OMI VIỆT NAM::Lễ Thánh Gia Thất Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập. Tin Mừng Mt 2,13-15.19-23 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu. Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai cập. Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”. Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét. Suy niệm: Sinh ra trong gia đình để cứu các gia đình Hôm nay chúng ta cử hành lễ kính Thánh Gia Thất. Thật đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thành lập, để cứu các gia đình. Mừng Chúa Cứu Thế đến cũng là mừng Thánh Gia Thất, nơi Người sinh sống. Các bài đọc hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp tuyệt vời về cách sống trong gia đình. Nếu bài đọc I trích sách Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ: "Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống", cùng với những phần phúc cho những người con biết tôn kính mẹ cha là: "Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng", nhất là được trường thọ: "Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài". Thì bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên những người làm vợ làm chồng: "Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó". Ngài cũng khuyên cha mẹ phải tôn trọng, yêu mến con cái: "Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt" (Cl 3, 21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng trong các gia đình. Thảo kính cha mẹ Để giữ cho gia đình hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban cho Giới răn thứ Bốn trong Mười Điều răn: “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”. Có nhiều người làm con đã hỏi: Vậy, tước phẩm làm cha làm mẹ là thế nào để con cái phải tôn kính. Quyền bính cha mẹ tự đâu mà có? Để có một cuộc sống đích thực, nhân loại phải có quyền bính, nếu không xã hội không thể có được, và phải đi tới nguyên tắc căn bản: không có Thiên Chúa, không có quyền bính. Vì thế, người làm con, người làm bề dưới phải vâng lời cha mẹ, tùng phục người trên là vì thấy trong trật tự ổn định là quyền lực, là thế giá của Thiên Chúa. Đứa trẻ thấy quyền lực Thiên Chúa nơi cha mẹ, học trò ở nơi thầy cô, người dân thấy ở nhà cầm quyền. Phải, quyện lực của cha mẹ là do Thiên Chúa mà ra. Chúa dạy: "Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi ". Và Thánh Phaolô khuyên: "Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự "(Cl 3, 20). Giới răn không nói yêu mến nhưng là tôn kính. Người ta yêu anh chị em, yêu tha nhân, song đối với cha mẹ, phải tôn kính. Đó là điều mà phận làm con, kẻ bề dưới ngày nay không muốn biết nữa. Tôn kính có nghĩa là khi cha mẹ nói, dạy điều gì, con cái phải im lặng, lập tức thi hành, dù là ước muốn nhỏ nhất: "Vì đó là đẹp lòng Chúa"(Cl 3, 20). "Hãy tôn kính cha con và mẹ con" ; "Đứa con nào mà đánh đập cha mẹ mình thì phải chết"(Xh 20; 21). Phu phụ tương kính như tân Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ giống hình ảnh Chúa, và cho hai người kết hợp với nhau nên một bằng mối giây loài người không thể tháo cới, để mỗi người phát triển nảy nở trong hạnh phúc, và sinh con cái nối giòng dõi loài người và Hội Thánh. Khi nói thế, người chồng có thể đòi người vợ phụng tùng chồng một cách mù quáng không? Không, người này phải phục tùng người kia cho phải đạo, cả hai đều phải phục tùng Đức Kitô như toàn thể Giáo hội. Người nam có biết khi được làm đầu thì phải làm gì không? Thánh Phaolô kêu gọi: "Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó" (Cl 3, 20). Người ta thường nói: chồng là đầu gia đình, vợ là trái tim gia đình. Nói đúng hơn: chồng là cả hai, vừa là đầu, vừa là trái tim. Người ta cũng ví người chồng giữ vai trò như người lái thuyền, phải đưa thuyền đi đúng hướng, là bảo vệ sự an toàn cho mọi người trong thuyền, phục vụ mọi người với tình yêu thương, như yêu thương chính mình, để cùng nhau hướng tới hạnh phúc. Cha mẹ tôn trọng và yêu mến con cái Giới răn thứ Bốn này có hai chiều: con cái và cha mẹ, cha mẹ và con cái. Nếu con cái phải tôn kính cha mẹ, thì cha mẹ cũng phải tôn trọng, yêu mến con cái: "Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái". Cha mẹ quí mến con cái, vì con cái trước hết không thuộc về các cha mẹ mà thuộc về Thiên Chúa. Con cái là kho tàng Thiên Chúa trao cho, một ngày kia Chúa sẽ đòi cha mẹ phải trả lẽ. Vậy, cha mẹ phải yêu quí, tôn trọng sự sống con cái, ngày từ khi còn trong lòng mẹ, chớ làm phương hại đến chúng. Tôn trọng con cái từ lúc còn thơ đến tuổi trưởng thành... Chăm lo cho con cái về mặt tinh thần cũng như thể xác, nhất là linh hồn, vì trước hết chúng thuộc về Thiên Chúa. Cha mẹ không thể lên thiên đàng một mình, phải có con cái đi theo. Con cái không lên thiên đàng được, cha mẹ cũng không lên được. Chúng ta thấy Mẹ Maria, Thánh Giuse, và Chúa Giêsu, cả Ba Đấng đều lên Đền thờ dự lễ theo luật. Khi có chuyện chẳng lành trong gia đình, lời thánh Phaolô sau đây như là khuôn vàng thước ngọc về lẽ sống và cách đối nhân xử thế của các thành viên trong gia đình: "Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện". Noi gương Mẹ Maria và Cha thánh Giuse, mỗi gia đình kitô giáo hãy đón rước Chúa Giêsu, lắng nghe Người, nói chuyện với Người, gìn giữ Người, che chở Người, lớn lên với Người, và như thế chúng ta mới phúc âm hóa gia đình, canh tân giáo xứ và cải tiến thế giới được. Hãy dành cho Chúa một chỗ trong trái tim và ngày sống của chúng ta. Chúng ta hãy phó thác gia đình nhân loại nói chung, và gia đình chúng ta nói riêng cho Thánh Gia Thất che chờ phù trì. Lạy Ba Ngôi cực thánh ở trần gian là Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, xin cầu cho chúng con. Amen. Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ Mầu nhiệm Thánh Gia 1. Các gia đình và Thánh Gia Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều yếu tố làm lung lay mái ấm gia đình, vốn là nền tảng cho sự lớn lên của từng người, của Giáo Hội, trong đó có đời tu, và của cả xã hội. Khi chiêm ngắm Thánh Gia, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho tất cả các gia đình, nhất là gia đình của những thân yêu, và cho cả các mái ấm nữa, vốn là “gia đình” của các trẻ em mồ côi, khuyết tật, thiếu thốn, thiệt thòi, cùng khổ... Và chúng ta cũng xin Chúa chúc lành cho gia đình và cộng đoàn của chúng ta, để chúng ta được liên kết và hiệp nhất với nhau bằng Lời Chúa, giống như Thánh Gia, qua đó làm chứng cho tình yêu thương xót và cứu độ của Chúa. Thật là ý nghĩa khi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia, ngay sau khi chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Bởi vì hình ảnh Thánh Gia làm sáng tỏ một chiều kích đã có trong mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh, nhưng không được chú ý: đó là, dù Hài Nhi Giêsu là “Ngôi Lời từ trời xuống”, được hoài thai, được cưu mang và sinh ra lạ lùng như thế nào đi nữa, thì cũng phải được đón nhận vào trong một gia đình cụ thể, và qua một gia đình, một “gia thất” như cách nói của phụng vụ, một gia tộc, vào một dân tộc và vào gia đình nhân loại. Thánh Gia chính là con đường tất yếu để Ngôi Lời hội nhập vào một nền văn hóa cụ thể, để Ngôi Lời đến, ở lại và lớn lên trong Ngôi Nhà nhân loại của mình (x. Ga 1, 11). Ngày nay, Ngôi Lời đến với từng dân tộc bằng cùng một con đường là các gia đình, các mái ấm, các cộng đoàn. Nói đến Thánh Gia, có lẽ chúng ta nghĩ đến những em bé sinh ra trong bất hạnh: sinh ra trong một gia đình đổ vỡ về tương quan; sinh ra thiếu cha, thiếu mẹ; sinh ra ngoài ý muốn hay vì bị cưỡng bức; những em bé được sinh ra trong lén lút và bị bỏ rơi… Mầu nhiệm Thánh Gia mà chúng ta mừng kính và chiêm ngắm muốn nhắn gởi cho loài người chúng ta một sứ điệp: các em bé sinh ra trong bất hạnh này cũng phải được đón nhận vào một “gia đình”. Các gia đình nhận con nuôi và các mái ấm thực hiện sứ mạng cao cả này; đối với các mái ấm, dù là Kitô giáo hay Phật giáo, hoặc thuộc bất cứ tôn giáo nào khác hay thậm chí phi tôn giáo, điều quan trọng là tình người, là bầu khí đón nhận và yêu thương. Vì ở đâu có tình thương ở đó có Thiên Chúa. 2. Nước Trời và Thánh Gia Ngoài ra, xét cho cùng Thánh Gia là một “mái ấm” hơn là một gia đình thực sự! Vì tương quan của mọi người với nhau trong Thánh Gia không dựa trên huyết thống, nhưng dựa trên Lời Chúa: Đức Giêsu, với tư cách là Ngôi Lời, đã nhập thể theo ý định của Thiên Chúa Cha; Đức Maria đã thưa với sứ thần: “xin xẩy ra cho tôi, theo như lời sứ thần nói”; và với Thánh Giuse, ngài đã vượt qua tương quan máu mủ huyết thống để đón nhận Đức Maria và Hài Nhi Giêsu theo ý muốn của Thiên Chúa. Thế mà, tương quan thân thiết dựa trên việc vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, chính là tương quan của Nước Trời. Thánh Giuse đã không nghe đuợc câu nói này của Đức Giêsu “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em, là mẹ tôi”(Mc 3, 35), nhưng ngài đã sống trọn vẹn điều này trước đó thật lâu. Có thể nói, sứ điệp mạnh mẽ nhất của Thánh Gia, chính là xây dựng tương quan Nước Trời bằng cách vượt qua tương quan huyết thống ngay trong gia đình ruột thịt của mình, và từ đó mở rộng ra bên ngoài. Và đặc biệt với ơn gọi sống đời dâng hiến, tuy chúng ta không lập gia đình, nhưng chúng ta thực sự sống sứ điệp rất căn bản của Thánh Gia: trở nên người thân của nhau, trở nên một mái ấm trên nền tảng lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Theo nghĩa này, thánh Giuse không chỉ là “Thánh Cả”, nhưng còn là “Tu Sĩ Cả” của đời tu trong Giáo Hội. 3. Thánh Giuse và Thánh Gia Bài Tin Mừng của Lễ Thánh Gia năm nay (Phụng Vụ Năm A) mời gọi chúng ta chiêm ngắm thánh Giuse đã đảm nhận sứ mạng bao bọc Thánh Gia như thế nào: Thánh Giuse đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập, và sau một thời gian ở Ai cập, thánh nhân đã đưa Thánh Gia về Đất Israel; trong thử thách lớn lao này và chắc chắn trong mọi thử thách khác của Thánh Gia, thánh Giuse đã không làm điều khác hơn là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết như thánh Giuse, gắn bó, yêu mến và ưng thuận trọn vẹn đối với Lời Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta được mời gọi hiểu biến cố này ở tầm lịch sử cứu độ, vì có liên quan đến cách Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể đảm nhận lịch sử các dân tộc, và lịch sử của mỗi người chúng ta. Thực vậy, theo bản gia phả, Đức Giêsu thuộc về một dân tộc: “Đức Giêsu Kitô, con vua Đa vít, con tổ phụ Abraham” (Mt 1, 1; đây là câu đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Mátthêu, nên có ý nghĩa thật sâu rộng); trong biến cố lánh sang Ai cập, Người “mang vào mình” lịch sử của dân tộc mà Người muốn thuộc về cách tự nguyện, và qua đó, Người mang vào mình lịch sử của mỗi người chúng ta. Đặc biệt, lời Kinh Thánh “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai cập” nhắc nhớ biến cố Xuất Hành. Trong đêm Vượt Qua, theo lệnh của Đức Chúa, người Do Thái sát tế chiên con. Sự vô tội của con chiên tượng trưng cho sự vô tội của các con trai đầu lòng Ai cập: “Người sát hại các con đầu lòng Ai cập” (Tv 136,10). Con chiên chính là món nợ của Israel. Khi nào Israel trả được nợ cho Ai cập, và hai dân tộc được giao hòa ? Đó là lúc Đức Giêsu mang lấy chỗ của Con Chiên, Ngài sẽ làm cho Ai cập (nghĩa là dân ngoại) và Israel (nghĩa là dân được tuyển chọn) trở thành một dân tộc duy nhất và thánh thiện bằng chính máu của Người ; và giữa chúng ta, nếu có mắc nợ hay hận thù gì, Ngài cũng hòa giải và làm cho chúng ta nên một, bằng chính máu của Người, được hiện tại hóa mỗi ngày nơi Bí Tích Thánh Thể. * * * Thánh Giuse hoàn toàn vắng mặt trong thời gian Đức Giêsu công bố mầu nhiệm Nước Trời, và chắc chắn ngài cũng không có mặt thật trọn vẹn trong thời gian Đức Giêsu sống ẩn dật. Tuy nhiên, những gì xẩy ra cho Đức Giêsu từ lúc sinh ra cho đến khi từ Ai Cập trở về (Mt 2, 1 – 23) như đã báo trước cả cuộc đời của Đức Giê-su rồi. + Người được nhìn nhận bởi các đạo sĩ đến từ phương xa, nhưng cũng có biết bao nguy hiểm rình rập gây ra bởi vua Hêrôđê, các thượng tế, các luật sĩ (Mt 2, 1-12). Như thế, những gì sẽ xẩy ra cho Đức Giêsu trong thời gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời như đã được báo trước ở đây. + Lánh sang Ai Cập, nhưng những trẻ vô tội phải đổ máu (2, 16-18). Sau này chính Đấng Vô Tội sẽ đổ máu trên Thập Giá. + Trở về “Đất Hứa” bình an để làm nên “Tổ Ấm Thánh Gia” (2, 19-23). Chúng ta có thể nhận ra nơi biến cố trở về này hình ảnh của ơn Phục Sinh và Đại Gia Đình Nước Trời. Thánh Giuse đã có mặt suốt cuộc hành trình này, hành trình họa lại lịch sử cứu độ và loan báo cuộc đời Đức Giêsu; ngài không chỉ có mặt thôi, nhưng còn gánh vác bằng cách liên tục vâng theo sự dẫn dắt của chính Thiên Chúa. Đức Maria đã có mặt dưới chân Thập Giá, còn thánh Giuse có mặt trong biến cố loan báo Thập Giá, và cũng là biến cố làm tái hiện lại biến cố Ai cập xưa của dân Thiên Chúa. Dưới chân Thập Giá, Đức Maria thinh lặng và đứng vững ; và trong suốt cuộc hành trình giữa Israel và Ai cập, thánh Giuse cũng “thinh lặng và đứng vững”. Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 28 tháng 12 Năm 2019 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật IV – Mùa Vọng Chúa Nhật III – Mùa Vọng Chúa Nhật II – Mùa Vọng Chúa Nhật I – Mùa Vọng Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên