OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Lm. Giu-se Ngô Xuân Hiến, OMI Tin Mừng Ga 20,1-9 ✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết. Ðó là lời Chúa. SUY NIỆM. Đại lễ Phục Sinh là một biến cố mang ý nghĩa vô cùng quan trọng của Ki-tô giáo. Vì nếu Đức Ki-tô không sống lại, thì niềm tin của người tín hữu bị sụp đổ hoàn toàn, và các Ki-tô hữu là những người đáng thương nhất. Nhưng Đức Ki-tô đã sống lại, đức tin của người ki-tô hữu trở thành một chân lý không gì có thể thay thế. Tất cả những ai tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh cũng sẽ được Người cho sống lại trong ngày sau hết, để hưởng vinh quang Phục sinh với Người. Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy Đức Ki-tô Phục Sinh đang hiện diện trong cuộc sống của các tín hữu, và niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh đang lớn dần, và lan tỏa đến nhiều tâm hồn. Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, Maria Mađala đã đi ra mộ, với một tâm trạng buồn phiền, xen lẫn thất vọng vì Thầy mình đã chết. Tâm trí của Maria như đang bị bao phủ bởi bóng tối sự chết và sự thất vọng. Khi vừa tới mộ, Maria bàng hoàng vì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ và không thấy xác Thầy đâu! Bà liền chạy về báo cho Phê-rô và Gio-an: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Thầy ở đâu.” Lúc này Maria hoàn hoàn chỉ nghĩ rằng, xác Thầy đã bị đánh cắp, và không hề nghĩ rằng, Thầy có thể đã phục sinh! Sau đó, bà vội chạy về báo cho Phê-rô và Gio-an thông tin Chúa bị mất xác như vậy. Nghe tin ấy, Phê-rô và Gio-an cũng hốt hoảng, và chạy nhanh ra mộ. Các ông háo hức muốn biết sự thật là gì? Có đúng như Maria Madala báo không? Chẳng lẽ, người ta lại ăn cắp xác Chúa thật sao? Khi ra tới mộ các ông cũng ngỡ ngàng vì không thấy xác Chúa đâu. Có lẽ hai môn đệ này cũng không nghĩ rằng Thầy đã phục sinh. Bằng cách viết rất súc tích, thánh Gio-an muốn mô tả hành trình đức tin của 3 nhân vật trong bài tường thuật này: Maria Mađala, Phê-rô và “người môn đệ kia” (tức là Gio-an). Khi ấy là “sáng sớm, khi trời còn tối” họ vẫn còn ở trong đêm tối chưa hiểu được màu nhiệm Chúa Phục Sinh. Nhưng đã là lúc sáng sớm rồi, bình minh sắp tỏa sáng. Đã đến lúc các môn đệ phải trả lời cho câu hỏi, Thầy ở đâu? “Chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu?” “Địa chỉ của Chúa Giê-su là một điều được Tin Mừng Gio-an lưu ý nhiều lần. Ngay từ đầu quyển Tin Mừng, hai môn đệ đầu tiên đã hỏi “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38). Đến phần cuối quyển Tin Mừng, câu hỏi “Thầy ở đâu?” lại được lặp lại. Các môn đệ Đức Giê-su luôn muốn biết địa chỉ của Ngài. Phê-rô vào trong mộ trước rồi tới Gio-an, các ông chỉ còn thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su, khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại xếp riêng ra một nơi. Đây là một chi tiết rất quý giá mà Chúa dùng để thông báo cho các môn đệ về sứ điệp Phục Sinh (cách xếp đặt các khăn liệm). Một dấu hiệu nhỏ, nhưng đủ cho những ai có lòng yêu mến cảm nhận được Đức Ki-tô đã phục sinh, Ngài đã sống lại, chứ không hề có ai ăn cắp xác của Ngài. Bởi vì nếu là kẻ trộm, họ sẽ mau chóng lấy xác Chúa ra khỏi mộ một cách vội vàng, không cần phải sắp xếp lại các khăn liệm, và kẻ trộm càng không có tâm tình yêu kính Đức Giê-su để sắp xếp những khăn liệm riêng với khăn che đầu Đức Giê-su. Và Tin Mừng cho chúng ta biết, người “môn đệ kia” đã thấy và đã tin. Gio-an đã đọc ra được ý nghĩa của dấu chỉ qua cách sắp xếp các băng vải và khăn che đầu Đức Giê-su. Màu nhiệm Phục Sinh đi qua con đường của lòng yêu mến, con đường của sự âm thầm chiêm niệm. Gio-an, người môn đệ được Đức Giê-su thương mến đã có một trực giác rất tốt nhờ luôn suy gẫm về tình yêu thương Thiên Chúa dành cho mình. Ngày nay, nhiều Ki-tô hữu buồn phiền vì không nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su Phục Sinh trong hành trình đức tin của mình, không cảm nhận được sự đồng hành của Chúa trong đời sống. Lý