OMI VIỆT NAM::Lễ Thánh Gia Thất Mùa Vọng - Giáng sinh Lễ Thánh Gia Thất Cha mẹ Đức Giê-su tìm thấy con đang ngồi giữa các bậc thầy. Tin Mừng Lc 2,41-52 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con !” Người thưa : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Suy niệm: Con Đường Hạnh Phúc Những tranh ảnh về Thánh Gia thường diễn tả một gia đình ấm êm hạnh phúc. Thánh Giuse làm thợ mộc trong nhà. Đức Mẹ ngồi may vá. Đức Giêsu phụ giúp Thánh Giuse. Phải chăng Thánh Gia luôn sống trong êm đềm thư thái, không hề biết đến khổ đau? Phải chăng cuộc sống gia đình thánh cứ phẳng lặng trôi như mặt nước mùa thu không gợn sóng gió? Không phải, trái lại Thánh Gia đã biết đến rất nhiều sóng gió, thử thách. Còn thử thách nào lớn hơn cảnh nghèo. Vì nghèo mà biết bao gia đình sinh ra bất hoà, ấy thế mà Thánh Gia đã phải trải qua những kinh nghiệm đớn đau của kiếp nghèo. Bị xua đuổi, bị hất hủi đến nỗi phải trú ngụ trong chuồng bò lừa. Thê thảm hơn nữa, phải sinh con giữa bầy súc vật, không giường chiếu chăn màn. Còn gì buồn hơn là bị thù ghét, bị săn đuổi? Thánh Gia sống hiền lành khiêm nhường, thế mà phải chịu đựng sự thù ghét của Hêrôđê. Vừa sinh ra, còn non nớt đã phải bồng bế nhau chạy trốn, xa quê hương đất nước. Còn cảnh nào bi đát bằng cảnh vợ chồng hiểu lầm nhau? Thế mà Thánh Giuse đã hiểu lầm Đức Mẹ khi Đức Mẹ thụ thai bởi quyền phép Đức Chúa Thánh Thần. Ai đã trải qua cảnh nghi ngờ bị phản bội sẽ hiểu Thánh Giuse đã bị giày vò đau đớn đến mức nào. Còn gì khiến cha mẹ buồn hơn khi thấy con cái không ngoan ngoãn vâng lời, bỏ nhà ra đi? Vậy mà Thánh Giuse và Đức Mẹ đã phải chứng kiến cảnh đứa con ngoan ngoãn của mình tự động ở lại Đền Thờ mà không xin phép cha mẹ. Các ngài vất vả lo âu tìm kiếm thì ít, nhưng buồn phiền đau khổ thì nhiều. Làm sao các ngài tránh khỏi buồn phiền khi nghĩ rằng người con mà các ngài rất mực yêu quý đã cãi lời cha mẹ? Những sóng gió mà Thánh Gia đã phải đương đầu như thế có lẽ nhiều và nặng nề hơn những gia đình bình thường. Thế nhưng các ngài vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Nhờ bí quyết nào các ngài đã vượt qua được biết bao cơn sóng gió như thế? Trước hết các ngài luôn tìm thánh ý Chúa. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, các ngài không tìm ý riêng mình, cũng không tìm ý thích của người đời, nhưng luôn đi tìm ý Thiên Chúa. Tìm ý Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, qua các biến cố xảy đến. Tâm sự với Chúa trong giờ cầu nguyện. Hỏi ý kiến Chúa nơi các vị đại diện. Khi biết được thánh ý Chúa, các ngài lập tức mau mắn vâng lời. Đức Mẹ muốn giữ mình đồng trinh, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ liền thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng lời thiên sứ truyền”. Thánh Giuse đang muốn bỏ đi, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người ở lại, Người đã vâng lời ngay không ngần ngại. Sau cùng, các ngài luôn quên mình vì hạnh phúc của mọi người trong gia đình. Thánh Giuse tuy là gia trưởng, nhưng đã hết tình phục vụ Đức Mẹ và Đức Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng lại xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng lại trở thành người con bé nhỏ nhất trong gia đình. Ngày nay, nhiều gia đình gặp khủng hoảng, lâm vào cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, vì đã không biết áp dụng những bí quyết của Thánh Gia. Mỗi khi gặp khó khăn, thay vì cầu nguyện, đọc Phúc Âm để tìm ý Chúa thì lại đi tìm ý kiến ở những nơi mê tín dị đoan. Thay vì vâng lời Chúa qua các vị bề trên thì lại chỉ tìm ý riêng mình. Thay vì khiêm nhường quên mình thì lại kiêu ngạo tự ái, bắt người khác phải phục vụ mình. Hôm nay, gia đình chúng ta hãy biết noi gương Thánh Gia: Bỏ ý riêng để tìm thánh ý Thiên Chúa; mau mắn vâng lời Chúa; và hạ mình khiêm nhường, quên mình để phục vụ người khác. Có như thế chúng ta mới hy vọng giữ được hạnh phúc gia đình, nhất là khi phải đối phó với những khó khăn ngày càng nhiều trong đời sống hiện nay. Lạy Thánh Gia, xin nâng đỡ gia đình chúng con. Amen. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG 1. Mỗi khi gia đình có việc rắc rối, tôi thường làm gì trước: cầu nguyện, đọc Phúc Âm, hay là đi xem bói? 2. Mỗi khi có bất đồng ý kiến, tôi thường khiêm nhường xét mình, hay là tự ái bắt người khác phải nhận lỗi? 3. Qua tấm gương của Thánh Gia, tôi có quyết tâm gì để xây dựng hạnh phúc gia đình trong năm mới? TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Nguồn: gplongxuyen.org Gia Đình Thánh Các bài đọc hôm nay nêu bật những đặc điểm về các mối tương quan trong gia đình. Sách Huấn Ca trình bày cho chúng ta những giáo huấn khôn ngoan và cách đối nhân xử thế với nhau trong gia đình sao cho phù hợp với Luật Chúa. Để sống được mối tương quan trong gia đình chúng ta làm theo sự hướng dẫn của Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê. Và Tin Mừng, thánh Luca cho thấy một mối tương quan trong Gia Đình Thánh. Con cái là quà tặng của Thiên Chúa ban cho cha mẹ Bà An-na tuổi đã cao niên mà vẫn chưa có con, tâm hồn bà cay đắng và bà đã cầu nguyện với Đức Chúa và khóc nức nở xin đoái thương cất nỗi khổ cực bà đang phải và xin Chúa cho bà một đứa con trai. Bà cầu nguyện thầm thĩ lâu giờ trước nhan Đức Chúa, môi bà mấp máy nên thầy Ê-li tưởng là bà đang bị say rượu. Vì thế, thầy Ê-li đã khuyên bà An-na đi giải rượu. Tuy nhiên, bà An-na đã giải thích cho thầy hiểu là bà đang buồn sầu, lo âu phiền muôn về tình trạng hiếm muốn của mình. Sau khi nghe bà giải thích, thầy Ê-li hiểu tình trạng của bà nên thầy chúc lành cho bà: “Bà hãy đi về bình an. Xin Thiên Chúa của Ít-ra-en ban cho bà điều bà đã xin Người !” (1 Sm 1,17). Lời cầu nguyện chân thành và thành khẩn của bà đã được Thiên Chúa đoái thương chấp nhận, Người đã ban cho bà một đứa con và bà đặt tên cho nó là Sa-mu-el. Sa-mu-el là quà tặng Thiên Chúa ban cho bà An-na, Thiên Chúa đã ban cho bà điều bà mong ước. Khi nhận được quà tặng Chúa ban, bà An-na đã quảng đại dâng hiến món quà quý giá ấy cho Thiên Chúa. Con cái là quà tặng Thiên Chúa ban cho cha mẹ, cho nên, cha mẹ hãy trân quý con cái, sự sống của con cái. Hơn thế nữa, các bậc làm cha mẹ hãy quảng đại dâng hiến con mình cho Chúa như bà An-na. Cách thức cha mẹ đối xử với con Theo luật, những người đàn ông Do-thái trưởng thành được yêu cầu phải thực hiện ba cuộc hành hương lên đền thờ Giê-ru-sa-lem mỗi năm vào các lễ: Vượt Qua, Ngũ Tuần và lễ Lều. Nếu vì khoảng cách xa và điều kiện không cho phép hành hương và giữ trọn vẹn ba lễ thì họ bị buộc ít nhất là phải giữ việc hành hương vào lễ Vượt Qua. Tin Mừng theo thánh Lu-ca thuật lại, hằng năm cha mẹ Chúa Giê-su lên đền thờ Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua, thường kéo dài một tuần. Lúc này, Chúa Giê-su được 12 tuổi, độ tuổi sắp trưởng thành và sẽ nhận những bổn phận của người trưởng thành. Xong kỳ lễ, thánh Giu-se và Đức Maria trở về nhà cùng với đoàn lữ hành, với những người đồng hương, bạn bè và gia đình. Sau một ngày đường, thánh Giu-su và Đức Maria đi tìm Chúa Giê-su giữa đoàn lữ hành nhưng không thấy, vì thế, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem tìm Chúa Giê-su. Thánh Giu-se và Đức Mẹ, có lẽ, đã tìm thấy Chúa Giê-su vào ngày thứ ba ở trong Đền thờ. Khi tìm thấy Chúa Giê-su trong Đền thờ, Đức Ma-ri-a nói với Chúa Giê-su: Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con !” (Lc 2,48). Chúa Giê-su trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2,50). Câu trả lời của Chúa Giê-su làm cho Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se hết sức ngạc nhiên, thế nhưng Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se không hỏi lại lý do tại sao Chúa Giê-su lại trả lời như vậy. Kinh thánh nói, hai ông bà không hiểu điều Chúa Giê-su vừa nói, riêng Đức Ma-ri-a thì hằng suy đi gẫm lại điều đó trong lòng. Ý nghĩa của những biến cố này và những lời của Chúa Giêsu không bị phai mờ trong những kí ức của Đức Maria. Ngay lúc ấy có thể Đức Mẹ không hiểu hết tất cả, nhưng Mẹ luôn lưu giữ trong tâm hồn mình. Cung cách ứng xử của người con Chúa Giê-su đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (xc. Lc 2, 51). Vâng phục cha mẹ là điều dễ nhất và cũng là điều khó nhất, khó là bởi vì Chúa Giê-su là Chúa nhưng giờ đây lại chấp nhận vâng lời cha mẹ trần thế. Kinh thánh nói rằng: Chúa Giê-su hằng vâng phục cha mẹ, kính trọng người lớn tuổi. Ngài chu toàn bổn phận của người làm con và càng lớn Ngài càng thêm khôn ngoan, thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Ngài sinh ra và lớn lên như bao thanh thiếu niên trong làng nhưng Ngài lại trổi vượt về các nhân đức so với bạn bè đồng trang lứa, nhất là tâm hồn Ngài luôn hướng về Thiên Chúa. Dù sống ở đâu, làm bất kỳ điều gì, Ngài đều hướng về Thiên Chúa và Thiên Chúa luôn là ưu tiên bậc nhất. Chúa Giê-su là tấm gương cho những người con trong gia đình, hãy luôn cư xử với cha mẹ cách lễ phép, nhất là luôn vâng phục lời của cha mẹ. Qua lời Chúa hôm nay, xin cho những bậc làm cha mẹ luôn biết trân quý sự sống của con mình ngay từ khi chúng mới tượng thai trong lòng mẹ. Cha mẹ hãy học nơi thánh Giu-se và Mẹ Maria cung cách đối xử với con cái ngay cả khi chúng ngỗ nghịch hay trả lời hỗn láo, cha mẹ đừng nổi nóng nhưng hãy bình tĩnh như thánh Giu-se và Đức Mẹ để chỉ dạy cho con cái những chân lý, những điều hay. Là người con, chúng ta hãy học nơi Chúa Giê-su thái độ kính trọng và hằng vâng nghe lời chỉ dạy của cha mẹ. Thánh gia, gia đình gồm những con người thánh, nghĩa là những con người được Thiên Chúa tuyển chọn, những người được ân nghĩa với Chúa, những người biết chọn thực thi ý Chúa trên tất cả và luôn yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Thánh Giu-su tôn trọng và yêu thương Đức Ma-ri-a, Chúa Giê-su. Đức Maria yêu mến và trân trọng thánh Giu-su, Chúa Giê-su. Chúa Giê-su luôn yêu mến, phục tùng Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Xin cho mỗi chúng ta biết nhận ra vai trò của mình trong gia đình: người làm cha hãy nêu gương sáng cho con cái về các nhân đức và cung cách sống; người làm mẹ hãy luôn yêu thương, tôn trọng chồng và yêu thương, chăm lo cho con cái; người làm con hãy luôn kính trọng và vâng phục cha mẹ. Nên thánh, làm cho gia đình mình trở thành gia đình thánh là điều nằm trong tầm tay, trong khả năng của chúng ta. Xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng ta để chúng ta biết thánh hóa chính mình, thánh hóa gia đình mình và làm cho cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình mỗi ngày một hạnh phúc hơn. Thanh Tùng, OMI. Ngày 25 tháng 12 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật Chúa Hiển Linh Chúa Nhật – Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa Chúa Nhật IV – Mùa Vọng A Chúa Nhật III – Mùa Vọng A Chúa Nhật II – Mùa Vọng Năm A Chúa Nhật I – Mùa Vọng Năm A Lễ Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa Lễ Chúa Hiển Linh Chúa Giáng Sinh – Lễ Ban Đêm Chúa Nhật IV – Mùa Vọng