OMI VIỆT NAM::Một Chút Cảm Nghiệm Dịp Lễ Kỷ Niệm Ngày Chuẩn Nhận Hiến Pháp Và Quy Luật Dòng Cộng đoàn nhà tập Một Chút Cảm Nghiệm Dịp Lễ Kỷ Niệm Ngày Chuẩn Nhận Hiến Pháp Và Quy Luật Dòng Hiến Pháp không chỉ là cuốn sách dùng cho việc suy gẫm thiêng liêng, nhưng điều chính yếu là trình bày “luật sống”, nghĩa là chỉ ra cho người tu sĩ biết phải tổ chức nếp sống như thế nào. Ngày 17/02/1826. Đức Giáo Hoàng Lê – Ô XII đã chuẩn nhận Hiến Pháp và Quy Luật của Dòng Truyền Giáo Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Từ đây, Hội Dòng chính thức được ghi vào sổ bộ các Hội Dòng trực thuộc Giáo Hoàng. Sự chuẩn nhận Hiến Pháp và Quy Luật Dòng rất có ý nghĩa, bởi vì cuốn sách nhỏ này truyền đạt tầm nhìn của Đấng Sáng Lập, tình yêu tha thiết của ngài đối với Thiên Chúa và người nghèo. (Thư của cha Bề trên Tổng quyền nhân dịp kỷ niệm 194 năm Đức Thánh Cha chuẩn nhận Hiến pháp và Quy Luật Dòng) Đây quả là một ngày trọng đại đối với Hội Dòng, chính trong năm này, Tổng Tu Nghị đầu tiên đã nhóm họp và thống nhất ngày 17/02 hằng năm, tất cả anh em Hiến Sĩ sẽ họp lại với nhau để nhìn lại chặng đường đã qua, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân mà Người đã ban cho Hội Dòng. Trong ngày này, các anh em Hiến Sĩ cùng dâng thánh lễ tạ ơn và lặp lại lời khấn dòng. Ngày lễ 17/02 là dịp để mỗi anh em Hiến Sĩ nhìn lại chặng đường đã qua, nhìn lại hành trình theo Chúa của mình, nhìn lại những điều mà bản thân đã làm được cũng như những thiếu sót vì vô tình hay hữu ý mà bản thân đã bỏ qua. Xét lại xem bản thân tôi đã sống đúng với ơn gọi Hiến Sĩ chưa, hay tôi vẫn còn ngó trước, ngó sau? Để rồi qua đó mỗi người trong chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, xin lỗi Chúa và quyết tâm cố gắng sống ơn gọi của mình mỗi ngày một tốt hơn. Đây cũng là dịp để chúng ta tri ân những Hiến Sĩ đã đi trước, những người đã không ngại dấn thân rao giảng, đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi trong xã hội. Trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, ĐGH Phaolô VI đã viết về những Tu sĩ như sau “Nhờ việc tận hiến, họ tự nguyện và tự do từ bỏ mọi sự và ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Với tinh thần tháo vát, việc tông đồ của họ thường có nhiều sáng kiến và tài khéo rất đáng tán thưởng. Họ là những người quảng đại : Người ta thường thấy họ ở những tiền đồn truyền giáo, họ dám hy sinh sức khỏe và cả đến chính mạng sống nữa. Phải, Giáo Hội thật đã mang ơn họ rất nhiều” (số 69). Từ đây, mỗi anh em Hiến Sĩ được mời gọi theo gương các ngài sẵn sàng ra đi truyền giáo, đi đến những vùng sâu, vùng xa, nơi nhiều người vẫn chưa được biết Tin Mừng của Chúa. Những Hiến Sĩ đi trước đã chấp nhận chết đi để làm chứng cho Chúa, để hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết quả, là mẫu gương cho chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II đã nói: "Thời nay, người ta cần chứng nhân hơn thầy giảng, và nếu người ta nghe lời người giảng, thì đó là vì người giảng là một chứng nhân." Thật vậy, đời sống Hiến Sĩ phải tỏa lan tình yêu thương của Chúa, nếu chưa sống được như thế, chúng ta chưa thực sự trở thành một người Hiến Sĩ truyền giáo. Như Thánh Giacôbê đã nói trong thư của ngài “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2; 18). Đây thực sự là một lời mời gọi cấp bách trong thế giới hiện nay khi con người muốn được nhìn thấy, được kiểm chứng nhiều hơn là chỉ nghe. Vì thế, anh em Hiến Sĩ được kêu gọi sống tinh thần ấy trong những môi trường đang sống và phục vụ. Để sống một đời sống và làm chứng tá cho Đức Kitô, mỗi anh em Hiến Sĩ cần biết noi gương Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu và cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi noi gương của Mẹ luôn sẵn sàng đáp lời “Xin Vâng” trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Cha thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc, Đấng sáng lập Hội Dòng đã nói với mỗi người Hiến Sĩ rằng “Chúng ta hãy dâng lên cho Mẹ tất cả công việc của gia đình Hiến Sĩ để nhờ Mẹ dâng lên Thiên Chúa thay cho chúng ta”. Chưa dừng lại ở đó, cha còn thường xuyên gửi những bức thư để nhắc nhở mỗi anh em Hiến Sĩ, nhất là những anh em đang phục vụ tại những vùng truyền giáo: “Các con đừng vì lo công việc nhiều quá mà quên đi việc cầu nguyện”. Thật vậy, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến công việc mà không chú tâm đến đời sống cầu nguyện thì chúng ta dễ làm theo những gì chúng ta nghĩ hơn là làm mọi sự trong thánh ý của Thiên Chúa và chúng ta dễ quy hướng những thành quả mà ta đạt được là do sức riêng của mình. Trong cuốn sách Đường Hy Vọng, ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nói “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động” (x. ĐHV số 119). Để chúng ta thấy được rằng công việc truyền giáo cần đi đôi song hành với đời sống cầu nguyện. Nếu chúng ta không làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta, thì dù có đi bất cứ nơi đâu rao giảng cũng vô ích (Thánh Phan-xi-cô Assisi). Ước mong mỗi anh em Hiến Sĩ luôn ý thức được Linh đạo mà cha thánh Igiêniô đã để lại cho Hội Dòng để rồi mỗi ngày chúng ta luôn biết cố gắng sống xứng đáng với ơn gọi Hiến Sĩ của mình. J.B Phan Thuật Tập sinh OMI Ngày 16 tháng 02 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chút Tâm Tình Ngày Khai Mạc Năm Tập: 2024-2025 Thánh lễ khai giảng Năm Tập, niên khóa 2023 – 2024 Yêu là chết ở trong lòng một ít Cảm Nghiệm Về Kinh Mân Côi Cảm nghiệm về đời sống thánh hiến. Thánh Lễ Khai Mạc năm Tập Viện của Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm niên khóa 2019-2020 Nghi Thức Trao Tu Phục và Thánh Lễ Khai Mạc Tập Viện Năm 2020-2021 Phút Lắng Đọng Bên Máng Cỏ Lễ Khai Mạc Năm Tập - Niên khóa: 2021 – 2022 Nghi Thức Khai Mạc Năm Tập, Niên Khóa 2022-2023