OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Tin Mừng Mt 28,16-20 Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Suy niệm: Đức Giê-su Na-gia-rét, người thầy yêu kính của các tông đồ, Ngài như một người cha luôn hết tình yêu thương dạy dỗ các ông. Ngài là Đấng có uy quyền trong lời nói và việc làm. Các ông hạnh phúc đi theo Ngài. Nhưng Ngài đã bị giết chết. Không còn thầy, cuộc đời các tông đồ tưởng chừng như đi vào ngõ cụt tuyệt vọng. Nhưng sau 03 ngày Đức Giê-su đã sống lại, các tông đồ vô cùng vui mừng, và hôm nay Ngài hẹn gặp các ông trên một ngọn núi. Có lẽ tâm trạng các ông rất vui, nhưng cũng rất hồi hộp. Hồi hộp vì không biết gặp Thầy rồi, chuyện gì sẽ xẩy ra, Thầy sẽ dạy bảo những gì? những điều Thầy dạy liệu có phải là điều mình mong ước hay không? Giờ khắc đặc biệt đã đến, các ông gặp được Đức Giê-su Phục Sinh, Ngài xuất hiện với vẻ uy nghi thần thánh. Các ông vui mừng bái lạy Ngài. Nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đây chính là thách đố đầu tiên trong hành trình gặp gỡ Đức Giê-su Phục Sinh. Tin vào Lời Chúa, các ông đã lên đường. Nhưng khi gặp Chúa thì một số ông lại hoài nghi. Ngay lúc đó, Đức Giê-su đã tiến lại gần để trấn an các ông, Chúa nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên Trời dưới đất” Chúa muốn nói: anh em hãy vững tin, hãy yên tâm tin tưởng nơi Thầy, đừng hoài nghi nữa! Hôm nay Chúa Phục Sinh cũng muốn nói với mỗi người chúng ta: hãy yên tâm tin tưởng nơi Chúa. Trong diện mạo quyền uy của Đấng Phục Sinh, Người đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Quyền bính của Ngài bao trùm cả địa cầu. Hãy tín thác cuộc đời trong vòng tay yêu thương của Chúa. Khi tuyên xưng Đức tin, chúng ta tỏ ra không hoài nghi. Nhưng khi bị thử thách về Đức tin, thì chúng ta dễ nao núng. Chẳng hạn khi chúng ta đau yếu bệnh tật, chúng ta cầu xin Chúa mà chưa được như ý. Hay khi chúng ta nghèo đói, lại thất nghiệp, chúng ta cũng cầu xin Chúa cho cuộc sống của chúng ta sớm ổn định. Nhưng mãi mà cuộc sống vẫn chông chênh. Chúng ta dễ nao núng và thầm than trách Chúa. Chúng ta chưa hiểu rằng, những khó khăn đôi lúc cần thiết, để giúp chúng ta ý thức về thân phận của kiếp người, giúp chúng ta biết hướng về phúc lộc đời sau. Trước khi trao sứ vụ cho các tông đồ, Đức Giê-su đã phải trấn an, củng cố đức tin cho các ông, sau đó Chúa mới trao sứ vụ cho các ông: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em, và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Như vậy, trước khi về Trời, Đức Giê-su Phục Sinh đã trao cho các môn đệ 02 lệnh truyền quan trọng: 1. Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Chúa Giê-su Phục Sinh đã sai các tông đồ ra đi tiếp nối sứ vụ của chính Người. Đi đến với mọi dân nước khắp địa cầu, chứ không dừng lại ở dân tộc Do thái. 2. Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Đây là một sứ mạng đầy khó khăn và thách đố đối với các môn đệ, nên Chúa Phục Sinh đã hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày để giúp các ông chu toàn sứ mạng Chúa trao. Việc loan báo Tin Mừng nhằm hai mục đích: thứ nhất là nhằm Rửa tội cho người ta trở thành ki-tô hữu; thứ hai là phổ biến những giá trị của Tin Mừng. Có những người vì lý do nào đó mà không lãnh nhận bí tích Rửa tội được, nên chưa trở thành Ki-tô hữu. Nhưng nếu họ sống theo những giá trị Tin Mừng thì nói theo từ ngữ của nhà thần học Karl Rahner, họ cũng là những ki-tô hữu vô danh. Ngày nay, Chúa Phục Sinh cũng trao cho mỗi ki-tô hữu chúng ta hai lệnh truyền quan trọng trên. Hai lệnh truyền này có mối liên hệ mật thiết với nhau: để làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa, thì tự sức riêng của các tông đồ cũng như mỗi người chúng ta sẽ không làm được, nếu không có Chúa ở cùng. Cũng vậy, các tông đồ cũng như chúng ta sẽ không thể nhớ được tất cả những gì Chúa đã truyền dạy, nếu không có Chúa Thánh Thần tình yêu của Thiên Chúa trợ giúp. Chúa Giê-su về trời đã mở ra thời kỳ của Thánh Thần, của Hội Thánh với sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Đức Ki-tô Phục Sinh. Noi gương các tông đồ, chúng ta hãy tích cực cộng tác với ơn Chúa, để làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa. Để chu toàn được sứ mạng đó, chúng ta phải luôn xác tín rằng: Chúa luôn ở cùng chúng ta mọi ngày. Chúng ta phải làm việc trong sự kết hiệp với Chúa, cùng làm việc với Chúa và trong Chúa. Hôm nay mừng lễ Chúa về trời hay còn gọi là lễ Chúa Thăng Thiên. Nhưng kết thúc Tin Mừng, Chúa Giê-su lại khẳng định: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Như vậy, ta phải hiểu việc Chúa về trời như thế nào? Trước đây, Ngài hiện diện với các tông đồ cách gần gũi, thân thương cụ thể. Hiện diện bằng xương, bằng thịt, như thánh Gio-an nói: “Chúng tôi đã đụng chạm tới Ngôi Lời hằng sống”, hay như thánh Phê-rô nói: “chúng tôi đã được cùng ăn, cùng uống với Người” rất gần gũi, thân thương. Nhưng với việc Chúa về Trời hôm nay, sự hiện diện của Chúa cách cụ thể như trước không còn nữa, mà Ngài đã thay đổi cách thức hiện diện, đổi từ hiện diện hữu hình sang hiện diện vô hình. Đổi từ sự hiện diện cụ thể, sang sự hiện diện thần linh. Ngài không còn lệ thuộc bởi thời gian, không gian nữa, mà Ngài hiện diện một cách phổ quát, Ngài hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc, trên khắp địa cầu. Đức Giê-su đã từ Trời, từ nơi Thiên Chúa mà đến trong trần gian. Sau khi đã hoàn tất chương trình cứu độ, Ngài lại về cùng Thiên Chúa Cha. Việc Ngài về Trời đã hướng chúng ta về cùng đích của cuộc đời người tín hữu. Mục đích của cuộc đời người tín hữu là Nước Trời, là kết hợp cùng Thiên Chúa hằng sống trong hạnh phúc vô biên, vĩnh cửu của Ngài. Việc Chúa về Trời hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta cần trung thành với hành trình theo Chúa. Muốn về Trời thì phải đi con đường dẫn tới Nước Trời. Phải tin tưởng tuyệt đối: Đức Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Phải tin tưởng Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian. Phải luôn đi theo sự hướng dẫn của Ngài qua Chúa Thánh Thần tình yêu của Thiên Chúa, phải thực hiện Lời Ngài trong đời sống của mình. Con đường dẫn đến Nước Trời chắc chắn phải là con đường của tin-yêu, của sự thật, sự công chính, con đường của bác ái, yêu thương. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con luôn tin tưởng rằng, Chúa luôn đồng hành với chúng con trong đời sống, để chúng con yên tâm, tin tưởng và can đảm bước đi theo Chúa, thực hành Lời Chúa, để Lời Chúa sinh hoa kết trái trong đời sống của chúng con. Ước mong tất cả chúng con đây đều đạt tới hạnh phúc Nước trời, là quê hương đích thực của chúng con. Amen. Linh mục Giu-se Ngô Xuân Hiến, OMI. Ngày 18 tháng 05 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên Chúa Nhật XXII – Thường Niên Chúa Nhật XXI – Thường Niên Chúa Nhật XX – Thường Niên Chúa Nhật XIX – Thường Niên Chúa Nhật XVIII – Thường Niên Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên