OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXVIII - Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XXVIII - Thường Niên Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ? Tin Mừng Lc 17,11-19 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng : “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ : “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói : “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” Rồi Người nói với anh ta : “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Suy niệm: SỐNG VỚI TÂM TÌNH TẠ ƠN CHÚA, BIẾT ƠN NGƯỜI "Thánh lễ" còn được gọi là "Lễ Tạ Ơn". Mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa vì bao ơn lành Ngài đã ban cho chúng ta, đặc biệt các ơn trọng đại, Ngài ban qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta luôn sống với tâm tình tạ Thiên Chúa trong mọi sự. 1. TẠ ƠN CHÚA, VÌ ĐƯỢC CHỮA LÀNH: Qua bài đọc 1 (2 V 5, 14-17), chúng ta chiêm ngắm ông Na-a-man được chữa khỏi bệnh hủi, được thay đổi tận căn: từ nay, tâm hồn ông chỉ hướng về một Đức Chúa duy nhất, ông nói: "Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài ĐỨC CHÚA.” → Cùng với ông Naaman, chúng ta tạ ơn Chúa: Tạ ơn Chúa, Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân. Tạ ơn Chúa, Chúa luôn hiện diện và chữa lành thân xác - linh hồn chúng con trên hành trình dương thế. 2. VƯỢT QUA LỀ THÓI THẾ GIAN- TẠ ƠN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ Lk 17:11-19 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!" Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." (Không phải họ đi trình diện để các tư tế để chuẩn bệnh, mà là để các ông chính thức xác nhận họ đã khỏi bệnh). Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. → Khi cùng hoạn nạn, bệnh tật, họ sống với nhau như một gia đình, một cộng đoàn. Nhưng khi khỏi bệnh hủi, họ chia tay, bức tường ngăn cách giữa người Do Thái và người Samari lại hình thành?! Họ trở về với thế gian phân biện, chia rẽ, hận thù. Phải chăng khi con người biết buông bỏ, từ bỏ chính mình đối với thế gian, thì tâm hồn mới mở ra, chấp nhận mọi sự khác biệt để đón nhận ân sủng Tình Yêu Thiên Chúa. 3. SỐNG TINH THẦN TIN YÊU, TẠ ƠN ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ CỦA CHÚA GIÊSU Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Vâng, anh đã tin nhận Đấng quyền năng đã đến với anh, anh đã trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Anh đã lột bỏ con người cũ- bị hủi thân xác và tâm hồn, giờ đây anh là con người mới. Anh sẽ về với môi trường sống quen thuộc của anh, với làng xóm, với gia đình, để làm chứng cho Đấng đã thương chữa lành và anh sẽ được gọi là môn đệ Chúa. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta cùng những lời nói ấy: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." . Ước gì chúng ta biết quảng đại dâng hiến, đáp lại lời mời gọi của Chúa và sống làm môn đệ của Chúa ngay trong lúc này, trong môi trường mình sống. THỰC HÀNH: SỐNG TẠ ƠN CHÚA, TRI ÂN TRONG MỌI SỰ. Tạ ơn Chúa, vì tôi được tạo dựng, được hiện hữu, được cứu độ, thánh hóa trở nên con Thiên Chúa Tri ân mọi người, vì tôi được hiện hữu trong mối tương quan với mọi thụ tạo. Nhờ đó tôi được hình thành, được dưỡng dục, được lớn lên, trưởng thành trong mối tương quan tình yêu kết hiệp nên một trong Nhiệm Thể Chúa Giêsu. Câu chuyện: Một bạn trẻ đang đi đường thì gặp một người ăn xin. Anh cho người ấy một số tiền rồi tiếp tục đi, lòng rất sung sướng. Nhưng chỉ một sau, anh cảm thấy bực bội khi chợt nhớ hồi nảy người ăn xin kia không cám ơn anh. Anh đem chuyện ấy kể với vị đồng hành thiêng liêng. Vị này chăm chú lắng nghe, rồi hỏi: “Khi anh cho tiền người ăn mày, anh cảm thấy sao?” Anh trả lời: “Con thấy rất vui.” - Thế đó không phải là phần thưởng cho con rồi đó sao? - Nhưng con nghĩ rằng dù sao thì người ấy phải cám ơn con mới phải. - Thế sao con đã không cám ơn Chúa? - Tại sao phải cám ơn Chúa? - Vì Chúa đã ban cho con cơ hội làm dụng cụ cho Chúa thực hiện tình thương của Ngài cho một con người khốn khổ. → Người biết cho đi giống như một cái hồ lớn: nó nhận được nước từ các sông ngòi, và nó cũng ban phát nước của nó cho những sông ngòi khác. Vì thế, nước của nó luôn luôn xanh trong, mát mẻ. Nó cho đi nhưng nhờ đó lại tiếp nhận được thêm. Còn ai chỉ biết nhận mà không biết cho đi, thì giống như một cái ao tù: nó giữ nước lại, không cho nước đi nên cũng không nhận được thêm nước nhiều nước khác, do đó nước của nó bị dơ bẩn, không trong sạch… Khi cho đi, ta đừng nên coi những gì ta cho là của mình, nhưng đó chính là của Thiên Chúa. Ta chỉ nên đóng vai một cái máng: cái máng thì nhận nước vào mình và tiếp tục cho chảy đi. Sống Tâm tình tạ ơn là sống thông truyền Tình yêu cứu độ của Đức Giêsu Kitô, như thánh Phaolô đã sống: Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giê-su Ki-tô, và được hưởng vinh quang muôn đời. (2 Tm 2,10) GƯƠNG SỐNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG ֎ Khi bị phong cùi, tâm hồn Hàn Mặc Tử đã sống với tâm tình tạ ơn vươn tới Chúa. Hàn Mặc Tử sinh năm 1912, bị mắc bệnh phong cùi và chết khi mới được 28 xuân xanh. Tuy không được Chúa cho khỏi bệnh phong cùi về mặt thể xác, nhưng ông lại được ơn có một đức tin lạ lùng, biểu lộ bằng những vần thơ siêu thoát thánh thiện. Nhà thơ Chế lan Viên đã hết lời ca ngợi ông như sau : “Hàn Mặc Tử là đỉnh cao chói lòa trong văn học đầu thế kỷ, thậm chí của các thế kỷ”. Hàn Mặc Tử chói lòa bằng những vần thơ như sau : “Ave Maria linh hồn tôi ớn lạnh. Run như run thần tử thấy long nhan. Run như run hơi thở chạm tơ vàng. Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”. Nhạc sư Hải Linh đã phổ nhạc bài thơ trên với cung điệu thần nhạc đầy ơn phúc. Ơn phúc của Hàn Mặc Tử không phải là được khỏi bệnh phần xác, nhưng ơn phúc ông được là trở nên một nhà thơ của Nước Trời. Chính đức tin của Hàn Mặc Tử cũng đã chữa thân xác nặng trĩu đau khổ bằng những bài thơ tuyệt diệu, cảm tạ tôn vinh Mẹ Chúa Thiên Đình. Đức tin của ông đã làm dịu đi đôi bàn tay đang bị gậm nhấm, quên đi đôi mắt đã bị mù lòa, để tâm tư lắng đọng trong dòng nước ơn thánh, cho hồn bay bổng, lặng nghe trời giải nghĩa thế nào là tình yêu : “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, Để nghe dưới đáy nước hồ reo, Để nghe tơ liễu rung trong gió, Để nghe trời giải nghĩa chữ yêu”. Đức tin của Hàn Mặc Tử đã giải thoát tâm hồn ông khỏi cảnh cô đơn đày đọa, để hòa nhập vào thần nhạc sáng hơn trăng, ngợp trong vạn ánh hào quang ngời chói: “Hồn tôi bay tới bao giờ mới đậu, Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang”. ֎ Chị tiếp viên hàng không Louise Bannet sống tâm tình tạ ơn Chúa bằng cách từ bỏ tất cả để ở lại trại phong Di Linh phục vụ người hủi của Chúa. Đầu tháng 10.1962, trong một chuyến bay từ Nữu Ước đến Rôma họp CĐ VTCII, Tổng Giám Mục Phun-tơn Sin (Fulton Sheen) chăm chú nhìn cô tiếp viên hàng không xinh đẹp đang đi lại phục vụ hành khách. Thấy cử chỉ lạ lùng của vị Giám Mục, cô tiếp viên mạnh dạn đến gần và hỏi : “Thưa Đức Cha, có chuyện gì mà Đức Cha lại nhìn con như thế ? Vị Tổng Giám Mục mỉm cười đáp : “Vì đôi mắt của con đẹp lắm ! Con phải cám ơn Chúa thật nhiều, vì Người đã ban cho con có đôi mắt đẹp như thế”. Bốn tháng sau, Cô tiếp viên đến gặp đức cha Fulton Sheen …. và hỏi : “Vậy con phải làm gì để cám ơn Chúa đây ?” Bấy giờ vị Tổng Giám Mục nhìn thẳng vào mặt cô và nói : “Con ơi, Chúa đã lấy tất cả cái đẹp của nhiều người phong cùi ở trại cùi Di Linh Việt Nam mà tặng cho con đấy. Nếu con muốn cám ơn Chúa thì hãy mau đến nơi đó mà phục vụ những bệnh nhân cùi đang đau khổ kia.” Năm 1963, đài truyền thông Sài gòn loan báo: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panama Airline đã tình nguyện đến Di Linh -Lâm Đồng sống với những người phong hủi, chị đã sống ở đây được sáu tháng.” Sau đó chị đã trở thành nữ tu Louise Bannet đã tình nguyện ở lại trại phong Di Linh suốt đời.- tận tụy rửa sạch và băng bó các vết thương lở loét cho các người cùi tại trại cùi Di Linh. Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI Ngày 07 tháng 10 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên