OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm C Chúa Nhật Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm C Lm. Phêrô Hà Thái Hồ, OMI ✠ Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên C (Lc 10,1-12.17-20) 1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” 10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: 11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” 12 Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.” 17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” 18 Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. 19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. 20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” Suy niệm Anh chị em thân mến, một trong các chủ đề xuyên suốt mà chúng ta bắt gặp trong các bài đọc Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C đó chính là “bình an”. Trong bài đọc I, tiên tri Isaia đã an ủi, khích lệ dân Do thái sau khi họ vừa thoát khỏi cảnh lưu đày Babilon. Mặc dù được tự do trở về nhà nhưng họ rất buồn nản, tuyệt vọng vì chứng kiến cảnh điêu tàn của quê hương và sự tan hoang của đền thánh. Trong hoàn cảnh đó, tiên tri Isaia đã loan báo rằng Thiên Chúa không bỏ rơi họ và Ngài sẽ lại ban bình an dư tràn cho họ. “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66,12-13). Trong bài đọc II, Thánh Phaolô, bằng kinh nghiệm sống của mình, đã chỉ cho các tín hữu Galat thấy thập giá Đức Kitô chính là nguồn ân sủng và bình an đích thực của Thiên Chúa và ngài ước mong rằng họ cũng khám phá ra giá trị tuyệt vời này để chính họ cũng được tràn đầy ân sủng và bình an. Bài Tin Mừng thì thuật việc Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi khắp nơi loan báo “Triều Đại Thiên Chúa” bằng cách trao ban “bình an” cho bất cứ nhà nào họ đến (x. Lc 10,5). Các môn đệ chính là những sứ giả bình an. Và họ chỉ có thể trở thành những sứ giả của bình an khi chính họ có được bình an trong con người mình. Họ không thể trao ban cho người khác cái mà họ không có. Thế nhưng đoạn Tin Mừng lại cung cấp những yếu tố có vẻ nghịch lý, đầy mâu thuẫn và khó hiểu theo cách nghĩ thường tình của chúng ta. Làm sao các môn đệ có được bình an khi chính Đức Giêsu còn thừa nhận rằng: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Như chiên con đi vào giữa bầy sói, chỉ là chiên con thôi chứ không phải là chiên trưởng thành nữa! Nhưng cho dù là chiên nào đi nữa mà đi vào giữa bầy sói thì bình an làm sao được? Rồi Đức Giêsu còn căn dặn thêm: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4), bình an làm sao được khi mà ngay cả những phương tiện cơ bản cần cho cuộc sống hàng ngày cũng không được mang theo? Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của các môn đệ và nghe những lời căn dặn này của Đức Giêsu có lẽ chúng ta chỉ thấy bất an, lo lắng mà thôi. Bởi lẽ cuộc sống vốn không dễ dàng, chính những khó khăn vất vả mà chúng ta đối mặt đã cho chúng ta kinh nghiệm đó. Cần phải sở hữu, cần phải tích trữ, cần phải chuẩn bị mọi thứ nhiều nhất có thể để đảm bảo cho cuộc sống của mình, để cảm thấy được bình an. Người khôn ngoan là người biết lo xa. Đây là cách suy nghĩ rất bình thường của con người, và cũng chính vì cách nghĩ này mà chúng ta thấy những lời Đức Giêsu trở nên khó hiểu và có phần nghịch lý. Thật ra, bình an không phải là khi chúng ta có nhiều tiền để phòng ngừa cho những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống. Bình an không phải là khi chúng ta có địa vị xã hội, có quyền thế để bảo vệ mình khỏi những áp bức. Bình an không phải là khi chúng ta có tất cả những điều kiện để sống một cuộc sống hưởng thụ, vô lo. Nếu chúng ta biến tiền bạc, quyền lực và sự thoải mái hưởng thụ thành những chiếc khiên bảo vệ xung quanh con người mình thì mỗi ngày chúng ta chỉ lo tập trung củng cố làm sao cho những chiếc khiên đó ngày càng thêm vững chắc. Chúng ta sợ nó yếu đi, chúng ta sợ nó biến mất. Rốt cuộc, chúng ta dành cả đời chỉ để lo tạo ra những cái khiên bảo vệ kiểu như vậy. Chúng ta dành cả đời mình để sống bên ngoài con người mình và cũng quên mất cùng đích mà chúng ta hướng đến: hạnh phúc viên mãn ở đời sau. Chúng ta đánh mất ý nghĩa cuộc sống của mình. Nếu những môn đệ của Đức Giêsu chỉ tìm kiếm và loan báo thứ bình an đến từ những phương tiện vật chất thì có gì mới mẻ đâu, thế giới vẫn đang làm như vậy, họ đâu cần đến các môn đệ của Đức Giêsu làm gì nữa. Bình an mà Đức Giêsu muốn trao ban khác kiểu bình an mà chúng ta vẫn luôn tìm kiếm. Bình an thật sự là khi chúng ta không “có” bất cứ thứ gì để bảo vệ. Nhìn chung, tất cả những xung đột trên thế giới này, xung đột giữa người này với người kia, giữa nhóm này với nhóm kia, hay giữa quốc gia này với quốc gia kia cũng bởi vì họ “có” một cái gì đó để bảo vệ, đó có thể là đất đai, tài nguyên, của cải hay một lý tưởng nào đó. Bình an là khi con người chúng ta bị tước đoạt hết khỏi tất cả những gì không thuộc về con người mình, để chúng ta nhận ra và sống con người thật của mình với những giới hạn, để chúng ta biết rằng mình cần đến Chúa và cần đến người khác. Bình an là khi có Chúa ở cùng (x. Xh 3,12; Gs 1,5; Is 41,10). Bình an là khi chúng ta biết đón nhận nhau vì biết rằng mình cần đến người khác. Đó là lý do tại sao Chúa sai từng hai người một đi cùng với nhau. Nếu như Đức Giêsu nói cánh đồng thì rộng lớn mà thợ gặt lại ít, vậy tại sao Ngài lại phí phạm như vậy? Nếu Ngài sai đi từng người một thay vì hai người đi cùng với nhau thì có phải các địa điểm truyền giáo được tăng lên gấp đôi sao? Chẳng lẽ một người không đủ để mang thông điệp của Đức Giêsu? Đức Giêsu sai họ ra đi, nghèo về mọi mặt, ngoại trừ mối quan hệ giữa họ với nhau. Sức mạnh của sứ điệp không nằm ở những phương tiện vật chất, mà nằm ở mối quan hệ giữa họ, bằng chính đời sống cộng đoàn giữa họ với nhau. Đó là lời chứng hùng hồn cho sứ điệp mà họ loan báo. Đó là bình an mà Chúa muốn người môn đệ của Người không ngừng tìm kiếm và trao ban cho người khác. Khi đến với người khác, khi đứng trước một hoàn cảnh khó khăn, điều đầu tiên mà chúng ta luôn nghĩ đến là tìm một cái gì đó để cho họ, để giúp họ bớt khổ hơn. Thực tế là vậy. Và nếu chúng ta có tiền, chúng ta sẽ giúp họ tiền, nếu chúng ta có quần áo chúng ta sẽ cho họ quần áo, nếu chúng ta có gạo chúng ta sẽ cho họ gạo. Vậy nếu chúng ta không có gì thì sao, chúng ta lấy gì để cho họ? Chúng ta sẽ cho họ chính con người mình. Giống như Chúa Giêsu cũng đã trao ban cho nhân loại không phải sự giàu sang, của cải, danh vọng, quyền thế nhưng chính sự sống của Ngài. Bình an là món quà đầu tiên mà Đức Giêsu sau khi Phục sinh đã dành tặng cho các Tông đồ. Bình an là điều mà tất cả mọi người ở mọi thời đại cố gắng tìm kiếm mỗi ngày trong đời sống của mình. Xin cho chúng ta nhận ra rằng bình an đích thực là quà tặng từ Thiên Chúa và chỉ được tìm thấy nơi Ngài mà thôi. Xin Chúa ban ơn thêm sức để chúng ta luôn vững tin và cậy dựa vào tình yêu và lòng thương xót của Ngài thay vì tìm kiếm sự bảo đảm nơi những giá trị trần thế chóng qua. Ngày 04 tháng 07 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ, TÔNG ĐỒ CHÚA NHẬT LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi