OMI VIỆT NAM::Suy niệm Chúa nhật 1 mùa vọng- năm A Chúa Nhật Suy niệm Chúa nhật 1 mùa vọng- năm A Hội Thánh bắt đầu năm phụng vụ bằng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Ngay từ những giây phút đầu tiên của Năm phụng vụ, Hội Thánh kêu mời tất cả các tín hữu hãy hướng tâm hồn lên Chúa và hãy thức dậy khỏi giấc ngủ mê man trong tội lỗi, để đón Chúa, vì Ngài sắp đến. Hội Thánh bắt đầu năm phụng vụ bằng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Ngay từ những giây phút đầu tiên của Năm phụng vụ, Hội Thánh kêu mời tất cả các tín hữu hãy hướng tâm hồn lên Chúa và hãy thức dậy khỏi giấc ngủ mê man trong tội lỗi, để đón Chúa, vì Ngài sắp đến. Mùa vọng là mùa ngóng đợi Chúa đến, cũng như dân Do Thái xưa đã van xin “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu độ”. Mùa Vọng cũng là mùa tỉnh thức để đón chờ Chúa đến vào cuối cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy thức dậy khỏi giấc ngủ mê như thánh Phaolô đã từng khuyên nhủ tín hữu Roma : “Anh em thân mến, biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt.” Thật vậy, trong mùa Vọng, Giáo Hội nhắc chúng ta nhớ lại việc Chúa Giêsu đã sinh ra làm người để cứu chuộc nhân loại, và việc chúng ta phải chuẩn bị để chào đón Người trở lại trong vinh quang để phán xét thế gian. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi phải luôn tỉnh thức để nhận biết và tiếp đón Chúa trong cuộc sống hàng ngày nơi mọi người, mọi vật, mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống. Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay khuyến cáo mỗi người chúng con : “Hãy tỉnh thức, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa sẽ đến.” Giờ Chúa đến như kẻ trộm, bất thình lình tựa cơn đại hồng thủy chụp xuống trên chúng con : một cơn sóng thần, một cơn gió thoảng qua, một trận lũ, một cơn đau bệnh… Cái chết đến với mỗi người chúng con dưới muôn hình vạn trạng dù chúng con ở bất cứ đâu và ở bất cứ điạ vị nào. Chúa muốn chúng con phải luôn sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào. Chúa dùng một dụ ngôn để nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tỉnh thức. Chúa đã ví chúng con như người chủ nhà, nếu biết vào canh nào trộm sẽ đến, chắc chắn sẽ canh thức không để nó đào ngạch khoét vách ! Hình ảnh về hai người đàn ông làm ruộng mà một người được đem đi, người kia bị bỏ lại; hai người đàn bà xay bột, một người được đem đi, người kia bị bỏ lại, cũng nói lên sự cần thiết rằng : chúng con phải thường xuyên tỉnh thức. Đối với những người chưa nhận biết quyền năng và sự quan phòng của Chúa, họ cho rằng : chết là hết, chết là tận điểm cuộc sống, chết phá tan sự nghiệp công danh và mọi lạc thú trên đời. Vì vậy họ chỉ lo hưởng thụ, không chờ đón và mong đợi gì sau cuộc sống ! Nhưng đối với chúng con, những người Kitô hữu thì chết là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Mặc dầu vậy, lắm khi chúng con cũng như người mê ngủ cứ bận tâm tìm kiếm danh vọng, lợi lộc mà lơ là việc thiêng liêng, bỏ cầu nguyện, bỏ dâng lễ ngày Chúa Nhật, chưa năng chịu các phép Bí tích. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể "Chờ Đợi - Hy Vọng", đó là hạt giống bất tử mà Thiên Chúa đã gieo vãi trong trái tim mỗi người chúng con. Bởi thế mà đã có lần Thánh Augustinô thưa với Chúa : "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con. Vì thế tâm hồn con xao xuyến bồi hồi cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa ". Lịch sử của dân tộc Israel là điển hình của sự tìm kiếm và mong đợi, nhưng qua dòng lịch sử ấy, Thiên Chúa đã mạc khải cho con người biết đâu là cùng đích của mọi ước mơ và hy vọng. Quả thực, chỉ trong Chúa mới là cùng đích của mọi khát vọng, mọi ước mơ, và chỉ khi nào đạt được mục đích ấy thì chúng con mới hết chờ đợi, hết mơ ước và hết hy vọng. Bao lâu con người còn sống, thì bấy lâu con người còn phải mỏi mòn đợi trông và tìm kiếm. Lạy Chúa xin cho chúng con nhận ra Chúa là điểm đến của lịch sử con người. Tất cả mọi chờ đợi, mọi hy vọng, mọi nỗ lực và mọi kiến tạo của con người đều qui hướng về Chúa. Ngài là Đấng đang hiện diện. Ngài là Đấng đang đến. Ngài là Đấng tác động trong từng biến cố của lịch sử con người. Chỉ có Ngài mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của con người, và chỉ có Ngài mới có thể thoả mãn được mọi ước vọng của con người mà thôi. J.B Vũ Văn Tín, O.P Ngày 27 tháng 11 Năm 2016 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên