OMI VIỆT NAM::Lễ Chúa Hiển Linh Mùa Vọng - Giáng sinh Lễ Chúa Hiển Linh Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người. Tin Mừng Mt 2,1-12 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. Suy niệm: “Chúa Hiển Linh” Hôm nay Chúa Nhật, lễ Chúa Hiển Linh. Chúa Hiển Linh là sao? Thưa: Chúa hiển linh là Chúa tỏ lộ thần tính của Người cho nhân loại được biết. Hay nói cách khác, Chúa Hiển Linh là Chúa mặc khải bản tính thần linh của Người nơi Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, như đã được tiên báo qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23). Và Chúa hiển lộ thần tính của Người cho tất cả những ai có lòng thiện tâm, chân thành đón nhận ơn mặc khải. Mọi người, không trừ ai, từ những người nghèo hèn, quê mùa, nơi thôn dã, mà đại diện là những chú mục đồng đơn sơ; cho đến những bậc thông thái, cao sang, quyền quý, mà đại diện là các nhà đạo sĩ phương Đông, quen gọi là Ba Vua đều được Thiên Chúa ưu ái đoái nhìn. Các ngài được “tận mục sở thị” Đấng toàn năng trong hình hài Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Chúa hiển linh để làm gì? Thưa, vì yêu thương, yêu thương đến tận cùng, Thiên Chúa đã đến và ở với con người để chung chi kiếp sống với con người, chung tình với con người đến độ: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10). Và muốn cứu độ con người, Thiên Chúa đã thân hành đến trần gian để nâng con người lên cùng Chúa: “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Quả vậy, Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải chết trong bóng đêm tội lỗi: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23). Chuyện kể: Ngày xưa, ở Bắc Mỹ có một ngọn núi lớn, bên sườn núi có một tổ chim đại bàng. Trong tổ có bốn quả trứng lớn. Một trận động đất xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, một quả trứng đại bàng lăn xuống và rơi vào một trại gà dưới chân núi. Một con gà mái đến ấp trứng và ấp cả quả trứng lớn ấy. Một ngày kia, trứng nở ra một chú đại bàng con xinh đẹp, nhưng buồn thay chú chim nhỏ được nuôi lớn như một con gà. Chẳng bao lâu sau, đại bàng con tin rằng nó chỉ là một con gà con không hơn không kém. Đại bàng con yêu gia đình và ngôi nhà nó đang sống, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì đó cao xa hơn. Một ngày kia, khi đang chơi đùa trong sân, đại bàng con nhìn lên trời và thấy những chú chim đại bàng đang sải cánh bay cao giữa bầu trời; trong đó có chim đại bàng mẹ. “Ồ – đại bàng kêu lên – Ước gì tôi có thể bay cao như những con chim đại bàng đó”. Bầy gà cười ầm lên: “Anh không thể bay với những con chim đó được. Anh chỉ là một con gà con và gà không biết bay cao”. Đại bàng con tiếp tục ngước nhìn gia đình thật sự của nó, mơ ước có thể bay cao cùng họ. Mỗi lần đại bàng nói ra mơ ước của mình, bầy gà lại bảo nó điều đó không thể xảy ra. Nhưng đại bàng con vẫn cố nhảy lên và vỗ cánh đi tìm ước mơ. Thế là đại bàng mẹ từ trời cao nhìn thấy. Nó sà xuống quắp đại bàng con lên rồi tung rồi hứng. Cuối cùng, đại bàng con đã bay được. Nó tung cánh và sải rộng ra bay lượn trên không trung cùng với đại bàng mẹ. Ôi! nó reo lên sung sướng: Con chính là đại bàng con! Thiên Chúa là thế! Thiên Chúa từ trời cao luôn nhìn xuống con người. Và tìm cách giáng thế để kéo con người lên, để con người tìm lại danh phận làm con Thiên Chúa. Con người đáp trả tình yêu Thiên Chúa như thế nào? Khi nghe sứ thần báo tin, các mục đồng hối hả đi tìm hang đá máng cỏ và họ đã gặp Đấng Cứu Tinh: “Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,16) Và họ đã kể lại chuyện họ đã được nghe và thấy (x. Lc 2,17). Lòng họ phấn khởi vui mừng: “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.” (Lc 2,20) Phần các nhà đạo sĩ, sau khi tìm gặp, đã dâng lễ vật chúc tụng Thiên Chúa giáng trần: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11). Khi trở lui, họ đã chú tâm lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành: “Họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.” (Mt 2,12). Ước gì trong mỗi thánh lễ chúng ta nhận ra Thiên Chúa đang ngự trị giữa chúng ta. Và ước gì chúng ta nhận ra tiếng Chúa qua tiếng nói của anh chị em xung quanh chúng ta như các mục đồng nhận ra tiếng Chúa qua tiếng nói của sứ thần: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Và ước gì chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua các dấu chỉ kỳ diệu trong cuộc sống như Ba Vua nhận ra Chúa Hài Đồng qua dấu chỉ ngôi sao lạ dẫn đường: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,10). Và ước gì chúng ta đáp lại tình thương Thiên Chúa bằng lời ca ngợi trong cuộc sống vui tươi và chan hòa tình mến: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Được như thế, chúng ta sẽ bay cao bay cao như Lời Chúa hứa: “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi ” (Ga 12,32). Amen. Lm Nicola Vũ Duy Tân, OMI. Đi Tìm Ánh Sáng Chúng ta đang mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thế làm người qua hình hài của một Hài Nhi và Người đã tỏ mình ra cho các mục đồng, đại diện cho dân Do-thái. Người không chỉ tỏ mình cho dân Do-thái mà thôi nhưng còn tỏ mình ra cho hết mọi người. Hôm nay, Hài Nhi Giê-su tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh về ánh sáng, vinh quang của Thiên Chúa qua ánh sao lạ. Các nhà chiêm tinh đã nhận ra ánh sáng của ánh sao lạ và họ theo ánh sao lạ để tìm ánh sáng của Vị Cứu Tinh nhân loại. Vinh Quang Thiên Chúa tỏa rạng trên Ít-ra-el. Trước biến cố Ngôi Hai nhập thế khoảng bảy thế kỷ, ngôn sứ I-sai-a đã hé mở cho chúng ta về vinh quang Thiên Chúa đã chiếu tỏa trên dân: “Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi” (Is 60,1) và hết mọi “vua chúa sẽ hướng về ánh sáng bình minh ấy mà tiến bước” (xc. Is 60,3). “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất và mây mù phủ lấp chư nhân; con trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” (Is 60,2). Vinh quang Thiên Chúa làm cho dân mặt mày rạng rỡ, lòng dạ hớn hở tưng bừng và khơi lên niềm tin lớn lao cho dân, đồng thời mở ra con đường trở về với Thiên Chúa cho các dân ngoại. Rồi, mọi người sẽ phải loan truyền lời ca tụng Đức Chúa vì Người đã thương ban ánh sáng, vinh quang cho mọi dân tộc. Thiên Chúa ban Ngôi Lời nhập thế và cũng là Ánh Sáng của Thiên Chúa cho nhân loại bằng cách cho Ngôi Hai nhập thế và sinh ra bởi một trinh nữ. Người không chỉ tỏ vinh quang, ánh sáng cho riêng người Do-thái mà cho mọi người, cho cả nhân loại. Các nhà chiêm tinh đi tìm vinh quang, ánh sáng Thiên Chúa và thờ lạy Hài Nhi Giê-su. Các biến cố xẩy ra trên bầu trời và trong thế giới loài người được xem là có liên hệ chặt chẽ với nhau. Người ta xác tín rằng ai hiểu biết các hiện tượng của bầu trời thì cũng hiểu biết lịch sử loài người và có thể cho các lời khuyên cũng như đưa ra những nhận định về các hiện tượng ấy. Hôm nay, bằng ánh sao lạ, Thiên Chúa chỉ cho các nhà chiêm tinh bên Phương Đông tìm đến ánh sáng của Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giê-su và các nhà chiêm tinh đã thờ lạy vị Vua Cứu Tinh vừa sinh ra đời. Ở bên Phương Đông, khi nhìn thấy ánh sáng của ngôi sao lạ, các nhà chiêm tinh đã vượt qua mọi suy tính, vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy để lên đường đi theo ánh sao lạ. Với tấm lòng chân thành, ước muốn tìm kiếm dấu lạ, ánh sáng thật, các nhà chiêm tinh đã dấn thân vào cuộc phưu lưu đầy mạo hiểm đi theo sự chỉ dẫn của ngôi sao lạ, mặc dù có những lúc bị mất dấu của ngôi sao nhưng các ngài vẫn kiên trì tìm kiếm và tiếp tục hành trình. Có đôi lúc bị mất dấu của ánh sao nhưng các nhà chiêm tinh không chán nản bỏ cuộc, hơn nữa, các ngài còn nỗ lực tìm đến Vua Hê-rô-đê, là vua cai trị vùng Belem, với hy vọng vua sẽ chỉ giúp nơi vị Cứu Tinh mới sinh ra. Và Thiên Chúa đã không để cho những kẻ tìm kiếm Người phải thất vọng. Đáp lại tấm lòng chân thành tìm Chúa của các nhà chiêm tinh, Thiên Chúa đã tỏ mình ra, tỏ vinh quang và ánh sáng của Người trong thân phận của một Hài Nhi hiền lành nằm trong máng cỏ. Khi thấy Hài Nhi, các nhà chiêm tinh đã dâng lên Hài Nhi: vàng, nhũ hương và mộc dược. Đây là những lễ vật tượng trưng cho lòng tin, cậy, mến của các nhà chiêm tinh cũng như của cả nhân loại. Đáp lại tấm lòng chân thành tìm Chúa cũng như dâng Chúa những lễ vật quý giá nhất, Hài Nhi Giê-su đã ban bình an, hạnh phúc cho họ, đồng thời Người mở ra cho họ một con đường mới. Cho nên, khi gặp Hài Nhi Giê-su, các nhà chiêm tinh đã rẽ sang lối khác mà trở về quê hương. Cuối bài Tin Mừng, thánh Mát-thêu cho chúng ta thấy thái độ của vua Hê-rô-đê khi nghe tin có một Vua Cứu Tinh mới xuất hiện trên dương gian. Khi nghe các nhà chiêm tinh nói về sự xuất hiện của Hài Nhi Giê-su, vua hoảng hốt và bí mật mời các nhà chiêm tinh đến và hỏi cặn kẽ về ngày giờ ra đời của Vua Giê-su. Vua Hê-rô-đê lo lắng, hoảng sợ vì sợ mất ngai vàng, sợ mất lợi danh, mất hết quyền hành. Vì sợ mất những thứ thuộc về trần thế mà lòng vua không còn nhận ra ánh sáng của sao lạ, vinh quang của Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giê-su. Vua không còn lắng nghe được tiếng lương tâm thôi thúc vua đi tìm ánh sáng, tìm chân lý. Ngày hôm nay, mỗi chúng ta hãy tự đặt mình trước Hài Nhi Giê-su và tự hỏi: tôi có đang đi tìm kiếm Thiên Chúa mỗi ngày không? Khi biết Thiên Chúa đã nhập thế, đã tỏ mình ra nơi Hài Nhi Giê-su tôi có tin và đón nhận Ngài không hay như vua Hê-rô-đê. Tôi sợ mất tự do, sợ mất danh lợi, sợ mất những thú vui xác thịt, thú vui trần thế nên tôi phờ lờ trước sự hiện hữu của Thiên Chúa nơi: Hài Nhi Giê-su, nơi anh chị em đang sống với và sống quanh tôi. Qua Lời Chúa, xin cho mỗi chúng ta luôn khao khát tìm Chúa như các nhà chiêm tinh, cho dù, có những lúc đau khổ làm chúng ta lạc mất dấu của sao lạ nhưng chúng ta không bỏ cuộc, kiên trì tiếp tục tìm kiếm Chúa. Để khi tìm được Người, chúng ta thờ lạy Người và dâng Người: lòng tin, cậy, mến của chúng ta. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ ban bình an cho những ai kiên trì trong đức tin và luôn khao khát đi tìm kiếm Người. Gặp Chúa, chúng ta sẽ được biến đổi và Người sẽ chỉ cho chúng ta những con đường mới và Người sẽ thánh hóa, biến đổi chúng ta mỗi ngày một tốt hơn. Thanh Tùng, OMI. Ngày 01 tháng 01 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật Chúa Hiển Linh Chúa Nhật – Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa Chúa Nhật IV – Mùa Vọng A Chúa Nhật III – Mùa Vọng A Chúa Nhật II – Mùa Vọng Năm A Chúa Nhật I – Mùa Vọng Năm A Lễ Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa Lễ Thánh Gia Thất Chúa Giáng Sinh – Lễ Ban Đêm Chúa Nhật IV – Mùa Vọng