OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXXIV – Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ Chúa Nhật Chúa Nhật XXXIV – Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi ! Tin Mừng Lc 23,35-43 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo : “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn !” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói : “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi !” Phía trên đầu Người, có bản án viết : “Đây là vua người Do-thái.” Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người : “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” Nhưng tên kia mắng nó : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su : “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Người nói với anh ta : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Suy niệm: Một điều làm chúng ta không khỏi băn khoăn suy nghĩ đó là, hôm nay ngày đại lễ tôn vinh Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ, vậy mà Giáo hội lại trình bày cho chúng ta một Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, một Đức Giêsu không hề quyền uy, huy hoàng của một vị vua, mà trái lại toàn là đau khổ, tủi nhục. Tại sao vậy? Thưa vì chính trong hình ảnh của một người phải chịu muôn vàn đau khổ nhục nhã vì người khác, sẽ giúp chúng ta nhận ra lòng quảng đại bao dung vô bờ của người ấy. Đó cũng chính là tình yêu vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính trong hình ảnh đau khổ ấy, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là người Cha hết mực yêu thương chúng ta, khi Ngài tự nguyện đón nhận tất cả đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Chính Thập giá đã cho chúng ta câu trả lời: Đức Giê-su Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, chịu đau khổ vì ai? Thưa vì yêu thương chúng ta. Vì yêu thương nhân loại, nên Ngài luôn bao dung với người tội lỗi, vì họ chưa hiểu việc họ làm. Giây phút cuối cùng trên Thập giá, Ngài đã cầu xin Thiên Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm! Họ không biết Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đến để cứu độ họ. - Ngôi Hai Thiên Chúa Đấng vô tội mà lại chịu chết như một tội nhân vì ai? Vì tội lỗi của chúng ta. - Người chịu đau khổ cực hình để đền tội thay cho chúng ta, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, Ngôi Hai Thiên Chúa phải chịu sỉ nhục nặng nề. Dưới chân thập giá, dân chúng và nhất là những nhà lãnh đạo Do-thái đã chế nhạo, khinh dể Chúa, và đặc biệt cả những tên gian phi cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su cũng nhục mạ Người, thách thức Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi nữa”. “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Trước những lời thách thức như vậy, Đức Giê-su chỉ im lặng, im lặng như một kẻ bất lực. Cả khi chúng đụng chạm đến tước hiệu Mê-si-a của Ngài: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đức Giê-su vẫn im lặng. Ngài im lặng bởi vì Ngài đến trần gian này để tìm cách cứu độ nhân loại, chứ không phải để trừng phạt. Do đó, Ngài im lặng để cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, im lặng để kết hợp với Thiên Chúa Cha. Im lặng để đi trọn con đường thập giá, im lặng để uống cạn chén đắng. Im lặng để yêu thương đến cùng. Và Ngài chỉ mở lời khi ban ân huệ cho con người. Khi một tên gian phi thưa Chúa Giê-su: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Ngôi Hai Thiên Chúa chịu chết để cho chúng ta được sống, sống hạnh phúc muôn đời. Ngài chính là người tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia đã tiên báo. Người tôi tớ đã thực thi ý muốn của Thiên Chúa Cha một cách trọn vẹn. Đức Giê-su ngày xưa đã bị sỉ nhục, xúc phạm rất nhiều như vậy đó. Còn Đức Giê-su ngày nay thì sao? Ngài còn bị con người xúc phạm nữa hay không? Thưa, Đức Giê-su hôm nay vẫn đang bị sỉ nhục, xúc phạm rất nhiều khi Ngài mang thân phận của những người nghèo, những người bị bỏ rơi…nhất là khi Ngài mang thân phận của những kẻ tội lỗi, lầm lạc thì Ngài càng bị khinh dể và xúc phạm nhiều hơn. Con người vẫn có khuynh hướng chạy theo một vị vua quyền uy mang lại cho họ vinh hoa phú quý trong cuộc sống trần gian này, và cũng từ đó, người ta thường vị nể và tôn trọng những người có chức, có quyền. Đây là một lối suy nghĩ rất thực dụng, mang tính hiện sinh, thiếu lý tưởng cao đẹp. Là người Kitô hữu, chúng ta cần xác định rõ niềm tin của mình, chúng ta đang tin vào ai? Ai sẽ là người mang lại hạnh phúc đích thực cho chúng ta? ai sẽ là người giải thoát chúng ta khỏi hình phạt bởi tội lỗi? và ai sẽ cho chúng ta hưởng hạnh phúc vĩnh cửu? Nếu không phải là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian! Chúng ta cần tin tưởng vào Ngài, can đảm thực thi Lời Ngài. Vào thời Nga hoàng, một thanh niên, vì chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng đại văn hào Tolstoi và nhất là giáo huấn của Chúa Giê-su, nên đã từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Ra trước tòa, anh ta trình bày niềm xác tín là anh không thể cầm vũ khí để giết người. Sau khi nghe người thanh niên biện hộ, quan tòa lên tiếng: Tốt lắm, tôi đã hiểu được ý tưởng của anh. Nhưng anh cần thực tế hơn, vì lý tưởng anh đề ra là lý tưởng của Nước Trời, mà Nước Trời thì chưa đến”. Nghe thế, người thanh niên dõng dạc trả lời: “Thưa ông, tôi nhìn nhận là Nước Trời chưa đến với ông, nhưng nước ấy đã đến với tôi. Tôi không thể sống như Nước Trời chưa đến, để tiếp tục chém giết và gieo rắc hận thù”. Hôm nay Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ 2022, Giáo hội muốn mỗi người chúng ta một lần nữa xác định lại niềm tin của mình và ý thức rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa chúng ta đến quê Trời vĩnh cửu, đó là con đường qua thập giá mới đến vinh quang, con đường mà chính Đức Giê-su đã đi. Hãy thực hành niềm tin đó ngay hôm nay, như chàng thanh niên xác tín Nước Trời đã đến, và ngừng ngay những chuyện bất công, gian ác. Đừng chờ đến ngày mai mới đem Lời Chúa ra thực hành, vì ngày mai có việc của ngày mai. Xin cho mỗi người chúng ta luôn tín thác vào Thiên Chúa tình yêu, Vua vũ trụ, Vua các tâm hồn. Hãy tôn sùng vị Vua ấy trong tinh thần và chân lý, trong sự thật và trong tình bác ái. Đừng bao giờ khinh dể hay nhạo báng Ngài nơi người nghèo, nơi những người cô thân cô thế, mà trái lại hãy yêu thương và phục vụ, để tình yêu của chúng ta đối với Chúa ngày càng trở nên sống động và đẹp lòng Thiên Chúa hơn. Amen. Linh mục Giu-se Ngô Xuân Hiến, OMI. Ngày 18 tháng 11 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên