OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Lm. Giuse Martinô Nguyễn Tân Vương, OMI Trong ngày Lễ Lá, thay vì chúng ta được nghe những bài Tin Mừng nói về niềm vui: vui vì Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem và được mọi người tung hô, ca ngợi. Thế nhưng ngược lại, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Vì đây mới là mục đích của Người: bị phản bội, chịu bắt bớ, xét xử, đánh đòn, sỉ nhục, vác thập giá và chịu chết để cứu độ. “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”. Những lời của bài đọc 1 trích sách Ngôn sứ Isaia là hình ảnh tiên báo về Đấng Kitô, báo trước những điều mà chính Chúa Giêsu sẽ phải đón nhận. Tất cả những hình ảnh đó dần dần được hé lộ trong bài Thương Khó hôm nay. Còn trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê cũng nói lên thân phận của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa…đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang… hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Vì thế, khi đi vào bài Thương Khó, Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp thầy” (Mc 14,18). Chính lời nói đó đã khiến các môn đệ “buồn rầu quá sức”. Buồn vì trong số anh em của mình lại có người sẽ phản Thầy, buồn vì có thể người đó là chính mình. Cho nên, các ông đã cố dò hỏi Chúa: “Chẳng lẽ là con sao?”. Và câu trả lời chung cho tất cả: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy”, và lời khuyên mà Chúa dành cho họ là: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ”. Thế nhưng, giờ của Chúa đã đến. Khi Chúa Giêsu bị Giuđa chỉ điểm và bị bắt với một nụ hôn, các môn đệ chạy tán loạn, bỏ Thầy lại một mình, còn Phêrô thì ở lại, nhưng đứng trước những lời chất vấn của đầy tớ gái và những người bình dân, ông sợ và đã chối bỏ mối liên hệ của mình với Thầy mà mình đã gắn bó: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy”. Phêrô chối: “Tôi có biết ông ấy đâu chị”; ông cũng chối từ nhóm mà mình đã thuộc về: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng”. Phêrô chối “Này anh không phải đâu”; ông cũng chối bỏ căn tính của mình, chối bỏ gốc gác của mình: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê”. Phêrô chối: “Này anh, tôi không biết anh nói gì”. Chắc chắn trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cũng nhiều lần lâm vào hoàn cảnh như vậy. Bởi tâm lý chung của mọi người là gần lợi ích, xa thiệt thòi. Tức là chúng ta sẽ dễ đón nhận cái gì mang lợi ích cho chúng ta, còn những gì khó khăn, gian khổ, đắng cay khó nuốt… chúng ta luôn ngại, và tìm cách xa tránh. Ai thiệt hại ta không cần biết, miễn mình không thiệt thòi là được. Thế nhưng, mình tưởng là mình khôn ngoan, nhưng khôn ngoan kiểu này dưới hỏa ngục không thiếu. Nó thể hiện con người ích kỉ của ta. Ta ích kỉ với người, người cũng sẽ không hào phóng với ta. Trong đời sống đức tin, mỗi người chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta cảm thấy Chúa mang lại lợi ích cho chúng ta, lập tức ta tung hô, chúc tụng. Một khi điều ta khấn xin, hoặc khó khăn gian khổ mà mãi ta chưa vượt qua được thì chúng ta có thái độ quay xe và tìm đến với bói toán, xăm chân mày để cải tướng số, thờ thần tài để buôn bán thành công…Nghĩa là chúng ta cũng như các môn đệ chạy tán loạn để tìm cách thoát thân, thoát gian khổ, thoát nguy hiểm. Thế nhưng, trước những gì mà con người gây ra cho Chúa, chúng ta cần có tâm tình của tên trộm biết ăn năn sám hối. Dù tội của hắn bị mọi người chê ghét, nhưng phút cuối đời hắn nhận ra: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng việc đã làm”. Do đó hắn bày tỏ niềm tin và sự thống hối của mình: “Ông Giêsu ơi, khi vào Nước Trời của ông, xin nhớ đến tôi”. Trước sự ăn năn và bày tỏ niềm tin đó, hắn đã đón nhận được ơn mà Chúa Giêsu mang đến: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Vì thế, với Lời Chúa hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta luôn trung thành với Chúa dù trong bất kì hoàn cảnh nào, cũng luôn tin tưởng và tín thác trong tay Chúa. Và quan trọng nhất là chúng ta luôn: “Canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ”, để chúng ta cũng biết nên như các môn đệ biết quay lại sau những hèn nhát, trốn tránh, sau sự chối bỏ. Vì chúng ta tin tưởng rằng Chúa mới thực sự: “Là đường, là sự thật và là sự sống”, và đặc biệt là ơn cứu độ của mỗi chúng ta. Ngày 10 tháng 04 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C Lễ Truyền Tin Suy Niệm Lời Chúa - Thư Tư Lễ Tro Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria