OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật II – Phục Sinh Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật II – Phục Sinh Tám ngày sau, Đức Giê-su đến. Tin Mừng Ga 20,19-31 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người. Suy niệm: Tin Chúa Giê-su Phục Sinh Hôm nay là ngày cuối trong tuần Bát Nhật Phục Sinh. Trong 8 ngày vừa qua, Giáo hội đã cho chúng ta đọc những câu chuyện Tin Mừng về Chúa Phục Sinh. Chúa Nhật II Phục Sinh còn được gọi là Chúa Nhật của đức tin, Chúa Nhật kính lòng thương xót của Chúa. Vào năm 2000, khi phong chân phước cho thánh Fautina Kowalska, Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II tuyên bố: Chúa Nhật II là Chúa Nhật kính lòng thương xót của Chúa. Chúa Phục Sinh vì thương xót các môn đệ nên đã hiện ra với các ông lần thứ hai trong một căn phòng đóng kín và Ngài đã củng cố đức tin cho các Tông đồ, cách riêng cho Tô-ma. Đức Tin liên kết mọi người nên một Trong bài đọc I trích sách Công vụ Tông đồ, thánh Lu-ca nhấn mạnh đến sự hiệp nhất. Tại sao các Ki-tô hữu đầu tiên là những người thuộc những thành phần khác nhau trong xã hội: người Do-thái tin Chúa, người ngoại giáo tin Chúa, v.v.v.. lại có thể sống hiệp nhất, đồng tâm nhất trí với nhau? Thưa, họ có thể sống hiệp nhất nên một với nhau là vì cùng tin vào Chúa Giê-su phục sinh. Chính niềm tin vào Chúa Phục Sinh nối kết mọi người nên một trong Chúa, trong Giáo hội tiên khởi. Đức Tin được sáng tỏ và vững mạnh nhờ được chạm đến bằng chứng tỏ tường nơi Đấng Phục Sinh Theo lẽ thường, trước khi tin một ai đó hay tin một điều gì đó, người ta muốn được lắng nghe người đó nói trực tiếp hoặc được tận mắt chứng kiến sự việc, được tận tay đụng chạm vào thì mới tin. Các môn đệ Chúa Giê-su cũng không đi ra ngoài quy luật này, mặc dù được mấy người phụ nữ và hai môn đệ từ Emmau trở về nói là họ đã gặp Chúa phục sinh nhưng các môn đệ vẫn không tin. Tại sao các ông chưa tin Chúa Giê-su đã sống lại? Thưa, có lẽ vì các ông chưa được gặp Chúa Giê-su phục sinh diện đối diện nên các ông chưa tin. Để củng cố đức tin non yếu của các môn đệ, hôm nay, Chúa Giê-su phục sinh hiện ra với các ông trong căn phòng đóng kín cửa và Người cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn (xc. Ga 20,20). Khi các môn đệ được đụng chạm đến những dấu đinh nơi tay Chúa Giê-su và xỏ tay vào cạnh sườn Người thì các ông vui mừng và xác tín Chúa thật đã sống lại. Những ai được Chúa Giê-su phục sinh chạm đến hoặc chính họ được chạm vào Chúa đều vui mừng và xác tín: Chúa đã sống lại. Cũng giống như cảm nghiệm được đụng chạm vào Chúa Giê-su phục sinh của các môn đệ, tác giả sách Khải Huyền được Chúa đặt tay hữu của Người trên ngài và nói: “Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời” (Kh 1,18). Đây là những kinh nghiệm thiêng liêng nhưng rất thực tế của những người tin vào Chúa Giê-su phục sinh. Tin là đón nhận những điều vượt quá sự kiểm chứng bằng lý trí và thể lý Các môn đệ đã gặp Chúa Giê-su phục sinh, được chạm vào tay và cạnh sườn Người đảm bảo với Tô-ma rằng: “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” (Ga 20,25) nhưng Tô-ma không tin anh em đồng môn. Sở dĩ, Tô-ma không tin anh em đồng môn vì ông chưa được thấy Chúa Giê-su phục sinh diện đối diện; ông ước ao được chạm vào các vết thương của Chúa. Sao Chúa Giê-su biết câu chuyện của Tô-ma để rồi tám ngày sau Người hiện ra với các môn đệ trong đó có Tô-ma? Chúng ta không rõ và Kinh Thánh cũng không ghi. Hiểu tâm trạng và ước muốn của Tô-ma, Chúa Giê-su chạnh lòng thương người môn đệ đầy nhiệt huyết đang đắm mình trong nỗi buồn vì Thầy đã chết nên Người đã hiện ra với ông và cho ông thấy những dấu chỉ của cái chết như: lỗ đinh trên hai tay, vết đâm ở cạnh nương long. Được thấy Chúa Giê-su phục sinh và được chạm vào thân thể của Đấng Phục Sinh, Tô-ma xác tín Chúa thực đã sống lại và tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa của ông. Như vậy, đức tin của Tô-ma đã trải qua một hành trình dài: khởi đầu là sự ghi nan tiếp đến là được chạm vào Đấng Phục sinh để rồi cuối cùng xác tín Chúa đã phục sinh và Người là Đức Chúa và Thiên Chúa. Nhìn vào đức tin của thánh Tô-ma, mỗi chúng ta rút ra bài học quý giá cho mình, đó là, trong đức tin, chúng ta cần tìm tòi, cần đào sâu về Chúa để có một đức tin kiên vững và sống đức tin ấy mỗi ngày. Qua câu chuyện của thánh Tô-ma, chúng ta hiểu rằng: đức tin đúng nghĩa, trước tiên là do ân ban nhưng không của Chúa và mỗi chúng ta có bổn phận làm cho ân ban đó trở thành niềm xác tín cá nhân và phải được củng cố mỗi ngày bằng chính trải nghiệm của mỗi chúng ta với Chúa. Thực vậy, người có đức tin đích thực là người có mối tương quan với Thiên Chúa cách mật thiết. Họ xác tín niềm tin của mình vì đã gặp Chúa chứ không chỉ nghe người khác nói. Xin Chúa củng cố niềm tin yếu kém của chúng ta như xưa Chúa đã củng cố cho niềm tin của thánh Tô-ma. Hoàng đế Napoléon rất xúc động trước lời cầu xin ân xá của người mẹ cho đứa con trai của bà là một quân nhân. Bà xin hoàng đế tha tội cho người con, tuy nhiên, Hoàng đế nói: vì đây là lần phạm tội nặng thứ hai của con trai bà, nên chiếu theo công lý anh ta bị xử án tử. Bà mẹ van nài: “Tôi không yêu cầu công lý, tôi xin lòng thương xót.” Hoàng đế nói: “Nó không đáng được thương xót!” Bà mẹ kêu lên: “Thưa ngài, đúng nó không xứng đáng để được thương xót, nhưng lòng thương xót thì tha thứ tất cả. Và tôi chỉ cầu xin lòng thương xót chứ không xin vua tha tội cho con tôi.” Vẻ đau khổ và cách biện luận rạch ròi của người mẹ đã thúc đẩy Napoléon trả lời: “Vậy thì, tôi sẽ thương xót.” Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, như được trình bày trong Kinh Thánh và như Chúa Giêsu đã sống, giảng dạy, cũng như thực hành qua sứ vụ của Người. Chúng ta hãy tin tưởng và tín thác vào lòng thương xót của Chúa và sống hợp nhất với nhau, chia sẻ nâng đỡ đức tin cho nhau. Thanh Tùng, OMI. Ngày 23 tháng 04 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật VI - Phục Sinh Chúa Nhật V - Phục Sinh Chúa Nhật IV - Phục Sinh Chúa Nhật III - Phục Sinh Chúa Nhật II - Phục Sinh Chúa Nhật Phục Sinh Thứ Bảy – Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Thứ Sáu – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa