OMI VIỆT NAM::Phong Tục Ma Chay H'Mông- Phiên Chợ Tình Cuối Cùng Dân tộc thiểu số Phong Tục Ma Chay H'Mông- Phiên Chợ Tình Cuối Cùng Khi nhắc đến dân tộc H’mông, chúng ta ít nhiều sẽ nghĩ ngay đến các phiên chợ tình đặc sắc. Dù rằng mỗi mường, mỗi bản làng H’mông theo thời gian sẽ có những cách thể hiện và trình bày chợ tình khác nhau, nhưng cách chung mỗi phiên chợ tình đều xoay quanh một chữ “tình”. Trong tuần qua, chúng tôi có dịp dự tang lễ của một bà cố người H’mông; và ấn tượng sâu sắc nhất tôi cảm nhận được là phong tục lễ tang của người đồng bào H’mông có thể xem là phiên chợ tình cuối đời của một kiếp người. Tôi biết đến chợ tình của người H’mông đầu tiên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua ngòi văn của Tô Hoài, câu chuyện Vợ Chồng A Phủ cũng được bắt đầu từ bối cảnh một phiên chợ tình, một đêm xuân. Tôi còn nhớ mãi chi tiết Mị nằm trong góc nhà chờ tiếng khèn tỏ tình của người yêu. Cũng thế, đến với đám tang của bà cố, tôi được nghe kể lại một phong tục ma chay đặc biệt của người H’mông, đó là để xác người chết trong một góc nhà. Dù rằng giờ đây, nhiều gia đình Công Giáo đã chọn để thi hài người thân giữa nhà để con cháu quây quần xung quanh; nhưng với tôi, sao cái nét văn hóa để linh cửu thân nhân trong góc nhà lại như mở ra một phiên chợ tình để người chết lắng nghe tiếng khèn tỏ tình của Thiên Chúa. Nếu chết là một cuộc trở về, một sự tròn đầy của tình yêu vậy thì hãy để nó bắt đầu trước hết bằng tiếng khèn tình yêu của Thiên chúa tỏ với người vừa ra đi. Vậy nên, phiên chợ tình giữa Thiên Chúa và con người bắt đầu. Tiếp nữa, nhắc đến chợ tình, chúng ta không thể bỏ qua những con người chân chất tạo nên nó. Quả thật, chợ tình hiển nhiên là ám chỉ đến “chữ tình” của chuyện trai gái lứa đôi. Tuy nhiên, chợ tình cũng chính là nói đến “cái tình” của nghĩa tình làng xóm, của tình người với nhau. Thế nên các phiên chợ tình của người H’mông ngoài các bạn trẻ tìm kiếm tình yêu thì vẫn có đầy tràn mọi người, mọi lứa tuổi đến để tìm kiếm và chia sẻ tình đời tình người cho nhau. Và tôi cảm nhận được điều này rõ ràng hơn qua tang lễ của bà cố. Với người H’mông, một người chết đi cũng đồng nghĩa với cả bản mất đi một người anh em, một người chị em. Không phân biệt người chết là ai, thuộc gia đình nào, mọi người đều đến để chia sẻ và trợ giúp tang quyến: già đến - trẻ đến, trai đến - gái đến, giàu đến - nghèo đến. Thế là bầu khí của phiên chợ tình mở ra, phiên chợ tình cuối đời cho người đã mất! Và điều ấn tượng sau cùng của tôi về tang lễ ma chay của người H’mông là nghi thức cầu hồn cho người quá cố. Sau thánh lễ an táng, tất cả con cháu cùng họ hàng của người đã mất sẽ quỳ quanh linh cửu. Họ quỳ và cúi rạp đầu trong khi hát bài kinh cầu hồn bằng tiếng bản xứ, với ước nguyện cầu chúc cho linh hồn người đã mất sớm về được nơi hạnh phúc vĩnh hằng. Khi chứng kiến điều này, tôi lại liên tưởng đến hoa trái của các phiên chợ tình, đó là nghi thức cưới hỏi tiễn dâu. Khi tiễn dâu, hiển nhiên ai cũng mong muốn và cầu chúc cho cô dâu được về nhà chồng trong hạnh phúc và bình an, chúc cho chữ tình giữa cô và chồng được khăng khít, mặn nồng. Quả thật, với linh hồn người đã mất, có lẽ người đồng bào H’mông cũng ước mong cho linh hồn sớm được về cùng Thiên Chúa là cội nguồn của tình yêu, cũng chúc họ chóng được hưởng hạnh phúc bên Người Yêu vĩnh cửu của mình. Vậy là phiên chợ tình của người quá cố nên trọn vẹn. Cái tình của người đồng bào ít của nhưng giàu tình cứ thế diễn ra trong mọi sinh hoạt của con người: từ cưới hỏi đến ma chay, từ người sống đến người chết, từ chợ phiên đến chợ tình, đâu đâu cũng thấy được cái tình ấm áp của người H’mông. Quả thật, với người H’mông chết là tham dự vào một phiên chợ tình đặc biệt, phiên chợ tình cuối cùng của kiếp người, phiên chợ tình giữa ta với Chúa, phiên chợ tình giữa ta với người, phiên chợ tình giữa người chết với người sống. Một số hình ảnh trong lễ tại gia và lễ An táng Bà Cố Maria Phàng Thị Gia Bảo Công Ngày 28 tháng 08 Năm 2019 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Tình Yêu Thiên Chúa Thúc Bách Chúng Tôi – Những Hiến Sĩ Thuộc Cộng Đoàn Ea-tân. Thăm Viếng Giáo Điểm Ea-Đrông Thầy Giuse Má A Cả - Người Đầu Tiên Của Cộng Đồng H’mông Việt Nam Được Lãnh Chức Phó Tế Cuộc đối thoại với sơ Maria Cứ Thị Quỳnh Hoa về việc phục vụ cộng đoàn Hmong Hạt giống được gieo Anh chị em H'mong nói lời « Cám ơn » đến cha Daniel TAILLEZ, OMI Xin gởi đến nhân vật đặc biệt một sự vinh danh đặc biệt.