ở vùng ngoại vi, những người cần giúp đỡ nhất”. Kể từ đó cha Prado và Đức Thánh Cha tiếp tục liên lạc qua email. Nhà truyền giáo nói sự quan tâm này thực sự không dành riêng cho cha nhưng dành cho những người ở đây. Đức Thánh Cha nói ngài muốn giữ liên lạc với mọi người để biết chuyện gì đang xảy ra và mọi việc diễn ra như thế nào ở Papua New Guinea. Đức Thánh Cha đã cho mọi người thấy rằng ngài quan tâm đến Giáo hội nhỏ bé này. Khi trở lại Vanimo, cha Prado đã gửi cho Đức Thánh Cha một email để cảm ơn vì đã đón tiếp và giúp đỡ nhóm khi đến Roma. Trong thư nhà thừa sai nói đây thực sự là sự quan phòng của Chúa. Cộng đoàn Công giáo bé nhỏ này không muốn làm phiền Đức Thánh Cha nữa, nhưng trong thư trả lời ngài nói cần tiếp tục tình bạn này. Cha Prado nói qua việc này có thể thấy được tình yêu thương mà Đức Thánh Cha dành cho những người đến từ những vùng xa xôi. Khi được hỏi tại sao Đức Thánh Cha lại quyết định chọn Vanimo là nơi viếng thăm, cha Prado giải thích vì ngài đã gặp nhóm giáo dân đến từ vùng đất này, và khi có ý định đến viếng thăm Papua New Guinea, ý tưởng đã ngay lập tức đến với ngài. Các giáo phận khác cũng đặt câu hỏi: “Tại sao lại là Vanimo? Đó là tỉnh cuối cùng của đất nước, vùng xa xôi nhất”. Thực tế, chỉ có thể đến đó bằng máy bay hoặc tàu. Nhà truyền giáo nói: “Sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với các vùng ngoại vi không chỉ ở lời nói. Ngại thực sự làm những gì đã tuyên bố. Đức Thánh Cha luôn quan tâm đến mọi người. Hơn nữa, tại Vanimo và một số nơi khác ở Papua New Guinea, Tin Mừng chỉ mới vừa đến. Ở bất cứ nơi nào chúng tôi đến, chúng tôi hỗ trợ xây nhà thờ, rửa tội cho mọi người, dạy giáo lý, dạy cầu nguyện cho mọi người. Chúng tôi nói cho họ hiểu rằng Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa chúng ta”. Cha cho biết thêm về đời sống đạo của vùng đất truyền giáo: Ở đây vai trò của giáo lý viên rất quan trọng. Ví dụ tại giáo xứ của cha ở khu rừng rậm, có khoảng 11 cộng đồng sinh sống và cách xa nhau. Cha chỉ có thể đến dâng Thánh lễ mỗi tháng một lần. Vì thế chính các giáo lý viên, một số vị thừa sai, và cả người trong làng chủ sự buổi phụng vụ Lời Chúa và giúp giáo lý cho mọi người. Các giáo lý viên thực sự có vai trò quan trọng trong hoạt động loan báo Tin Mừng. Vì thế trong buổi gặp gỡ Đức Thánh Cha, các giáo lý viên sẽ được ưu tiên phát biểu và tiếp xúc trực tiếp với vị cha chung. Giờ đây, mọi người rất mong đợi Đức Thánh Cha. Lúc đầu không ai nghĩ rằng ngài sẽ đến với họ. Giờ đây có một chút lo lắng nhưng ai ai cũng vui mừng và hạnh phúc và làm việc hết sức cho công tác chuẩn bị. Nguồn: vaticannews.va Ngày 16 tháng 09 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chứng tá Kitô của ông Paul Alexander, 72 năm sống trong một lá phổi sắt Chứng tá chia sẻ với người vô gia cư của bạn trẻ 15 tuổi, Óscar Proc Blanchart Sơ Jennifer Berridge và chương trình giúp các bệnh nhân mới xuất viện trở về nhà Clara Pautasso dấn thân phục vụ người nghèo châu Phi Chứng tá đức tin của bé Têrêsa Ruocco bị ung thư Sơ Livia Ciaramella phục vụ các tù nhân để tìm lại những người đã lạc hướng Sơ Małgorzata, "Mẹ Têrêsa người Ba Lan", dấn thân vì người tị nạn Ucraina Cha Mariano Alique - người Samaria nhân hậu ở Cochacamba, Bolivia Đức tin trong cuộc đời chàng trai trẻ bại liệt Paolo Paluma Sơ Fatima Emmanuel – người Samaria nhân hậu của người vô gia cư và người nghèo Malaysia