OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XIV – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XIV – Thường Niên Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tin Mừng Mt 11,25-30 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Suy niệm: CHÚA NHẬT THỨ HAI THÁNG 07: CHÚA NHẬT BIỂN Chúa Nhật ngày 9/7, ĐHY Czerny, Tổng trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện, đã viết trong một sứ điệp rằng: “Ngày Chúa Nhật Biển không dành riêng cho nhân sự của lĩnh vực này, nhưng nó thu hút sự chú ý của mỗi cộng đoàn Kitô hữu đến những người, mà nhờ họ một phần lớn của cải mà chúng ta nuôi sống bản thân hay chúng ta dùng mỗi ngày đến với chúng ta”. Sứ điệp nhắc nhớ : “Chúa Nhật là ngày cử hành Thánh Thể, là lễ Phục Sinh hằng tuần : nhiều người không được tiếp cận, vì họ bị buộc xa rời những người thân yêu của họ và chính cộng đồng của họ. Đối với toàn thể Giáo hội, Đấng Phục Sinh đồng thời có nghĩa là thời gian không quên một ai, mang ơn cứu độ đến mọi nơi, tự hỏi làm thế nào người vắng mặt và vô hình có thể cảm thấy được cứu độ và quý giá, mang một phẩm giá của mỗi con cái của Thiên Chúa”. Do đó, sứ điệp cho biết, Ngày Chúa Nhật Biển hằng năm (Chúa nhật thứ hai của tháng 7) mang đến cho các cộng đồng Công giáo trên toàn thế giới khả năng “không quên nguồn gốc của mình và cầu nguyện cho những người ngày nay đang lao động trên những con tàu vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới. Đó là hơn một triệu người mà nhờ họ cuộc sống hằng ngày của chúng ta trở nên khả thi và kinh tế được củng cố”. Với Giáo hội của Thiên Chúa, Giáo hội hiệp hành này nơi chúng ta bước đi cùng nhau, ĐHY mời gọi cùng nhau tiến về phía trước, “cùng nhau ra khơi, không bỏ ai lại phía sau » và đồng thời « làm phong phú lẫn nhau”. Ngài nhấn mạnh : “Đừng để ai nghĩ rằng mình không có gì để cống hiến. Vì thế, nếu có một nỗ lực mà chúng ta muốn đề nghị, đó chính là xác thực cách chúng ta gần gũi nhau hơn, trong một sự trao đổi liên lỉ giúp cho công việc của chúng ta ít xa cách hơn với hành trình và đức tin của tất cả mọi người”. ANH EM HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TÔI, VÀ HÃY HỌC VỚI TÔI, VÌ TÔI CÓ LÒNG HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG. Mt 11,25-30: Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." Chúng ta dừng lại ít phút, cùng chiêm ngắm hình ảnh của Đấng toàn năng, nhưng hiền hậu và khiêm hạ, đem lại an hoà cho muôn dân. Chính Ngài sẽ khai mở một dòng dõi mới, dòng dõi hiện thân của Ngài: Kitô hữu. Dcr 9,9-10 Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất. Trong Bình Ngô đại cáo, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đề cao ý chí quật cường chống ngoại xâm Tàu, và nêu bật tấm lòng hiếu hòa, nhân nghĩa của dân tộc Việt, ông đã viết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo.” Còn hơn thế nữa, cách đây khoảng 2400 năm, tiên tri Dacaria đã giới thiệu cho muôn dân sẽ thấy một Đấng chính trực, Đấng toàn thắng, mang lại hòa bình cho muôn dân, Người không cưỡi trên lưng ngựa chiến, nhưng hiền hòa, khiêm hạ, ngồi trên lưng một con lừa con còn theo mẹ. Nhưng Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất. Đến thời sau hết, Đức Giêsu – Đấng Chính Trực, Toàn Thắng, đã xuất hiện. Ngài mời gọi mọi người mang lấy ách của Ngài, sống tâm tình hiền hậu và khiêm nhường của Ngài. Trong cõi nhân sinh, ai cũng mang ách và gánh nặng của phận người tội lỗi, tham dục, đau khổ... và chết đi. Trong đời sống hiện tại, ách và gánh nặng đang đè nặng trên bản thân tôi là gì? Làm sao để ách của mình trở nên êm ái, gánh trở thành nhẹ nhàng? Chúng ta cùng tìm hiểu để nhận biết tình trạng khốn khổ của mình, và xin Chúa thương ngự đến giải thoát chúng ta. 1. GÁNH NẶNG VÀ ÁCH ĐÈ TRÊN CON NGƯỜI XƯA VÀ NAY XƯA: - Gánh: Những người đang trực tiếp nghe Chúa Giêsu xưa là những tín hữu Do Thái. Họ phải mệt nhọc tuân giữ rất nhiều điều luật, từ những điều luật căn bản và quan trọng của đạo Do Thái đến nhiều điều chi tiết mà tập tục và các thầy Rabbi (dạy đạo). Quá nhiều điều, nên dân khó phân biệt cái chính với cái phụ . Chính Chúa Giêsu đã có lần nói với dân chúng: “Các kinh sư và các người Pharisêu bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn đụng ngón tay vào” (Mt 23, 4). - Ách là thanh gỗ nặng dùng để cột bò vào chiếc xe nhỏ hoặc cái cày, ách được đặt trên gáy con vật. Cựu ước dùng từ này theo nghĩa bóng chỉ “sự lệ thuộc” của dân Ít ra en vào Thiên Chúa (x. Gr 5,5); hoặc để chỉ toàn bộ nghĩa vụ đè nặng trên dân, có thể từ phía nhà vua (x. 1V 12,4), cũng có thể từ thế lực ngoại bang cai trị (x. Is 14,25; Gr 27,8;28,2). NAY: - Gánh nặng áp chế kiếp sống trần gian của con người có thể hiểu là những luật lệ hà khắc, những hủ tục, lề thói thế gian, và cả thói quen không tốt của bản thân…. Thường gánh nặng trong đời sống phụ thuộc vào sự hiểu biết, tinh thần sống của mỗi người. Ví dụ: Đối với người chưa cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa thì Luật Giáo Hội là gánh nặng trong đời sống: phải đi lễ ngày Chúa nhật, phải học giáo lý hôn nhân trước khi cưới, không được sống thử, không được phá thai… *Ách đang đè nặng hoàn cảnh sinh sống khó khăn, bất hạnh (sống thuê, làm thuê, tổ ấm gia đình rạn nứt; bệnh tật, già nua, cái chết…). Ách có thể do “văn hoá sự chết” gây ra. Ví dụ như: - “Văn hóa nổ và che đậy”: là kiểu sống mắc phải những thói quen vị kỷ, vô thần: Xấu che tốt khoe; nói nhiều huênh hoang; khoe khoang tự đắc; vô cảm vô tâm; chưa thể lắng nghe ai, kể cả trong gia đình, trong cộng đoàn. - “Văn hóa đấm ngực” người khác. Ví dụ: khi có va quẹt xe cộ, một số người mở miệng chửi liền, đổ lỗi cho người khác, hoặc họ mang lối sống “đụng là xử”; trong cộng đoàn, gia đình họ đổ lỗi cho nhau: tại ông - tại bà, tại bố mẹ -tại con.Ví dụ: Một người chuẩn bị đi xưng tội. Để biết mình có những tội lỗi gì, ông gặp vợ, rồi “đấm ngực bà”- khơi lên những tật xấu, lỗi lầm quá khứ của vợ. Thế là, bà xổ ra ào ào các tội của ông... - “Văn hóa lấn lướt” muốn hơn người. Những người nô lệ cho văn hóa này chỉ muốn tôn mình lên hơn người khác (tôn kỷ).Ví dụ: Khi vào giờ cao điểm, giao thông bị ùn tắt do nhiều người có thói quen lấn lướt vượt tuyến…. Trong công việc, đoàn thể tìm vị thế tốt, cao chẳng cần quan tâm đến người khác; trong gia đình, cộng đoàn, họ muốn làm người có quyền, có tiền.. → “Văn hóa sự chết” gây cho con người tình trạng sống như trong hoả ngục: căng thẳng. nặng nề, sợ hãi, stress, trầm cảm... Ai sẽ cứu con người ra gánh nặng của kiếp nhân sinh, giải thoát con người khỏi ách của văn hóa sự chết? 2. ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT Đức Giêsu trao cho chúng ta ách êm ái, ách của Người, theo lối nói của các Ráp-bi: “hãy nhận Đức Giêsu làm thầy”, hãy nhận lấy chính Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường sẽ đưa chúng ta vào sự sống mới, văn hóa mới, văn hóa của Thần Khí: Biến đổi lối sống theo văn hóa nổ và che đậy thành văn hoá sống thật, khiêm tốn, lắng nghe; Biến đổi lối sống theo văn hóa đấm ngực người khác thành văn hoá “lỗi tại tôi mọi đàng”; Biến đổi lối sống theo lấn lướt, coi mình là trung tâm thành văn hoá hiền lành, phục vụ. Chúa Giêsu là tấm gương cho mọi Kitô hữu noi theo. Người đã quỳ xuống rửa cho các môn đệ. “Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10,45). 3. PHÚC CHO AI ĐƯỢC MẶC LẤY CHÚA KITÔ, TRỞ NÊN BÉ MỌN HIỀN LÀNH Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất hứa làm gia nghiệp (Mt 5,4) Dấu chỉ người bé mọn hiền lành của Chúa: sống trong Thần Khí, dựa vào Thần Khí tiến bước. Họ biết mình là tội nhân cần lòng Chúa thương xót; biết khiêm hạ, thinh lặng trong lòng để lắng nghe được tiếng Chúa, lắng nghe tiếng lòng và thông cảm với người khác; biết cúi mình xuống rửa chân cho người khác. Họ đã và đang chết đối với thế gian, chết đối với tội lỗi, và sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su (Rm 6,11). Linh hồn họ được chạm đến Sự Sống thật, Sự Sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. Nơi họ, dung nhan rạng ngời của Chúa Giêsu phục sinh hiển lộ. Đúng như thánh Phao-lô nói về họ trong thư Rm 8,9.11-13: Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em…..Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống. GƯƠNG HIỀN LÀNH, KHIÊM HẠ CỦA ĐỨC GIOAN XXIII. Lúc được phong chức Tổng giám mục, Đức Cha Roncalli là khâm sứ Toà thánh kiêm đại diện Tông tòa quản trị các giáo phận ở Bungari và Thổ. Công việc của ngài rất khó khăn, vì phải trông coi một vùng rộng lớn đang sôi động về mặt chính trị, chia rẽ về mặt tôn giáo, Công giáo với Tin lành, Chính thống, Hồi giáo, các linh mục triều lại chia rẽ với các tu sĩ. Trong lúc thi hành công việc mục vụ, Đức Tổng giám mục Roncalli nhận được một bức thư nặng lời chê bai chỉ trích Ngài về mọi mặt, do tay một linh mục bất mãn viết. Đọc xong, Đức cha Roncalli không nói một lời, lòng vẫn tha thiết yêu vị linh mục ấy. Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức sứ thần Toà thánh tại Paris, rồi hồng y giáo chủ Vênêcia, và cuối cùng đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu Gioan 23 năm 1958. Linh mục bất mãn viết thư năm nào vẫn còn sống. Về sau, ngài tháp tùng với giáo dân sang Rôma và xin được yết kiến Đức Giáo hoàng. Linh mục ấy đã thuật lại cuộc tiếp kiến riêng tư với Đức Giáo hoàng: “Trong lúc đứng ở phòng khách trên lầu cao Vatican, đầu óc tôi cứ nghĩ tới bức thư bất mãn năm xưa mà lòng tôi vô cùng hối hận. Tôi trộm nghĩ, đã mấy chục năm trời qua rồi, giờ đây chắc hẳn Đức Thánh Cha không còn nhớ gì... Nhưng ai ngờ, sau khi tiếp chuyện thân mật, Đức Thánh Cha với lấy cuốn Kinh thánh và lôi ra trước mặt tôi bức thư khốn nạn ấy. Đang khi tôi lo âu lúng túng, Đức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi và dịu dàng bảo: “Con đừng hoảng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người, cũng yếu đuối, cha đặt bức thư con viết vào cuốn Thánh kinh để hằng ngày đọc vào đó mà xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, hoặc xa tránh những lầm lỡ có thể xẩy đến trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”. CẦU NGUYỆN - Thinh lặng- thì thầm với Chúa: Tạ ơn Chúa đã ban cho con ơn nhận biết tình trạng khốn nạn của con, và ơn nhận biết Chúa yêu con, giải thoát con, đưa con vào Sự Sống hiền lành khiêm nhường của Chúa Giêsu, để ánh sáng Tin Mừng của Chúa tỏa lan khắp nơi. Xin Chúa Thánh Thần bắt đầu thực hiện từ tâm hồn mỗi người Kitô hữu chúng con. Amen. Halleluia. Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI. Ngày 06 tháng 07 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên Chúa Nhật XIII – Thường Niên Chúa Nhật XII – Thường Niên Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su