OMI VIỆT NAM::Cuộc đối thoại với sơ Maria Cứ Thị Quỳnh Hoa về việc phục vụ cộng đoàn Hmong Dân tộc thiểu số Cuộc đối thoại với sơ Maria Cứ Thị Quỳnh Hoa về việc phục vụ cộng đoàn Hmong Joachim Pham Năm 2007, sau khi tuyên khấn lần đầu, Sơ Maria Cứ Thị Quỳnh Hoa, một thành viên của Hội dòng nữ Đa Minh Bắc Ninh, đã trở thành nữ tu người Hmong đầu tiên tại Việt Nam. Năm nay 43 tuổi, Sơ Hoa đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể học tập và theo đuổi ơn gọi tu trì của mình với hy vọng đem các giá trị Ki-tô giáo và một đời sống tốt đẹp hơn đến với đồng bào người Hmong tại các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam. Người nữ tu này, với chất giọng trong trẻo, nụ cười ngọt ngào và cung cách thân thiện, là một người con của họ đạo Giàng La Pán thuộc tỉnh Yên Bái. Nơi đây, cộng đồng người bản xứ Hmong đã được đón nhận đức tin Công Giáo từ các nhà thừa sai nước ngoài trong những năm 1930. Ngày ngày, vẫn còn hàng ngàn người Hmong phải xoay sở cuộc sống với những thiếu thốn về điện, nước, giáo dục, các dịch vụ y tế, đường xá và nhiều dịch vụ cùng các tiện nghi khác mà mọi người hiển nhiên phải có. Nhiều trẻ em Hmong không biết chữ hoặc buộc phải thôi học vì trường quá xa buôn làng các em. Vì lẽ đó, phụ nữ Hmong lấy chồng rất sớm và có nhiều con. Họ sống rất nghèo khổ từ nhiều thế hệ. Sơ Hoa hiện đang ở tại tu viện Đình Tổ thuộc tỉnh Bắc Ninh. Mỗi ngày, sơ di chuyển hàng trăm kilômét bằng xe máy để đến làm việc tại các buôn làng của người Hmong. Nhật báo Nữ Tu Toàn Cầu (NBNTTC): Xin sơ kể cho chúng con về ơn gọi tu trì của sơ. Sơ Hoa: Hầu hết những đứa trẻ ở làng của tôi đều không được đi học vì không có trường ở đó. Tôi cũng không biết viết và đọc tiếng Việt dù đã 15 tuổi. Ở đó, hầu hết phụ nữ kết hôn khi 14 hay 15 tuổi. Một số người xin cưới tôi, nhưng tôi đã từ chối. Tôi bắt đầu tham dự vào một lớp học căn bản được một vài người Công Giáo tổ chức tại nhà của một gia đình Hmong. Sau hai năm, tôi đã có thể đọc và viết Tiếng Việt khá tốt. Vào năm 1994, có tám sinh viên người Hmong, trong đó có tôi, được gửi xuống Dòng Đức Bà Truyền Giáo, ở tại một tu viện giữa lòng Sài Gòn [thành phố Hồ Chí Minh]. Chúng tôi theo học các trường tại đây và tốt nghiệp phổ thông năm 2001. Hầu hết các bạn tôi đều thấy không phù hợp với ơn gọi của Hội Dòng này nên đã về lại quê và lập gia đình. Tôi thấy trăn trở về tương lai của mình, nên đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện cho ơn gọi. Tôi quyết tâm trở thành một nữ tu với bất cứ giá nào để có thể phục vụ đồng bào Hmong của tôi, và Thiên Chúa đã đáp lời tôi. Một số cha đã giới thiệu tôi với Hội dòng nữ Đa Minh Rosa Lima. Tôi khấn lần đầu vào năm 2007 và khấn trọn đời năm 2014. Cộng đoàn của tôi, Dòng nữ Đa Minh Bắc Ninh, được tách từ Hội dòng nữ Đa Minh Rosa Lima vào năm 2013. H: Vậy, Sơ bắt đầu làm việc cùng người Hmong từ khi nào? Vào năm 2015, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đang làm việc tại giáo xứ Bắc Kạn của tỉnh Bắc Kạn đã ngỏ lời mời tôi đến truyền giáo cho người Hmong bản xứ vì cha không biết nói tiếng Hmong; thêm nữa, ngài cũng bị nhà cầm quyền không cho phép thăm viếng các buôn làng người Hmong. Tỉnh thành này có khoảng 20,000 người Hmong, và hàng ngàn người trong số họ theo các nhóm Ki-tô giáo khác nhau. Tuy nhiên, lại chưa có ai là người Công Giáo. Sau vài năm miệt mài làm việc, chúng tôi đã rửa tội cho trên 200 người Hmong của tám buôn làng. Đây thực sự là một thành công lớn. Chúng tôi hy vọng, những năm tiếp theo, sẽ có ngày càng nhiều hơn những người Hmong theo đạo khi các buôn làng công giáo giới thiệu đức tin của họ với người khác. Khoảng 40 người Hmong đã được rửa tội vào lễ Phục Sinh. Tôi cũng hướng các bạn trẻ Hmong đến với ơn gọi tu trì và ơn gọi linh mục. Giờ đây, một số em gái đã trở thành nữ tu, trong khi một số em nam thì đang theo học tại các chủng viện. Tôi hy vọng một trong các em sẽ được chịu chức linh mục vào năm tới. H : Sơ đang làm gì để phục vụ họ? Người Hmong có truyền thống định cư trên các khu vực đồi núi và sống dựa vào các vụ mùa mà họ gieo trồng. Họ thường trồng lúa, sắn, ngô và các loại ngũ cốc khác. Họ cũng chăn nuôi lợn, gà, dê và trâu. Tuy nhiên, họ vẫn thường bị thiếu thức ăn trong vài tháng mỗi năm. Họ thường mời các thầy mo đến chữa bệnh cho các bệnh nhân, làm phép nhà mới, làm lễ tạ ơn các thần sau vụ mùa, hướng dẫn nghi thức đặt tên cho các đứa trẻ, các lễ lạc cưới xin và ma chay. Các thực hành tín ngưỡng này sẽ kéo dài trong nhiều ngày và rất tốn kém. Chủ nhà phải giết gia súc để trả công cho các thầy mo và thiết đãi hàng xóm. Những người nghèo thì phải đi vay mượn gia súc từ những người khác, có khi phải bán đất để tổ chức các nghi lễ. Tôi cố gắng để thuyết phục họ từ bỏ những mê tín dị đoan tốn kém này, vì chúng chỉ làm cho sự nghèo đói của họ nên tệ hơn mà chẳng sinh ích gì. Tôi cũng yêu cầu họ mang người bệnh đến các bệnh viện và đừng mời các thầy mo đến làm phép. Họ phải đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng ban cho họ sức khỏe, bình an và thời tiết thuận hòa để gieo trồng. Là người Hmong, tôi biết đồng bào tôi luôn tìm kiếm các giá trị thiêng liêng và muốn giải thoát khỏi những khổ đau. Họ luôn làm việc chăm chỉ để có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình của họ. Dù rằng phải nghèo đói và sống trong những điều kiện khó khăn, nhưng họ vẫn giữ được phẩm giá và lòng tự trọng của mình. Họ tôn trọng các linh mục và các nữ tu. Kết quả là nhiều làng tin tưởng tôi và họ đã từ bỏ các tập tục mê tín lâu đời của họ. Chúng tôi thăm viếng họ; dạy họ giáo lý, các bài thánh ca và vũ điệu; tổ chức các buổi phụng vụ tại nhà họ. Tôi cũng dạy họ đọc và viết tiếng Hmong; chúng tôi tổ chức đọc kinh và đọc Kinh Thánh bằng tiếng của họ. H : Bố của sơ mất năm 2018. Vậy sơ đã tổ chức lễ giỗ cho ông cố thế nào? Vào tháng ba, Tôi đã tổ chức lễ giỗ đầu cho bố tôi tại giáo xứ quê tôi. Dịp này, tôi cũng đã quy tụ tất cả dân làng đến tham dự lễ giỗ đầu tại giáo xứ của tôi để cầu nguyện cho người đã mất. Tôi đã mời một cha người Hmong ở nước ngoài đến dâng Thánh Lễ bằng tiếng Hmong. Giáo xứ này thường chỉ có các cha khách đến dâng lễ bằng Tiếng Việt. Một vài chị trong Hội Dòng cũng hiện diện trong hôm đó. Tôi muốn khuyến khích người đồng bào trân trọng và bảo tồn các giá trị truyền thống của mình, đặc biệt là chữ Hmong, vốn là điều khá xa lạ với các bạn trẻ Hmong. Chúng tôi cũng phục vụ một bữa ăn đặc biệt cho khoảng 150 người như là một cách thức để bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đến với họ. Tôi có tám anh chị em. Tất cả họ đều không có học và đã kết hôn. Mẹ tôi năm nay 82 tuổi. Bà sống một mình và thích thăm hỏi các nhà hàng xóm. Bà có gần 100 cháu chắt. Tôi thường về nhà thăm mẹ một năm một lần. Và bà luôn khuyến khích tôi theo đuổi đời sống dâng hiến. Tôi rất thương mẹ tôi. Mẹ của sơ Quỳnh Hoa tử rẫy về H : Sơ đang phải đối mặt với những thách đố nào? Các buôn làng Hmong ở những vùng đồi núi phải chịu đựng tình trạng thiếu điện, các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, kể cả đường xá phù hợp. Họ phải ăn tối dưới ánh sáng của đèn nháy, các điện thoại di động hoặc bếp lửa, và trong một vài nơi, họ phải sạc điện thoại hay đèn nháy tại các nhà nguyện. Người dân phải lấy nước từ các con suối cách xa nhà họ, và trẻ em thì phải đi bộ từ 10 đến 20 km để đến trường tiểu học. Nhiều người ki-tô hữu cũng gây ra những khó khăn cho công việc của tôi. Họ nói xấu về các lời giảng dạy và ngăn chặn người dân đón nhận đức tin. Tôi là một nữ tu người Hmong, và tôi tận lực làm việc vì lợi ích của đồng bào tôi. Tôi muốn giúp đồng bào tôi nhận biết Chúa, Đấng yêu thương họ. Tôi cũng muốn cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của họ. Thế nên, tôi không sợ bất cứ một thử thách nào vì tôi cùng làm việc với Thiên Chúa; và Người sẽ luôn đồng hành cùng tôi trên hành trình tôi đi. Tôi rất quan tâm đến việc rao giảng Phúc âm cho người Hmong. Ít có linh mục và tu sĩ Việt Nam biết nói giỏi tiếng Hmong và hiểu văn hóa Hmong. Tôi nỗ lực cổ võ để các linh mục bản xứ học tiếng Hmong để làm việc tốt hơn và giúp việc bảo tồn các giá trị truyền thống Hmong. Nguồn : www.globalsistersreport.org Bảo Công, omi chuyển dịch Ngày 08 tháng 07 Năm 2019 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Tình Yêu Thiên Chúa Thúc Bách Chúng Tôi – Những Hiến Sĩ Thuộc Cộng Đoàn Ea-tân. Thăm Viếng Giáo Điểm Ea-Đrông Thầy Giuse Má A Cả - Người Đầu Tiên Của Cộng Đồng H’mông Việt Nam Được Lãnh Chức Phó Tế Phong Tục Ma Chay H'Mông- Phiên Chợ Tình Cuối Cùng Hạt giống được gieo Anh chị em H'mong nói lời « Cám ơn » đến cha Daniel TAILLEZ, OMI Xin gởi đến nhân vật đặc biệt một sự vinh danh đặc biệt.