OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Con Người đến để hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Tin Mừng Mc 10, 35 - 45 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi : “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?” Các ông thưa : “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giê-su bảo : “Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” Các ông đáp : “Thưa được.” Đức Giê-su bảo : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em ; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Suy niệm: Trong cuộc sống, con người luôn thao thức, tìm kiếm những gì mình mong muốn. Chỉ có điều, những gì mình mong muốn có thực sự tốt cho mình hay không? đó là điều chúng ta phải suy xét cẩn thận. Trong Tin Mừng hôm nay, Gia-cô-bê và Gio-an đã xin Chúa Giê-su một điều: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Điều mà hai ông xin Chúa Giê-su hôm nay đã bộc lộ rõ những tham vọng, những toan tính của các ông theo kiểu người đời. Rõ ràng, khi đi theo Đức Giê-su, các ông đã nhắm tới một lợi ích rất trần thế ! nếu Đức Giê-su thành công, nghĩa là Ngài sẽ làm vua, thì lúc đó các ông sẽ được hưởng lợi, và để hưởng lợi lộc tốt nhất, thì các ông phải có một vị trí quan trọng trong vương quốc của Thầy. Vì thế, hôm nay các ông đã mạnh dạn đến gần Đức Giê-su để nói riêng với Ngài về mong muốn của mình: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Các ông nghĩ mình sẽ đi bước trước để tránh sự tranh giành với 10 môn đệ kia. Đúng là một tư duy cơ hội, rất thực dụng. Một sự nhạy bén về thời cuộc rất đặc trưng của phàm nhân. Chỉ tiếc một điều, đây không phải là sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa; đây không phải là tâm tình cần có của người môn đệ đi theo Đức Giê-su, vì là môn đệ đi theo Đức Giê-su phải là những người học theo gương của thầy mình, phải là những người họa lại đời sống của Thầy mình, phải là những người cùng chia sẻ sứ mạng với Thầy mình: sứ mạng mang ơn cứu độ đến cho nhân loại, chứ không phải tìm kiếm lợi lộc trần gian. Nghe hai môn đệ xin những điều các ông mong muốn, Đức Giê-su trả lời: Các anh không biết các anh xin gì ! các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? Các ông đáp: “Thưa được”. Vì ham danh vọng, địa vị, quyền lợi mà hai tông đồ trở thành những người mù quáng. Khi nghe hai môn đệ nói ra những mong muốn của mình, Chúa Giê-su đã cảnh báo: Các anh không biết các anh xin gì! Vậy mà các ông vẫn không để ý tới điều Chúa Giê-su cảnh báo! Các ông không bình tĩnh đặt lại câu hỏi: tại sao Thầy lại nói như vậy? tại sao Thầy lại nói mình không biết điều mình xin! Có thể điều mình xin là sai chăng? hoặc quá sức của mình chăng? Nếu không vì quá ham danh vọng địa vị và quyền lợi, chắc chắn các môn đệ đã biết đặt ra những câu hỏi tự vấn cho mình. Nhưng vì ham làm lớn, các ông đã phớt lờ lời cảnh báo của Chúa Giê-su, các ông không nhìn lại mong muốn của mình có chính đáng hay không? Có thực sự tốt cho mình hay không? Trong những dịp tĩnh tâm, những giờ nguyện gẫm, hoặc trong những dịp đồng hành thiêng liêng, chúng ta thường được Lời Chúa đánh động về một chân lý nào đó. Đặc biệt, trong những lựa chọn quan trọng của cuộc đời, chúng ta thường cầu nguyện để xin ơn soi sáng. Nhưng nhiều khi chúng ta lại không để tâm để ý tới những tác động của ơn Chúa trong tâm hồn, cũng như chúng ta không can đảm thực hiện theo ơn Chúa soi sáng! Người Ki-tô hữu cần phải can đảm đi theo sự hướng dẫn của ơn Chúa, điều đó mới đem lại hạnh phúc đích thực cho con người. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su phải nói rõ với hai môn đệ: Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? Câu hỏi của Chúa Giê-su mang tâm tình của người cha, Ngài lo lắng cho sự yếu đuối mỏng dòn của các môn đệ, Ngài sợ rằng các ông không thể chịu nổi những cực hình, đau khổ. Nhưng các ông lại vô tư đáp lại một cách không suy nghĩ: “Thưa được”. Có thể nói, đây là câu trả lời rất vô trách nhiệm của Gia-cô-bê và Gio-an! Có thể, vì trong đầu các ông đang mơ tưởng tới một chân trời vinh quang, đầy quyền lực của một người ngồi bên tả, một người ngồi bên hữu của một vị vua ! nên các ông không hề nghĩ đến những đau khổ, những gian nan, những cực hình, mà chỉ nghĩ đến một tương lai tươi sáng. Còn Chúa Giê-su, Ngài muốn nói đến con đường thập giá đầy đau khổ qua hình ảnh chén đắng và phép rửa ! Vậy mà các ông vẫn trả lời là uống được chén đắng, chịu được phép rửa ! Chúng ta cần lưu ý, chuyện này xẩy ra sau khi Chúa Giê-su đã tiên báo lần thứ 3 về việc Ngài sắp chịu nạn chịu chết và sống lại! Đã lần thứ 3 Chúa Giê-su tiên báo về cuộc khổ nạn của mình, vậy mà các học trò, là những môn đệ của mình vẫn không để tâm, để ý. Các môn đệ khác khi biết được chuyện Gia-cô-bê và Gio-an muốn giành hai vị trí ưu tiên trong nước mà Thầy mình sắp thiết lập, họ cũng tức tối với hai ông, họ tức tối với hai ông, không phải vì hai ông sai, mà vì nghĩ rằng hai ông muốn chơi trội, trong cuộc chạy đua tranh giành địa vị, điều mà các ông cũng đang quan tâm. Những toan tính của các tông đồ chắc chắn sẽ làm Chúa buồn! Ngày nay, sứ điệp: đường thập giá dẫn đến vinh quang, cũng bị nhiều người bỏ ngoài tai. Nhiều Ki-tô hữu không yêu mến con đường thập giá đời mình, và đáng lo hơn là ngày nay, cũng khá nhiều các mục tử không yêu mến con đường thập giá đời mình. Các tín hữu phải bôn ba giữa đời để tìm kế sinh nhai, họ bị cuốn theo những lối sống thực dụng, hiện sinh cũng là điều dễ hiểu. Nhưng còn các mục tử thì sao? Họ có thiếu ăn, thiếu mặc không? Họ có phải bôn ba giữa đời không? Nhưng sao hình ảnh của Đức Giê-su nhập thể ngày càng mờ nhạt nơi đời sống của họ. Trong ngày lễ phong chức linh mục cho các ứng sinh, Đức Giám Mục cũng nói với các ứng sinh: Các con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy. Những lời cao quý này là những mong ước của Chúa Giê-su, liệu rằng các mục tử có khắc cốt ghi tâm để đem ra thực hành hay không, hay đó chỉ là nghi thức đối với họ? Chúa Giê-su luôn mong đợi các mục tử hãy trở thành gương mẫu về đời sống đức tin và lòng bác ái cho các tín hữu. Ngày xưa, khi Chúa Giê-su biết được những suy nghĩ, những tham vọng của các tông đồ không phù hợp với mong đợi của Chúa, Chúa đã gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Chúa Giê-su rất thao thức lo cho các môn đệ của mình. Hôm nay, Chúa đã phải cắt nghĩa và so sánh về Nước Thiên Chúa, và nước trần gian, về cách cư xử của những người làm lớn trong hai nước đó. Chúa còn nhắc lại mục đích của việc Ngài Nhập Thể làm người: Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Đức Giê-su đã để lại cho mỗi người chúng ta một gương mẫu sống động về đời sống khó nghèo, sự tận tâm phục vụ, Ngài nói: Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi tựa đầu. Ngài miệt mài rao giảng Tin Mừng và cứu chữa những người đau yếu bệnh tật. Ngài luôn mang lại niềm vui, niềm hy vọng và ơn nâng đỡ cho con người, nhất là những người đau khổ. Hôm nay Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Ước mong các Ki-tô hữu, cách riêng những vị mục tử luôn sống theo gương mẫu mà Chúa đã để lại cho chúng ta. Amen. Linh mục Giu-se Ngô Xuân Hiến, OMI. Ngày 18 tháng 10 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên Chúa Nhật XXII – Thường Niên