OMI VIỆT NAM::Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Tin Mừng Lc 9,23-26 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.” Suy niệm: Tử Đạo Giữa Đời Thường Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người đề cao chủ nghĩa cá nhân, một thời đại mà người ta cạnh tranh nhau quyền cao chức trọng ở mọi lãnh vực, một xã hội mà quyền lợi cá nhân, hưởng thụ và sở hữu được ưa chuộng. Hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta "Từ bỏ chính mình, liều mất mạng sống..." để theo Chúa, điều này nghe ra thật phi lý và ngược đời! Thế nhưng, sẽ thật có lý và hợp với đời của một Kitô hữu vì đó là điều kiện tiên quyết để bước theo Chúa. Lời Chúa và mẫu gương của chính Chúa đã hy sinh mạng sống cho nhân loại, và của các Thánh Tử Đạo Việt Nam sẽ là một bảo đảm minh chứng cho chúng ta. Đường Trần Gian - Đường Thập Giá. Cuộc đời được ví như một hành trình. Hành trình này chẳng thẳng ngay và không hề nhẹ nhàng êm ái. Lớn hay nhỏ đang sống trong trần gian, chúng ta đều cảm nhận trần gian đầy đau khổ và nước mắt, chẳng thế mà nhạc sĩ nào đó đã viết "Đường nhân gian đày ải chông gai, ai chưa qua chưa phải là người!" Giàu cũng khổ mà nghèo thì khốn khổ hơn! Tiền bạc, chức vị cũng không làm cho người ta hạnh phúc và cũng không mua được bình an. Đau khổ như là một thập giá gắn liền với đời người dù người đó có là môn đệ Chúa Kitô hay không. Thập giá đến với mỗi người mỗi cách khác nhau. Thập giá ấy có thể là từ trong những bất toàn của bản thân, trong bệnh tật, trong khó khăn của cuộc sống. Thập giá cũng có thể là từ những nghịch cảnh thông thường của cuộc đời... Với người Kitô hữu, chúng ta sẽ gặp thập giá trong cuộc đời khi sống trung thành với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Thập giá đến khi ta sống ngay thẳng trong buôn bán, thật thà và công bằng trong kinh doanh hay trong giao tiếp. Người ta có thể cho là ta điên rồ, ngược đời hay ngu xuẩn thậm chí bị loại trừ. Thập giá đến với ta trong những chọn lựa từ bỏ mình để yêu thương đón nhận tha nhân ngay cả khi họ vu oan, ghen ghét, làm hại ta... Và thập giá cũng sẽ được ta đón nhận khi ta biết cố gắng sống theo Lời Chúa dạy, biết sửa mình, ăn năn sám hối về những tính hư, nết xấu và tội lỗi của ta để xứng đáng là con cái Chúa. Đường Thập Giá - Đường Tử Đạo. Khi thập giá đến, chắc hẳn chẳng ai trong chúng ta sẵn sàng đón nhận hay dễ dàng để ôm lấy. Đã là thập giá, thường ta luôn cảm thấy nặng nề, khó vác. Đôi khi ta không dám nghĩ tới và muốn tránh bởi không ai thích đau khổ, thất bại, bị loại trừ, nghịch cảnh, thất vọng chán nản... Và hơn thế nữa, Satan cũng tìm đủ cách lôi chúng ta xa thập giá, vì nó không muốn ta đi vào con đường của Chúa. Lời Chúa tha thiết mời gọi ta: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9,23). Từ bỏ chính mình, không đơn giản chút nào! Từ những cái rất nhỏ trong cuộc sống: người mắng ta một câu, ta muốn đáp lại hai, ba câu. Nhưng từ bỏ mình là bỏ qua, là chấp nhận lời nói không tốt đó và đáp lại bằng lời yêu thương, lời hòa giải. Khó lắm, nó đau ở trong lòng và như nuốt cục phèn vậy, nhưng nếu ta làm được, ta sẽ cảm nhận ngọt ngào trong tâm hồn. Từ bỏ mình trong những chọn lựa theo Tin Mừng, sống yêu thương, tha thứ sẽ như là những cuộc tử đạo âm ỉ từng ngày chứ không chỉ một lần. Trong cuộc sống với những bôn ba cho cơm áo gạo tiền, nhiều khi đặt ta trước những chọn lựa theo công bằng, bác ái đòi ta phải hy sinh mối lợi, mất miếng ăn để chu toàn luật Chúa. Ta sẽ đau lắm và dằn vặt nhưng với ơn Chúa, ta chọn lựa tử đạo khi mất lợi danh và có khi mất cả mạng sống. Tôi nghĩ đến một người đàn ông Công Giáo, đã làm việc thật tốt trong một công ty sản xuất. Thế rồi, vì sống ngay thật, không theo những mánh khóe gian dối với đồng nghiệp nên anh đã lãnh nhận hậu quả là bị hại chết ngay trong chuyến công tác xa, sau bữa ăn cùng nhóm đồng nghiệp ấy. Ta có thể đi vào đường tử đạo khi sống trung thành với Chúa Kitô để bảo vệ sự sống, như một chị y tá nọ sau nhiều năm học tập, chị được chọn vào làm trong một bệnh viện lớn. Thế nhưng, ngay ngày thứ hai đi làm, người ta yêu cầu chị tham gia vào ca phá thai. Chị từ chối, lập tức người ta sa thải chị. Chị mất việc mà chị đã tốn nhiều công sức tiền của để có được. Chị đã vác thập giá cùng với Chúa Kitô! Để chọn lựa vác thập giá hàng ngày, chọn lựa tử đạo suốt đời, ta không thể thực hiện với sức riêng nhưng phải cậy nhờ ơn Thánh và nếu ta tin tưởng cậy dựa vào Chúa, Ngài sẽ luôn giúp ta vì: "Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách" (1Cr 1,4). Đường Tử Đạo - Đường Tới Vinh Quang. Ngày nay, trên quê hương chúng ta ít có những cuộc cấm hay bách hại đạo như xưa cha ông ta đã trải qua. Nhưng lại xuất hiện nhiều hơn những dịp thử thách về đức tin tinh vi mà nếu không tỉnh thức, ý thức và có một tâm hồn bén nhạy thì ta sẽ dễ đi vào việc chối đạo, phản đạo và bỏ Chúa qua chính cách sống, lời nói và việc làm của ta. Các Thánh Tử đạo Cha ông chúng ta đã kiên trung thực thi Lời Chúa dạy: "Ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Lc 9, 24). Các ngài yêu Chúa hơn yêu mạng sống mình như lời nói và máu đổ ra của Thánh Phaolo Khoan "Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa và Chúa Cả Trời đất, con xin dâng mạng sống cho Ngài". Có vị thánh đã từ bỏ chức quyền để giữ vững đức tin và linh hồn như thánh Hồ Đình Hy là quan lớn, thánh Phạm Trọng Tả là chánh tổng nhưng các Ngài chọn Chúa hơn là địa vị ở trần gian. Các ngài chọn gia nghiệp Nước Trời hơn là sản nghiệp trần thế nay còn mai mất "Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời" (Thánh Phêrô Truật). Các ngài không dẫm lên Thập giá Chúa Kitô nhưng anh dũng bước đi trên đường Thập giá vì các ngài xác tín chỉ qua Thập giá mới tới Vinh quang và cuối đường, chính Chúa Kitô đón các ngài vào hưởng vinh quang hạnh phúc với Người trong Nước Trời, như sách Khôn Ngoan nói: "Người đời nghĩ rằng họ bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chan chứa niềm hy vọng được trường sinh bất tử. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời" (Kn 3,4.8). Trải qua suốt ba thế kỷ bách hại, đã có cả trăm ngàn anh em Kitô hữu chết vì đạo. Gương chứng nhân Đức Tin và lòng hy sinh mạng sống vì Chúa Kit-tô và vì Tin Mừng của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cha ông ta, sẽ là mẫu gương và niềm hãnh diện lôi cuốn chúng ta can trường sống chứng nhân giữa đời thường và dám chọn sống, chết vì đạo. Từ dòng máu anh hùng của cha ông, từ những khổ đau, những đắng cay của các ngài, ta có được hạt giống đức tin hôm nay. Vậy thập giá là một phần quan trọng của đời Kitô hữu và chính Chúa Giê-su đã không khước từ thập giá vì đường thập giá-đường tử đạo mới là đường dẫn tới vinh phúc: "...Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người..." (Pl 2,6-11). Lao nhọc, đau khổ, nghịch cảnh, hy sinh, chiến đấu và tử đạo... cần thiết để trở thành một phần của đời người môn đệ Chúa Kitô. Ước gì khi sống giữa đời, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng tin tưởng thưa lên như thánh Phaolô "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy... Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta" (Rm 8,35-37). Để rồi chúng ta dám sống vì Chúa, chọn lựa theo Chúa, trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh và can trường chết vì Chúa trong những dịp tử đạo giữa đời thường. Vì "Ai liều mất mạng sống vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy." (Mc 8,35). Nguyện xin Thần Khí Chúa ban ơn khôn ngoan và sức mạnh giúp chúng con biết chọn lựa sống vì Chúa, vì Tin Mừng. Và xin dạy chúng con biết yêu thập giá là dấu chỉ của chiến thắng, của vâng phục, của tình yêu và của con đường dẫn đến ơn cứu độ. Amen. Dã Quỳ Nguồn:gplongxuyen.org Tin Mừng đến với dân tộc Việt nam trên 400 năm, thì hết 300 năm, GH Việt Nam thấm đẫm dòng máu của hơn 130 ngàn anh hùng tử đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ 19, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Trong số 130.000 anh hùng tử đạo, có 117 vị được phong chân phước, và sau đó được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong lên hàng hiển thánh ngày 19.6.1988. Vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam là chân phước An rê Phú Yên 26.7.1644. Màu đỏ của áo lễ hôm nay là màu máu của các vị tử đạo trong Đức Giêsu, là mùa lửa thắm nồng Tình Yêu Thiên Chúa. I. TÌNH YÊU LÀ GÌ? Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8). Con người là thụ tạo duy nhất giống hình ảnh Thiên Chúa - có mầm sống của Thần Khí Tình Yêu (x.St 2,7). Nhờ Thần Khí của Đức Chúa, con người có khả năng sống tương quan tình yêu hiệp nhất với muôn vật muôn loài. Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất, bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài, thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng (Kn 1,7). Nhưng do yếu đuối, kiêu ngạo, bất vâng phục, con người đã bị sa ngã bởi Tên Cám Dỗ. Thiên Chúa không bỏ con người thụ tạo. Ngài quá yêu con người, dù nó tôi lỗi, phản bội, Ngài vẫn cứ yêu, yêu đến nỗi ban chính Con Một mình xuống thế làm người – Đức Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Hơn thế nữa, hễ ai tin vào Người Con- Chúa Giêsu Kitô, họ sẽ được thánh hiến, tháp nhập với Người Con, và trở nên con Thiên Chúa. (x. Ga 3,16; Rm 8,29). Ôi tình yêu cao cả, diêu vợi, vĩnh cửu! II. CON NGƯỜI ĐƯỢC TỰ DO ĐÁP LẠI TÌNH YÊU THIÊN CHÚA Chọn Chúa hay chọn thế gian - Chọn thế gian: Tâm trí hướng đến của cải, danh lợi; ham mê các thú vui xác thịt, thế gian, thích được xu nịnh, ca tụng.... Hậu quả là sống trong tình trạng tăm tối sa đoạ: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. (Gl 5,19-21) - Chọn Chúa: Sẵn sàng dấn thân đón nhận trọn vẹn ân sủng bí tich Thánh Tẩy: dìm mình trong cái chết của Chúa Giêsu. Ai có cái chết của Đức Giêsu nơi mình, thì cũng có sự sống của Ngài nơi thân xác mình. Ai yêu Chúa Giêsu và khao khát được chết đi đối với chính mình, đối với thế gian, khao khát mang trong linh hồn và thân xác mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, người đó được hồng phúc thánh tẩy, thuộc về Chúa. Họ là người sống trong Thần Khí Tình Yêu. Dấu hiệu nhận ra người Kitô hữu thật, có Chúa sống trong mình: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5,22-23). Tắt một lời, những người Kitô hữu là hiện thân của Đức Giêsu – Thiên Chúa Tình Yêu, họ đi vào con đường chết vì yêu, họ cùng sống với nhau và cùng tuyên xưng: Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1 Ga 3,16). III. GƯƠNG MỘT SỐ THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM *Thánh Hồ đình Hy đã sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình, chịu chết vì đạo Chúa Kitô. Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh, từ chối những lời hứa hẹn chức quyền, bổng lộc của vua ban. *Cha Anrê Dũng Lạc, hơn một lần ngài đã được cứu thoát khỏi tù ngục nhờ giáo dân quảng đại nộp tiền chuộc. Ngài nhiệt tình ao ước được chịu phúc Tử đạo, ngài thường nói những người chết vì Đức tin thì được lên trời, thế mà ta cứ tiếp tục trốn tránh, chi phí tiền bạc để tránh thoát những kẻ bách hại, ta hãy để mình bị bắt và chịu chết thì hơn. ngài được ơn tử đạo, chém đầu tại Hà nội ngày 21.12.1839. *Bà Thánh Inê Đê (Lê Thị Thành) đã mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn, sẵn sàng chết vì tình yêu Thiên Chúa. Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 12-7-1841 bà trút hơi thở cuối cùng với lời thân thưa tuyệt hảo: "Giêsu Maria Giuse, con phó thác hồn con và thân xác con trong tay Chúa". *Nguyễn văn Lựu:"Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi bỏ được”.Đúng như lời tuyên xưng của thánh Phao-lô: không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta" (Rm 8:35-39). *Với bé Lucia 13 tuổi, Thiên Chúa đã cho “miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen Ngài đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan” (Tv 8,2-3). Cô bé tự nguyện chết vì Chúa ngày 6 tháng 2 năm 1665. cô là con ông Phêrô Kỳ tử đạo ngày 27 tháng 1 năm 1665. Tại dinh quan Quảng Nam, người ta thấy cô bé Lucia mới 13 tuổi, xông vào và nói lên ý muốn của mình là muốn chết thay cho những người đã hèn nhát chối đạo Đức Chúa Trời. Quan ra lệnh truyền đuổi "cô bé" đó ra ngoài. Nhưng Lucia cưỡng lại lệnh quan, cô lớn tiếng nói cho mọi người biết mình là người chỉ biết tôn thờ một Đức Chúa Trời, Đấng tạo thành trời đất muôn vật. Thế là quan nổi nóng truyền thi hành án tử cho "con bé". Cô đi ra pháp trường như người đi lễ hội. Chính cô chạy lại trước con voi to lớn và voi đó đã tung xác cô lên nhiều lần cho tới khi tắt thở. Còn nhiều vị tử đạo nữa, làm sao chúng ta có thể kể hết được. Nhưng chúng ta có thể cùng sống với các Ngài, vì cùng mang dòng máu tử đạo Giê-su. Tình yêu là ánh sáng, động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài. Và các ngài đã hiến dâng mạng sống để danh Thiên Chúa Tình Yêu được cả sáng, Nước Thiên Chúa trị đến nơi dân tộc Việt, nơi chính tâm hồn mỗi Kitô hữu Việt Nam. CẦU NGUYỆN Trong thời Covid, tai ương, thiên tai, nhân tai này, xin Mẹ và các thánh tử đạo Việt Nam cầu nguyện cho chúng con thoát khỏi tính ích kỷ, lo lắng, sợ hãi. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết chết đi với chính mình, với thế gian hư mất, để chúng con thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi, trở thành chứng nhân bình an và hy vọng cho một thế giới đang chao đảo, đau khổ rên siết. Amen. Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI. Ngày 13 tháng 11 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên Chúa Nhật XIV – Thường Niên Chúa Nhật XIII – Thường Niên Chúa Nhật XII – Thường Niên