OMI VIỆT NAM::Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và tầm quan trọng của tín điều trong đời sống Kitô hữu Mẹ Vô Nhiễm Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và tầm quan trọng của tín điều trong đời sống Kitô hữu Piô Tình, OMI Suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội từ cổ chí kim, mặc nhiên hay minh nhiên, dấu ấn Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã trở thành cảm thức đức tin của người Kitô hữu, thành đề tài liên quan đến nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa, trong suy tư thần học từ thời các giáo phụ cho đến khi được Giáo Hội khẳng định như một tín điều buộc phải tin. Vậy đâu là điểm nòng cốt của tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội? Để làm rõ vấn đề, người viết sẽ trình bày tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ngang qua việc tìm hiểu: nền tảng Kinh Thánh, giáo huấn của Giáo Hội, những suy tư thần học, và tầm quan trọng của tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội trong đời sống các Kitô hữu. 1. Nền Tảng Kinh Thánh Kinh Thánh đã dành cho Đức Maria tước hiệu Đấng Đầy Ơn Phúc hoặc bài Magnificat mà cộng đoàn thánh Luca ca ngợi người. Dù vậy, không có một câu Kinh Thánh nào “ám chỉ” rằng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ở đây, hai đoạn văn quan trọng nhất được trích dẫn là Lc 1,28 và St 3,15 (X. Fx Nguyễn hùng Oánh, “Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội”, truy cập ngày 15 – 11 – 2013; http://www.thanhlinh.net/node/10083). a. Đấng đầy ân sủng (kecharitoméne: Lc 1,28) Đức Maria là Đấng được yêu thương tuyển chọn trong Đức Kitô (Ep 1,4-5). Đạo lý Vô Nhiễm Nguyên Tội muốn xác nhận một chi tiết của sự “đầy ơn” ấy khi xét tới giai đoạn khởi đầu hiện hữu. Thiên Chúa đã yêu thương chọn người làm mẹ của Con Ngài, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, và người đã đáp lại bằng cuộc hiến dâng trót cả cuộc đời cho Chúa, như ta thấy trong cảnh thiên sứ truyền tin. Từ đó ta có thể nhận thấy rằng trót cả đời người thuộc về Chúa: tội lỗi không thể len lỏi vào cuộc đời ấy. b. Sự thù nghịch giữa người nữ và con rắn (St 3,15) Đoạn văn này không nói gì tới Đức Maria. Tác giả chưa nghĩ tới Đức Maria. Tuy nhiên, Thiên Chúa, tác giả của chương trình mặc khải, đã nghĩ tới điều mà tác giả con người chưa biết tới. Có lẽ tác giả cũng chưa nghĩ tới Đức Kitô, mà chỉ nghĩ tới cuộc chiến trường kỳ giữa dòng dõi của phụ nữ. Mãi tới khi công cuộc cứu rỗi hoàn tất thì ta mới biết Đức Kitô là “Ađam mới” (Rm5) và Đức Kitô cũng chính là hậu duệ của Abraham thừa kế các lời hứa (Gl 3,16). Các giáo phụ tiếp tục khai triển thần học về Đức Kitô như là Ađam đệ nhị đã mang lại ơn cứu độ nhờ sự tuân phục (Rm 5; Pl 2,5-11); từ đó khám phá ra vai trò của Đức Maria như là Eva mới, thành thù địch của con rắn vì hoàn toàn vâng phục tin Chúa. Chính Đức Kitô là kẻ đạp đầu con rắn, còn Đức Maria đứng bên cạnh như thù địch truyền kiếp của nó, vì vậy mà người hoàn toàn thánh thiện. c. Những hình ảnh về Đức Maria Các tác giả Tin Mừng đã áp dụng cho người nhiều hình ảnh Cựu Ước mà họ coi là đã được thể hiện nơi Đức Maria, ví dụ như hình ảnh về “thiếu nữ Sion”, “hòm bia Thiên Chúa”. Khi bàn về sự thánh thiện của Đức Maria, truyền thống và phụng vụ cũng áp dụng một hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt cho người, ví dụ “cung thánh của Đấng Tối Cao”. Đức Maria được ví như thánh điện Giêrusalem, nơi Thiên Chúa gặp gỡ dân Người. Trong trình thuật truyền tin, thiên sứ Gabriel đã nói tới quyền năng của Đấng Tối Cao phủ rợp trên người (Lc 1,35). Nếu trong Cựu Ước, khi Thiên Chúa đã chiếm ngự đền thờ thì không ai có thể lai vãng đến gần (Xh 40,35; 2Sb 5,11-14), thì cũng có thể nói rằng khi Đấng Tối Cao chọn Đức Maria làm cung điện cho mình thì tất nhiên Người cũng thanh luyện và thánh hóa, ngõ hầu xứng đáng để đón tiếp Ngôi Lời Nhập Thể. Vì vậy Người đã giữ gìn Đức Maria khỏi tội lỗi (X. Phan Tấn Thành, Magnificat, Học Viện Đa Minh 2010, tr. 180-181). 2. Giáo Huấn Của Giáo Hội Năm 1854, ĐTC Piô IX minh định tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: "Với quyền của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và của chính chúng tôi, chúng tôi minh xác, công bố và định tín rằng Đức Trinh Nữ hồng phúc Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai (trong lòng thân mẫu), do một ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa dành riêng cho Người, nhờ công đức của Chúa Giêsu Kitô Đấng cứu độ nhân loại, đã được giữ gìn khỏi mọi tì ố của nguyên tội: đó là một giáo lý do Thiên Chúa mặc khải và mọi tín hữu phải tuyên xưng niềm tín ấy" (Piô IX, Tông sắc Ineffabilis, 8 – 12 – 1854: Acta Pii IX, 1,I, tr. 616: Dz 1641 (2803)). Tín điều này được tuyên bố năm 1854, sau khi niềm tin của các Kitô hữu phổ biến khắp nơi, qua quá trình suy niệm Kinh Thánh, các thần học gia nghiên cứu, thảo luận, phát triển phụng vụ và cầu nguyện suốt nhiều thế kỷ. Đức Thánh Cha không đơn phương áp đặt tín điều này trên Giáo Hội (Mateo, Refuting the Attack on Mary, tr.5). Hơn nữa, qua hai giáo huấn số 57 và 59 chương VIII, hiến chế Lumen Gentium, Công Đồng Vatican II đã tái minh xác tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: “sau cùng, bởi đã được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, nên sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ vương hoàn vũ, để hoàn toàn nên giống Con của Người, là Chúa các Chúa (Kh 19,16), cũng là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết” (Vatican II, Lumen Gentium số 59). 3. Suy Tư Thần Học a. Kế hoạch cứu rỗi Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm cần được nhìn nhận trong toàn bộ mặc khải. Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội nói lên ơn tuyển chọn của Thiên Chúa. Ngài tuyển chọn ta ngay từ nguyên thủy, vì yêu thương ta chứ không vì công trạng của ta (Ep 1,4). Chúa chọn ta nên thánh bất chấp khuynh hướng phản nghịch tội lỗi của ta. Đạo lý Mẹ Maria Vô Nhiễm bắt nguồn từ niềm xác tín rằng hết mọi người đều cần được Đức Kitô cứu chuộc. Từ đó, nhiều nhà thần học thấy khó mà chấp nhận việc Đức Maria không hề mắc tội. Chẳng lẽ người không cần gì đến Đức Kitô hay sao? Vấn nạn ấy đã được vượt qua khi thần học nói tới tác động của ơn thánh nơi Đức Maria là phòng ngừa, khác với chúng ta lãnh nhận tác động chữa trị. Cuộc tranh luận thần học ấy đã làm nổi bật rằng Đức Maria tùy thuộc chặt chẽ vào Chúa Cứu Thế. Đức Maria được thánh hóa không phải do công lao của mình, nhưng là do hồng ân của Chúa. Hơn thế nữa, hồng ân ấy không những chỉ áp dụng nơi người vào lúc bắt đầu hiện hữu, giữ gìn người khỏi mắc tội nguyên tổ, mà còn tác động trên suốt cuộc đời của người, biến người nên cung điện của Thiên Chúa. Không những Đức Maria được khỏi tội tổ tông do hiệu quả của ơn cứu chuộc của Đức Kitô, mà người còn được ơn vô nhiễm để phục vụ ơn cứu chuộc nhân loại. Người được cứu chuộc khỏi mọi tội để cộng tác với Đức Kitô vào chương trình cứu chuộc nhân loại (x. Phan Tấn Thành, op.cit., tr. 181-182). b. Chiều hướng trình bày tín điều Một đàng ơn Vô Nhiễm không chỉ là một đặc ân dành riêng cho cá nhân Đức Maria, mà còn nhắm tới chương trình cứu rỗi của cả nhân loại. Đàng khác đặc ân ấy không chỉ có khía cạnh tiêu cực mà còn khía cạnh tích cực nữa. Tội không chỉ là một vết nhơ, tì ố; nhưng tội còn là một thái độ khước từ tình yêu, khép cửa lại trước tình yêu Thiên Chúa. Khi phạm tội, con người đóng cửa lòng lại, chỉ biết nghĩ tới mình, coi mình là chúa. Bởi vậy, khi nói rằng Đức Maria được khỏi tội thì cần phải hiểu rằng người được giải thoát khỏi thái độ ích kỷ, khỏi những chướng ngại ngăn trở lòng mến Chúa. Đức Maria được gìn giữ khỏi tội nghĩa là người được chuẩn bị để có thể đón nhận tình yêu Chúa không chút dè giữ, để có thể quảng đại đáp lại ơn gọi, để có thể hợp tác toàn vẹn với ơn thánh. Đức Maria được gìn giữ khỏi tội có nghĩa là người có thể trao hiến toàn thân cho Thiên Chúa để phục vụ kế hoạch của Người. Vì muốn diễn tả khía cạnh tích cực của tín điều, một số nhà thần học đã muốn thay đổi danh xưng. Thay vì gọi Đức Maria là Đấng Vô Nhiễm, thì gọi là Đấng Toàn Thánh, một tước hiệu được sách GLHTCG nhắc tới ở các số 493 và 2677. Nói chung, ta thấy sách GLHTCG trình bày cả hai khía cạnh: vô nhiễm (488-493) và thánh thiện, đầy ơn (721-726; 2767) (Ibid, tr. 182-184). 4. Tầm Quan Trọng Của Tín Điều Trong Đời Sống Kitô Hữu Nơi Đức Maria toàn thánh, Giáo Hội chiêm ngưỡng lý tưởng toàn thánh của mình (X. GLHTCG số 829, 967). Nơi người, Giáo Hội nhìn ngắm một phần tử ưu tú của mình đã chiến thắng tội lỗi và tính ích kỷ nhờ hồng ân của Đức Kitô. Nơi người, Giáo Hội thấy rằng con người, nhờ có ơn thánh, có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa, vượt thắng tội lỗi. Nơi Đức Maria Vô Nhiễm, Giáo Hội chiêm ngắm sức mạnh của ơn thánh Chúa và tin tưởng rằng ơn thánh có sức mạnh hơn tính yếu đuối mỏng giòn của con người. Trong khi ơn thánh tác động nơi Đức Maria, gìn giữ người cho khỏi phạm tội, thì nơi chúng ta, ơn thánh tác động để tha thứ sau khi chúng ta đã phạm tội; tuy nhiên, chúng ta cũng có quyền tin tưởng vào quyền năng của ơn thánh Chúa, để cầu xin Chúa “cứu chúng con khỏi mọi sự dữ” (X. GLHTCG số 2853-2854). Như thế, chúng ta tuy không được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội như Đức Maria nhưng chúng ta đã được khỏi tội nguyên tổ trong bí tích Thánh Tẩy. Khi được rửa sạch tội lỗi trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được sự sống mới, sự sống của Chúa và có “Chúa ở cùng chúng ta” như đã ở cùng Đức Maria. Chúng ta không được làm mẹ Thiên Chúa, nhưng qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, làm em của Đức Kitô và con của Mẹ Maria. Trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được tha tội tổ tông, nhưng hệ lụy của tội vẫn còn ảnh hướng xấu đến chúng ta. Cho nên, tín điều Mẹ Vô Nhiễm trở thành động lực và phương thế hữu hiệu trong cuộc chiến chống lại tội lỗi và các khuynh hướng xấu trong cuộc lữ hành đức tin của chúng ta. Chúng ta kêu danh thánh “Maria vô nhiễm” mỗi khi gặp khó khăn, trước những nguy cơ phạm tội hay trước những mối nguy thỏa hiệp với khuynh hướng xấu. Ngay khi ta đã phạm tội hay những yếu đuối gây nên vết thương lòng và những bất an nội tâm thì cũng chính nhờ danh “Maria” trong tiếng kêu khẩn thiết giúp ta xoa dịu lòng mình nơi lòng nhân hậu và tình thương của Chúa. Chung quy, tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được Giáo Hội rút ra từ kho tàng mặc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh và cùng với đức tin của các Kitô hữu qua mọi thời đại. Hơn nữa, niềm tin Đức Maria Vô Nhiễm đã đi vào phụng vụ, bàng bạc trong những suy tư thần học trải dài từ cổ chí kim. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của tín điều Đức Maria Vô Nhiễm trong đời sống đức tin của người tín hữu. Nhất là trong cuộc lữ hành đức tin đầy cam go, người Kitô hữu phải chiến đấu không ngừng: “mọi tà ý vừa chớm nở hãy đập tan vào Chúa Kitô” (Thánh Biển Đức, Tu Luật, Lời Mở số 28), với mẫu mực và sự trợ giúp của Mẹ. Đó là cuộc chiến của người Kitô hữu cùng với Đức Maria giữ gìn con tim tinh tuyền của mình, để như Mẹ, trở thành hiến lễ dâng lên Thiên Chúa. Tín điều Mẹ Vô Nhiễm như một “ngôi sao biển” định hướng cho đời sống Kitô hữu. Ánh sáng ấy là ánh sáng vĩnh hằng của Ba Ngôi Chí Thánh đã chiếu tỏa ánh sáng tinh tuyền trên Mẹ bằng Lời Nhập Thể. Chính người Kitô hữu cũng được thứ ánh sáng Ngôi Lời xuyên qua mình nhờ Mẹ và trong Mẹ, nên suốt cuộc hành trình tìm Chúa Giêsu, miệng họ sẽ không ngừng kêu lên: “Maria!” (X. Thánh Bênađô, Sống Cho Một Mối Tình, tr.1-40). Tài Liệu Tham Khảo Kinh Thánh Tân Ước. Bản dịch và chú thích có hiệu đính do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008. Công Đồng Vaticanô II. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012. Piô IX. Tông sắc Ineffabilis. Ban hành ngày 8 – 12 – 1854. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012. Mateo. Refuting the Attack on Mary. Không rõ Nxb, không rõ năm xuất bản. Phan Tấn Thành. Magnificat. Học Viện Đa Minh, 2010. Thánh Bênađô. Sống Cho Một Mối Tình. Viện Phụ Đa Minh Phạm Văn Hiền dịch. Thánh Biển Đức. Tu Luật. Bản dịch của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Tài Liệu Internet: Fx. Nguyễn Hùng Oánh. “Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Truy cập ngày 15 – 11 – 2013; http://www.thanhlinh.net/node/10083. Giuse Đinh Lập Liễm. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Truy cập ngày 15 – 11 – 2013; http://www.simonhoadalat.com/…/…/CaLeKhac/04DucMeVoNhiem.htm Nguyễn Hồng Giáo. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Truy cập ngày 15 – 11 – 2013; http://www.nguoitinhuu.com/chiase/HongGiao/ducmevnhiem.html. Ngày 24 tháng 04 Năm 2019 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Triển lãm các ảnh tượng Đức Mẹ được đội triều thiên tại đền thờ Thánh Phêrô ĐTC Phanxicô gửi thư cho hai đền thánh Đức Mẹ Guadalupe kết nghĩa ở Mexico và Tây Ban Nha Tượng Đức Mẹ khổng lồ và đầy xúc cảm tại Nagasaki Chiêm Ngắm Trái Tim Đức MARIA Trong thời gian Đại dịch COVID-19, tôi đã vẽ một bức tranh… Chúng ta đang chờ Mẹ bảo lãnh Vu Lan - Nhớ Mẹ trên trời Đức Mẹ của Kinh Thánh và Đức Mẹ của lòng sùng kính Đức Maria, Đấng can thiệp cho người nghèo (Ga 2,1-12) Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tầm quan trọng của tín điều trong đời sống Kitô hữu