OMI VIỆT NAM::Ngày 28 tháng 5: Vicente Blnaco Guadilla Cổ vũ Ơn gọi Ngày 28 tháng 5: Vicente Blnaco Guadilla Vicente Blnaco Guadilla - Nghèo khó – Sinh: ngày 5 tháng 4 năm 1882 (Fromista, Palencia) Rửa tội: ngày 8 tháng 4 năm 1882 Khấn lần đầu: ngày 15 tháng 8 năm 1901 (Notre Dame de l’Osier, France) Phụng hiến: tháng 12 năm 1902 (Rome, Italy) Chịu chức linh mục: ngày 14 tháng 4 năm 1906 Mất: ngày 28 tháng 11 năm 1936 Nơi chôn cất: Paracuellos del Jarama Các bản văn Kinh Thánh Tv 73 (72), 23-25 1 Cr 13,1-3 2 Cr 12, 7b-10 Pl 3, 7-8 Mt 5, 1-3 Mt 8, 19-20 Mt 19, 16-23 Lc 4, 17-19 Suy niệm Cha Vinh sơn là người lớn tuổi nhất trong nhóm Hiến Sĩ tử đạo Tây Ban Nha. Ngài qua đời ở tuổi 54. Cha làm Bề trên Tiểu chủng viện, Giám tập và cuối cùng là bề trên Học Viện ở Pozuelo nhiều năm, một số vị tử đạo được Ngài đào tạo. Một người quen biết Ngài nói về Ngài rằng: “Tám thế hệ nhà tập đã đi qua trường đào tạo tôn giáo của Ngài. Tôi tin là không có ai lại không bày tỏ lòng tôn kính, kính trọng và kính mến Ngài vì Ngài không phải là một tu sĩ bình thường, nhưng là người có nhiều nhân đức, đặc biệt là rất thận trọng, có lòng đạo đức vững chắc, nhiệt thành và tận tụy với lợi ích của Hội Dòng, yêu mến Giáo hội, khắc khổ và cũng là người có tâm hồn quảng đại. Ngài hết sức khiêm nhường, nghiêm khắc với bản thân nhưng lại thấu hiểu và bao dung với người khác”. “Ngài nổi tiếng là người tuân giữ luật tu trì, đó là sự khích lệ cho cả cộng đoàn” và Ngài được gọi là “Cha Thánh Blanco”. Trong câu chuyện tử đạo của các chân phước Tân Ban Nha, chân phước Vinh Sơn Blanco Guadilla được biết đến là nhân vật chính của một thời bi thảm. Sau khi Học viện ở Pozueno bị tấn công vào sáng ngày 23 tháng 7 năm 1936, các nhà đào tạo quyết định không dâng thánh lễ, trước sự hiện diện của những người có vũ trang và vô lương tâm, vì sợ Bí tích Thánh Thể bị xúc phạm bởi bất kỳ sự man rợ nào. Thay vì dâng lễ, họ đã rước Mình Thánh trong nhà tạm để tránh nguy cơ Mình Thánh bị phạm sự thánh. Trong khi rước Mình Thánh, mọi người thấy Cha Vinh Sơn rất xúc động. Khi rước Mình Thánh xong và trở về phòng áo, Ngài bắt đầu khóc và thốt lên: “Giờ đây, ngôi nhà này sẽ ra sao nếu chúng ta không có Chúa ở cùng!” Làm sao để giải thích sự thật này: Cha Vinh Sơn có bị suy sụp và căng thẳng vì trách nhiệm không? Đó có phải là một yếu điểm vào thời điểm mà đáng lẽ ra Bề trên phải mạnh mẽ? Đó có phải là dấu hiệu của sự nhạy cảm? Đó có phải là hoa trái của đức tin và lòng sùng kính Thánh Thể của Ngài không? Nếu không biết về Ngài thì khó trả lời những câu hỏi này. Chúng ta có thể hiểu được khoảnh khắc này trong giờ phút tử đạo của chân phước Vinh Sơn từ kinh nghiệm cá nhân của Ngài. Thiên Chúa đã hun đúc nơi chân phước Vinh Sơn một tâm hồn nhạy cảm và dịu dàng để Ngài có thể mang lại nguồn cảm hứng cho nhóm Hiến Sĩ tử đạo bằng sự dịu dàng, gần gũi và tâm hồn cao thượng, nhưng trên hết, bằng sự phó thác cho Chúa quan phòng giữa lúc gian khổ, nghèo đói, khó khăn và cả sự nguy hiểm của cái chết. Thực vậy, Thiên Chúa đã nhiều năm chuẩn bị cho Ngài để Ngài không trông cậy vào điều gì khác ngoài sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong 20 năm, Ngài phải nuôi sống hằng chục cậu bé mỗi ngày mà hầu như không có nguồn tài chính nào. Mỗi tháng các hóa đơn gửi đến và chỉ riêng hóa đơn mua bánh mì đã tương đương với lương tháng của một công nhân, và Ngài không có nguồn tài chính nào để chi trả. Sự hiện diện của các Hiến Sĩ ở Tây Ban Nha còn rất bấp bênh và họ không có nguồn tài chính hỗ trợ đủ để đáp ứng nhu cầu họ cần. Người ta kể rằng, một thanh niên phải rời chủng viện vì bệnh nặng, họ thấy Cha Vinh Sơn khóc. Ngoài tất cả những điều này, còn có những vấn đề về xây dựng nhà đào tạo, từng chút từng chút một, trong khi họ đang có những lớp học ở đó năm này qua năm khác và vì họ không còn chỗ nào khác để đi. Luôn không có phương tiện, không có không gian, luôn xây dựng, lo lắng về các hóa đơn và những vấn đề khác nữa….trước hết là trong Tiểu chủng viện, sau đó là nhà Tập và Học viện. Luôn là sự khó nghèo của con người. Và còn nhiều vấn đề nghiêm trọng khác, thiếu nhà đào tạo giỏi, luôn khan hiếm nhóm đào tạo và luôn thay đổi trong các nhà đào tạo này. Những nhà huấn luyện tốt nhất không phải lúc nào cũng có, và khi có một nhóm nhà huấn luyện tốt, thường trong vài tháng, một trong những nhà huấn luyện tốt phải đi nhận công việc khác. Thực ra, có rất ít Hiến Sĩ ở Tây Ban Nha, ngoài công việc mục vụ ở Tây Ban Nha còn kiêm thêm sứ vụ ở Texas và Uruguay… Vì thế, tội nghiệp Cha Vinh Sơn đã phải triền miền sống trong cảnh khó nghèo vì lòng yêu mến Chúa. Bản thân Ngài, nhạy cảm và ấn tượng, không chỉ khóc mà còn thường xuyên bị mất ngủ và gặp ác mộng hàng tháng trời. Ngài đã phải sống qua những giai đoạn thanh tẩy thực sự của đêm đen, và Ngài đã vượt qua mọi sự với lòng tín thác thực sự vào Chúa và Mẹ Maria Trinh Nữ. Chân phước Vinh Ssơn khám phá ra rằng, sự giàu có duy nhất và sức mạnh chỉ có nơi sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể, Đấng luôn đồng hành với Ngài mọi lúc. Trước nhà Tạm, chân phước Vinh Sơn tìm thấy sự bình an trong tâm hồn giữa những khó khăn, Vì lý do này, giờ đây khi thấy cộng đoàn không có sự hiện diện thể lý của Chúa Ki-tô, chân phước Vinh Sơn cảm nghiệm rằng, sự nghèo khó của Ngài đã đạt đến mức tuyệt đối, bởi vì Ngài nhìn thấy họ muốn lấy điều duy nhất thực sự có giá trị trong cuộc đời Ngài: Chúa Ki-tô. Ngài vác thập giá với niềm tín thác vào Chúa và với một đời sống thiêng liêng sâu sắc. Cá tính của Ngài giúp Ngài thanh tẩy chính mình và chuẩn bị cho cuộc tử đạo của Ngài. Điều mà một số người coi đó là yếu điểm nhưng Ngài đã biết cách biến nó thành sức mạnh. Nếu Cha Vinh Sơn có biệt danh là “Cha Thánh Blanco”, thì biệt danh này mà người ta gọi Ngài không phải là ngẫu nhiên. Vì Ngài biết cách biến đức tin thành sức mạnh, và là chỗ dựa cho Ngài. Cá tính không mang lại cho Ngài khí chất nhưng đức tin lại mang lại cho Ngài điều đó. Cha Vinh Sơn không táo bạo như chân phước Phanxicô Estaban, người đã đi thăm Học viện Hiến Sĩ và những tu sĩ khác đã bị giết trên đường phố chỉ vì họ là linh mục hoặc tu sĩ. Bẩm sinh, chân phước Vinh Sơn không phải là nhà lãnh đạo, Ngài đã nhân danh những kẻ bị hành quyết trong các ngôi mộ ở Paracuellos để nói lời tạm biệt và tha thứ. Tuy nhiên, trong suốt nhiều tháng bị bắt bớ, Ngài trở thành mẫu gương về sự cầu nguyện cách sâu xa và liên lỉ, nhất là đọc kinh Mân Côi. Thực vậy, những ngày kế tiếp, tất cả mọi người đều bị trục xuất khỏi Học viện và Cha Vinh Sơn phải trú ngụ ở những gia đình Ngài quen biết. Một số nhân chứng khẳng định rằng, trong những tháng ẩn tránh, “cách cầu nguyện của Ngài thật ấn tượng” và “Ngài luôn cầm tràng chuỗi Mân Côi trên tay”. Nhóm cần một người đàn ông như Cha Vinh Sơn. Điều cần thiết, không chỉ là sức mạnh của con người Cha Estaban mà còn cần đến đức tin sâu sắc của “Cha thánh Blanco”, nó giúp ngài đón nhận sự nghèo khó và tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Nếu Cha Estaban là người cha trao ban sự an toàn, thì Cha Vinh Sơn, theo một cách nào đó, là “người mẹ” đã thấm nhuần tính dịu dàng của Đức Maria, vốn luôn là nét đặc trưng của ngài. Không có Cha Vinh Sơn, các vị tử đạo ở Pozuelo khó có thể được gọi là “những siêu anh hùng”, như thể sự tử đạo là do sự cố gắng riêng của họ chứ không phải là món quà của Thiên Chúa. Nơi Cha Vinh Sơn, chúng ta thấy những giới hạn của con người, những yếu đuối mà tất cả chúng ta đều có, nó không phải là sự trở ngại cho hành trình ơn gọi của chúng ta nhưng giúp chúng ta hướng đến sự thánh thiện. Như chân phước Vinh Sơn đã viết khi gặp những vấn đề và những khó khăn: “Xin Vâng theo ý Chúa”. Ước gì điều đó làm vinh danh Thiên Chúa hơn, vì lợi ích cho tâm hồn tôi và cho các nhà đào tạo”. Cầu nguyện Lạy chân phước Vinh Sơn Blanco, nơi Ngài sức mạnh của Chúa Ki-tô được biểu lộ trong sự yếu đuối của ngài. Thiên Chúa uốn nắn tâm hồn nhạy cảm của Ngài để làm cho tâm hồn Ngài chỉ có sức mạnh duy nhất của Chúa. Ngài là một minh chứng cho thấy không phải lúc nào Thiên Chúa cũng chọn người có khả năng, và Thiên Chúa luôn nâng đỡ người Thiên Chúa chọn, với họ Chúa Ki-tô là sự giàu có duy nhất. Chúng con cầu xin Ngài chuyển cầu, cùng các bạn tử đạo của Ngài, cho những người trẻ chúng con biết coi mọi thứ trong cuộc sống này là vô nghĩa và chỉ chọn mình Chúa Ki-tô và chỉ mình Chúa Ki-tô trong gia đình Hiến Sĩ chúng ta. Cùng với Ngài và các bạn tử đạo với Ngài, chúng con cầu xin ân sủng của Thiên Chúa nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen. Thanh Tùng, chuyển ngữ. Nguồn:omiword.org Ngày 28 tháng 05 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Giới thiệu ơn gọi Hiến Sĩ cho các bạn trẻ - Giáo xứ Lợi Hà Sống cùng Hiến Sĩ – Lần II Chương trình: SỐNG CÙNG HIẾN SĨ LẦN II Ngày 22 Tháng 5: Chân phước Francisco ESTEBAN LACAL Ngày Thứ Nhất: 21 tháng 05 - Mừng Kính Thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc Sống Cùng Hiến Sĩ – Lần I Ngày 29 tháng 5: Chân phước Giuse Gia Hòa, OMI Ngày 27 Tháng 05 năm 2023: Chân phước Publio RODRIQUEZ MOSLARES Ngày 26 tháng 05: Gregorio Escobar Garcia Ngày 25 Tháng 5: Thầy Eleuterio PRADO VILLARROEL