OMI VIỆT NAM::Tin Mừng trên vùng đất bazan Cộng đoàn Học viện Tin Mừng trên vùng đất bazan Jos. Văn Tuấn, OMI Hôm nay, Hội Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm – Phụ tỉnh Việt Nam tổ chức Ngày Hội thao lần II trong năm học 2024 – 2025. Trong bầu không khí vui tươi và gần gũi ấy, tôi bất ngờ gặp anh Điểu Sớt, một người anh em sắc tộc S’Tiêng. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi, tôi mới hay anh đến từ giáo xứ Bình Minh, thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột, nơi tôi từng có thời gian thực tập mục vụ trong giai đoạn Tập viện vào năm 2021. Anh chia sẻ rằng mình vừa xin vào tìm hiểu ơn gọi tại hội dòng chúng tôi. Lời anh nói như khơi dậy trong tôi bao ký ức đẹp đẽ về hành trình truyền giáo trên mảnh đất thân thương ấy. Tôi bắt đầu suy tư về vùng đất truyền giáo, về con người và đời sống đức tin nơi đây, và chợt thì thầm: “Vậy là hạt giống ơn gọi Hiến Sĩ đã được gieo trồng và bắt đầu triển nở mạnh mẽ trên mảnh đất cao nguyên đầy yêu thương này rồi”. Khi nghĩ về giáo xứ Bình Minh, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tôi là ngôi thánh đường nhỏ bé, đơn sơ, và nghèo nàn, thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột. Những kỷ niệm về lần đầu tiên đặt chân đến đây vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Tôi nhớ như in khung cảnh người người tất bật chuẩn bị cho thánh lễ trong sự sốt sắng và rộn ràng. Đây là thánh lễ dành cho anh chị em đồng bào, một thánh lễ mang đậm màu sắc truyền thống của người S’Tiêng. Sự sốt sắng của họ, kết hợp với những bộ trang phục rực rỡ, đậm chất văn hóa dân tộc, đã cuốn hút tôi ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên. Tôi còn nhớ, trong lúc tôi đang lúng túng và bỡ ngỡ, không biết phải chào hỏi thế nào, ánh mắt tôi bất chợt bắt gặp những gương mặt thân thương, hướng trọn lòng mình về Cung Thánh. Giây phút đó, trong tôi dấy lên một suy nghĩ đơn sơ: “Nhà thờ to hay nhỏ không quan trọng, điều quan trọng là nơi đó có thể giúp mọi người đến để thờ phượng và gặp gỡ Chúa.” Tôi chìm đắm trong dòng suy tư, đồng thời lặng lẽ quan sát để cảm nhận đời sống đức tin của anh chị em đồng bào. Ở họ, tôi nhận thấy một sự thánh thiện, nhưng đôi khi còn pha chút ngại ngùng; sự đơn sơ, nhưng vẫn tồn tại những rào cản vô hình. Tôi tự hỏi: liệu có mấy ai thấu hiểu những khó khăn của họ trong việc hòa nhập và hội nhập văn hóa? Ai sẽ thấu hiểu được niềm tin sâu sắc và tình yêu nồng nàn của họ khi chính họ cũng không thể diễn đạt trọn vẹn những gì mình muốn chia sẻ? Những câu hỏi cứ dồn dập xuất hiện trong tâm trí tôi: “Người tu sĩ phải làm gì để Lời Chúa thực sự lan tỏa đến muôn dân?” Đang đắm chìm trong những cảm xúc hỗn độn, tôi bỗng cảm nhận một bàn tay gầy guộc nắm chặt lấy tay mình từ phía sau. Một giọng nói trong trẻo vang lên: “Con chào thầy! Thầy đến giáo xứ con giúp hả? Con tên Múp, người S’Tiêng. Bữa nào thầy ghé nhà con chơi nhé…” Cái nắm tay vội vã ấy không đơn thuần là lời chào hỏi mà hơn thế, nó là sự biểu lộ của sự thân thương và gần gũi. Dù chúng tôi khác nhau về văn hóa và ngôn ngữ, nhưng dường như có một sợi dây vô hình kết nối chúng tôi dưới mái nhà chung của Thiên Chúa. Dẫu chưa từng gặp mặt, tôi vẫn cảm nhận được tình cảm như ruột thịt, một cảm giác thiêng liêng khó diễn tả bằng lời. Những cảm xúc thoáng qua ấy, dù khác nhau, nhưng đều chạm đến trái tim tôi, để rồi tôi càng ý thức rõ hơn về tình yêu tuyệt vời của Chúa. Ngài không ngừng mời gọi, dẫn dắt tôi từng bước để tôi có thể hội nhập sâu hơn vào đời sống nơi đây, mang Tin Mừng đến với những con người giản dị mà chân thành này. Chúng tôi bắt đầu cuộc gặp gỡ giáo xứ bằng một bữa cơm tối thân mật tại nhà ông trưởng ban Loan Báo Tin Mừng. Không khí trong bữa cơm vừa ấm cúng vừa tràn đầy tiếng cười khi những câu chuyện đời mục vụ của các nhà truyền giáo được kể lại. Đó là những câu chuyện vừa hài hước, vừa cảm động, đan xen giữa niềm vui và những khó khăn, thách đố. Tôi ấn tượng nhất với câu chuyện về một ngày Chúa Nhật đầy thử thách. Cha chia sẻ: “Có những ngày, các cha phải dâng nhiều thánh lễ liên tiếp, bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt. Trời nắng đã vất vả, trời mưa lại càng gian nan. Nhiều lần cả cha và xe lao xuống dốc, lăn cù xuống mương. Khi đến nơi dâng lễ, người cha lấm lem, nhìn chẳng khác gì con trâu vừa kéo cày...” Cả bàn ăn chìm trong sự im lặng, ánh mắt mọi người ánh lên niềm cảm thông sâu sắc và lòng khâm phục trước tinh thần dấn thân của người mục tử. Những câu chuyện như vậy không chỉ nói lên những gian khó trong hành trình truyền giáo mà còn làm nổi bật lên lòng yêu thương và sự kiên trì bền bỉ. Không chỉ có thế, các cha còn phải cố gắng học tiếng của các anh chị em sắc tộc để cử hành thánh lễ bằng ngôn ngữ bản địa. Việc học đọc đã khó, nhưng việc hiểu và diễn đạt ý nghĩa một cách trọn vẹn lại khó gấp trăm lần. Dù vậy, chính nỗ lực này lại tạo nên sự gắn bó đặc biệt giữa mục tử và đoàn chiên. Nó giúp Tin Mừng của Chúa đến gần hơn với trái tim của từng người, vượt qua mọi rào cản văn hóa và ngôn ngữ. Tôi tự hỏi: “Điều gì đã thúc đẩy các ngài làm được những điều phi thường như vậy?” Và rồi, câu trả lời dần hiện rõ trong tâm trí: tất cả xuất phát từ tình yêu. Chỉ có tình yêu mới làm nảy sinh thêm tình yêu, và chỉ có tình yêu mới giúp con người vượt qua giới hạn của bản thân. Những nhà truyền giáo được sinh ra từ tình yêu ấy và cũng chính họ là những người phân phát tình yêu ấy cho tha nhân. Họ cống hiến cả cuộc đời, chấp nhận những hy sinh bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu đào để phục vụ cho sự nghiệp loan báo Tin Mừng. Những điều đó gợi nhớ tôi về một con người đặc biệt, Cha thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc. Cách đây hơn hai trăm năm, cha cũng đã dành trọn cuộc đời để dấn thân phục vụ những người nghèo khổ, bị bỏ rơi trong xã hội Pháp. Mặc dù xuất thân từ tầng lớp quý tộc, cha đã chọn sống giữa những người bần cùng nhất. Cha dùng chính tiếng thổ ngữ, ngôn ngữ bị coi thường lúc bấy giờ, để mang Tin Mừng đến với họ. Hơn hai thế kỷ sau, tinh thần của cha vẫn tiếp tục lan tỏa qua những người con của ngài. Họ nối dài sứ mạng ấy trên khắp thế giới, đến với những vùng đất nghèo khổ, những con người bị lãng quên, để gieo mầm yêu thương và hy vọng. Cuộc đời và sứ vụ của Cha thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, không chỉ cho tôi mà còn cho tất cả những ai dấn thân trong hành trình phục vụ. Tôi cũng có dịp đến thăm các giáo họ Bù Lang, Bù Mó, Tông Calôn, và BomBo 1, nơi phần lớn bà con là người sắc tộc S’Tiêng. Họ đón nhận đức tin Công giáo từ khoảng năm 1995. Các điểm nhà nguyện ở đây thường rất đơn sơ, được dựng tạm bợ chỉ để tránh nắng che mưa, và một số nơi không có thánh lễ. Những địa điểm như vậy chủ yếu là nơi họ tụ họp để đọc kinh, sinh hoạt và gặp gỡ. Dẫu vậy, khi được nghe về hành trình hình thành và phát triển của các giáo họ này, tôi lại cảm thấy một bầu không khí ấm áp, thân thương tràn ngập nơi đây. Tình cảm giữa các tín hữu nơi đây làm tôi cảm động. Tôi còn có cơ hội thưởng thức những món ăn truyền thống như rượu cần, cơm lam, và rau nhíp, những đặc sản mà theo họ chỉ dành để chiêu đãi những vị khách quý. Điều đó khiến tôi nhận ra lòng hiếu khách của họ chân thành đến nhường nào. Tôi cũng cố gắng sử dụng chút vốn liếng tiếng S’Tiêng của mình để tạo sự gần gũi. Chỉ một vài câu chào hỏi đơn giản thôi cũng đủ làm rút ngắn khoảng cách giữa chúng tôi, giúp mối dây gắn kết ngày càng thêm bền chặt. Trong những câu chuyện chia sẻ, tôi cảm nhận được rằng với họ, chỉ cần một chút thân thiện và thấu hiểu những khó khăn trong đời sống đạo cũng đủ để biến tôi thành một người thân trong gia đình. Họ bộc lộ cảm xúc rất tự nhiên, chân tình. Có lần, họ vui sướng reo lên: “Thầy này cũng là người S’Tiêng của mình!” Rồi không giấu nổi niềm vui, họ ôm chầm lấy tôi. Lại có những hôm, họ nắm chặt tay tôi, thì thào: “Ước gì thầy ở lại đây với chúng con mãi...” Chúng tôi trò chuyện say sưa về đạo, đời, văn hóa bản sắc dân tộc và sự khác biệt trong ngôn ngữ S’Tiêng giữa các vùng. Thời gian dường như trôi qua lúc nào không hay. Những tình cảm chân thành ấy khiến tôi cảm nhận rõ ràng tình huynh đệ trên mảnh đất màu mỡ này, một mảnh đất cần đến sự hiện diện của các nhà truyền giáo và Tin Mừng của Chúa. Tôi chợt nhớ đến lời chia sẻ của linh mục Pius Ngô Phúc Hậu trong Nhật Ký Truyền Giáo: “Người truyền giáo phải khởi đầu bằng việc ra đi. Đi để thấy mình phải làm gì, phải làm thế nào.” Quả thật, qua những buổi thăm hỏi các bản làng sắc tộc, tôi càng thấm thía rằng, để Tin Mừng lan rộng, chúng ta phải dấn thân, phải đến tận nơi, phải hội nhập và chia sẻ đời sống với họ. Chúng ta phải dám làm, dám xông pha, nhưng không được mạo hiểm một cách liều lĩnh hay đánh mất đi căn tính của một nhà truyền giáo. Tấm gương sáng ngời nhất mà tôi học hỏi chính là Thầy Giêsu Chí Thánh. Ngài đã đến thế gian, sống giữa thế gian, sống vì thế gian, và hiến mạng vì thế gian. Hành trình truyền giáo của Ngài không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là lời mời gọi dành cho tôi. Nhờ đó, tôi biết sống đúng tinh thần ấy và đem ánh sáng Tin Mừng đến với mọi người trên mảnh đất này. Ngày ấy, tôi cũng có cơ hội đến thăm và hiểu rõ hơn về những khó khăn trong đời sống đạo của hai giáo họ xa xôi nhất thuộc giáo xứ Bình Minh: giáo họ Thánh Tâm và giáo họ Hiệp Đức. Mỗi giáo họ chỉ có vài chục hộ gia đình, với tổng số giáo dân chưa đến vài trăm người. Cứ sáng thứ Năm hàng tuần, tôi lại lái xe hơn 10 km để đến sinh hoạt và tập hát cùng họ. Con đường vào giáo họ vô cùng trắc trở. Trời nắng, bụi bay mịt mù, chỉ cần một chiếc xe chạy ngang là cả đoạn đường phía trước chìm trong khói bụi. Trời mưa, con đường đầy ổ gà trở nên trơn trượt, khiến hành trình càng thêm vất vả. Thế nhưng, mỗi lần đến nơi, nhìn thấy sự nhiệt thành và lòng hăng say của anh chị em giáo dân, tôi lại cảm thấy lòng mình được sưởi ấm. Tôi nhận ra họ rất cần sự hiện diện của các nhà truyền giáo, những người mang ánh sáng Tin Mừng của Đức Kitô đến với họ. Cha xứ cũng rất tận tâm với những cộng đoàn nhỏ bé này. Cứ cách một tuần, ngài lại vào dâng thánh lễ cho họ. Điểm dâng lễ thường không phải là nhà thờ mà chỉ là sân nhà giáo dân, hoặc đôi khi là một góc vườn điều được che chắn sơ sài. Dù đời sống sinh hoạt còn rất nhiều thiếu thốn, giáo dân nơi đây vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt thành trong đời sống đức tin. Có lần, họ chia sẻ với tôi: “Cứ cách một tuần, chúng con phải chạy xe máy ra ngoài xứ để dự lễ Chúa Nhật. Khi đi thì áo trắng, nhưng đến nhà thờ thì thành áo đỏ vì bụi đường. Hôm nào trời mưa thì kể như mất lễ, hoặc nếu có đi được thì cũng chỉ dự lễ ở bên ngoài, vì quần áo đã bẩn hết. Chúng con khổ cũng không sao, nhưng tội nhất là các cháu nhỏ. Xin thầy cầu nguyện thêm cho chúng con…” Những lời chia sẻ chân tình ấy bất chợt khiến khóe mắt tôi cay cay, lòng tôi đau nhói. Dẫu vậy, tôi vẫn thầm tạ ơn sự quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa. Bởi lẽ, hạt giống Tin Mừng mà các nhà truyền giáo đã gieo xuống mảnh đất này cách đây vài chục năm vẫn còn đó. Bất chấp bao gian nan, nắng hạn, mưa giông hay bão tố, hạt giống ấy không ngừng phát triển. Tôi cầu nguyện, gửi gắm những hạt giống đức tin ấy cho Chúa Thánh Thần, để Ngài tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng. Tôi tin tưởng rằng, một ngày không xa, trên mảnh đất đầy hy sinh và lòng tin này, Giáo Hội sẽ được đón nhận những mùa gặt bội thu, với những bông lúa thơm lành và tràn đầy ân sủng. Qua đợt thực tập mục vụ năm ấy đã giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về đời sống của các nhà truyền giáo tại các vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là cơ hội quý giá để tôi trải nghiệm linh đạo truyền giáo mà hội dòng tôi đang theo đuổi, linh đạo mang Tin Mừng đến với những người nghèo khổ và bần cùng nhất trong xã hội. Tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa vì chính Ngài đã ban cho tôi khoảng thời gian thực tập ý nghĩa này. Nhờ đó, tôi không chỉ cảm nhận được những khó khăn, vất vả trong đời truyền giáo và đời sống đức tin của giáo dân nơi đây. Tôi còn thấy rõ tình yêu và sự quan phòng đầy nhân hậu của Ngài. Những trải nghiệm ấy đã thôi thúc tôi dấn thân mạnh mẽ hơn, sống trọn vẹn hơn cho sứ vụ truyền giáo. Tâm hồn tôi vang lên lời của thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5, 14). Quả thật, chính tình yêu ấy đã cho tôi động lực để dám sống, dám yêu, và dám dấn thân vì tha nhân. Tiếng chuông tập hợp bất ngờ ngân vang, báo hiệu giờ Hội thao sắp bắt đầu. Ánh nắng ban mai len lỏi qua những tán cây, chiếu rọi vào khuôn mặt của mọi người như kéo tôi trở về với thực tại. Dẫu đã bốn năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đặt chân lên vùng đất cao nguyên này, nhưng những ký ức và cảm xúc về một miền đất đầy nắng gió và tình người vẫn vẹn nguyên trong trái tim tôi. Đây không chỉ là nơi tôi từng học hỏi, sẻ chia mà còn là nơi gieo mầm ước nguyện trở thành nhà truyền giáo, mang Tin Mừng đến với những người nghèo khổ và lạc lối. Tôi vội vàng chào tạm biệt anh để chuẩn bị cho chương trình Hội thao, mang theo trong mình những cảm xúc hỗn độn; vừa nuối tiếc, vừa tràn đầy hy vọng. Ước mong rằng một ngày nào đó, tôi và anh sẽ gặp lại nhau, cùng bước tiếp trên hành trình ơn gọi Hiến Sĩ. Đó sẽ là hành trình sống trọn vẹn tinh thần của thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc; yêu thương, phục vụ và dấn thân vì những người nghèo mang nhiều dung mạo khác nhau. Và dù hành trình ấy còn nhiều gian khó, tôi tin rằng chính tình yêu sẽ là ánh sáng dẫn lối, giúp tôi, anh và tất cả anh em Hiến Sĩ sẽ lan tỏa Tin Mừng đến khắp mọi miền. Ngày 17 tháng 03 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan