OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XX – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XX – Thường Niên Thầy không đến để ban hoà bình, nhưng là đem sự chia rẽ. Tin Mừng Lc 12,49-53 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất ! “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” Suy niệm: ƯỚC MONG LỬA CHÚA GIÊSU NÉM XUỐNG BÙNG LÊN TRONG TÂM HỒN KITÔ HỮU I. LỐI SỐNG VÔ CẢM, KHÔNG CÓ LỬA, KHÔNG LẬP TRƯỜNG, VÔ TRÁCH NHIỆM... Bài đọc 1 (Gr 38:4-6, 8-10) nói về Vua Zedekiah là một ông vua nhu nhược. Vua có thể chưa nhận ra sự thật, hay không dám bênh vực cho sự thật vì sợ sẽ bị họ chống đối, nên vua Zedekiah nói với họ: "Đây ông ta đang ở trong tay các ngươi; nhà vua cũng chẳng có thể làm gì trái ý các ngươi được." Những nhà lãnh đạo không muốn tay họ vấy máu ngôn sứ Jeremiah, nên họ nghĩ ra một cách là quăng ông xuống giếng bùn cho chết vì đói khát và bệnh tật. “Họ liền điệu ông Jeremiah đi, và bỏ xuống một cái hầm nước của hoàng tử Malchiah, trong sân vệ binh. Họ lấy dây thừng thả ông Jeremiah xuống. Vì trong hầm không có nước, mà chỉ có bùn, nên ông bị lún sâu." → Ngày nay, không ít người bị cuốn trong vòng tiền tài, danh lợi, bị tục hoá. Ai sao tôi vậy, ai bậy tôi theo, miễn có lợi cho bản thân và gia đình. Nhưng Chúa luôn ở với người của Chúa và quan phòng mọi sự. * Ngôn sứ Jeremiah bị bao vây bởi đau khổ dưới giếng bùn: đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật, sợ hãi bị bỏ rơi, bị đe dọa bởi tử thần. Đây là lúc niềm tin của ông nơi Thiên Chúa được thử thách. * Ông Ebedmelech người Ethiopia là quan thái giám của Zedekiah, ông có lẽ đã nghe những lời than ai oán và những lời cầu xin của ngôn sứ Jeremiah vọng lên từ đáy giếng, nên ông đã động lòng trắc ẩn, lòng thương xót giữa con người với con người. Đây chính là lý do ông Ebedmelech đến và thưa với vua rằng: "Thưa đức vua, chúa thượng tôi, những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ Jeremiah. Họ đã thả ông xuống hầm, và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong thành không còn bánh nữa.” Vua liền truyền cho ông E-vét Me-léc, người Cút rằng: "Ngươi hãy đem theo ba mươi người ở đây, đi kéo ngôn sứ Giê-rê-mi-a lên khỏi hầm, kẻo ông chết mất." Vào thời sau hết, Chúa Giêsu đã đến để kéo con người khỏi hầm hố sự chết, và ban cho mọi tín hữu ngọn lửa Tình Yêu, để họ được tháp nhập vào Thiên Chúa Tình Yêu. II. CHÚA GIÊSU ĐÃ ĐẾN NÉM LỬA VÀO MẶT ĐẤT, ĐEM SỰ CHIA RẼ (x. Lc 12,49-53) 1/ “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Lửa có ít nhất 3 công dụng: soi sáng, thanh tẩy (luyện kim), và sưởi ấm. Ba công dụng theo nghĩa bóng: (1) Chúa Giêsu dùng Lửa Thánh Thần soi sáng tâm hồn con người hiểu biết Lời Chúa; (2) Sống Lời Chúa sẽ giúp con người được Lửa ThánhThần thanh tẩy tất cả sai trái và tật xấu trong tâm hồn; (3) Lửa Thánh Thần giúp con người cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa, giúp tín hữu có sức mạnh xóa tan đi những hố sâu chia rẽ và sưởi ấm lại tình Chúa, tình người. 2/ Chúa Giêsu chịu phép rửa trên Thập Giá, để nhân loại mới được tái sinh trong Ngài. Chúa Giêsu nói tiếp: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” Phép Rửa Chúa Giêsu đề cập đến ở đây chính là Phép Rửa bằng Máu, là Cuộc Thương Khó của Ngài. Phép Rửa này chỉ hoàn tất khi Ngài giang tay chết trên Thập Giá để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. 3/ Thầy đến để đem sự chia rẽ Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sẽ làm không ít người ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Nhiều người sẽ hỏi: “Tại sao Thiên Chúa của bình an lại đem chia rẽ?” * Như Ông Si-mê-ôn đã nói về Hài Nhi Giê-su: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” (Lc 2,34-35). Quả vậy, cách hành xử và những lời dạy của Chúa Giêsu đã gây nên “sự chia rẽ”: có những người tin vào Lời Chúa giảng dạy như các Tông Đồ và môn đệ; có những người sẽ phản đối và không tin như một số Kinh-sư, Biệt-phái, và Luật-sĩ. Hậu quả là họ tìm cách để tiêu diệt Chúa và các Tông Đồ. Cũng vậy, khi Lời Chúa được gieo trong cùng một mái nhà: sẽ có những người trong gia đình tin; sẽ có những người không tin. Hậu quả là gia đình bị chia rẽ. Nhưng nếu mọi người trong gia đình đều nhận ra sự thật và tin vào Lời Chúa, lúc ấy gia đình mới thực sự có bình an, và không một quyền lực nào có thể phá tan sự bình an đích thực này. * Bình an của Thiên Chúa khác với sự “bình an” của con người, và cách để có bình an của Thiên Chúa cũng khác với cách của con người. “Bình an” của thế gian là sự an ổn chóng qua theo thời gian. Mọi thứ đều theo quy luật hợp -tan, mọi thụ tạo đều biến đổi: thành - trụ- hoại - không. Thiên Chúa ban bình an cho con người không theo kiểu của thế gian: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27). Bình an của Thiên Chúa, là tâm an giữa dòng đời vạn biến, là bình an nếm cảm sự sống vĩnh hằng trong Thần Khí. Bình an của Thiên Chúa chỉ thực sự có được nơi người tín hữu, khi họ chấp nhận đi vào con đường thập giá, chết đi cho chính mình, chết đi đối với thế gian. Nhờ ân sủng Chú tâm trí họ được mặc khải về Mầu Nhiệm Cứu Độ, linh hồn họ thấm cảm Tình yêu vô biên của Thiên Chúa nơi mình. III. LỜI MỜI GỌI CỦA CHÚA ĐẾN VỚI MỖI CHÚNG TA. Trong thư Dt 12,1-4 (bài đọc 2), tác giả hình dung cuộc đời của các tín hữu đang lữ hành trên trần thế giống như một cuộc chạy đua trong vận động trường. Trong cuộc thi chạy đua, người tín hữu có các thánh - các nhân chứng đức tin, phù trợ cho mình. Để có thể chạy cách hiệu quả, người tín hữu cần: (1) Trút bỏ mọi gánh nặng, tội lỗi đang trói buộc mình: Để có sức chạy dài, lực sĩ cần trút bỏ mọi gánh nặng không cần thiết; vì một trọng lượng mang theo mình, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ trở nên nặng nhọc vì đường dài. Tương tự trong cuộc chạy đua đức tin, các tín hữu cần dứt bỏ những thói quen xấu; vì một tội lỗi, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ ngăn cản các tín hữu không hoàn tất cuộc đua. (2) Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta: Khác với cuộc đua trong thao trường, mọi người hoàn tất trong cuộc đua đức tin, đều được lãnh nhận phần thưởng. Vì thế, điều quan trọng trong cuộc chạy đua đức tin, không lệ thuộc vào việc chạy nhanh, nhưng lệ thuộc vào sự kiên trì hoàn tất cuộc đua. (3) Hãy luôn hướng tới Đức Giêsu, đón nhận lửa Thánh Thần Nhờ nhận được Lửa Thánh Thần, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu, kiên trì tiến bước bằng sự sống của Giêsu. Tác-giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.” Chúng ta được bao vây bởi các nhân chứng đức tin trong lịch sử (Dt 12,1). * Phanxicô Assisi cởi bỏ quần áo trước mắt đám đông, lột bỏ hết mọi giàu sang nhung lụa, trả lại cho người cha trần thế, để chỉ chú tâm kiếm tìm các giá trị thiêng liêng nơi người Cha trên trời. * Giêrađô Majella: vì muốn đi tu dòng Chúa Cứu Thế, anh đã quyết liệt trốn nhà ra đi, sau khi ghi vội cho mẹ dòng chữ: "Mẹ ở lại. Con đi làm thánh." *Charles Cornay đã can đảm bước qua mình song thân, lên đường đi truyền giáo tại Việt Nam, chấp nhận biết bao khốn khó nguy nan, để rồi cuối cùng, dù bị kết án lăng trì, vẫn không dập tắt được ngọn lửa khát khao: làm cho Tin mừng Phúc âm được cháy lên trên mảnh đất xa xôi và nghèo nàn này. Và còn nhiều, còn nhiều lắm các mẫu gương hào hùng của những người Kitô hữu đã và đang được Chúa Giêsu dùng như khí cụ để Lửa Thánh Thần bùng cháy nơi trần thế, nơi mọi thụ tạo. Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI. Ngày 13 tháng 08 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên Chúa Nhật XXII – Thường Niên Chúa Nhật XXI – Thường Niên Chúa Nhật XX – Thường Niên Chúa Nhật XIX – Thường Niên Chúa Nhật IV - Mùa Vọng Năm C Suy niệm Chúa nhật 1 mùa vọng- năm A Suy niệm lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ- năm C