OMI VIỆT NAM::Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Đại hội quốc tế về Mục vụ Giới trẻ năm 2024 Giới trẻ Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Đại hội quốc tế về Mục vụ Giới trẻ năm 2024 WHĐ (27.05.2024) – Tại Dinh Tông toà sáng thứ Bảy ngày 25.05, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các tham dự viên Đại hội Mục vụ Giới trẻ Quốc tế, do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức. Đại hội quy tụ những người trẻ và đại biểu từ các hội đồng giám mục, hiệp hội và các phong trào giáo hội khác nhau. DIỄN VĂN ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI QUỐC TẾ VỀ MỤC VỤ GIỚI TRẺ Hội trường Clementine Thứ Bảy, ngày 25 tháng 05 năm 2024 [Multimedia] Thưa quý Hồng y, anh chị em thân mến, xin chào anh chị em! Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những người đã cộng tác vào sự thành công của Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon. Đó là một công việc tuyệt vời và thực sự là một nỗ lực rất đáng giá. Sau đại dịch và giữa quá nhiều căng thẳng quốc tế, người trẻ cần được truyền thêm niềm hy vọng. Những ngày ở Lisbon thực sự là một dịp cử hành niềm vui được sống, và làm Kitô hữu; đó là một cuộc cử hành về niềm hy vọng vẫn tiếp tục ngự trị trong tâm hồn người trẻ, bởi vì chính Thiên Chúa nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng đó, bất chấp mọi nghịch cảnh. Các bạn thân mến, được khích lệ bởi trải nghiệm đó, giờ đây các bạn được mời gọi làm việc để chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế sắp tới, nhưng cũng - và trên hết - tiếp tục đồng hành với mục vụ giới trẻ trong “đời thường”. Nghĩ về Năm Thánh Giới trẻ vào năm tới và Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Seoul vào ba năm nữa, “giấc mơ” của tôi là những sự kiện này có thể tạo điều kiện cho nhiều người trẻ, ngay cả những người thường không đến nhà thờ, gặp được Chúa Giêsu và nghe được sứ điệp hy vọng của Tin Mừng. Tôi nghĩ đến những người trẻ đang chán nản, những người không còn ngước nhìn về phía chân trời, những người đã gác lại những ước mơ lớn lao của mình, và hiện đang bị mắc kẹt trong sự vỡ mộng và bị hoảng loạn trước những vấn đề của cuộc sống. Châu Á là một lục địa trẻ, một lục địa tràn đầy sức sống, thế nhưng nhiều người trẻ, nhất là tại các thành phố lớn, đang mất hy vọng và thu mình vào chính mình, ít tương quan, và ít quan tâm. Điều tương tự cũng đang xảy ra trên khắp thế giới. Các sự kiện ở Rôma và Seoul là những cơ hội Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để nói với người trẻ trên toàn thế giới rằng, Chúa Giêsu là niềm hy vọng, niềm hy vọng cho các bạn, niềm hy vọng cho chúng ta, và niềm hy vọng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi chuẩn bị cho hai sự kiện trọng đại này, các bạn không được bỏ qua những lộ trình bình thường, tức là hành trình của người trẻ trong cuộc sống thường nhật của họ. Tôi muốn nói đến việc chăm sóc mục vụ được thực hiện từ những bước nhỏ, những con số nhỏ, những lời nói và hành động đơn giản, những quyết định hàng ngày, cũng như những khoảnh khắc cử hành và cầu nguyện trong cộng đoàn. Đó có thể là những trải nghiệm ít hào nhoáng hơn, nhưng lại là những trải nghiệm chạm đến trái tim và mang lại kết quả lâu dài theo thời gian. Đó là sự thánh thiện trong cuộc sống hằng ngày, vốn là điều mà tôi đã đề cập đến trong Tông huấn Gaudete et exsultate. Và, không phải để quảng cáo các bài viết của tôi, nhưng hãy đọc Tông huấn Gaudete et Exsultate, đó là một bài thánh ca về niềm vui. Niềm vui phải là nguồn dinh dưỡng của người Kitô hữu, là biểu hiện đích thực của Kitô hữu, và nếu bạn không biết niềm vui là gì, hãy đến trước gương và hãy bắt đầu cười một chút! Về vấn đề này, tôi muốn nêu lên một số yếu tố không bao giờ được thiếu trong công việc hàng ngày của mục vụ giới trẻ. Trước hết, cần phải giúp người trẻ đạt được những điều chắc chắn cơ bản nhất định trong cuộc sống, những xác tín của con tim, chẳng hạn như: “Thiên Chúa là tình yêu”, “Chúa Kitô cứu độ bạn”, “Chúa Kitô đang sống” và “Thánh Thần ban sự sống”. Đây là những điều chắc chắn nhưng cũng có một điều chắc chắn khác: đó là Đức Trinh Nữ yêu thương bạn vì ngài là một người mẹ. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi trong việc công bố 4 hoặc 5 xác tín đơn giản này (x. Tông huấn Christus Vivit, 112-133). Người trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi những tin tức tiêu cực đang bủa vây chúng ta hàng ngày, song điều này không được làm lu mờ niềm tin chắc chắn của người trẻ rằng Chúa Kitô phục sinh đang ở với họ và mạnh mẽ hơn bất kỳ sự dữ nào. Tôi không nói về tin tức hay quảng cáo về chiến tranh, nhưng chúng ta nghĩ về chúng vì người trẻ cảm nhận được điều này. Chúa Kitô đang sống! Mọi sự sống đều nằm trong tay Người và chỉ có Người mới biết tương lai của thế giới và phận số cuộc đời của mỗi chúng ta. Điều quan trọng là mang lại cho giới trẻ những cơ hội trải nghiệm Chúa Kitô hằng sống trong việc cầu nguyện, trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể và Hoà giải, trong các cuộc gặp gỡ cộng đoàn, trong việc phục vụ người nghèo, và trong chứng tá đời sống của các thánh. Chính những người trẻ có được những trải nghiệm đó sẽ trở thành những chứng nhân đầy sức thuyết phục về sứ điệp Tin Mừng. Một yếu tố thiết yếu khác là sự phân định thiêng liêng (x. Tông huấn Christus Vivit, 278-298). Phân định là một nghệ thuật mà các thừa tác viên mục vụ phải học trước tiên: các linh mục và tu sĩ, các giáo lý viên, các người hướng dẫn, cũng như những người trẻ đồng hành với những người trẻ khác. Phân định là một kỹ năng không thể ngẫu hứng mà phải được trau dồi, trải nghiệm và sống. Đối với người trẻ, tìm được người có khả năng phân định là tìm được một kho báu. Trong hành trình đức tin và khám phá ơn gọi của mình, có được một người hướng dẫn khôn ngoan sẽ giúp tránh được nhiều sai lầm, nhiều ngây ngô, nhiều giây phút hoang mang và “tê liệt”. Sự hướng dẫn không lấy đi sự tự do nhưng đồng hành. Tôi đã dành một loạt bài trong các buổi tiếp kiến chung Thứ Tư hằng tuần cho việc phân định; anh chị em có thể tra cứu, trong đó tôi giải thích cách thực hiện việc phân định. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh ba phẩm chất của sự phân định: đó là tính hiệp hành, tính cá vị, và hướng tới sự thật. Tính hiệp hành. Trong thời đại chủ nghĩa cá nhân thịnh hành hiện nay, mỗi người đi theo con đường riêng của mình, mỗi người tự gán cho cuộc sống một ý nghĩa, mỗi người tự xác lập những giá trị, những chân lý của riêng mình. Chúng ta có thể thấy điều này trong việc phân loại “thích” và “không thích”. Và đây là kết quả của chủ nghĩa cá nhân xấu xí. Trái lại, trong việc thực hành sự phân định, Giáo hội đặt anh chị em cùng đức tin bên cạnh chúng ta để cùng nhau bước đi chứ không đơn độc, và nhờ đó, sự trưởng thành nội tâm của chúng ta trở nên phong phú hơn nhiều. Theo nghĩa này, sự phân định có tính hiệp hành. Đồng thời, sự phân định có tính cá vị. Trong thế giới của chúng ta, mọi thứ đều được sản xuất hàng loạt và tiêu chuẩn hóa. Trái lại, người trẻ cần phải được đồng hành một cách cá vị, như là những cá nhân. Mỗi một người trong số họ là duy nhất, và mỗi một người đều xứng đáng được lắng nghe, thấu hiểu, và được nhận những lời khuyên phù hợp với lứa tuổi, cũng như với sự trưởng thành về mặt nhân bản và tâm linh của họ. Sự phân định nhất thiết phải mang tính cá vị. Hôm trước, tôi có một cuộc gặp gỡ tại một giáo xứ với khoảng 60 thanh thiếu niên, tôi rất hài lòng với những câu hỏi mà họ đặt ra: đó là những câu hỏi về sự tìm kiếm, về sự mở lòng ra với Chúa, và cả về sự hoài nghi. Điều cần thiết là phải lắng nghe và giúp tiến về phía trước. Cuối cùng, sự phân định hướng tới sự thật. Chúng ta đang sống trong một xã hội bị ô nhiễm bởi tin giả, khi mà hồ sơ cá nhân thường bị chỉnh sửa hoặc giả mạo, những căn tính thay thế được tạo ra thì sự phân định trình bày cho người trẻ một lộ trình dẫn đến tính xác thực: đó là thoát ra khỏi căn tính nhân tạo và khám phá căn tính đích thực của mình. Phân định là “sống thực”: trước chính mình, trước người khác và trước Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta bật cười khi thấy phụ nữ trang điểm, họ phải xinh đẹp, đó là lý do tại sao họ trang điểm. Nhưng đã bao nhiêu lần tất cả chúng ta đều đã “trang điểm” tâm hồn để xuất hiện không phải như chúng ta là. Hãy cẩn thận về điều này. Hãy sống chân thật trước người khác, trước Thiên Chúa, và trước chính mình. Tôi xin kết luận về tầm quan trọng của việc tiếp tục lắng nghe người trẻ. Một sự lắng nghe thực sự, chứ không phải lắng nghe “nửa vời” hay chỉ là “bề mặt”. Người trẻ không thể bị biến thành công cụ để thực hiện những ý tưởng mà người khác đã quyết định hoặc không thực sự đáp ứng được nhu cầu của họ. Người trẻ cần phải được trao quyền, tham gia vào việc đối thoại, vào các hoạt động lập kế hoạch, và vào việc đưa ra quyết định. Cần phải làm cho người trẻ cảm thấy rằng họ là một phần thiết thực và trọn vẹn trong đời sống Giáo hội; và trên hết, họ được mời gọi trở thành những người đầu tiên mang Sứ điệp Tin Mừng đến với bạn bè đồng trang lứa của mình. Anh chị em thân mến, một lần nữa tôi xin cám ơn anh chị em vì sự dấn thân của anh chị em với giới trẻ và cho giới trẻ! Hãy can đảm tiến bước, mang đến cho mọi người tin vui rằng Chúa Giêsu đang sống, rằng Người là Chúa. Đây là sứ điệp của niềm vui, sự an ủi và hy vọng mà rất nhiều người trên thế giới đang mong đợi. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em. Xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn. Nt. Anna Ngọc Diệp, OP Dòng Đa Minh Thánh Tâm Chuyển ngữ từ: vatican.va (25. 05. 2024) Ngày 28 tháng 05 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Venezia: Gặp gỡ giới trẻ Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Giới trẻ Sứ điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Cho Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 Cha Tổng quyền Chicho làm say đắm trái tim những người lữ hành trẻ ĐGH nói với người trẻ về việc đọc kinh thánh Pakistan: giới trẻ mang tinh thần Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới về loan truyền tại quê nhà Ngày Quốc tế Giới trẻ thường nuôi dưỡng ơn gọi Panama sẽ tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2019 ĐTC canh thức cầu nguyện với hàng triệu bạn trẻ Các bạn trẻ khắp thế giới cùng theo bước Đức Thánh Cha Phanxicô