OMI VIỆT NAM::Phụng Hiến và Tử đạo Tư liệu Hiến Sĩ Phụng Hiến và Tử đạo Hội nghị về Phụng hiến và Tử đạo sẽ được tổ chức vào tháng 5 tại Pozuelo, Tây Ban Nha, mời gọi chúng ta suy ngẫm về một chiều kích cơ bản của ơn gọi Hiến Sĩ của chúng ta là: sự tử đạo. Cha Fabio Ciardi, OMI Alexius Reynard OMI Vị Hiến Sĩ tử đạo đầu tiên là cha Alexius Reynard, bị giết năm 1875 tại Canada bởi các người dẫn đường của ngài trong chuyến đi đến sứ vụ Nativité. Mười năm sau, vào ngày 2 tháng 4 năm 1885, hai Hiến Sĩ Léon Fafard và Félix Marchand bị giết tại Frog Lake. Đức cha Grandin đã dùng một cách diễn đạt rất ý nghĩa khi viết thư cho cha mẹ của cha Fafard: “ … thưa bà Fafard, bà cũng có thể so sánh sự đau buồn của mình với Đức Trinh Nữ, và thậm chí còn nhiều lý do để đau buồn hơn cả những người đau buồn vì nạn nhân trên đồi Calvariô năm xưa: vị tử đạo thân yêu đã chết vì sự cứu rỗi của anh em mình và vì sự cứu rỗi của những kẻ giết mình.” Trong bức thư gửi cho cha mẹ của cha Marchand, ngài viết: hai cha con đã hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lúc khó khăn, cả hai cùng là lễ phẩm hi sinh của sự dâng hiến và tử đạo vì đức ái...” Năm 1913, hai Hiến Sĩ linh mục khác đã dâng hiến cả cuộc đời cho sứ vụ của mình cho đến lúc chịu tử đạo là: cha Jean-Baptiste Rouvière và cha Guillaume Le Roux, bị ám sát năm 1913, tại Coppermine. Chúng ta cũng nên nhớ đến các vị tử đạo của Tây Ban Nha, Đức, Bôlivia, Chile, Sri Lanka, Philippines và Lào. Trở thành một Hiến Sĩ có nghĩa là sẵn sàng cho việc tử đạo. Đó là một chủ đề liên tục được lặp lại trong các bài viết của Đấng sáng lập và các Hiến Sĩ thế hệ đầu tiên. Đây là một vài ví dụ. Đến cuối thời gian nhà tập, Vital Grandin đã viết cho anh trai mình vào ngày 15 tháng 12 năm 1852: “Danh Hiến Sĩ mà em phải mang giải thích cách rõ nét những gì em cam kết. Em nên là một lễ phẩm hi sinh, và không chỉ là lễ phẩm hi sinh trong một khoảnh khắc, mà là mỗi ngày. Đây là ý nghĩa thực sự của cây thánh giá sẽ được đeo trên cổ em và thánh giá sẽ nhắc nhở em mọi lúc rằng: con đường của Hiến Sĩ là con đường hy sinh và hy sinh liên tục. Cho đến nay chưa có vị tử đạo nào trong Hội dòng của chúng em. Ôi! Ước gì em có được niềm vui trở thành Hiến Sĩ tử đạo đầu tiên! Trong cuộc tĩnh tâm vào năm 1888, từ nơi truyền giáo của mình ở Saskatchewan, cha Ovide Charlebois đã viết: “… Tất cả những gì con xin Ngài (Lạy Chúa!) là để chấp nhận mọi khoảnh khắc trong cuộc đời con như những hành động tử đạo bé nhỏ. Nếu con không xứng đáng để đổ máu vì Ngài, xin cho cả đời con sẽ trở thành một cuộc tử đạo không ngừng. Vâng, lạy Chúa, từ lúc này con muốn sống như một người tử vì đạo. Vì thế, con xin dâng lên Ngài sự tử đạo của đời con, lạy Chúa Giêsu tốt lành của con và con xin ký tên bằng máu của con, để Ngài không thể chối bỏ con. Con muốn không chỉ sự đau khổ về thể xác trong sự tử đạo của con, mà trên hết còn đau khổ về phần thiêng liêng: các cám dỗ, khô khan và lo ra trong khi cầu nguyện, sự kiêu ngạo của con, v.v ... Con muốn đây là hành động chính yếu của con trong ngày hôm nay; Con bắt đầu sống như một vị tử đạo. Lạy Thánh Tâm Chúa, xin hãy dạy con sống theo cách này, vì cả cuộc đời của Ngài là một cuộc tử đạo không ngừng.” Cùng năm đó, cha Ovide Charlebois đã ghi lại một cách thực tình rằng: “Kể từ lần tĩnh tâm gần nhất của tôi, ý nghĩ nhiệt thành lấp đầy tâm trí tôi.., đó là trở thành một người tử đạo; đó không phải là một lời tuyên bố nhỏ bé phải không? Tất nhiên, bây giờ bạn sẽ hỏi ai sẽ là kẻ giết tôi. Điều đó rất đơn giản: những con muỗi, Pierric của tôi [một đứa trẻ mồ côi người Da đỏ, theo lời khuyên của Đức cha Grandin, Cha Ovide đã nhận nuôi để tránh phải sống hoàn toàn một mình trong giáo điểm], những đứa trẻ ở trường, những sai lầm, cám dỗ, lo lắng, những khó khăn tôi phải đối mặt, v.v. Đó không phải là một cuộc tử đạo nhỏ trong vài giờ mà tôi muốn, mà là một cuộc tử đạo kéo dài suốt đời. Bởi vì không một khoảnh khắc nào trôi qua mà không phải chịu đau khổ, tôi đã tự nhủ: Tại sao không chấp nhận mọi thứ dưới ánh sáng của sự tử đạo? Điều này sẽ không được Chúa chấp nhận như sự đau khổ nhất thời của các vị tử đạo thực sự ư? Thế nên, tôi cảm thấy mình như thể ở trên một lò than đang đốt cháy tôi cách từ từ để giữ cho tôi lâu chết nhất có thể.” Năm 1866, cha Alexandre Taché nhớ lại lần đầu tiên vào năm 1845 tại sứ vụ ở Rivière Rouge (Canada). Khi nghĩ về những nhà truyền giáo đầu tiên ở đó đã bị người Da Đỏ Sioux thảm sát vào năm 1736, cha đã viết, chúng ta cùng cầu nguyện với vị tông đồ nhiệt thành này, ngài có thể truyền cho chúng ta sự nhiệt thành để trao dâng cuộc đời trong việc phục vụ cho mục đích thiêng liêng này và, nếu cần thiết, cũng sẽ đổ máu chúng ta vì nó. Khát khao tử đạo này đã trở thành hiện thực đối với nhiều Hiến Sĩ. Ý tưởng về sự tử vì đạo thể hiện rõ nhất nơi Chân phước Mario Borzaga ngay từ những năm đầu trong chương trình đào tạo. Điều này được nhắc lại nhiều lần trong nhật ký của ngài: ngày 19 tháng 2 năm 1957 – “Trong suốt chặng đàng Thánh giá, với cây thánh giá trong tay, tôi sốt sắng xét lại cách Chúa Giêsu đã chọn tôi để tiếp tục Con Đường Thập Giá của mình: một người vác thập giá, một linh mục…. cả cuộc đời của Chúa Kitô là thập giá và tử đạo. Tôi là một hiện thân của Chúa Kitô, vì vậy, tôi cũng đã được chọn để tử đạo. Và nếu tôi muốn trở thành một linh mục thánh thiện, tôi không nên mong muốn nhiều hơn, bởi vì đây là mầu nhiệm nằm trong tay tôi mỗi ngày: mầu nhiệm của máu, của sự hiến dâng trọn vẹn, từ bỏ hoàn toàn chính mình, của sự ngây dại vì từ bỏ và sự khiêm nhường trước sự thánh thiêng vĩ đại.” Ngày 19 tháng 4 năm 1957 - Thứ Sáu Tuần Thánh. “Các vị tử đạo nên được bắt chước, chứ không phải để ca ngợi!” Ngày 26 tháng 6 năm 1957. Hôm nay là ngày lễ của hai thánh Gioan và Phaolo tử đạo…Chính các vị tử đạo làm nên Giáo hội, chỉ có các vị tử đạo... Cha Maurice Lefebvre bị giết năm 1971 tại La Paz, Bolivia. Thực sự, vào tháng 12 năm 1967, Cha Maurice đã viết rằng: “chúng tôi cũng có thể nhìn thấy và chấp nhận những gì là giá mà chúng tôi phải trả để trở nên môn đệ của Chúa Kitô trong năm 1968 này... Nó đòi chúng tôi nhiều hơn là những lời nói đơn thuần; nó đòi chúng tôi nhiều hơn là những ý nghĩ tốt lành; nó đòi chúng tôi nhiều hơn là việc dịch các văn bản của các Giáo hoàng và các nhà cải cách.” Cha Michael Paul Rodrigo bị ám sát vào ngày 10 tháng 11 năm 1987, tại Sri Lanka. Ngày 28 tháng 9 năm 1987, ngài viết cho em gái là Hilda rằng: “… Thập Giá không phải là thứ mà chúng ta treo trên tường hoặc đeo trên cổ chúng ta. Chúa Giêsu là người đầu tiên được treo ở đó, vì vậy chúng ta phải sẵn sàng chết cho dân chúng nếu và khi giờ ấy đến.” Gần 100 Hiến Sĩ đã chết một cách bi thảm trong quá trình thực thi sứ vụ của họ. Khoảng ba mươi trong số họ đã được tuyên bố là Chân Phước và được công nhận là chết vì đức tin. Đó là con số rất nhỏ so với 15.000 Hiến Sĩ đã kế thừa hơn 200 năm qua, nhưng họ là dấu hiệu căn tính cần có của những người phụng hiến cho Thiên Chúa, cho Giáo hội và cho người nghèo. Chuyển ngữ : Lý Huỳnh, OMI Ngày 20 tháng 03 Năm 2019 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Niềm Vui – Một Dấu Chỉ Của Thiên Chúa Cửu nhật cầu cho Ơn gọi sống đời tu sĩ Hiến Sĩ 21 – 29/05/2020 Kinh cầu cùng thánh Mai Thiên Lộc, Đấng sáng lập Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Kinh cầu thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc Người trẻ ngày nay thực sự là thế nào? Suy niệm đại hội giới trẻ OMI 2016 Phỏng vấn cha Fabio Ciardi về Linh đạo Hiến sĩ Sự hiệp thông của các thánh Kết cục của thế giới Hai buổi cầu nguyện và hiệp thông nhân dịp kết thúc sinh nhật 200 năm thành lập Hội dòng.