OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XVI – Thường Niên Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Tin Mừng Mt 13,24-43 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?’ Ông đáp : ‘Kẻ thù đã làm đó !’ Đầy tớ nói : ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?’ Ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.” Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa. Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng : “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp : “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. Vậy, như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.” Suy niệm: Thương Xót và Kiên Nhẫn Nhìn vào cuộc sống, vào cuộc đời chúng ta, ta thấy Thiên Chúa dường như ẩn mình hay vắng mặt, nhất là những lúc khó khăn, đau khổ hoặc khi thấy những bất công vẫn xẩy ra hằng ngày, thấy những người lươn lẹo, gian ngoa vẫn nhởn nhơ và sống sung túc với nhiều của cải. Những lúc như thế, người ta thường tự hỏi: Thiên Chúa đang ở đâu? Trên đời này có sự công bằng không? Những câu hỏi này của chúng ta, có lẽ cũng là những câu hỏi, những bức xúc của những người đầy tớ của ông chủ trong dụ ngôn cỏ lùng hôm nay. Nhìn thấy những thửa ruộng của ông chủ xuất hiện kha khá cỏ lùng, những người đầy tớ bức xúc và muốn nhổ chúng ngay tức khắc. Là những người nông dân lành nghề, những người đầy tớ trình bày sự việc với ông chủ và xin ông cho phép đi nhổ và gom cỏ lùng lại. Nhưng ông chủ không đồng ý cho nhổ cỏ lùng ngay lúc này, ông bảo: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30). Qua câu trả lời của ông chủ, chúng ta thấy cách xử sự của ông chủ thật khoan dung, độ lượng và kiên nhẫn chờ đợi. Đọc xong dụ ngôn, chúng ta tự hỏi, sao chủ không cho đầy tớ nhổ cỏ lùng? Chủ không cho nhổ cỏ lùng là sợ khi nhổ cỏ có thể làm bật luôn rễ lúa. Sở dĩ, ông chủ (Thiên Chúa) để cho cỏ lùng sống chung với lúa, kẻ xấu sống chung với người tốt. Sở dĩ, Chúa chấp nhận tình trạng “vàng thau” lẫn lộn vì Người là Đấng giàu lòng thương xót, nhẫn nại với tội nhân, không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống (Ed 18, 23). Thêm nữa, ông chủ biết chắc là cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được. Như chúng ta biết, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương yêu, Đấng chấp nhận cho cỏ lùng và lúa cùng lớn lên đến mùa gặt (xc. Mt 13, 29-30), Đấng “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. (Mt 5, 45) Khi đọc dụ ngôn cỏ lùng cũng như thấy những bất công vẫn tồn tại trong thế giới, có lẽ, chúng ta trách Thiên Chúa sao Ngài lại để xẩy ra như vậy. Nếu trong trần thế này, ở đâu đó, vẫn còn tình trạng “nhập nhằng”, chưa tách biệt rõ ràng giữa thiện và ác, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa dung dưỡng để cho tình trạng này kéo dài mãi mãi, không có chuyện người sống tốt, làm tốt mãi chịu thiệt thòi. Trong phần giải nghĩa dụ ngôn, Đức Giê-su cho biết số phận của người lành và kẻ dữ sẽ khác biệt nhau trong ngày phán xét, thậm chí cũng khác biệt nhau ngay khi còn hiện diện trên thế giới này. Những người tốt, những người sống theo giáo huấn của Chúa sẽ được Người chúc phúc, được Người đón vào trong Nước Trời và nhận là con cái. Những ai không quan tâm đến giáo huấn của Chúa, không màng đi tìm thánh ý Chúa, và sống ích kỷ theo bản tính con người, sẽ bị loại khỏi cộng đoàn dân Thiên Chúa. Xuyên qua việc để cỏ lùng sống chung với lúa, Đức Giê-su cho thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với con người: về phương diện thực vật, cỏ lùng không bao giờ thành lúa được, nhưng về phương diện thiêng liêng, kẻ xấu nếu biết hoán cải sẽ thành người tốt. Thiên Chúa luôn có cách xử trí khác và vượt xa con người; hôm nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy học Thiên Chúa, hãy có lòng thương xót, nhân nghĩa và kiên nhẫn với tha nhân, cách riêng đối với những kẻ xấu…..như tác giả sách Khôn ngoan khuyên: người công chính phải có lòng nhân ái. Thiên Chúa đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được ơn sám hối. Thanh Tùng, OMI. Ngày 21 tháng 07 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên Chúa Nhật XIV – Thường Niên Chúa Nhật XIII – Thường Niên Chúa Nhật XII – Thường Niên Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su