do, vì từ lâu họ đã thờ ơ với tình yêu thương của Chúa, không còn lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Thiên Chúa đã đặt sẵn những dấu chỉ giúp chúng ta đi tìm, như: ngôi mộ trống, những khăn vải được xếp gọn gàng, và những lời tiên báo của Kinh Thánh. Nhiều lần Đức Giê-su đã ám chỉ đến “địa chỉ” này “Thầy về cùng Cha Thầy” (Ga 7, 33-34) nhưng các môn đệ chưa hiểu. Hôm nay Gio-an đã hiểu: Đức Giê-su đã sống lại và về cùng Thiên Chúa Cha. Nếu các Ki-tô hữu hôm nay muốn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong đời sống, muốn gặp được Ngài ! Hãy để Tin Mừng đi vào đời sống, hãy biến Lời Chúa thành trang Tin Mừng biết đi, biết nói. Đó chính là đời sống chứng nhân của người tín hữu. Người sống Tin Mừng của Chúa, nghĩa là trong mọi hoạt động, họ đều đón nhận sự hướng dẫn của Chúa, chính Chúa cùng hoạt động với họ, và lúc đó họ sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu trong mọi việc mình làm, vì có Chúa đồng hành với họ. Đức Giê-su Phục Sinh vẫn luôn hiện diện, sự hiện diện của Ngài rất dịu dàng, âm thầm mà thật khiêm tốn. Ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Chúa Phục Sinh. Ở đâu có tình bác ái, bao dung, ở đó có Chúa Phục Sinh. Trong bài đọc 1, thánh Phê-rô với vai trò là thủ lãnh Giáo Hội, đã giúp củng cố đức tin cho các tín hữu bằng chính sự xác tín của mình, khi nói với dân chúng: Quý vị biết rõ Đức Giê-su xuất thân từ Na-za-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu, Người thi ân giáng phúc tới đó. Người đã bị treo lên cây gỗ mà giết chết. Nhưng ngày thứ ba Thiên Chúa đã cho Người chỗi dậy, và cho người xuất hiện tỏ tường. Chúng tôi, những người cùng được ăn, được uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho muôn dân, và long trọng làm chứng rằng, chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Với Phê-rô, trước đây ông nhát đảm, sợ hãi, không dám nhận mình là môn đệ Đức Ki-tô. Nhưng hôm nay, Đức Ki-tô Phục Sinh đã biến đổi Phê-rô để ông trở thành người rao giảng về Đức Ki-tô Phục Sinh. Đức Giê-su đã biến đổi những con người yếu đuối, nhát đảm trở nên mạnh mẽ. Từ những con người ít học, kém cỏi trở thành những người khôn ngoan, uyên bác. Thế giới hôm nay cũng giống như một màn đêm tăm tối, nhiều người không có đức tin, không có niềm hy vọng, không tin vào sự sống vĩnh cửu. Thế nhưng, không hẳn đêm tối hoàn toàn, vẫn còn một vài tia sáng của đức tin, của niềm hy vọng cho dù nhỏ bé. Chúng ta hãy cố gắng nhận ra những tia sáng đó, và lạc quan tin tưởng giúp mọi người làm cho ánh sáng đó lan tỏa và bừng sáng lên. Trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta đã thắp lên ngọn lửa và cùng nhau tuyên xưng đức tin của mình. Vì thế, chúng ta được mời gọi để cho Chúa Phục Sinh biến đổi thành thụ tạo mới. Chúng ta sẽ trở thành con người mới trong Chúa Phục Sinh nếu chúng ta can đảm sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô mời gọi tín hữu Cô-lô-xê cũng như mỗi người chúng ta hôm nay: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”. Chúng ta đang sống ở hạ giới, nên chúng ta dễ gắn bó với những gì thuộc hạ giới mà quên tìm kiếm những gì thuộc thượng giới. Thánh Phao-lô nói tiếp: Khi Đức Ki-tô nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Hãy gắn bó với nguồn sống là Đức Ki-tô như cành nho gắn liền với thân cây, để sự sống thần linh nơi Đức Ki-tô nuôi dưỡng và thánh hóa đời sống người tín hữu. Xin cho ánh sáng của niềm vui Phục Sinh luôn rạng ngời trên khuôn mặt của các tín hữu Chúa. Xin cho niềm tin vào Đấng Phục Sinh được thể hiện bằng những việc làm cụ thể trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chỉ khi chúng ta sống trọn vẹn niềm tin, chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa, và chỉ có Chúa Phục Sinh mới đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Ngày 17 tháng 04 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C Lễ Truyền Tin Suy Niệm Lời Chúa - Thư Tư Lễ Tro Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria