OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật III – Phục Sinh Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật III – Phục Sinh Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Tin Mừng Ga 21,1-19 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa không.” Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết. Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.” Suy niệm: Chúa Phục Sinh Để Ý Đến Các Tông Đồ Đức Giêsu Phục Sinh vẫn luôn luôn ở với con người, nhưng có thể họ không nhận ra Ngài. Đức Giêsu Phục Sinh luôn quan tâm săn sóc con người, như xưa Ngài quan tâm săn sóc các tông đồ. Ngài không bao giờ bỏ con người, Ngài sẽ ở với con người cho đến ngày tận thế. Hành vi không bình thường Các tông đồ trở lại Galilê và ít nhất có bảy người tham dự đêm đánh cá với Simon Phêrô. Sau một đêm mệt nhọc mà không được gì, Đức Giêsu đã chờ họ sẵn ở bờ hồ. Ngài gợi chuyện, hỏi thăm, và tìm cách giúp đỡ: “thả lưới bên mạn thuyền thì có đó”. Mẻ cá lạ giúp Gioan nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh: “Thầy đó”. Chúa vẫn hiện diện đó, nhưng người ta không nhận ra Ngài. Vẫn cần một dấu lạ, ngay cả đối với các tông đồ, để con người có thể nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh; và cũng phải nói, không phải ai cũng nhận ra. Thái độ của Phêrô rất là tức cười. Đang ở trần, nghe Gioan nói đó là Thầy, ông liền mặc đồ vào, rồi nhẩy xuống biển bơi vào bờ để gặp Chúa, bỏ các bạn ở lại với lưới cá dù rằng chính ông là người đề nghị các bạn đi đánh cá!Tại sao vậy? Vào bờ, ông nói gì với Chúa, hay ông chỉ làm vậy vì muốn gần Thầy mà thôi? Cách hành xử của Đức Giêsu Đức Giêsu đã dọn sẵn bánh và cá cho các tông đồ bên bờ hồ. Đức Giêsu dọn ăn cho các tông đồ. Đức Giêsu vẫn làm công việc của một người đầy tớ, Ngài vẫn luôn là người phục vụ những người Ngài yêu thương. “Hãy mang cá các anh vừa bắt được lại đây”. Một khi có bếp và lửa, có bánh và cá, tại sao Ngài không dọn cho đủ? Thiên Chúa vẫn muốn có sự đóng góp của con người, ngay cả trong chuyện nhỏ nhất. Tại sao lại là con số 153 con cá? Có người nói rằng, vì đó là tất cả các loại cá mà con người ngày đó tìm được. Con thuyền Giáo Hội, tung một mẻ lưới với sự trợ giúp của Đức Giêsu Phục Sinh, bao gồm tất cả mọi dân tộc trên hoàn vũ này. Không một ai trong các ông dám hỏi “Ngài là ai”, vì tất cả đều biết đó là Chúa. Dường như Ngài vẫn có một cái gì đó khác trước, vì nếu không thì tại sao lại “không ai dám hỏi Ngài là ai”. Tuy vậy, không ai dám hỏi “Ngài là ai”, vì tất cả đều biết đó là Thầy. Số phận và thái độ cần có của con người Sau bữa ăn, Đức Giêsu hỏi Phêrô: “anh có yêu Thầy hơn những người này không?”Nếu chỉ là câu hỏi: “anh có yêu Thầy hơn yêu những người này không”, chắc là Phêrô không cảm thấy khó khăn để trả lời. Có lẽ câu hỏi là: “Phêrô, anh có yêu Thầy hơn những người này yêu Thầy không?”Phêrô, trước đó khi ở bữa tiệc ly đã quả quyết: “dù tất cả mọi người bỏ Thầy, con thà chết chứ không bỏ thầy”, và hậu quả là Phêrô đã chối Thầy ba lần. Bây giờ, Phêrô khiêm tốn hơn: “Vâng, Thầy biết rằng con yêu Thầy”. Ba lần hỏi, bù vào ba lần chối. Phêrô không còn dám tin vào mình nữa: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết rằng con yêu Chúa”. Dường như Phêrô muốn nói: Với bao lần phản bội, Chúa biết con sẽ như thế nào trong tương lai, nhưng lúc này, Chúa biết rõ rằng con yêu Chúa. Khiêm tốn là thái độ rất quan trọng của người lãnh đạo, chăn dắt đàn chiên của Chúa. “Khi con còn trẻ, con muốn đi đâu tuỳ ý, nhưng khi con về già, con sẽ giang tay và người ta sẽ dẫn con tới nơi con không muốn”. Phêrô được ơn biết tương lai mình. Còn những người khác? Tương lai của chúng ta ở trong tay Chúa, chúng ta không dám tin vào sức mình, nhưng có một điều rất chắc chắn: Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, và Ngài sẽ làm điều tốt nhất cho chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta, là Thiên Chúa quyền năng trong tình yêu. “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta”. Phêrô đã trả lời những người lãnh đạo dân Do Thái như vậy. Đây là một tiêu chuẩn mà mỗi người tin vào Thiên Chúa đều phải áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, dù điều này có gây hại cho mình. Thái độ tương tự như vậy, đã dẫn Phêrô và những người “làm chứng” đến cái chết. Lm Giuse Phạm Thanh Liêm Nguồn:gplongxuyen.org Sống Niềm Tin Vào Đấng Phục Sinh Trong cuộc sống, người Ki-tô hữu phải đối diện với một một vấn đề hết sức cam go, đó là vấn đề đức tin. Chúng ta được Giáo hội dạy rằng, Thiên Chúa là Đấng thấu suốt và an bài mọi sự. Thiên Chúa yêu thương và luôn ban những điều tốt nhất cho chúng ta. Tuy nhiên, trên thực tế, những lúc khó khăn, túng quẫn, chúng ta cầu xin Chúa nhưng không thấy khó khăn, túng quẫn được giải quyết. Vậy phải chăng, khái niệm Thiên Chúa yêu thương và quan phòng chỉ là ý niệm chứ không có thực trong cuộc sống này? Các bài đọc hôm nay cho thấy, nếu chúng ta sống tin tưởng, tín thác vào Chúa chúng ta sẽ cảm nhận được sự yêu thương và quan phòng của Ngài. Những chứng nhân của niềm tin vào Chúa Phục Sinh Bài trích sách Công vụ Tông đồ tường thuật, khi các Tông đồ rao giảng về Chúa Giê-su phục sinh tại hội đường thì các vị Thượng tế đến và cấm không cho các ngài rao giảng. Thánh Phê-rô và các Tông đồ đáp lại: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm. Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của Cha ông chúng ta đã làm cho người trỗi dậy” (Cv 5,29-30). Như chúng ta biết, sau khi Chúa Giê-su chết, các Tông đồ sợ người Do-thái nên ở trong căn phòng đóng kín cửa. Thế nhưng, hôm nay các ông mạnh dạn rao giảng về Chúa Giê-su Phục Sinh, dù bị cấm đoán, bị đánh đòn, họ vẫn vui mừng và hăng say rao giảng Tin Mừng. Động lực nào hay sức mạnh nào đã làm cho các Tông đồ từ những người nhát đảm thành người hăng say rao giảng Tin Mừng phục sinh? Nguyên nhân nào làm cho những con người tầm thường ấy biến đổi? Thưa đó chính là Chúa Phục Sinh và những lần gặp gỡ Đấng phục sinh. Qua những lần gặp gỡ, đụng chạm vào Đấng Phục Sinh, đụng chạm vào thế giới mới, con người các Tông đồ được biến đổi và các ông xác tín: “Chúa Giê-su đã được Thiên Chúa làm cho sống lại” (xc. Cv 5,30). Vì được gặp gỡ Đấng Phục sinh nên các Tông đồ có trách nhiệm rao giảng Chúa Giê-su phục sinh cho dù bị người đời cấm cách vẫn trung thành vâng lời Thiên Chúa hơn người phàm (xc. Cv 5,29). Khi vâng lời Thiên Chúa rao giảng Tin Mừng và phục vụ anh em, các Tông đồ vui mừng, sẵn sàng quên mình để bảo vệ niềm tin vào Chúa phục sinh. Vui mừng vì thấy mình xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su. Tin Chúa Giê-su Phục Sinh luôn yêu thương và lo lắng cho con người Tin Mừng theo thánh Gioan trình bày cho chúng ta niềm tin, niềm hy vọng lớn lao của các Tông đồ vào tình thương và quyền năng của Chúa Phục Sinh. Thiên Chúa yêu thương con người và luôn quan phòng, lo lắng cho con người. Hôm nay, Chúa Giê-su phục sinh thấy các môn đệ vất vả suốt đêm chài lưới mà không thu được gì. Chúa biết các môn đệ sau một đêm dài vất vả, mệt nhọc chèo chống nên Ngài đã chuẩn bị sẵn cá nướng và bánh cho các ông. Qua những cử chỉ quan tâm, lo lắng của Đấng phục sinh, người môn đệ được Đức Giê-su thương mến đã nhận ra người đang nói chuyện với các ông, người chuẩn bị sẵn cá và bánh cho các ông chính là Thầy Giê-su phục sinh. Chúa Giê-su yêu thương và lo lắng cho các môn đệ khi Người còn sống cũng như sau khi phục sinh. Chúa Giê-su luôn ở bên nâng đỡ, bảo vệ các Tông đồ cũng như mỗi người chúng ta. Vậy làm thế nào để chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa, thấy Chúa luôn quan phòng cuộc sống chúng ta? Chúng ta chỉ có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa khi chúng ta có lòng yêu mến Chúa nồng nàn như người môn đệ Chúa yêu. Hôm nay, Chúa Giê-su phục sinh đứng trên bãi biển, trò chuyện với các Tông đồ và truyền cho các ông thả lưới bên phải thuyền nhưng các ông không nhận ra Người. Chỉ khi tận mắt chứng kiến mẻ cá lạ lùng, người môn đệ mới nhận ra rằng, chỉ có Thầy Giê-su mới có quyền năng làm phép lạ phi thường. Ông tin người đang nói với các ông, người đã cho các ông có một mẻ cá lạ lùng chính là Thầy Giê-su phục sinh. Trong đời sống, người ki-tô hữu chúng ta nhiều lúc cũng giống như các Tông đồ, Chúa hiện diện và trò chuyện với chúng ta nhưng lại không nhận ra Người. Chúng ta chỉ nhận ra Chúa, tin là Chúa yêu thương và quan phòng cuộc đời chúng ta khi chúng ta vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh. Nhìn vào đời sống, chúng ta được bình an trước dịch Covid-19, trước những thiên tai là do Thiên Chúa yêu thương, quan phòng và bảo vệ chúng ta. Thế nhưng, có mấy người trong chúng ta tin đó là sự quan phòng của Chúa. Có lẽ, chúng ta cũng giống các Tông đồ ngày xưa chậm tin vào sự hiện diện và quan phòng của Chúa. Sở dĩ chúng ta còn nghi ngờ, chưa đặt trọn niềm tin vào Chúa là vì chúng ta chưa thực sự gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh. Có một câu chuyện kể rằng: Một doanh nhân giàu có ở một Tiểu bang nam Hoa Kỳ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người: ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang ở. Đại khái nội dung những tấm bích chương loan báo: bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9g-12g đều được ông giúp đỡ để trả nợ. Dĩ nhiên mọi người đều bàn tán về lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa. Đúng ngày hẹn, doanh nhân đến ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ đồng hồ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11g mới có một người đàn ông rụt rè đến... Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12g một vài người nữa cũng đến... và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã quá muộn. Khi người ta không tin ở lòng tốt của con người, thì làm sao có thể tin tưởng ở lòng tốt của Thiên Chúa. Qua lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho chúng ta luôn đặt trọn niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa phục sinh. Xin cho chúng ta sống niềm tin vào Chúa phục sinh và trở thành chứng nhân của Đấng phục sinh, trở nên ánh sáng, bình an và niềm vui cho mọi người hầu giúp họ nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng, tín thác và tình thương của Chúa. Thanh Tùng, OMI. Ngày 30 tháng 04 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật VI - Phục Sinh Chúa Nhật V - Phục Sinh Chúa Nhật IV - Phục Sinh Chúa Nhật III - Phục Sinh Chúa Nhật II - Phục Sinh Chúa Nhật Phục Sinh Thứ Bảy – Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Thứ Sáu – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa