OMI VIỆT NAM::Văn bản Tổng tu nghị lần thứ 36 Cộng đoàn Tiền Tập Văn bản Tổng tu nghị lần thứ 36 Nhà Tổng quyền OMI VĂN BẢN TỔNG TU NGHỊ Thứ 36 (2016) EVANGELIZARE PAUPERIBUS MISIT ME PAUPERES EVANGELIZANTUR DÒNG TRUYỀN GIÁO HIẾN SĨ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM 290 Via Aurelia – 00165 Rome, Italy Mục Lục Diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô. 6 Thông điệp của Tổng tu nghị lần thứ 36. 12 Bầu chọn Bề trên Tổng quyền và Ban cố vấn. 18 Phúc âm hóa người nghèo thôi thúc tôi. người nghèo được rao giảng tin mừng. 20 I - SỨ VỤ VÀ NHỮNG DIỆN MẠO MỚI CỦA NGƯỜI NGHÈO 23 II - SỨ VỤ VỚI GIỚI TRẺ. 32 III – VIỆC HUẤN LUYỆN CHO CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO 41 IV - SỨ VỤ VÀ TRAO ĐỔI VĂN HÓA. 51 V - SỨ VỤ VÀ TRUYỀN THÔNG Xà HỘI 61 VI - SỨ VỤ VÀ TÀI CHÍNH.. 70 PHẦN KẾT LUẬN.. 80 PHẦN BỔ SUNG, NGHỊ QUYẾT, ỦY QUYỀN, CHỈ THỊ VÀ NHIỆM KỲ CỦA TỔNG TU NGHỊ 82 A. VIỆC SOẠN THẢO CÁC TÀI LIỆU CỦA TỔNG TU NGHỊ 82 B. BAN TỔNG QUYỀN.. 82 C. TÀI CHÍNH.. 85 D. ĐỀ XUẤT VỀ BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN VÀ NGƯỜI LỚN DỄ BỊ TỔN THƯƠNG.. 87 E. SỨ VỤ VỚI NGƯỜI TRẺ. 88 F. TRUYỀN THÔNG.. 88 G. HỒI GIÁO.. 89 NHỮNG THAY ĐỔI TRONG HIẾN PHÁP VÀ LUẬT DÒNG ĐƯỢC CHUẨN NHẬN BỞI TỔNG TU NGHỊ LẦN THỨ 36. 91 A. NHỮNG THAY ĐỔI TRONG HIẾN PHÁP. 91 B. NHỮNG QUY LUẬT DÒNG MỚI HAY ĐƯỢC XEM LẠI. 93 Diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô Roma, Sala Clementina, ngày 7 tháng 10 năm 2016 Đức Giáo Hoàng Piô XI đã gọi anh em là "chuyên gia trong những sứ vụ khó khăn” ; ngày nay anh em Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm được gọi "làm việc cho một Giáo Hội của mọi người, một Giáo Hội luôn sẵn sàng chào đón và đồng hành với mọi người". Đức Thánh Cha đã trao gởi những lời này đến anh em tham dự Tổng tu nghị Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhân dịp kỷ niệm hai trăm năm ngày thành lập Hội dòng. Ngài đã tiếp đón và trò chuyện với anh em vào buổi sáng thứ sáu, 7 tháng 10 tại Hội trường Clementine. Sau đây là bản dịch bài diễn văn bằng tiếng Ý của Đức Thánh Cha. Anh em thân mến, Thật là một niềm vui đặc biệt khi tôi được chào đón anh em nơi đây, những đại diện cho một gia đình tu sĩ truyền giáo đang loan báo Tin Mừng trong Giáo Hội. Tôi xin chào tất cả anh em với lòng yêu mến của tôi, trước hết với cha Bề Trên Tổng quyền và ban cố vấn. Anh em đến đây họp Tổng Tu Nghị, nhân dịp anh em kỷ niệm 200 năm thành lập Hội dòng, bởi thánh Mai Thiên Lộc, một vị linh mục trẻ hăng say trong việc đáp lại lời mời gọi của Thánh Linh. Từ lúc khởi đầu của Hội Dòng, anh em đã ra sức làm việc để thắp lại ngọn lửa Đức Tin, ngọn lửa đã bị Cuộc Cách mạng Pháp dập tắt trong trái tim của những người nghèo ở miền quê vùng Provence. Chỉ trong vài thập niên, Hội dòng đã phát triển trên 5 châu lục, tiếp tục con đường được khởi xướng bởi Đấng sáng lập, một con người yêu mến Chúa Giê-su với tất cả niềm đam mê và yêu mến Giáo Hội một cách vô điều kiện. Trong dịp kỷ niệm 200 năm thành lập Hội dòng, ngày hôm nay, anh em cũng được mời gọi để canh tân tình yêu này của Đấng sáng lập. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng đầy quan phòng của Thiên Chúa, đó là năm thánh của anh em cũng là Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót. Rõ ràng là, các Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm được sinh ra trong trải nghiệm của lòng Thương xót, trải nghiệm được sống bởi chàng thanh niên Mai Thiên Lộc trong ngày thứ 6 Tuần thánh trước Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Ước mong sao Lòng thương xót này luôn ở trong trái tim của sứ vụ của anh em, trong những nỗ lực rao giảng Tin Mừng của anh em trong thế giới ngày nay. Trong ngày lễ phong thánh của Đức cha Mai Thiên Lộc, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã định nghĩa thánh Mai Thiên Lộc là “con người của mùa Vọng”, luôn vâng phục Thần Khí trong việc đọc những dấu chỉ của thời đại và dấn thân vào công việc của Thiên Chúa trong lịch sử của Giáo hội. Những phẩm chất này hiện diện trong anh em, những người con của ngài. Ước mong sao anh em cũng là những “con người của mùa Vọng”, có khả năng phân định những dấu chỉ của thời đại mới và biết hướng dẫn anh em mình trên con đường mà Thiên Chúa đã mở ra trong Giáo hội và trong Thế giới. Giáo hội đang sống trong một thế giới với nhiều thay đổi trong hầu khắp các lĩnh vực khác nhau. Giáo hội đang cần những con người mang trong trái tim mình tình yêu nơi Đức Giê-su Ki-tô, một tình yêu đã ngấm vào máu của thánh Mai Thiên Lộc, và Giáo hội cũng cần một tình yêu vô điều kiện đó dành cho Giáo hội, luôn cố gắng là ngôi nhà rộng mở cho mọi người. Thật là quan trọng để chúng ta ra sức làm việc, sẵn sàng chào đón và đồng hành với mọi người ! Để đạt được tất cả những điều này, phải bỏ ra thật nhiều công sức, và chính anh em cũng đóng góp cách rất đặc biệt vào công việc này. Lịch sử truyền giáo của anh em là lịch sử của những người sống đời thánh hiến, những người đã dấn thân và hy sinh cuộc sống của mình cho sứ vụ, cho người nghèo, đến những vùng đất xa xôi, những nơi còn những con chiên chưa có người chăn dắt. Ngày hôm nay, mỗi mảnh đất đều là một mảnh đất truyền giáo, mỗi khía cạnh đời sống con người đều là một mảnh đất truyền giáo, tất cả đang chờ đợi lời công bố Tin Mừng này của anh em. Đức thánh cha Pio XI đã định nghĩa anh em “là những chuyên gia trong những sứ vụ khó khăn”. Tầm nhìn truyền giáo này ngày hôm nay dường như đang mở rộng mỗi ngày, ôm lấy những con người nghèo mang diện mạo mới, những con người với khuôn mặt của Đức Ki-tô đang xin sự trợ giúp, ủi an, và hy vọng ngay trong những tình huống tồi tệ nhất của cuộc sống. Do vậy, Giáo Hội rất cần anh em, cần lòng can đảm và sự sẵn sàng của anh em mang Tin Mừng đến với tất cả mọi người, một Tin Mừng có khả năng giải thoát và ủi an. Ước mong sao niềm vui Phúc âm luôn tỏa sáng trên khuôn mặt của anh em và làm cho anh em trở thành những chứng nhân của niềm vui. Theo tấm gương của Đấng sáng lập, ước gì “việc thực hành sống bác ái giữa anh em” sẽ là quy luật sống đầu tiên và kim chỉ nam số một của mọi hoạt động tông đồ ; và ‘lòng nhiệt tâm vì phần rỗi các linh hồn’ là hệ quả tất yếu của đời sống bác ái huynh đệ này. Trong kỳ Tổng tu nghị này, anh em đã mở rộng tầm nhìn và trái tim của mình cho mọi khía cạnh của thế giới. Mong rằng, những trải nghiệm huynh đệ này của anh em trong việc cầu nguyện, gặp gỡ và phân định cộng đoàn, sẽ là một điểm xuất phát cho những định hướng sứ vụ mới, cho tầm nhìn mới – để đến với người nghèo, mang họ đến với nhau và gặp gỡ Đức Kitô – Đấng Cứu Thế. Quan trọng là anh em tìm được lời đáp trả can đảm và có tinh thần Phúc âm thích hợp cho những vấn nạn của mọi người trong thời đại. Vì lý do này, anh em hãy nhìn về quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với niềm đam mê, và ấp ủ tương lai với niềm hy vọng. Trong sứ vụ, anh em đừng thất vọng trong những lúc khó khăn, nhưng hãy mạnh mẽ hơn trong đức tin vào ơn gọi là tu sĩ và là nhà truyền giáo của Hội dòng anh em. Nhân dịp Gia đình tu sĩ của anh em đang bước sang thế kỷ thứ 3, xin Thiên Chúa giúp anh em viết nên những trang truyền giáo mới với nhiều hoa trái, giống như những người anh em Hiến Sĩ đi trước, những người suốt 200 năm qua đã làm chứng – có lúc phải đổ máu – để minh chứng tình yêu vào Đức Kitô và vào Giáo hội. Anh em là những Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thánh Mai Thiên Lộc đã từng định nghĩa rằng: Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm là ‘Tấm hộ chiếu lên Thiên Đàng’. Mong anh em hãy giữ vững tinh thần dấn thân cho sứ vụ. Xin Mẹ Maria giữ gìn bước chân truyền giáo của anh em, đặc biệt trong những lúc khó khăn, thử thách. Tôi cũng xin anh em hãy cầu nguyện cùng Mẹ cho tôi nữa. Với tất cả lòng yêu mến của tôi dành cho anh em và cho toàn thể Hội dòng, nguyện xin phúc lành của Thiên Chúa luôn đồng hành cùng anh em trên bước đường truyền giáo. Thông điệp của Tổng tu nghị lần thứ 36 Anh em Hiến sĩ thân mến, Anh chị em trong gia đình Mai Thiên Lộc thân mến, 1. Trong Năm thánh kỷ niệm 200 năm thành lập Hội Dòng Truyền Giáo Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa và nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, khởi đầu từ thánh Mai Thiên Lộc và những anh em đi trước, cho đến những anh em cao tuổi mà chúng tôi xin chào cách đặc biệt nhất. 2. Sống trong thời đại với những biến chuyển lớn trên toàn cầu, chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thần Khí, như lời mời của thánh Mai Thiên Lộc trong Lời ngỏ của Luật Dòng Hiến Sĩ, tạo ra một động lực mới cho sứ vụ truyền giáo, và đó là lý do hiện hữu của chúng ta: gần gũi với những khuôn mặt mới của người nghèo, những người bị bỏ rơi nhất và chia sẻ Tin Mừng mà chúng ta là chứng nhân. 3. Trong một thế giới được Thiên Chúa yêu thương, với tất cả những vẻ đẹp và giàu sang của nó, chúng ta phải có cái nhìn như thánh Mai Thiên Lộc đã chiêm ngắm nó dưới ánh mắt của Đức Kitô chịu đóng đinh: Chúng ta nhận thức diện mạo mới của sự nghèo khó, đặc biệt nơi các bạn trẻ, theo chủ nghĩa như: cơ bản, cá nhân, duy vật, hưởng thụ, đắm chìm trong thế giới ảo…, cũng như những đau khổ của các gia đình, của giới trẻ, của những người cô độc, của những người già cả. Chúng ta nhận biết các vấn đề thật cấp bách với chúng ta như: Tình trạng của những người tị nạn, những người không nhà cửa, những người di dân bắt buộc phải rời xứ sở của mình, cũng như sự tàn phá môi trường. Chúng ta nhận biết những nạn nhân của bất công và bạo lực, đặc biệt những người bản địa và dân tộc thiểu số, những nạn nhân của tình trạng buôn người, bị lạm dụng hoặc bị bóc lột, họ đang lớn tiếng kêu gào một sự trợ giúp và một lời đáp trả nơi chúng ta. 4. Trước những tình cảnh này, Giáo hội mạnh mẽ kêu gọi chúng ta hãy bước ra khỏi nơi an toàn của mình để đi tới những “vùng ngoại biên”, và hoàn thành sứ vụ vì Nước Trời. Chúng ta được mời gọi viết nên một trang Tin Mừng mới với sự sáng tạo và dũng cảm của thánh Mai Thiên Lộc. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, chính những người nghèo đang phúc âm hóa và chỉ dạy chúng ta, và họ đang góp phần giúp chúng ta nhận ra căn tính Đoàn sủng của Hội dòng. Chúng ta dấn thân trong cộng đoàn truyền giáo, sống tình huynh đệ và tương trợ, cố gắng xóa bỏ những rào cản làm ngăn cách và chia rẽ con người. Chúng ta cùng ra sức thúc đẩy việc hội nhập văn hóa trong mọi cấp độ, trong đó các tôn giáo, các nền văn hóa và các cộng đoàn đa dạng có thể đối thoại và làm phong phú cho nhau. Chúng ta sẽ là chứng nhân cho những mối liên kết sâu xa kết hợp tất cả mọi người, cả trong cuộc sống hàng ngày và những cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng ta, cũng như trong các quyết định của cộng đoàn. Dựa vào đặc sủng của thánh Mai Thiên Lộc, chúng ta sẽ góp phần bảo vệ các giá trị gia đình, người tỵ nạn và di dân, cũng như của tất cả những người là nạn nhân của bất công, bạo lực và lạm dụng. Chúng ta tham gia vào cuộc tranh đấu cho việc bảo vệ thiên nhiên, đối mặt với sự tàn phá môi trường. Chúng ta củng cố sự dấn thân của chúng ta trong các ủy ban Công lý và Hòa bình và Bảo tồn Thiên nhiên (J.P.I.C). Chúng ta cũng dấn thân trong việc bảo vệ các trẻ em và những người dễ bị tổn thương nhất, trước những vụ bê bối xảy ra thời gian gần đây trong Giáo hội và trong xã hội. 5. Nhận thức sự bội tín, nghèo nàn của chính chúng ta và việc chúng ta cần hoán cải: Chúng ta muốn làm mạnh mẽ tinh thần gia đình và tăng cường phẩm chất đời sống cộng đoàn của chúng ta, theo gương Đức Giêsu Kitô với các môn đệ của Người, cùng bước theo gương của thánh Mai Thiên Lộc và các cộng sự viên tiên khởi của ngài đã làm. Chúng ta, anh em Hiến Sĩ tu huynh và linh mục, theo tiếng gọi tiến đến sự thánh thiện, cùng nhau xem lại giá trị đời sống tu trì truyền giáo và biết chấp nhận sự lệ thuộc và có trách nhiệm lẫn nhau. Có mặt trong 65 quốc gia trên toàn thế giới, chúng ta lựa chọn làm tăng trưởng cách thế chúng ta sống hội nhập văn hóa trong các cộng đoàn quốc tế và trong xã hội. Chúng ta quyết định tăng cường việc chia sẻ nhân sự và các nguồn lực khác của Hội dòng, để nuôi dưỡng sự công bằng và sự quảng đại hơn giữa các đơn vị Hiến Sĩ của chúng ta. Để đáp ứng những nhu cầu của thế giới ngày nay, chúng ta phải trau dồi kiến thức, suốt cả đời, trong những lãnh vực về nhân chủng học và truyền giáo học, cũng như trong những lãnh vực về kinh tế và truyền thông. Chúng ta phải hỗ trợ việc huấn luyện và trao trách nhiệm cho giáo dân, những người mà chúng ta được gửi đến và cùng với họ chúng ta chia sẻ một sứ vụ chung. 6. Là “Tôngđồ truyền giáo” của Đức Kitô, Đấng đã tự hiến mình, chúng ta chọn lối sống làm chứng nhân tại nơi chúng ta sống với niềm vui tuôn chảy từ Tin Mừng. Ơn gọi của chúng ta là trở thành những nhà truyền giáo của lòng thương xót và niềm hy vọng, những sứ giả của Thiên Chúa mang dung mạo của người cha và người mẹ nhân hậu, như Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ Vô Nhiễm của chúng ta, suy gẫm mọi việc trong trái tim Mẹ. Vì thế, chúng ta sẽ làm chứng cho gia đình của Thiên Chúa, một gia đình không có biên giới, trong sự đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo của thời đại này. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Mai Thiên Lộc, của tất cả các thánh và các vị tử đạo Hiến sĩ, chúng ta đáp trả lại ơn linh hứng mà Chúa Thánh Thần thông ban cho chúng ta, vì: “Người đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Người nghèo khó được đón nhận Tin Mừng.” « Cánh đồng truyền giáo rộng lớn đang chờ đón chúng ta ! » Rôma, ngày 10 tháng 10, năm 2016 Các Tu nghị viên Tổng Tu Nghị lần thứ 36 Bầu chọn Bề trên Tổng quyền và Ban cố vấn. Qua việc bầu chọn chiếu theo chỉ định của Hiến pháp và Luật dòng, Tổng tu nghị mời gọi những Hiến Sĩ sau đây giữ các chức vụ để phục vụ: Bề trên Tổng quyền Louis LOUGEN (Hoa Kỳ - Ban điều hành tổng quyền) (Bầu chọn ngày 30/9/2016) Phó Tổng quyền Paolo ARCHIATI (Ý - Ban điều hành tổng quyền) (Bầu chọn ngày 30/9/2016) Phụ tá Tổng quyền thứ 1 Cornelius NGOKA (Nigeria - Ban điều hành tổng quyền) (Bầu chọn ngày 1/10/2016) Phụ tá Tổng quyền thứ 2 Ramon Maria BERNABE (Phi – Phi luật Tân) (Bầu chọn ngày 1/10/2016) Cố vấn tổng quyền vùng Phi Châu - Madagasca Guillaume MUTHUNDA (Congo – Congo/Angola) (Bầu chọn ngày 3/10/2016) Cố vấn tổng quyền vùng Á Châu – Thái Bình Dương Peter Karoly STOLL (Úc – Indonesia) (Bầu chọn ngày 3/10/2016) Cố vấn tổng quyền vùng Canada – Hoa Kỳ Warren BROWN (Hoa Kỳ - Ban điều hành Tổng quyền) (Bầu chọn ngày 3/10/2016) Cố vấn tổng quyền vùng Âu Châu Antoni BOCHM (Ba Lan – Ba Lan) (Bầu chọn ngày 3/10/2016) Cố vấn tổng quyền vùng Châu Mỹ La Tinh Luis Alberto HUAMAN CAMAYO (Peru – Peru) (Bầu chọn ngày 3/10/2016) Phúc âm hóa người nghèo thôi thúc tôi. người nghèo được rao giảng tin mừng. 1. Tổng tu nghị lần thứ 36, diễn ra trong dịp lễ 200 năm của Dòng truyền giáo, đã tụ họp 82 Hiến sĩ Truyền giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm, đại diện cho những vùng miền khác nhau trên thế giới, cùng suy nghĩ với nhau về trọng tâm cuộc sống chúng ta là gì, tiếng gọi của Sứ vụ, và để bầu chọn vị Tổng quyền mới và Ban cố vấn tổng quyền mới. Cuộc họp mặt kéo dài hàng tháng này giúp chúng ta khẳng định lại một lần nữa, gương mặt của Hội dòng thật là đa dạng. 2. Chính lời mời gọi của Chúa Giêsu và đặc sủng của thánh Mai Thiên Lộc đã hợp nhất chúng ta cách sâu sắc, vượt lên tất cả những khác biệt phong phú, do những bối cảnh, thực tế và văn hóa khác nhau mang lại. Những chia sẻ về Tin Mừng và về cội nguồn của Hiến Sĩ giúp chúng ta đọc và diễn nghĩa những dấu chỉ thời đại thep một cách hiểu chung, trong sự tôn trọng những khác biệt tốt đẹp của toàn Hội dòng. 3. Thực là hay khi bàn về đặc sủng Hiến sĩ, lại sử dụng phương pháp làm việc được các Tổng nghị viên chấp thuận. Phương pháp này đã giúp chúng tôi có sự tổng hợp các sứ vụ Hiến sĩ và bây giờ qua tài liệu này, chúng tôi chia sẻ đến toàn Hội dòng. Phương pháp được sử dụng tại Tổng tu nghị theo các bước sau: 3.1 xác định bối cảnh, những câu hỏi, vấn đề, và những gì liên quan đến chủ đề được chọn; 3.2 xác định các nguồn: Kinh Thánh, văn bản Hiến sĩ và thực hành, tài liệu của Giáo Hội, vv…; 3.3 lượng định các ơn gọi; 3.4 chọn định hướng và kế hoạch ở cấp địa phương, tỉnh, khu vực và Hội dòng; 3.5 nêu ra những liên kết với các lĩnh vực khác có liên quan, ví dụ: tài chính, hoặc huấn luyện (đầu tiên và thường xuyên). 4.Tài liệu này là kết quả của sự phân định chung của chúng tôi về lời mời gọi hoán cải, tiếp nối với chủ đề trọng tâm của Tổng tu nghị lần trước, năm 2010. Chúng tôi hy vọng nó sẽ giúp cho sinh hoạt của toàn Hội dòng ở các cấp độ khác nhau và sẽ là nguồn tài liệu cho tất cả các Hiến sĩ cũng như cho cộng tác viên giáo dân muốn đào sâu đề tài: Evangelizare pauperibus misit me. Pauperes evangelizantur. I - SỨ VỤ VÀ NHỮNG DIỆN MẠO MỚI CỦA NGƯỜI NGHÈO Bối cảnh 5. Là Hiến sĩ, chúng ta đã từng nói về những người nghèo với nhiều khuôn mặt khác nhau. Tại Tổng tu nghị này, chúng tôi đã dành ưu tiên để bàn về những gương mặt mới của người nghèo, những người có hoàn cảnh cấp thiết, cần ơn cứu rỗi mà chỉ có Tin Mừng mới có thể mang lại cho họ. Họ là những người nghèo mới vì những thực tại xã hội mới, chính trị, tôn giáo và kinh tế làm mất phẩm giá của họ, hoặc do chúng ta biết đọc những dấu chỉ của thời đại cách can đảm hơn, đã giúp chúng ta nhận ra họ một cách rõ ràng hơn. 6.Trên khắp thế giới, chúng tôi khẳng định rằng các Hiến sĩ và những người cộng tác với chúng ta luôn sẵn sàng phục vụ những người nghèo khổ và bị bỏ rơi mà chúng ta yêu thương. Thường thì công việc truyền giáo này được nảy sinh qua sự phân định của toàn Hội dòng hoặc bởi các đơn vị. Có nhiều khi, công việc lại phát sinh do những đặc sủng cá nhân. Trong kỳ Tổng tu nghị này, chúng tôi đã xác định những trường hợp khác của người nghèo và chúng tôi đặt câu hỏi: liệu chúng ta có đang thực sự hiện diện nơi đó như một Hiến Sĩ. 7.Xem xét bối cảnh khác nhau của chúng ta, chúng tôi đã xác định được những gương mặt mới của người nghèo trong ba nhóm khác nhau: 7.1 Chúng tôi thấy nghèo về tinh thần: Một số người tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống khi họ đấu tranh với vấn đề lệ thuộc, hoặc giam mình trong chủ nghĩa bè phái, bị cuốn hút vào trào lưu hay chủ nghĩa cực đoan. Những người khác gặp khó khăn trong cuộc sống gia đình của họ, như ly dị và cô đơn, những người lớn tuổi, người phải lệ thuộc và tật nguyền. Gia đình Hiến Sĩ cũng đã trải qua những tình huống bị rối loạn. 7.2 Một số người thì đang di chuyển, đặc biệt là những người di cư, người tị nạn và người vô gia cư. 7.3 Những người khác đang trực tiếp bị ảnh hưởng, phải kêu gào sự công bằng, hòa bình và bảo tồn thiên nhiên. (JPIC / công lý, hòa bình và sự toàn vẹn công trình sáng tạo), chẳng hạn như người dân bản địa, người dân bộ lạc, người bần cùng (Dalits), các tù nhân, nạn nhân của nạn buôn người, bị lạm dụng và bóc lột: phụ nữ và trẻ em, vv… Chúng tôi ý thức hơn về sự khẩn cấp phải chăm sóc trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Nguồn tài liệu 8. Kinh thánh nói về con đường phải theo và một cuộc hành trình. Chúa Giêsu xưng mình là Con đường (Gioan 14: 6). Người sinh ra trong một gia đình di cư (Mt 2: 13-23; Lu-ca 2: 1-7). Các sách hay đoạn văn khác cũng trình bày cùng bối cảnh này: Sáng Thế, Amos, Thư Gioan, Tám Mối Phúc Thật, vv… 9. Giáo hội Công giáo đã khai triển một giáo huấn phong phú liên quan đến những gương mặt mới của người nghèo. Chúng tôi tham khảo các tài liệu gần đây:Evangelii Nuntiandi, Erga Migrantes Caritas Christi (Tình yêu của Đức Kitô đối với người nhập cư), Evangelii Gaudium và Laudato Si. Thông điệp cuối cùng này lưu ý rằng "một sự tiếp cận sinh thái thực sự luôn luôn trở thành một tiếp cận xã hội; nó phải tích hợp công lý trong những cuộc tranh luận về môi trường, để vừa nghe cả tiếng kêu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo “ (LS 49). 10. Cuộc đời của cha thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc giúp chúng ta xác định một số gương mặt mới của người nghèo hiện nay. Gia đình rối loạn của ngài có thể gợi lên cảnh rối loạn của các gia đình hiện nay. Giai đoạn di cư của ngài nhắc nhở chúng ta về thảm cảnh của những người di cư thời gian hiện tại và các vấn đề về công lý và hòa bình. Cuộc đấu tranh của ngài để tìm cho mình một ý nghĩa trong cuộc sống thời niên thiếu, nhắc chúng ta sự đói nghèo tinh thần của thế giới ngày nay của chúng ta. 11. Hiến pháp và Luật dòng cung cấp cho chúng ta các tiêu chí để xác định những gương mặt mới của người nghèo. Chúng ta được kêu gọi để rao giảng Chúa Kitô và Nước của Người cho người nghèo với nhiều khuôn mặt khác nhau; nhưng một khi Giáo hội đã được thành lập, chúng ta lại đi đến với những người mà Giáo hội chưa đến được (HP.5). Điều này có nghĩa rằng, trong cộng đoàn tông đồ, chúng ta phải làm lượng định định kỳ về sự dấn thân của chúng ta (HP.3; LD.7a, 7d.) để đảm bảo rằng chúng ta đang đi về phía những người nghèo mới. Sự phân định có thể dẫn đến việc chúng ta phải rời khỏi những người, địa điểm và các công việc chúng ta yêu thích; nhưng điều này có thể là cách để chúng ta sống mầu nhiệm vượt qua (HP.4). Không có việc nào là xa lạ với chúng ta, miễn là chúng ta truyền giáo cho những người bị bỏ rơi nhất (LD.7b) hoặc những người nghèo mới. Trong công cuộc truyền giáo này, Mẹ Maria luôn là Mẹ và là Người đồng hành của chúng ta (HP.10). Tiếng gọi 12. Trên cơ sở của những định hướng và tính linh hoạt trong Hiến pháp và Luật dòng, chúng ta đáp lời mời gọi để có một tinh thần thiêng liêng của người hành hương, như những người di dân đang trong hành trình. Sau đó, chúng ta phải xem xét các cộng đoàn của chúng ta, và với một tinh thần sáng suốt, nhận diện khuôn mặt mới của người nghèo mà Chúa sai chúng ta đến trong từng bối cảnh. Phương pháp được sử dụng trong các cuộc hội thảo của Tổng tu nghị hoặc một phương pháp tương tự, có thể giúp chúng ta xác định người nghèo mới. Chiến lược 13.Cấp tổng quyền: 13.1 Thiết lập một Ủy ban Sứ vụ chung cấp Hội dòng, sự dấn thân truyền giáo của chúng ta có thể được tăng cường, bằng cách cung cấp các nguồn dữ liệu cho việc phân định cộng đoàn về sứ vụ và hỗ trợ chúng ta đào sâu suy tư đã được bắt đầu ở Tổng tu nghị. 13.2 Ủy ban về Công lý, Hòa bình và bảo toàn công trình Sáng tạo của Hội dòng sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho những nỗ lực trong lĩnh vực này, cộng tác với các nhà dòng khác và các tổ chức của Giáo hội ở các cấp độ khác nhau. 14.Cấp vùng : Tìm những anh em Hiến sĩ trong khu vực có khả năng đồng hành cùng các cộng đoàn địa phương trong cách phân định đã được sử dụng trong Tổng tu nghị. Một ví dụ, chúng ta có thể mời những Hiến Sĩ trong cộng đoàn địa phương đang hoạt động trong lãnh vực tìm những khuôn mặt mới của người nghèo, để đến cộng tác với cấp vùng. Các điều phối viên JPIC của chúng ta và các tổ chức huấn luyện cấp cao đóng một vai trò quan trọng, để giúp đỡ trong việc tìm ra những đáp án thiết thực cho tình hình của người nghèo mới. Tìm ra ba cộng đoàn trong vùng, đã từng giúp đỡ một số người nghèo mới trong ba nhóm được xác định trong phần nói về bối cảnh trên, và tìm cách để hỗ trợ các cộng đoàn này. Thiết lập một Ủy ban Sứ vụ trong vùng, phối hợp với Ủy ban Sứ vụ cấp tổng quyền (nơi nào có thể). 15.Cấp đơn vị: 15.1 Đẩy mạnh phương pháp được sử dụng trong Tổng tu nghị cho việc phân định trong cộng đoàn tông đồ. 15.2 Đồng hành cùng các cộng đoàn tông đồ đã sẵn sàng trong việc sử dụng phương pháp này. 15.3 Phối hợp với Giáo hội địa phương và các dòng khác. 15.4 Tăng cường sự đóng góp của JPIC trong việc phân định, ví dụ bằng cách lập một ủy ban JPIC năng động để giúp đào tạo và nhận thức một cách thường xuyên, và bằng cách xây dựng một chương trình JPIC ở tất cả các cấp độ huấn luyện (đầu tiên và thường xuyên). 16. Cấp cộng đoàn địa phương : 16.1 Sử dụng phương pháp của Tổng Tu nghị để phân định ai là người nghèo mới trong bối cảnh địa phương và làm thế nào để đến với họ. Hãy đảm bảo rằng những vấn đề được JPIC quan tâm đều nằm trong sự phân định này. 16.2 Đối với việc phân định này, các đặc sủng riêng của mỗi Hiến Sĩ phải được chú ý tới, vì họ có thể làm phong phú thêm cho các dự án cộng đoàn bằng những tương quan với giáo dân, đặc biệt là với những người trẻ. Dấn thân 17.Nhu cầu mới đòi hỏi phương tiện mới. Khi đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần để khám phá ra những gương mặt mới của người nghèo trong bối cảnh khác nhau, chúng tôi đã xác định được một số tác động : 17.1 Tìm ra nhân sự đã được chuẩn bị sẵn sàng để đồng hành với tiến trình phân định này. 17.2 Lên kế hoạch hỗ trợ tài chính để duy trì sứ vụ. 17.3 Chuẩn bị cho các Hiến Sĩ và giáo dân biết trải nghiệm bằng việc đắm mình trong môi trường của người nghèo mới, vì việc lắng nghe và đồng hành là những thái độ cần thiết để có thể học hỏi từ họ. 17.4 Sử dụng các ngành khoa học xã hội để hiểu được tận căn nguyên nhân gây ra đói nghèo. 17.5 Hoạt động liên kết tích cực với Giáo hội (với nhiều cấp độ khác nhau: Vatican, các dòng tu, các giáo phận, giáo xứ, tông đồ giáo dân), các tổ chức phi chính phủ và tất cả những ai làm việc với những người mà chúng ta đã xác định là những người nghèo mới. II - SỨ VỤ VỚI GIỚI TRẺ 18.Di sản truyền giáo nhận được từ thánh Igienio Mai Thiên Lộc rõ ràng đặt giới trẻ vào trọng tâm ơn gọi truyền giáo của chúng ta. Không khác thời của Đấng sáng lập, ngày nay tình trạng của họ thật khẩn cấp và mời gọi chúng ta khám phá những cách thức mới để đồng hành với họ theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Bối cảnh 19.Là một phần của thế hệ trẻ, nghĩa là biết chia sẻ những giá trị và các mối bận tâm của họ, chúng tôi xác định một số yếu tố: tầm quan trọng của sự tự do; ý thức mạnh mẽ của sự liên kết và tình bằng hữu; tìm kiếm tâm linh và ý nghĩa trong cuộc sống, luôn an vui, hạnh phúc và khoan dung. Chúng tôi cũng xác định những phản giá trị trong giới trẻ như: phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa tương đối, nghiện ngập (ma túy, rượu, tình dục), tự do mà không có trách nhiệm, và quá bận rộn. 20.Nhiều hình thức nghèo ảnh hưởng đến giới trẻ. Nhiều người trẻ trải nghiệm đói nghèo vật chất, chẳng hạn như thiếu giáo dục, vấn đề sức khỏe và tình trạng thất nghiệp. Không biết Chúa Kitô và gặp khó khăn để tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống, là nguyên nhân nghèo tinh thần. Những người trẻ cần phải lớn lên trong một bầu khí của tình yêu, chăm sóc và đón nhận, nơi đó họ có thể học để tự khẳng định. Họ cần lớn lên trong môi trường cộng đoàn, nơi có những mẫu gương tốt để họ hướng đến. Những nhu cầu này đều gặp cản trở, chẳng hạn như gia đình rạn nứt và đổ vỡ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối, và thiếu giáo dục về con người và tinh thần. 21.Là Hiến Sĩ, trong sứ vụ của chúng ta với các bạn trẻ, chúng ta gặp một số khó khăn. Chưa có nhiều sự hợp tác giữa anh em Hiến Sĩ. Mặc dù sứ vụ này hiện diện ở một số đơn vị, đặc biệt là nơi một người nào đó được bổ nhiệm làm điều phối viên, nhưng trong hầu hết các cộng đoàn lại có vẻ không được tổ chức có bài bản, trở nên một sứ vụ mà mọi người cộng tác vào. Một ưu tư khác là chúng ta cần huấn luyện thêm cũng như tăng cường kỹ năng chuyên môn cho các Hiến Sĩ hoạt động với giới trẻ và cho các nhà lãnh đạo giáo dân. Nguồn tài liệu 22.Các nguồn tài liệu đầu tiên tạo nguồn cảm hứng cho sứ vụ với người trẻ là Kinh Thánh. Trong Tin Mừng, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu rất gần gũi với những người trẻ. Người chữa lành cho con gái ông Giai-rô “ (Mc 5: 21-43). Người đã phục sinh con trai bà góa thành Naim (Lc 7: 11-17). Người kêu gọi chàng thanh niên giàu có từ bỏ tất cả mọi thứ và đi theo Người (Mt 19: 16-26) và Người tiếp tục nói: "Hãy đến mà xem" (Ga 1:39). Trong các phần khác của Tân Ước, chúng ta cũng thấy Gioan và Phaolo rất quan tâm đến đời sống tinh thần của giới trẻ (Ga 2: 13-14; I Tm 4: 12-14). 23.Cuộc sống của Đấng sáng lập cũng là nền tảng để tạo cảm hứng cho sự dấn thân mục vụ của chúng ta với giới trẻ. Thánh Mai Thiên Lộc trải nghiệm tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu dưới chân Thánh Giá, và từ kinh nghiệm này, ngài được mời gọi tham gia vào sứ mệnh của Chúa Giêsu. Những ưu tiên của ngài trong việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo là những tù nhân, nông dân, và người trẻ. Trong thực tế, hầu hết thời gian sứ vụ của ngài khi còn là một linh mục trẻ và cũng như sau này là Đấng sáng lập Dòng Truyền giáo vùng Provence, luôn được dành cho giới trẻ gắn bó với ngài trong Hiệp hội các bạn trẻ tại Aix. 24.Thông điệp cho Ngày Giới trẻ Thế giới xuất bản mỗi năm bởi Đức thánh cha cũng cung cấp một số hướng dẫn mục vụ. Trong thông điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31 năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxico khuyến khích các bạn trẻ hãy nhìn vào Chúa Giêsu để tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống của họ: "Các bạn trẻ thân mến, [...] một cái nhìn từ [Chúa Giêsu] có thể thay đổi cuộc sống của bạn và chữa lành các vết thương trong tâm hồn bạn. Đôi mắt của Người có thể làm dịu cơn khát sâu thẳm trong con tim trẻ trung của các bạn, khao khát tình yêu, hòa bình, niềm vui và hạnh phúc đích thật. Hãy đến với Người và đừng sợ ! Hãy đến với Người và nói từ sâu thẳm trong trái tim của mình: "Lạy Chúa Giê-su, con tin tưởng vào Ngài". Hãy để mình được chạm bởi lòng thương xót vô biên của Người, để đến lượt bạn sẽ trở thành những tông đồ của lòng thương xót bằng những hành động của bạn, lời nói và lời cầu nguyện trong thế giới của chúng ta, một thế giới đang bị tổn thương bởi sự ích kỷ, hận thù và nhiều thất vọng. " 25. Đại hội lần thứ 2 về sứ vụ với người trẻ diễn ra tại Aix-en-Provence tháng 3 năm 2016 là cơ hội để suy nghĩ về sự hiện diện của anh em Hiến Sĩ và các cộng tác viên trong giới trẻ. Rất nhiều gợi ý đã hình thành và đây là một tài liệu tham khảo quan trọng cho sự phân định của chúng ta trong mục vụ giới trẻ. Tiếng gọi 26.Hiến sĩ có một truyền thống lâu dài làm việc với những người trẻ thông qua các giáo xứ, các cơ sở giáo dục và các tổ chức giới trẻ hiện nay. Trong bối cảnh của truyền thống này, chúng ta nghe tiếng gọi của Chúa Thánh Thần để đồng hành với người trẻ trong cuộc hành trình của họ, hầu trở thành những con người (… khám phá ra phẩm giá của họ), sau đó là Kitô hữu và cuối cùng trở nên thánh. Cũng như trong thời Đấng sáng lập, ngày hôm nay cũng thế, chúng ta thấy rằng sứ vụ với giới trẻ và cho người trẻ được ưu tiên, bởi vì qua giới trẻ ngày nay, chúng ta xác định một trong những gương mặt mới của người nghèo. Đây phải là một ưu tiên thực sự và chúng ta muốn tái khẳng định đây là một sứ vụ đích thực của Hiến Sĩ. Lắng nghe những nhu cầu của người trẻ ngày nay, chúng ta nhạy cảm với tiếng gọi khẩn cấp để phát triển tầm nhìn truyền giáo, hầu chia sẻ cho Hội dòng và cho gia đình Mai Thiên Lộc, bằng cách dành cuộc sống của mình cho sứ vụ với giới trẻ. Kế hoạch 27.Để đáp ứng lại yêu cầu của Đại hội lần thứ 2 về sứ vụ với người trẻ, và như cha Tổng quyền đã đề cập trong báo cáo của ngài dịp Tổng tu nghị, các tài liệu được trình bày tại Đại hội lần thứ 2 đã được xem xét bởi các Tu nghị viên từng làm việc trong một nhóm chuyên về sứ vụ với người trẻ. Họ đề xuất việc áp dụng các khuyến nghị sau đây (để biết thêm chi tiết, xin đọc các báo cáo của Đại hội lần thứ 2 về sứ vụ với người trẻ). 28.Cấp tổng quyền: 28.1 Thiết lập một Ủy ban quốc tế thường trực cho sứ vụ của Hiến Sĩ với giới trẻ. Ủy ban này, được thành lập bởi cha Tổng quyền thông qua Ban cố vấn, bao gồm các Hiến Sĩ và giáo dân đại diện cho từng vùng. Một vị trưởng ban sẽ được chỉ định. 28.2 Hỗ trợ việc tiếp đón tại địa phương cho Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức bởi Ủy ban Mục vụ Hiến Sĩ với giới trẻ (nếu có). 28.3 Thiết lập một Quỹ tương trợ cho giới trẻ ở cấp Tổng quyền - và nơi nào có thể, ở cấp khu vực - để hỗ trợ các đơn vị bằng việc tiếp đón và tham gia vào các sự kiện giới trẻ tại địa phương, khu vực và trên toàn thế giới. 28.4 Dành một năm cho Ơn gọi Hiến sĩ trong nhiệm kỳ hiện tại, theo những gì Đại hội Ơn gọi Hiến Sĩ đã yêu cầu. 29.Cấp khu vực: Thiết lập một ủy ban cố định để tìm cách hợp tác giữa các cộng đoàn địa phương và các đơn vị Hiến Sĩ. Ủy ban gồm điều phối viên của mỗi đơn vị Hiến sĩ và giáo dân hoặc tu sĩ khác làm việc với chúng ta trong sứ vụ với người trẻ. 30/ Cấp địa phương và đơn vị: 30.1 Thành lập các nhóm truyền giáo cho sứ vụ với giới trẻ tại các địa phương và đơn vị. Nhóm sẽ gồm các Hiến Sĩ, người trẻ và giáo dân hay thành viên của gia đình Mai Thiên Lộc đã khấn. Họ sẽ hợp tác với các giáo xứ địa phương. 30.2 Mở cửa cộng đoàn của chúng ta cho những người trẻ, ví dụ những người muốn dành một chút thời gian cho sứ vụ này. 30.3 Khẳng định chiều kích ơn gọi là cần thiết cho sứ vụ với giới trẻ. 30.4 Mỗi đơn vị bổ nhiệm một Hiến Sĩ dành trọn thời gian để điều phối sứ vụ với giới trẻ. 30.5 Có một kế hoạch truyền giáo trong việc sử dụng truyền thông &công nghệ (ICT) và truyền thông xã hội. 30.6 Thúc đẩy việc quan tâm đến sứ vụ với giới trẻ trong việc huấn luyện đầu tiên và thường xuyên. Hệ quả. 31.Quỹ tương trợ cho giới trẻ có thể được thiết lập bởi ban hành chính tổng quyền - Và nếu có thể, ở cấp khu vực - sẽ đáp ứng nhu cầu vật chất của sứ vụ giới trẻ. 32.Sự xúc tiến chương trình dành cho việc huấn luyện và đào tạo Hiến Sĩ đã đề cập, sẽ đáp ứng nhu cầu công tác huấn luyện. III – VIỆC HUẤN LUYỆN CHO CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO 33.Là Hội dòng truyền giáo, chúng ta ý thức công tác huấn luyện là cho việc truyền giáo. Những biến đổi đáng kể trong thế giới hôm nay tác động đến sứ vụ của Hiến Sĩ và đương nhiên trên chương trình huấn luyện của chúng ta. Những biến đổi này đòi hỏi sự thích nghi và liên tục cập nhật trong cách chúng ta huấn luyện, để công việc có thể hữu hiệu hơn và được trang bị với những việc thực hành tốt nhất cho sứ vụ. Bối cảnh 34.Bối cảnh của việc huấn luyện các Hiến sĩ truyền giáo được đặc trưng bởi việc toàn cầu hóa. Trong thế giới này, nơi mà sự giao tiếp và đa văn hóa hiện diện ở khắp nơi, chúng ta nhìn vào thực tế hiện nay ở nhiều chiều kích: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, vv… 35.Giáo hội mà chúng ta đang phục vụ là đa nguyên, đặc biệt nếu chúng ta nhận định những khác biệt theo Giáo hội học, trong Giáo hội địa phương. Một số tầm nhìn trong Giáo hội thúc đẩy chủ nghĩa giáo quyền và nghiêm khắc. Những điều này có thể có tác động vào bầu khí trong việc huấn luyện của chúng ta. 36.Chúng ta đang huấn luyện các Hiến Sĩ trong một bối cảnh mà chúng ta thấy những người nghèo với nhiều khuôn mặt mới, thế giới của những người trẻ, tính đa văn hóa và sự cần thiết của đối thoại. Chúng ta cũng thấy trái đất, ngôi nhà của chúng ta, đang xấu đi như thế nào. Trong bối cảnh này, chúng ta được mời gọi để tìm ra những chương trình huấn luyện tốt nhất, để chuẩn bị cho các Hiến Sĩ trong sứ vụ hôm nay. Chúng ta phải đi xa hơn, hướng tới việc huấn luyện tập trung vào Chúa Kitô, Giáo hội và sứ vụ rao giảng Tin Mừng. 37.Một khi đã ý thức các vấn đề, những câu hỏi và những thách thức của việc huấn luyện, trước hết, chúng ta phải nhận thức được rằng: những người trẻ ngày nay khác với ngày hôm qua. Chương trình huấn luyện của chúng ta phải thích nghi với những người trẻ đến với chúng ta. Điểm khởi đầu trong việc tổ chức các chương trình huấn luyện là phải bắt đầu bằng việc xem hiện trạng của người trẻ. 38.Chúng ta mong muốn đào tạo nên những Hiến Sĩ có khả năng tích hợp các giá trị sống những Lời khuyên Phúc Âm vào đời sống truyền giáo của mình, và những người trưởng thành trong việc dấn thân suốt cuộc đời của mình. Chúng ta phải lượng định việc huấn luyện thế nào để có đời sống khiết tịnh và có tình cảm lành mạnh. Việc huấn luyện của Hiến Sĩ cần đào tạo ra những nhà truyền giáo phát triển trong tự do nội tâm, và luôn sẵn sàng cho các nhu cầu cấp bách của sứ vụ trong suốt cuộc đời của họ. 39.Việc huấn luyện phải tạo nên một đời sống gắn kết và toàn vẹn với tất cả các giá trị của đời sống thánh hiến. Nó sẽ giúp chúng ta tích hợp chiều kích JPIC (công lý, hòa bình và sự toàn vẹn công trình sáng tạo) trong đời sống cộng đoàn của chúng ta và trong sứ vụ. Điểm quan trọng cũng như vậy, việc huấn luyện phải chú trọng đến thực hành và truyền thống. 40.Chương trình huấn luyện phải chuẩn bị cho Hiến Sĩ có thể đảm nhận trách nhiệm trong Hội dòng và các đơn vị. Các đơn vị phải có chương trình đào tạo thích nghi cho sự tiến triển hoặc suy giảm mà đơn vị đang phải trải qua. 41.Chúng ta có trách nhiệm đảm bảo nguồn tài liệu thích hợp cho các nhà huấn luyện, cộng đoàn, tài chính. Các đơn vị phải chu đáo chuẩn bịcó các cộng đoàn tông đồ năng động để chào đón và đồng hành cùng các ứng viên ơn gọi. Đơn vị phải sáng tạo trong việc tìm cách để tài trợ cho các chương trình huấn luyện đầu tiên. Tài chính dành cho các nhà huấn luyện cần được quan tâm và lên chương trình rõ ràng. Nguồn tài liệu. 42.Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể kể lại ơn gọi của Môi-se: Chúa phán "Ta đã thấy sự khốn cực của dân Ta còn ở đất Ai Cập, và Ta đã nghe tiếng kêu than vì bị đàn áp. Vâng, Ta biết đến nỗi khổ đau của dân Ta. Ta đã đến để cứu thoát dân Ta khỏi tay người Ai Cập và dẫn chúng về một vùng đất đầy sữa và mật". [...]."Nay những lời than van của dân Israel đã đến tận Ta và Ta đã thấy sự đàn áp mà dân Ai Cập buộc họ phải chịu.” (Exodus 3: 7-8a.9). 43.Ngoài ra còn có việc Đức Kitô mời gọi các Tông Đồ: " và Người đã chọn mười hai vị, đặt tên cho họ là tông đồ, để được ở bên Người, và được gửi đi để loan báo Tin Mừng" (Mc 3:14) 44.Hiến pháp và Luật dòng của chúng ta và các điều lệ chung cho việc huấn luyện Hiến Sĩ luôn là công cụ cần thiết để thiết lập chương trình đào tạo tại các đơn vị. Tiếng gọi 45.Để cung cấp việc đào tạo cho các nhà truyền giáo trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta được mời gọi bởi Thánh Linh, để mở mắt cho chúng ta thấy thực tế và để tự rèn luyện bản thân hấu có thể đối thoại với thế giới ngày nay. Biết đọc những dấu hiệu của thời đại là một cách để vâng theo những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đây là sự trung thành với một quá trình phân định việc loan báo Tin Mừng. 46.Là tu sĩ sống đời thánh hiến, được gởi đến những sứ vụ khó khăn, chúng ta nhận thức rằng, chúng ta được mời gọi để vượt qua nỗi sợ hãi, hầu tìm những phương pháp tiếp cận mới và phù hợp hơn trong lĩnh vực huấn luyện cho sứ vụ. Chúng ta cam kết dấn thân trong một quá trình huấn luyện suốt đời: đây là việc huấn luyện toàn diện chớ không chỉ là học tập. 47.Chúng ta cũng ý thức rằng, mình cần được huấn luyện cá nhân và theo hoàn cảnh. Chiến lược 48.Chúng ta nhấn mạnh rằng trước bất cứ điều gì khác, việc mang ra thực hành những Nguyên tắc chung của huấn luyện Hiến Sĩ phải là điểm khởi đầu cơ bản cho Hội dòng và cho các đơn vị. 49.Hơn thế nữa, chúng tôi đề xuất ba hướng cơ bản cho Hội dòng trong sáu năm tới. Đầu tiên: Căn tính của chúng ta là "người tông đồ" trong ánh sáng của đoàn sủng Hiến Sĩ. Chúng tôi muốn nói rõ rằng, tất cả việc huấn luyện (căn bản và thường xuyên) đều có mục tiêu là sự phát triển và tăng trưởng con người tận hiến, mà đầu tiên và quan trọng nhất phải là "tông đồ truyền giáo." 49.1 Chúng ta sẽ đảm bảo rằng các chiều kích của đời dâng hiến của Hiến Sĩ và tầm nhìn truyền giáo là trung tâm của chương trình đào tạo, đặc biệt nơi nào việc huấn luyện diễn ra trong các cơ sở giáo phận. Trong số những ưu điểm của những nơi này, chúng ta quan tâm đến tính cộng đoàn tông đồ, trao đổi văn hóa, học ngôn ngữ khác, sự gần gũi và trao đổi với người nghèo. 49.2 Một chương trình huấn luyện thích hợp là cần thiết cho các nhà huấn luyện, để họ có thể làm việc theo nhóm và nhạy bén với trao đổi văn hóa. 49.3 Để chuẩn bị tốt nhất cho người tông đồ ra đi truyền giáo, mỗi khu vực sẽ tiếp tục làm thế nào liên kết các cơ sở huấn luyện với việc trao đổi giữa các vị đào tạo. 49.4 Toàn bộ Hội dòng đều phải quan tâm đến việc huấn luyện đầu tiên. Thứ hai: Việc huấn luyện thường xuyên cho sứ vụ trong thế giới hôm nay. Việc huấn luyện của Hiến Sĩ là cho suốt đời, chia thành nhiều giai đoạn và chiều kích khác nhau. Nó bắt đầu với việc phân định ơn gọi. 49.5 Ban Tổng quyền sẽ đảm bảo rằng Trung tâm Igiê-nio Mai Thiên Lộc quốc tế ở Aix-en-Provence luôn sẵn sàng tiếp đón tất cả các thành viên của Hội dòng. 49.6 Mỗi đơn vị sẽ có một chương trình đào tạo thường xuyên, tập trung trên việc huấn luyện toàn diện, không chỉ huấn luyện về kiến thức. Việc huấn luyện toàn diện này giúp phát triển khả năng để đối mặt với thất bại, trống vắng, cô đơn và bất lực để thay đổi những gì đó. Hơn nữa, nó sẽ giúp cho người thụ huấn của chúng ta phát triển khả năng tiến bộ trong tính trung thực và cởi mở hơn trong sự dấn thân tu sĩ và truyền giáo. Nó sẽ giúp họ biết sáng tạo và giúp họ biết sống trưởng thành trong tương quan mục vụ. Huấn luyện thường xuyên cũng giúp chúng ta biết đối mặt với tuổi già và với ý nghĩa mới trong sứ vụ của giai đoạn này trong cuộc sống. 49.7 Trong việc huấn luyện đầu tiên và thường xuyên, mỗi đơn vị cam kết nâng cao nhận thức của anh em trong việc bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương. 49.8 Mỗi đơn vị sẽ có «chương trình tư vấn» cá nhân và sự đồng hành thích hợp trong cộng đoàn tông đồ cho tất cả các Hiến Sĩ trẻ, đặc biệt là trong năm năm đầu tiên sau khi khấn. 49.9 Mỗi đơn vị sẽ lên kế hoạch tốt cho một chương trình nghỉ phép “sa-bát” cho các thành viên của mình. 49.10 Lấy cảm hứng từ triển vọng truyền giáo của Thánh Mai Thiên Lộc: «để xem thực trạng của thế giới qua ánh mắt của Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh», mỗi đơn vị sẽ soạn thảo những chương trình, để trong cộng đoàn tông đồ, thường xuyên thẩm định công việc truyền giáo của chúng ta và để phân tích chúng một cách thần học. 49.11 Mỗi đơn vị sẽ đảm bảo rằng các thành viên của họ, vì lợi ích của mình, biết chăm sóc sức khỏe, cảm xúc và tinh thần của họ. Thứ ba: Việc huấn luyện cho giáo dân, với giáo dân và bởi giáo dân. Chúng tôi đề nghị nên phối hợp chặt chẽ với các giáo dân nam nữ trong suốt chương trình huấn luyện thường xuyên. Anh chị em giáo dân, kể cả người nghèo, trở thành giáo viên của chúng ta. Từ họ, chúng ta học hỏi được nhiều về cuộc sống và nhận được sự khôn ngoan thực tiễn cũng như những hiểu biết sâu xa, làm giàu cho kiến thức của mình. 49.12 Mỗi đơn vị sẽ cậy nhờ đến người giáo dân trong việc thực tập sứ vụ của anh em thụ huấn. 49.13 Mỗi đơn vị sẽ tạo cơ hội để quen biết các gia đình và khuyến khích việc tôn trọng và trưởng thành trong mối tương quan với mọi người, nam cũng như nữ. 49.14 Mỗi đơn vị sẽ tạo điều kiện cho sự hội nhập của thanh niên nam nữ trong cộng đoàn tông đồ của chúng ta. Sứ mệnh. 50/ Huấn luyện căn bản: 50.1 Mỗi đơn vị sẽ có một chương trình cho việc huấn luyện cụ thể cho các Hiến Sĩ Tu huynh. 50.2 Mỗi đơn vị sẽ có định hướng rõ ràng về tài chính trong chương trình huấn luyện. 50.3 Mỗi đơn vị sẽ khuyến khích sự cộng tác với các dòng khác trong việc huấn luyện Hiến Sĩ. 50.4 Mỗi đơn vị sẽ thúc đẩy sứ vụ JPIC như là một phần của chương trình huấn luyện. 51/ Huấn luyện thường xuyên: 51.1 Mỗi đơn vị sẽ gây quỹ tập trung cho những kỳ nghỉ Sa-bát. 51.2 Mỗi đơn vị sẽ đảm bảo việc huấn luyện cho các vị bề trên và các nhà lãnh đạo để điều hành đời sống cộng đoàn. IV - SỨ VỤ VÀ TRAO ĐỔI VĂN HÓA. 52.Sự thay đổi trong thống kê nhân khẩu đang tiến hành trong Hội dòng của chúng ta và trong Giáo hội cho thấy sự chuyển biến đáng kể và sự pha lẫn về nhân sự Hiến Sĩ trong cộng đoàn tông đồ địa phương. Thực trạng mới này đôi khi là nguồn gốc của sự căng thẳng. Đột nhiên, chúng ta cảm nhận ở nhiều nơi cần phải điều chỉnh lại cách hành xử và cấu trúc, để tạo điềukiện cho sự hiểu biết tốt hơn giữa những người đến và những người đón tiếp. Bối cảnh 53.Hội nhập văn hóa khác với đa văn hóa, là một thực tại. Hội nhập văn hóa nhấn mạnh đến những gặp gỡ và trao đổi giữa các nền văn hóa từ cả hai bên, khi các nền văn hóa phong phú hóa cho nhau, hòa lẫn, tôn trọng, đối mặt và chấp nhận đối thoại với nhau. Hội nhập văn hóa là một quá trình cố ý hoán cải. Đó là một tầm nhìn, một con đường và nó đòi hỏi sự hỗ tương. 54.Xã hội của chúng ta đang ngày càng trở nên đa văn hóa. Thực trạng mới này, không may, lại đi đôi với sự phân mảnh, sự tan rã của một xã hội gắn kết dựa trên sự phân chia. Điều này tạo nên sự củng cố về căn tính, là nguồn của việc loại trừ người ngoại quốc. Tất cả những thứ đó tạo nên những bức tường ngăn cách. 55.Hội nhập văn hóa phải đối mặt với những trở ngại. Việc nhấn mạnh vào chủ nghĩa cá nhân chiếm ưu thế trong các nước công nghiệp của Bắc bán cầu, gây cản trở quá trình hội nhập văn hóa. Việc ngăn chận của một số nền văn hóa chưa sẵn sàng mở cửa đón nhận, cũng ảnh hưởng đến hội nhập văn hóa. 56.Những thách thức khác phải vượt qua để đáp lại tiếng gọi của Thánh Linh hầu chấp nhận hội nhập văn hóa, là ảnh hưởng của thế tục hóa và sự khác biệt tôn giáo, đều tác động đến các nền văn hóa. Chúng ta sẽ tích cực hơn trong hội nhập văn hóa nếu chúng ta bắt đầu với một cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa khác nhau. 57.Sự gặp gỡ khó khăn giữa các nền văn hóa cũng có trong chúng ta, là những nhà truyền giáo Hiến Sĩ. Khi một Hiến sĩ đến một đơn vị để thi hành sứ vụ, không phải lúc nào cũng có một trải nghiệm tích cực. Hội nhập văn hóa trong cuộc sống hằng ngày và sứ vụ đều có cái giá của nó về tâm lý, thể lý và tinh thần, đòi hỏi ước muốn mở cửa và hội nhập trong cả hai bên. Sống hội nhập văn hóa ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của một người, bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất hằng ngày, như thực phẩm và cách ăn uống, rồi đi đến những thực tế sâu xa hơn, như tương quan với Thiên Chúa, cũng như tương quan với mọi người nam nữ. 58.Là một Hội dòng quốc tế luôn rộng mở, chúng ta nghe Chúa Thánh Linh kêu gọi chúng ta sống và làm việc hội nhập văn hóa. Đôi khi chúng ta phải dẹp đi cách suy nghĩ của mình để xây dựng lại trên những nền tảng mới. Làm thế nào để chúng ta vượt qua sự khác biệt để đi đến đối thoại và minh bạch về cách chúng ta thi hành sứ vụ ? Tổng Tu nghị 2010 đòi hỏi một phần của chương trình huấn luyện trí thức hoặc thực tập nên được sống ở nước ngoài. Chúng ta quan tâm đến việc này như thế nào, hay có thể làm hơn thế nữa ? Hơn nữa, là Hiến Sĩ, làm thế nào để chúng ta giúp bảo tồn các nền văn hóa thiểu số ? Nguồn tài liệu 59.Tân Ước cho thấy cách để hội nhập văn hóa. Chúng ta có thể nhớ lại những cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với những người không phải là Do Thái và với những phụ nữ Syro-Phê-ni-xi Samaritano (Mc 7: 25-30; Mt 15: 21-28 & Ga 1: 1-42), hay những câu chuyện về những cuộc hành trình truyền giáo trong Công Vụ Tông Đồ (ví dụ như Cv 13: 4-14: 28). Vị tông đồ Phêrô cũng trải nghiệm việc bị quấy rầy trong cuộc gặp gỡ với ông Cornelius (Cv 10: 1- 11:18). Ông và Phao-lô có cùng nền văn hóa, nhưng họ bổ sung cho nhau bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận khác nhau để rao giảng Tin Mừng 60.Hội nhập văn hóa đánh dấu truyền thống truyền giáo của Hiến Sĩ chúng ta. Vị Sáng lập đã nói tiếng Provence để tiếp cận những người trong ngôn ngữ của họ. Là Giám mục của Mác-xây, ngài đến thăm mọi thành phần dân chúng tại nhà của họ và đã tìm đến những người nhập cư Ý. Ngài đã gửi các nhà truyền giáo đi ra nước ngoài chớ không chỉ trong phạm vi nước Pháp. Điều này đã mở ra cho chúng ta thấy từ thời điểm đầu của Hội dòng của chúng ta, đã dần dần đưa chúng ta đến khái niệm mới này của hội nhập văn hóa. Trong suốt cuộc hành trình truyền giáo của Hiến sĩ trên toàn cầu, một số Hiến sĩ cũng vậy, đã trở thành mô hình cho việc công bố Tin Mừng qua việc tiếp cận với các nền văn hóa, như Cha Giu-se Gia-Hòa. 61.Ngay từ đầu, Hiến pháp và Luật dòng của chúng ta trình bày hình ảnh của các tông đồ tụ họp quanh Chúa Giêsu, như là mô hình của cuộc đời truyền giáo của chúng ta. Những người này đến từ những nơi khác nhau và tất cả đều được sai phái đến các địa điểm khác nhau (C 3). Những đoạn của Hiến pháp và Luật dòng của chúng ta và các tài liệu của những Tổng tu nghị trước cho thấy, Hội dòng đã liên tục dùng từ "văn hóa" giữa chúng ta. Tiếng gọi 62.Chúng ta cảm nhận được tiếng Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta biết hoán cải trong lĩnh vực hội nhập văn hóa: sống sâu sắc hơn sự căng thẳng xảy ra giữa khuynh hướng cục bộ và sự phong phú đa dạng, có thể học được điều gì mới như một đứa trẻ, để phát triển khả năng học hỏi, để quên đi và bật lại, để lựa chọn hội nhập văn hóa như một lối sống, như một cách hiện hữu trong sứ vụ. 63.Chúng ta cũng nhận ra ơn gọi phải phá vỡ rào cản, làm chứng nhân trong cộng đồng đa văn hóa, như một dấu chỉ tiên tri chống phân biệt chủng tộc, v.v… muốn loại trừ người khác, đóng khung chỉ trong những người của mình và có thể gây ra một cuộc đụng độ các nền văn minh. 64.Một lần nữa, chúng ta nghe tiếng gọi để nhập vào một linh đạo đa văn hóa, để phát triển những kỹ năng sẽ cho phép chúng ta phát triển trong hội nhập văn hóa, trong cộng đoàn tông đồ và trong cộng đoàn huấn luyện. 65.Tóm lại, đây là vấn đề hoán cải, chuyển đổi từ đa văn hóa sang hội nhập văn hóa trong Hội dòng và trong sứ vụ của chúng ta. Chiến lược 66/ Ở cấp độ tổng quyền: 66.1 Thúc đẩy việc học về truyền giáo. 66.2 Tập họp các nhà Học viện lại với nhau để phát huy kinh nghiệm hội nhập văn hóa. 66.3 Khai triển những hình thức linh hoạt như tiến trình của Tam Niên, để thúc đẩy tính hội nhập văn hóa. 66.4 Tổ chức một hội nghị chuyên đề về hội nhập văn hóa và khuyến khích sự tham gia những hội nghị về hội nhập văn hóa. 66.5 Tập trung việc huấn luyện theo cấp độ tổng quyền để phát huy sự năng động trong hội nhập văn hóa và căn tính truyền giáo sâu xa hơn. 66.6 Phát triển kỹ năng điều hành cho các bề trên. 67.Ở cấp độ khu vực: 67.1 Tổ chức các dự án hội nhập văn hóa và thúc đẩy việc thành lập các cộng đoàn đa văn hóa, đặc biệt ở những nơi có anh em thiểu số bị bỏ rơi. 67.2 Tổ chức một hội nghị về các quốc gia bản xứ hoặc những người dân bản địa, bao gồm cả chiều kích của sự hòa giải. 67.3 Kê khai ra các chương trình có sẵn của các nhóm nghiên cứu và của các nhà huấn luyện của chúng ta. 67.4 Thúc đẩy việc trao đổi nhân sự huấn luyện (các nhà huấn luyện ở cấp khu vực). 68/ Ở cấp đơn vị: 68.1 Đề xuất các loại hình linh hoạt và nhận thức về thực tế đa văn hóa của những nơi chúng ta đang sống. 68.2 Cung cấp phương tiện để quản lý xung đột giữa các cá nhân (một số công cụ đã tồn tại). 68.3 Gửi các học viên sang các nước khác trong chương trình huấn luyện đầu tiên. 68.4 Áp dụng các quyết định của khu vực về chia sẻ các chương trình huấn luyện và trao đổi nhân sự. 69.Ở cấp cộng đoàn địa phương: 69.1 Mời tất cả mọi người chia sẻ quá trình cuộc sống của mình với cộng đoàn địa phương và thực hành việc kiểm điểm cuộc sống cũng như sự phân định trong cộng đoàn. 69.2 Khuyến khích học sinh ngữ, đặc biệt là ba ngôn ngữ quốc tế của Hiến Sĩ, và học các ngôn ngữ cũng như các nền văn hoá địa phương. 69.3 Phát triển các công cụ linh hoạt về các chủ đề sau: chào đón anh em Hiến Sĩ ngoài cộng đoàn đến viếng thăm, kể chuyện đời họ và chia sẻ đức tin, cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn. Hàm ý 70/ Các chiến lược trên có những hàm ý sau: 70.1 Dự tính về tài chính trong việc thực hiện công việc hội nhập văn hóa trong toàn Hội dòng. 70.2 Đào tạo các nhà huấn luyện trong một bối cảnh văn hoá quốc tế khác. 70.3 Cộng tác với các dòng khác để chia sẻ nguồn lực nhân sự có sẵn. V - SỨ VỤ VÀ TRUYỀN THÔNG Xà HỘI 71.Các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò Tòa tối cao của A-tê-na mới của thời hiện đại. Nó kêu gào cho sự hiện diện truyền giáo của Giáo hội. Trong số rất nhiều tiếng kêu lấp đầy các phương tiện truyền thông này và trong số nhiều đề nghị mà nó truyền tải, Tin Mừng phải tìm ra chỗ đứng để loan báo về Chúa Giê-su Kitô. Bối cảnh 72."Phương tiện truyền thông xã hội" là thuật ngữ dùng để mô tả một loạt các trang WEB, ứng dụng và công nghệ, cho phép mọi người tương tác xã hội với những người trực tuyến khác. Rất thường được gọi là Truyền thông mới. Truyền thông xã hội bắt đầu bằng các blog và podcast và các công cụ tập trung vào tác giả như Twitter, YouTube, Facebook, Instagram, Pinterest, FaceTime, Skype, LinkedIn, Tumblr, Vine, Slideshare và nhiều ngôn ngữ khác. Điều này có nghĩa là báo giấy, đài truyền hình và đài phát thanh được xem là "Truyền thông già cỗi”. Ở một số nơi trên thế giới, những hình thức này vẫn còn tồn tại dưới dạng các công cụ truyền thông chủ yếu. Ví dụ: ở Bolivia, Zambia, Canada và nhiều nơi khác, phương tiện truyền thống đóng một vai trò quan trọng. 73.Hiện tượng xác định thời hiện đại và đang định hình lại thế giới như chúng ta biết, là khả năng tiếp cận Internet trên toàn thế giới (1998). Mạng lưới Thông tin Toàn cầu phát sinh các phương tiện truyền thông xã hội có nhiều hình thức bao gồm blog, diễn đàn, mạng lưới kinh doanh, công cụ chia sẻ ảnh, trò chơi xã hội, các blog nhỏ, ứng dụng trò chuyện, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là mạng xã hội. 74.Một số người nói rằng nếu bạn không có trang web hoặc tài khoản Facebook của bạn, bạn không tồn tại. 75.Phương tiện truyền thông xã hội cung cấp nhiều cơ hội. Đó là một cách để thúc đẩy công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhóm. Theo quan điểm của Hiến Sĩ, thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta có thể cộng tác nhiều hơn với những giáo dân dấn thân. Cái hay nhất của truyền thông xã hội là cho phép chúng ta kết nối và giữ liên lạc với bạn bè và những người mà chúng ta không thường xuyên gặp. Nó cho phép chúng ta có những tương tác ngắn với họ để giữ mối quan hệ dẫu khi chúng ta không có nhiều thời gian rảnh rỗi. 76.Nhưng đồng thời, có một số thách thức nảy sinh với phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta có thể dành nhiều thời gian để giao tiếp ảo và có ít thời gian để có tương quan mặt đối mặt. Ngay cả những mối quan hệ giữa người thụ huấn và các nhà huấn luyện cũng đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Bị bắt nạt trong cuộc sống thực đã là đủ tệ hại, nhưng việc bắt nạt thực sự có thể tồi tệ hơn khi người trẻ làm việc đó trên trang mạng truyền thông xã hội. Một số người có thể đi đến "suy nhược truyền thông xã hội" do thấy khoảng cách lớn giữa họ với những người trên mạng xem có vẻ hạnh phúc hơn bản thân họ, nên gây ra sự ganh tị. Nguồn tài liệu 77."Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo" (Mc 16:15), Chúa Giêsu nói. Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng có thể được thực hiện trong và thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. 78.Theo truyền thống Hiến Sĩ, chúng ta có thể dựa trên Hiến pháp và Luật dòng của chúng ta, đề ra một số định hướng trong truyền thông xã hội: 78.1 LD 66 c. "Vì các phương tiện truyền thông xã hội ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ và giá trị, các Hiến Sĩ cần phải hiểu ý kiến công chúng được hình thành ra sao và phải phát triển tài năng của mình trong lĩnh vực truyền thông. Qua đó họ có thể giúp làm cho các giá trị Tin Mừng hiện diện và lớn mạnh trong lòng xã hội. " 78.2 LD 149d. "Thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau, dịch vụ Truyền thông của Hiến Sĩ cung cấp sự trao đổi và chia sẻ thông tin trong toàn Hội dòng, và hơn thế nữa, thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong công việc." Hội dòng có lịch sử, nguồn lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông xã hội, có thể đóng góp cho sứ vụ ngày hôm nay. Đại hội về “Đoàn sủng Hiến Sĩ trong từng Bối cảnh” (2015) đã được tổ chức bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông, cũng như Tổng tu nghị thứ 36 của chúng ta, đã sử dụng một số phương tiện truyền thông xã hội. 79.Ngày truyền thông thế giới là dịp để ĐGH Bênêđictô XVI và Phanxicô đưa ra một số nhận định về truyền thông xã hội: 79.1 "Môi trường kỹ thuật số không phải là một thế giới song song hoặc ảo hoàn toàn, nhưng là một phần của kinh nghiệm hàng ngày của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ". Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, WCD 2013. 79.2 "Các mạng lưới xã hội, cũng là những phương tiện để truyền giáo, cũng có thể là một nhân tố trong sự phát triển của con người. Ví dụ, trong một số bối cảnh địa lý và văn hoá mà Kitô hữu cảm thấy bị cô lập, các mạng lưới xã hội có thể củng cố ý thức của họ về sự hiệp nhất thực sự với cộng đồng các tín hữu trên toàn thế giới ". ĐGH Bênêđíctô XVI, WCD 2013. 79.3 "Trong thế giới số, có mạng lưới xã hội, cung cấp cho chúng ta những cơ hội để cầu nguyện, suy gẫm và chia sẻ lời Thiên Chúa. Nhưng những mạng lưới này cũng có thể mở ra cánh cửa cho các chiều kích đức tin khác. Nhiều người thực sự đang khám phá, chính xác là nhờ có một liên hệ khởi đầu được thực hiện trực tuyến (...) ". ĐGH Bênêđíctô XVI, WCD 2013. 79.4 "Các thư điện tử, tin nhắn văn bản, các mạng xã hội và các cuộc trò chuyện cũng có thể là những hình thức giao tiếp đầy đủ của con người. Không phải công nghệ quyết định việc truyền thông là xác thực hay không, mà là trái tim con người và khả năng sử dụng những gì cung cấp cho ta, một cách khôn ngoan ", ĐGH Phanxico, 2016 WDC. Tiếng gọi 80.Hiến sĩ được kêu gọi để giáo dục các cộng tác viên của chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, trong việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cách đạo đức. 81.Chúng ta cũng nhận ra lời mời gọi để có mặt trong truyền thông xã hội, để sử dụng nó như là một công cụ cho việc Phúc âm hóa. "Evangelizare media misit nos Dominus". Chiến lược 82.Cấp tổng quyền: 82.1 Ước mong dịch vụ truyền thông tổng quyền năng động hơn, để đẩy mạnh mạng lưới những người trong Dòng làm việc trong sứ vụ truyền thông. 82.2 Dịch vụ Truyền thông Hiến Sĩ của nhà tổng quyền nên tham khảo ý kiến với Trung ương, xem xét khả năng mở một Đại hội về Truyền giáo và Truyền thông. 82.3 Mong Hiệp hội các trung tâm huấn luyện cao đẳng Hiến Sĩ thảo luận về chủ đề thành lập các trung tâm vùng hoặc các ủy ban truyền thông. 82.4 Dịch vụ Truyền thông Hiến Sĩ của nhà tổng quyền nên tham khảo ý kiến với Trung ương đưa ra một hướng dẫn hoặc "đồng hành"” để dấn thân vào Truyền thông. 83.Cấp vùng: 83.1 Khuyến khích các Hội nghị khu vực nên có người làm cầu nối để liên lạc với Dịch vụ Truyền thông Hiến Sĩ trung ương và các văn phòng địa phương của Tỉnh dòng. 83.2 Khuyến khích hợp tác trong các cuộc hội thảo và nghiên cứu về vai trò của truyền thông. 83.3 Khuyến khích tất cả các nhà huấn luyện có các khóa học đặc biệt về phương tiện truyền thông xã hội và tập trung vào truyền thông và truyền giáo học. 84.Đơn vị và cấp địa phương: 84.1 Các đơn vị và cộng đoàn địa phương tự cam kết để thúc đẩy cách tiếp cận truyền giáo Hiến Sĩ trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (trong truyền thông mục vụ). 84.2 Khuyến khích thành lập một ủy ban truyền thông và / hoặc chỉ định một người làm linh hoạt viên cấp tỉnh (để họ tổ chức các buổi hội thảo về giáo dục truyền thông hoặc giáo dục cho giới truyền thông). 84.3 Khuyến khích anh em Hiến Sĩ tự đào luyện cách chuyên môn để hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, bằng việc dự các khóa học cao đẳng. 84.4 Mời anh em Hiến Sĩ đang làm việc trong các phương tiện truyền thông tham gia vào các hiệp hội truyền thông đương đại trong đất nước của họ để học hỏi kinh nghiệm. 84.5 Cố gắng lập các trang web chuyên nghiệp (tương tác với các phương tiện truyền thông xã hội). 84.6 Bề trên thượng cấp thực hiện cam kết thúc đẩy việc sử dụng tốt các phương tiện truyền thông xã hội. 84.7 Bề trên trong mỗi cộng đoàn thúc đẩy việc rèn luyện cá nhân và cộng đoàn, giúp mọi người phát triển trong việc sử dụng có trách nhiệm các phương tiện truyền thông xã hội, như đã trình bày ở Chương này. VI - SỨ VỤ VÀ TÀI CHÍNH 85.Sứ vụ của Hội dòng phải xem xét cẩn thận và khôn ngoan thực tế tài chính. Đó luôn là một phần của cuộc sống và của những buổi thảo luận của chúng ta, là những nhà truyền giáo. Những biến đổi của thế giới và nhu cầu lập kế hoạch tài chính tốt sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta sử dụng tiền để duy trì cuộc sống và sứ vụ. Chúng ta cần phải xem xét làm thế nào chúng ta có thể quản lý nguồn lực của chúng ta vì lợi ích của sứ vụ. Bối cảnh 86.Sống lời khấn khó nghèo là một thách thức. Là Hiến Sĩ, chúng ta khấn nguyện theo Chúa Kitô, Đấng trở nên nghèo khó vì chúng ta, để sống kết hiệp hơn với Người và với người nghèo, và góp mọi thứ làm của chung. Tuy nhiên, sống đời sống đơn giản không phải là điều hiển nhiên nơi nhiều người trong hầu hết các đơn vị. Chúng ta chịu đựng những thái độ cá nhân chủ nghĩa cũng như ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật và mong muốn tiêu thụ. Một số Hiến Sĩ không tiết lộ và không chia sẻ nguồn thu nhập của họ với cộng đoàn. Những người khác có "những ân nhân cá nhân", những người ủng hộ họ và các dự án riêng lẻ của họ. 87.Sự minh bạch trong lĩnh vực tài chính cũng là một thách thức. Ở một số đơn vị của chúng ta và cộng đoàn địa phương, chúng ta ngần ngại chia sẻ về thực tế tài chính của chúng ta. Chúng ta có thái độ tương tự đối với Văn phòng Thủ quỹ tổng quyền. Sự thiếu minh bạch này tạo ra sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng và bất ổn. Một số dấu hiệu tham nhũng và một ý thức sai về quyền của một số bề trên địa phương và Hội dòng đã làm suy yếu sứ vụ của cộng đoàn địa phương / Hội dòng và gây ra tình trạng đau khổ, lo lắng, mệt mỏi và mất tinh thần của tất cả Hiến Sĩ. 88.Các đơn vị đang phát triển cần chú ý nhiều về tài chính. Trong các đơn vị này, việc huấn luyện đầu tiên thường chiếm 80-90% ngân sách, và thậm chí những nơi đang có nhiều ơn gọi cũng cảm thấy nhiều áp lực để quản lý tài chính của họ một cách khác nhau. Nó làm cho chúng ta tự hỏi liệu cam kết mời các thành viên mới đến với Hiến Sĩ có thật sự vẫn được ưu tiên trong Hội dòng. Một mối quan tâm khác là có những đơn vị không có tài chánh vững chắc, nhưng lại có một Sứ vụ gắn liền với họ. Một số đơn vị tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính trực tiếp từ các đơn vị khác và trong một số trường hợp, để bổ sung cho những gì đã nhận được từ Hội dòng thông qua các quỹ khác nhau. Hơn nữa, các đơn vị đang phát triển cần có kế hoạch tốt về tài chính của mình trong việc chăm sóc người cao tuổi. 89.Có những tình huống khác cũng là nguồn gây thất vọng. Những hợp đồng với các giám mục thường không có, và nơi có hợp đồng giữa một số đơn vị và một số giáo phận, lại không được tôn trọng hoặc thường bị lãng quên. Chúng tôi thấy một khó khăn khác về thù lao mà thường không đủ để duy trì Hiến Sĩ làm việc. Cuối cùng, có những khía cạnh văn hoá trong chúng ta, theo đó anh em Hiến Sĩ thấy có bổn phận hoặc được mong đợi hỗ trợ tài chính cho gia đình họ. 90.Việc huấn luyện về tài chính trong cuộc sống của chúng ta là mối bận tâm đáng kể. Việc huấn luyện đầu tiên rất thường không chú ý đến việc chuẩn bị cho anh em chúng ta có kiến thức cơ bản và khả năng cơ bản trong việc giải quyết vấn đề tài chính của cộng đoàn và sứ vụ. Cần phải có chương trình huấn luyện để học quản lý có trách nhiệm và minh bạch về tài chính. Vẫn có những thái độ không phù hợp với lối sống của chúng ta. Nguồn tài liệu 91.Trong bức thư gửi cho cha Gioan Tẩy Giả Mille, các tập sinh và học viên vào ngày 24 tháng 01 năm 1831, cha Sáng lập đã nói về căn nhà Hiến Sĩ đầu tiên như thế này: "Bàn ăn trang trí phòng ăn của chúng tôi là hai tấm ván đặt cạnh nhau, nằm trên đầu hai thùng gỗ cũ. Chúng tôi chưa bao giờ được hưởng phúc với cái nghèo kể từ khi chúng tôi thực hiện lời khấn. Không nghi ngờ gì, đó là dấu báo trước trạng thái hoàn hảo mà hiện nay chúng ta đang sống chưa hoàn hảo. Tôi nêu bật sự tước bỏ tự nguyện hoàn toàn này một cách cố ý (có thể dễ dàng không làm việc này vì có thể lấy mọi thứ cần thiết từ nhà của mẹ tôi) để rút ra bài học rằng Thiên Chúa với sự tốt lành của Người, muốn hướng chúng tôi từ nay, và thực sự chúng tôi chưa từng có ý tưởng đó, đi tới những lời khuyên Phúc âm mà chúng tôi khấn hứa sau này. Chính nhờ trải nghiệm những lời khuyên Phúc âm mà chúng ta học được giá trị của chúng “ (Tài liệu Hiến sĩ, VIII). 92.Vào ngày 2 tháng 8 năm 2014, Vatican đã công bố bản Hướng dẫn về việc Quản trị Tài sản trong các Tu hội về Đời sống thánh hiến và trong các Cộng đoàn về đời sống Tông Đồ, trong đó chúng ta thấy nhận xét này: "Chứng cứ Phúc Âm đòi hỏi các công việc được quản lý trong sự minh bạch đầy đủ, phù hợp với giáo luật và dân luật, và áp dụng thực hiện trong mọi hình thức khó nghèo. Tính minh bạch là điều quan trọng cho năng lực và hiệu quả của sứ vụ. " 93.Trong Tông thư viết nhân dịp năm đời sống thánh hiến (21 tháng 11 năm 2014), Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô có những lời để giúp chúng ta có cái nhìn mới về vấn đề tài chính: "Tôi yêu cầu anh chị em làm việc cụ thể trong việc chào đón những người tị nạn, sát cánh với người nghèo, và tìm ra cách sáng tạo để dạy giáo lý, rao giảng Tin Mừng và dạy người khác cách cầu nguyện. Do đó, tôi hy vọng rằng các cấu trúc có thể được sắp xếp hợp lý, các cơ sở tôn giáo lớn được dùng lại cho các công trình đáp ứng tốt hơn nhu cầu hiện nay về Phúc Âm hóa và bác ái, và điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu mới. " Tiếng gọi 94.Chúng ta được mời gọi xem lại suy nghĩ của chúng ta về tài chính để có thể nói với nhau rằng "Cộng đoàn của anh là cộng đoàn của tôi, sứ vụ của anh là sứ vụ của tôi". Nó có nghĩa là liên quan đến trách nhiệm tài chánh và tài sản, chúng ta thay đổi từ một tư duy cá nhân đến tư duy cộng đoàn; tư duy cộng đoàn sang tư duy khu vực; tư duy vùng miền sang tư duy Hội dòng. Tầm nhìn này sẽ giúp chúng ta nắm lấy tinh thần chia sẻ. Chia sẻ là một giá trị bắt buộc vì những thay đổi nhân khẩu học trên khắp thế giới của Hiến Sĩ. Giá trị này sẽ tăng cường tính đơn giản của lối sống, tách biệt khỏi tài sản, và khả năng để tìm thấy nhiều niềm vui trong việc cho, hơn là nhận. 95.Đồng thời, chúng ta nhận thức sự cần thiết kêu gọi mỗi đơn vị điều hành tiền tệ tại địa phương để cải thiện tính bền vững tài chính tương đối. Do đó, chúng ta thấy cần phải trau dồi nhận thức và đánh giá cao về chiều kích của cuộc đời và sứ vụ của chúng ta để chúng ta quản lý nó với tinh thần trách nhiệm và toàn vẹn. Chiến lược 96.Cấp tổng quyền: 96.1 Đánh giá lại các tiêu chí để phân bổ ngân quỹ trong Hội dòng thế nào cho xứng hợp với những nhu cầu mới và thách thức của thời đại chúng ta. 96.2 Tiếp tục khuyến khích tinh thần phụ thuộc lẫn nhau trong mối quan hệ nhân sự và tài chính. 96.3 Tiếp tục khuyến khích tinh thần chia sẻ nhằm có thể giúp các đơn vị yếu về kinh tế có khả năng tài chính tương đối. 96.4 Nghiên cứu việc phân bố tài chính trong việc chia sẻ nhân sự và đưa ra hướng dẫn để thực hiện điều này giữa các đơn vị với nhau. 97.Cấp khu vực: 97.1 Tạo thuận lợi cho việc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo đơn vị và trong việc huấn luyện đầu tiên ở khu vực, để chia sẻ các nguồn lực vì lợi ích của toàn bộ khu vực. 97.2 Chia sẻ các tài khoản tài chính hàng năm giữa các đơn vị trong Vùng với tính minh bạch. 97.3 Tổ chức các cuộc họp định kỳ (ít nhất hai năm một lần) giữa các thủ quỹ trong Vùng theo yêu cầu của Tổng tu nghị 2010. 98.Cấp địa phương: 98.1 Làm quen với những quy tắc hiện tại và các khuyến nghị trong tài liệu của các Tổng tu nghị trước. 98.2 Hàng năm làm kiểm toán tài chính bên ngoài. 98.3 Gởi các Hiến sĩ đi học về quản trị tài chính và đảm bảo một kế hoạch kế nhiệm cho các thủ quỹ. 98.4 Có một ủy ban tài chính hiệu quả. 98.5 Cơ cấu lại một đơn vị quản lý khi cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả cho sứ vụ và các dự án của mình. 98.6 Sử dụng hoặc thuê nhân viên tài chính chuyên nghiệp để hỗ trợ cho việc quản lý có trách nhiệm của cải của chúng ta. 98.7 Thảo luận về các tài khoản tài chính trong các cộng đoàn huấn luyện (ban huấn luyện và người thụ huấn) bao gồm chi phí học tập và chi phí hoạt động của cộng đoàn. 99.Cấp đơn vị: 99.1 Báo cáo thường xuyên trong cộng đoàn và tập hợp các thành viên cho các cuộc đối thoại mở về chương trình ngân sách. 99.2 Tập trung tài chính nguồn thu bởi cộng đồng địa phương. 99.3 Mang áp dụng JPIC vào huấn luyện thường xuyên của cộng đoàn địa phương. 99.4 Khuyến khích sản xuất và đầu tư địa phương. 99.5 Trân trọng giá trị công việc của chúng ta vì là một trong những nguồn tài chính chính của Dòng. PHẦN KẾT LUẬN 100.Toàn bộ Dòng Hiến Sĩ cùng với tất cả gia đình Mai Thiên Lộc của chúng ta đã thực hành và mừng Tam niên Hiến Sĩ, bằng việc mỗi người chúng ta chuẩn bị tâm linh cho lễ kỷ niệm 200 năm này, kể từ khi thành lập “các Nhà truyền giáo vùng Provence” bởi Thánh Mai Thiên Lộc. Cùng nhau trong ba năm qua, đặc biệt thông qua việc chia sẻ đức tin trong cộng đoàn và việc làm cụ thể có tính cách cá nhân và cộng đoàn, dấu chỉ của việc hoán cải, chúng ta đã kỷ niệm quá khứ của chúng ta với lòng biết ơn, sống hiện tại với niềm đam mê và hướng đến tương lai với lòng dũng cảm và can đảm. Tổng tu nghị 2016 đã đánh dấu khoảnh khắc hai trăm năm này của Hội dòng chúng ta với một tầm nhìn tràn đầy hy vọng cho tương lai, thông qua việc phân định, nhận xét và đề nghị hành động được tìm thấy trong tài liệu này. Đó là niềm hy vọng chân thành của chúng ta mà những lời lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở những trang này, mà còn sống trong trái tim của chúng ta với đức tin, để tất cả các Hiến sĩ và toàn thể gia đình Mai Thiên Lộc của chúng ta có thể được thật sự biến đổi thành muối cho đời và ánh sáng cho muôn người. Nguyện xin thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc, Đấng sáng lập, và Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ chúng ta, khẩn cầu cho chúng ta và tiếp tục soi dẫn chúng ta ra đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo bây giờ và mãi mãi ! Chúc tụng Chúa Giêsu KiTô và Mẹ Maria Vô Nhiễm ! PHẦN BỔ SUNG, NGHỊ QUYẾT, ỦY QUYỀN, CHỈ THỊ VÀ NHIỆM KỲ CỦA TỔNG TU NGHỊ A. VIỆC SOẠN THẢO CÁC TÀI LIỆU CỦA TỔNG TU NGHỊ Tổng tu nghị lần thứ 36 ủy nhiệm và cho phép những người được chỉ định bởiBề trên Tổng quyền với Ban cố vấn, để lo công việc soạn thảo và chuẩn bị cho việc xuất bản các tài liệu đã được Tổng tu nghị phê duyệt, bằng ngôn ngữ chuẩn đã được phê duyệt, để ý phần chính tả và văn phong, cung cấp các bản dịch thích hợp của các tài liệu nói trên sang các ngôn ngữ khác của Tổng tu nghị. (Được chấp thuận bởi Tổng tu nghị vào ngày 11 tháng 10 năm 2016) B. BAN TỔNG QUYỀN 1. Tổng tu nghị lần thứ 36 khuyến khích cha Tổng quyền thực thi quyền hạn của mình theo HP 135, và cùng đối thoại với các bề trên thượng cấp, để củng cố các nhà huấn luyện, để thúc đẩy hơn nữa những kinh nghiệm hội nhập và trao đổi văn hóa (các nhà huấn luyện và thụ huấn) và để triển khai việc thực hiện các chương trình trong tinh thần truyền giáo và bản sắc Hiến Sĩ. 2. Tổng tu nghị lần thứ 36 khuyến khích cha Tổng Quyền thực thi quyền hạn của mình theo HP 135 và cùng với Ban cố vấn của ngài, để soạn thảo một kế hoạch tổng thể cho việc tái cấu trúc Hội dòng, được thực hiện theo các bước sau: Hỗ trợ các đơn vị tích cực tham gia vào quá trình tái cấu trúc để họ có thể chuyển đổi cuộc sống vì lợi ích của sứ vụ, nhân sự và tài chính; Xác định các đơn vị khác phải tham gia vào chương trình tái cấu trúc ngay sau Tổng tu nghị; Kế hoạch 3 năm: Năm thứ nhất: Tiến trình bắt đầu bằng một cuộc thảo luận giữa các đơn vị này để trình bày một đề nghị lên vị Tổng quyền. Nếu vào cuối năm đầu tiên mà không có kế hoạch nào, vị Tổng quyền sẽ lập kế hoạch để được thực hiện. Năm thứ 2 và thứ 3: Thực hiện quá trình tái cơ cấu. Năm thứ 3 (hoặc năm thứ 4): Thành lập các đơn vị mới với tất cả các yêu cầu từ Hiến pháp và Luật dòng và Tài liệu "Phân định và nâng đỡ Sứ vụ Hiến Sĩ". Tiến trình tái cơ cấu diễn tiến từ lời mời gọi đến việc hoán cải trong lãnh vực của Sứ vụ. Quan trọng ở đây là Truyền thông và huấn luyện thường xuyên. Sử dụng tài liệu "Phân định và nâng đỡ Sứ vụ Hiến Sĩ" và phương pháp luận của nó, chúng ta cam kết phân định về việc tái cấu trúc. Đây là một hành trình thiêng liêng của hoán cải vì sứ vụ truyền giáo. 3. Tổng tu nghị 36 đề nghị với Ban Chấp hành tổng quyền bắt đầu nghiên cứu sâu và học hỏi về thực tế của cộng đoàn trong Hội dòng của chúng ta trong cái nhìn về sứ vụ, cũng như tính chất và chỗ đứng của các cộng đoàn vùng ven trong đời sống và sứ vụ của Hiến Sĩ. 4. Tổng tu nghị 36 đề nghị nhà Tổng quyền hỗ trợ và kêu gọi một cuộc họp mặt quốc tế cho các thành viên của các nhóm giáo dân khác nhau trong gia đình Mai Thiên Lộc. 5. Tổng tu nghị 36 đề nghị nhà Tổng quyền thành lập một Uỷ ban Truyền giáo để cung cấp các công cụ và sự hỗ trợ cho toàn Hội dòng trong việc phân định của cộng đoàn về sứ vụ của Hiến Sĩ, và tiếp tục những gì Tổng tu nghị đã khởi động. (Được phê duyệt bởi Tổng tu nghị vào ngày 10 tháng 10 năm 2016) C. TÀI CHÍNH 1. Tổng tu nghị 36 khuyến nghị rằng kết quả của Tổng tu nghị thứ 35 phải được thực hiện, cụ thể hơn: đào tạo những người làm việc trong quản lý tài chính, bảo hiểm y tế phòng khi hoạn nạn. Hỗ trợ của Ban trung ương phải được giữ lại đối với các đơn vị không có kế hoạch làm việc rõ ràng. 2. Tổng tu nghị 36 thấy trong báo cáo của vị thủ quỹ tổng quyền là có những đơn vị không cung cấp bảo hiểm y tế và du lịch khi có người đi du lịch ra nước ngoài. Khuyến nghị rằng bảo hiểm y tế là bắt buộc khi các Hiến Sĩ đi ra nước ngoài. 3. Tổng tu nghị 36 đề nghị, để minh bạch hơn, các báo cáo Tài chính của Đơn vị phải được kiểm toán hàng năm bởi một công ty kiểm toán độc lập. Báo cáo Quản lý của Kiểm toán độc lập phải được nộp cho Thủ quỹ Tổng quyền cùng với Báo cáo tổng hợp mỗi năm. 4. Tổng tu nghị 36 đề nghị vị Tổng quyền với Hội đồng có trách nhiệm về việc huấn luyện của toàn Hội dòng, sự đóng góp 10% từ việc bán tài sản cố định (nhà cửa và đất đai) tiếp tục để xây dựng Quỹ Từ thiện Soullier cho việc huấn luyện. 5. Tổng tu nghị 36 đề nghị, để đáp ứng những gợi ý, hướng dẫn, nhiệm vụ và định hướng của Tổng tu nghị, vị Tổng quyền cùng với Hội đồng thực hiện quyền hạn được trao cho ngài trong HP 159, điều chỉnh mức đóng góp theo đầu người, theo yêu cầu của các Đơn vị Hiến Sĩ, nếu cần thiết. 6. Tổng tu nghị 36 đề nghị vị Tổng quyền cùng với Hội đồng xem xét đề nghị của Ủy ban soạn thảo tiền Tu nghị 36 (thay đổi Địa điểm của Tổng tu nghị lần sau) được xem xét nghiêm túc và một kết ước phải được trao cho Tổng Quyền cùng với Hội đồng để nghiên cứu việc này và đưa ra quyết định, nếu thích hợp. 7. Tổng tu nghị 36 đề nghị với Tổng quyền cùng với Hội đồng kêu gọi những tỉnh dòng và phó tỉnh dòng chưa đóng góp cho chiến dịch gây quỹ (Chiến dịch tương trợ cho việc huấn luyện giai đoạn đầu), xin hãy thực thi. (Được phê duyệt bởi Tổng tu nghị vào ngày 10 tháng 10 năm 2016) D. ĐỀ XUẤT VỀ BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN VÀ NGƯỜI LỚN DỄ BỊ TỔN THƯƠNG Tổng tu nghị 36 đề nghị vị Tổng quyền chỉ định một thành viên của nhà Tổng quyền giám sát việc thực hiện các chính sách và tiến trình để bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương. Liên lạc với các chuyên gia có thẩm quyền và với các vị hữu trách tôn giáo và Giáo hội khác. Phát triển nhận thức về việc bảo vệ này trong toàn Hội dòng. Rà soát và đánh giá thực tiễn hiện tại trong các đơn vị để hỗ trợ và tư vấn. Lập kế hoạch ngân sách chi phí cho trách nhiệm quan trọng này. (Được phê duyệt bởi Tổng tu nghị vào ngày 10 tháng 10 năm 2016) E. SỨ VỤ VỚI NGƯỜI TRẺ. Tổng tu nghị 36 đề nghị vị Tổng quyền với Ban cố vấn thành lập Ủy ban thường trực cho Sứ vụ với giới trẻ để hỗ trợ sứ vụ này ở các vùng và các đơn vị. (Được phê duyệt bởi Tổng tu nghị vào ngày 10 tháng 10 năm 2016) F. TRUYỀN THÔNG 1. Tổng tu nghị 36 công nhận tiềm năng tích cực to lớn của Truyền thông và Công nghệ Truyền thông để truyền bá Phúc Âm, thừa tác vụ, nghiên cứu và thông tin liên lạc giữa anh em Hiến Sĩ. 2. Hiến Sĩ ngày càng sử dụng các công cụ truyền thông này ở mức độ cá nhân. Việc này mang theo rủi ro như: a. Sự phụ thuộc vào Internet và các hậu quả có hại của nó. b. Số lượng lớn thời gian dành cho những hoạt động này lấy mất thời gian dành cho và dành riêng cho người khác, đặc biệt là thời gian dành để nuôi dưỡng cuộc sống huynh đệ. 3. Tổng tu nghị 36 đề xuất rằng mỗi đơn vị, mỗi cộng đoàn và mỗi Hiến Sĩ thực hiện một chính sách, một chiến lược, giúp họ hiểu được phương tiện truyền thông tốt hơn và sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn. Đặc biệt, mỗi đơn vị, cộng đoàn và Hiến Sĩ được kêu gọi xây dựng một chính sách cho việc truy cập Internet, do đó việc sử dụng nó không phải là một trở ngại mà là giúp chúng ta trung thành với ơn gọi của chúng ta là những người tận hiến, trong cộng đoàn vì lợi ích cho sứ vụ. 4. Do đó, ngoài việc có một nghiên cứu và chính sách về việc sử dụng phương tiện truyền thông, cần phải lập kế hoạch và thực hiện đánh giá định kỳ các chính sách này. (Được phê duyệt bởi Tổng tu nghị vào ngày 10 tháng 10 năm 2016) G. HỒI GIÁO Kể từ đầu phiên họp Tổng tu nghị 36, chúng tôi đã thảo luận về chủ đề Hồi giáo nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi. Ngày nay, trong 6 năm qua, đạo Hồi đã phát triển ở nhiều nước phương Tây. Riêng ở Châu Âu, những đợt tấn công dàn trải làm Hồi giáo trở thành một vấn đề nổi cộm trong khu vực. Hội dòng của chúng ta, hiện diện trong nhiều quốc gia, không thể vắng bóng trong những cuộc thảo luận này. Bây giờ, bởi sự hiện diện của chúng ta trong những vùng Hồi giáo khác nhau, nơi các Kitô hữu là một thiểu số nhỏ, anh em Hiến Sĩ sống trong những khu vực này là một nguồn lực thiết yếu để hiểu hiện tượng này trong sự phức tạp của nó. Các điểm chú ý: 1. Làm mới lại nhận thức của chúng ta rằng việc Phúc âm hóa không chỉ là lời loan báo rõ ràng về đức tin và Phúc Âm. 2. Lập bản kê khai các khu định cư truyền giáo của chúng ta trong thế giới Hồi giáo trong Hội dòng: tập hợp trong một tài liệu kinh nghiệm về chuyên môn, tầm nhìn và nhu cầu của họ. 3. Hỗ trợ các cộng đoàn Hiến Sĩ dấn thân vào thế giới Hồi giáo, bằng nhân sự. 4. Kêu gọi một số Hiến Sĩ theo khóa đào tạo để trở thành chuyên gia về Hồi giáo. (Được phê duyệt bởi Tổng tu nghị vào ngày 10 tháng 10 năm 2016) NHỮNG THAY ĐỔI TRONG HIẾN PHÁP VÀ LUẬT DÒNGĐƯỢC CHUẨN NHẬN BỞI TỔNG TU NGHỊ LẦN THỨ 36 (Văn bản được thêm hoặc thay đổi được in bằng chữ nghiêng) A. NHỮNG THAY ĐỔI TRONG HIẾN PHÁP. HP54. Văn bản được thay đổi và đọc: “Đối với những ứng sinh biểu lộ cho thấy dấu chỉ ơn gọi Hiến Sĩ, sẽ theo một chương trình thích nghi, trước khi nhận họ vào Tập viện, trong một cộng đoàn Hiến Sĩ. Mục đích của việc thử nghiệm này là giúp họ trưởng thành về nhân bản và về đức tin Kitô hữu, cần thiết cho một nămTập viện đạt hiệu quả, và đánh giá sự phù hợp của họ với cuộc sống của chúng ta”. (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016, bỏ chữ “hoặc” và câu “hoặc qua việc tiếp xúc đồng hành đều đặn với các Hiến Sĩ.” và thêm chữ “Hiến Sĩ” sau “cộng đoàn” trong câu đầu tiên của bản văn cũ.) HP61. Bản văn được thay đổi và đọc: “Thuộc quyền của Bề Trên Giám tỉnh và Hội đồng chấp thuận cho khấn tạm hay vĩnh khấn. Chấp thuận cho vĩnh khấn, đòi buộc phải có sự xác nhận của Bề Trên Tổng quyền cùng Hội đồng. Việc tuyên khấn do Bề Trên Tổng quyền nhận lời khấn, căn cứ vào trách nhiệm của ngài, hoặc qua vị được ngài ủy quyền, chiếu theo Luật dòng.” (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016, bỏ câu “hoặc từ chối hoàn toàn.” trong câu đầu tiên của bản văn cũ.) HP128.Bản văn được thay đổi và đọc: “Những thành viên của Tống Tu Nghị gồm Bề trên Tổng quyền, các vị trong ban Tổng cố vấn, Tổng quản lý, vị Đại diện Hội dòng bên cạnh Tòa Thánh, “các Bề trên những Đơn vị Hiến Sĩ (Tỉnh dòng, phụTỉnh vàSứ vụ) có ít là 60 thành viên vào thời điểm triệu tập Tu nghị”, các đại biểu được chọn và các Hiến Sĩ được Bề trên Tổng quyền mời chiếu theo ấn định trong Luật dòng. Trong thành phần của Tổng tu nghị, con số các thành viên được chọn bởi Hội dòng phải vượt trội con số các thành viên. Tất cả luôn là thành viên của Tổng Tu Nghị trong suốt thời gian diễn tiến, ngay cả khi họ được thay thế vì lý do công tác khi Tổng Tu Nghị đang diễn tiến. (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016, trong câu đầu tiên của bản văn cũ, bỏ câu: “Các bề trên Giám tỉnh” và thay thế bằng câu: “các Bề Trên những Đơn vị Hiến Sĩ (Tỉnh dòng, phụ Tỉnh và Sứ vụ) có ít là 60 thành viên vào thời điểm triệu tập Tu nghị), và thêm vào câu mới thứ hai: “Trong thành phần của Tổng tu nghị, con số các thành viên được chọn bởi Hội dòng phải vượt trội con số các thành viên.” Là quy luật cho việc cấu thành Tổng tu nghị do Thánh Bộ các Tu đoàn Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ đề nghị (Prot. 51518/2009, 27/05/2016.) B. NHỮNG LUẬT DÒNG MỚI HAY ĐƯỢC XEM LẠI. LD 7c. “Các Hiến Sĩ Tu huynh tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô. Họ được kêu gọi cộng tác theo cách thế riêng của mình vào việc hoà giải mọi sự nơi Người (Cr 1, 20). Bằng sự thánh hiến qua lời khấn dòng, Hiến Sĩ Tu huynh sống đời chứng tá đặc biệt khởi hứng từ Tin Mừng. Hiến Sĩ Tu huynh góp phần truyền giáo trong công tác xây dựng Giáo hội khắp mọi nơi, đặc biệt trên những lãnh thổ mà Lời Chúa mới được gieo rắc lần đầu. Được Giáo hội gởi đến, với kỹ thuật, nghề nghiệp và mục vụ, cũng như bằng đời sống chứng nhân, họ góp phần vào công việc Phúc Âm hóa. (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016, thêm chữ: “Hiến Sĩ” vào trước “Tu huynh” trong câu đầu của bản văn tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Bản văn tiếng Anh không bị ảnh hưởng.) LD 54a. Văn bản được thay đổi để đọc:"Tiền tập viện là thời gian mà Hội dòng sẽ xác định sự sẵn sàng của ứng cử viên cho Tập viện. Giai đoạn Tiền tập sẽ giúp Tiền tập sinh biết phân định và thanh luyện động lực đưa họ vào đời sống tu sĩ. Chương trình học cũng sẽ giúp họ có kinh nghiệm về cuộc sống Hiến Sĩ trong sứ mạng truyền giáo cho người nghèo. Các nhà huấn luyện ở giai đoạn này sẽ đánh giá khả năng sống và làm việc trong một cộng đoàn tu sĩ của Tiền tập sinh. » (Được chuẩn nhận bởi Tu nghị ngày 3/10/2016, văn bản trước số LD 54a nay đổi thành LD 54c, phần văn bản không thay đổi.) LD 54b. Tiền tập viện là giai đoạn đầu tiên của việc huấn luyện căn bản. Bề trên nhà này được chỉ định bởi Bề trên thượng cấp thông qua Hội đồng và được xác nhận bởi vị Tổng quyền trong Hội đồng. Vị này sẽ làm việc với một nhóm các nhà huấn luyện có trình độ. Chương trình được ấn định bởi vị Giám tỉnh theo quy tắc của chương trình huấn luyện. Thời gian Tiền tập viện không được ít hơn sáu tháng. Tất cả các ứng viên phải trải qua chương trình này. (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016) LD 83a. Một « Hiến Sĩ Tu huynh» đã khấn trọn trong Hội dòng ít nhất được một năm, với đặc quyền cần thiết, có thể được bầu làm bềtrên một cộng đoàn địa phương. (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016, thêm chữ « Hiến Sĩ » trước chữ « Tu huynh » trong bản văn tiếng Pháp và Tây Ban Nha, bản văn tiếng Anh không thay đổi) LD 98b. Bản văn được thay đổi và đọc: « Để đảm bảo cho sự hoạt động và sinh hoạt ổn định, “một Tỉnh dòng phải có ít là” sáu mươi thành viên. Nếu số người giảm xuống dưới sáu mươi thành viên, vị Bề trên Tống quyền sẽ đối thoại với những vị phụ trách của Tỉnh dòng để xem xét tình hình và dự tính cho tương lai. Những ngoại lệ cho luật này sẽ được vị Bề trên Tổng quyền quyết định trong Ban cố vấn. (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016, chữ “thường”, và câu “nên có”, được bỏ đi trong câu đầu tiên của bản văn cũ, và câu “phải có” và “ít nhất” được thêm vào. Chữ “cách đáng kể” được xóa khỏi câu hai của bản văn cũ. Những thay đổi này nhằm để thích nghi với thay đổi trong LD 128 do Thánh bộ về các Tu đoànĐời sống thánh hiến và các Hiệp hội về đời sống tông đồ đề nghị.) LD 107a. “Bề trên Giám tỉnh với Hội đồng sẽ bổ nhiệm vị Phó bề trên Giám tỉnh, với sự chuẩn nhận của vị Bề trên Tổng quyền với Hội đồng”. (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016, bản văn trước LD 107a nay thành LD 107b, bản văn không thay đổi.) LD 123f. Bản văn được thay đổi: « Một Hiến Sĩ Tu huynh sẽ đại diện cho vùng của mình để tham dự những cuộc họp trong Khu vực. » (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016, như thế, những chữ “thường”và“vài” trong bản văn trước được bỏ đi.) LD 128a. Bản văn sau đây được thay đổi là: « Các đại biểu được bầu sẽ được quyết định trên cơ sở sau: (1) Các đại biểu được bầu sẽ là một cho mỗi “tám mươi” thành viên của một Vùng. (2) Những Hiến Sĩ là thành viên của một Phụ tỉnh hoặc một Sứ vụ chỉ được tính với Vùng mà Phụ tỉnh hoặc Sứ vụ thuộc về. (3) Hội nghị của Vùng sẽ xác định các đơn vị bầu cử, số đại biểu và người thay thế được bầu trong mỗi đơn vị bầu cử, và các thủ tục cần thiết cho việc bầu cử của họ. Các thủ tục sẽ đảm bảo đại diện cân bằng và quyền bỏ phiếu trực tiếp và bí mật cho mỗi Hiến Sĩ với tiếng nói chính thức. “Ít nhất một trong số các đại biểu được bầu của mỗi Vùng phải là một Hiến Sĩ Tu huynh”. (4) Hội nghị của Vùng sẽ trình xin phê chuẩn của vị Bề trên Tổng quyền trong Hội đồng về thành phần cuối cùng của các đơn vị bầu cử, cũng như các thủ tục bầu cử, không quá sáu tháng sau việc triệu tập Tu nghị (cf. 128b). (5) Các thành viên của Nhà Tổng quyền và những Hiến Sĩ khác sống trong nhà “sẽ thành lập một đơn vị bầu cử và sẽ bầu một đại biểu cho Tu nghị”. (6)Vị Bề trên Tổng quyền, sau khi đã tham khảo ý kiến với ban Tổng cố vấn trong phiên họp khoáng đại, có thể mời thêm đến hai Hiến Sĩ nữa cho Tu nghị. Những đại biểu được mời này có toàn quyền bỏ phiếu trong các quyết định của Tổng Tu Nghị. (Được phê chuẩn bởi Tổng tu nghị vào ngày 3 tháng 10 năm 2016: {1} - từ tám mươi được thêm vào và từ một trăm được loại bỏ; cũng vậy, văn bản trước đó “cộng thêm một đại biểu nữa nếu số thành viên của Vùng còn dư trên sáu mươi người hoặc nhiều hơn”được loại bỏ. {3} Câu cuối cùng “Trong số các đại biểu được bầu chọn trong mỗi vùng, phải có ít nhất một đại biểu là Hiến Sĩ Tu huynh”, được thêm vào văn bản và toàn bộ số {6} từ văn bản trước đó sẽ bị loại bỏ. (5) Câu trong văn bản trước đó “sẽ được tính và sẽ được bầu trong các đơn vị chiếu theo bài trao ban sứ vụ của mình” được loại bỏ và văn bản mới được thêm “sẽ thành lập một đơn vị bầu cử và sẽ bầu một đại biểu cho Tu nghị“ {6} Văn bản trước của số 7 trở thành số 6 và từ “hai” được thêm vào và “bốn” được loại bỏ.) LD 128b. Văn bản được thay đổi để đọc: "Tổng số Hiến Sĩ từng Vùng, dựa trên số đó mà ấn định số đại biểu được bầu, được chốt lại vào ngày mời họp. » (Được phê chuẩn bởi Tổng tu nghị vào ngày 3 tháng 10 năm 2016, theo đó loại trừ câu thứ hai của văn bản trước đây: “Bề trên Tổng quyền nên…...nào khác đã được đồng ý”.) LD 128c. Bản văn được thay đổi để đọc: « Thông thường, các đại biểu không thể từ chối quyền và trách nhiệm của mình để tham dự Tổng tu nghị. Dầu vậy, với lý do thật chính đáng và có sự đồng ý của Bề trên Tổng quyền, “vị bề trên được chọn theo đúng Hiến pháp số 128 để tham dự Tu nghị”, thông qua Ban cố vấn, có thể chọn một Hiến Sĩ khác để thay thế vị này, và một đại biểu được bầu có thể nhường quyền tham dự Tổng Tu Nghị của mình cho đại biếu dự khuyết trong suốt thời gian Tổng Tu Nghị. (Được phê chuẩn bởi Tu nghị vào ngày 3 tháng 10 năm 2016, theo đó bỏ đoạn văn “Bề trên Giám tỉnh cùng Ban cố vấn có thể chọn và thêm vào đó câu vị bề trên được chọn theo đúng Hiến pháp số 128 để tham dự Tu nghị, thông qua Ban cố vấn”.) LD 149a. Bản văn được thay đổi: Các chức việc ban ngành Tổng quyền còn bao gồm ban Tổng đại diện bên cạnh Tòa Thánh, ban đệ đạt phong thánh, ban Thông tin Hiến Sĩ; Công lý, Hòa bình và Sự Toàn vẹn của Công trình Sáng tạo; các ban Lưu trữ nhà Tổng quyền và “Ban Nghiên cứu của nhà Tổng quyền về các môn học Hiến Sĩ”. Từng công việc thực hiện đều được đặt duới sự điều động hoặc giám sát của một Hiến Sĩ được Bề trên Tổng quvển bổ nhiệm trong phiên họp Hội đồng khoáng đại với nhiệm kỳ công tác rõ rệt. (Chuẩn nhận bởi Tổng tu nghị ngày 3/10/2016, xóa bỏ câu “Ban Tiếp tân của nhà Tổng quyền” và thêm “Ban Nghiên cứu của nhà Tổng quyền về các môn học Hiến Sĩ”.) Ban Truyền Thông Sứ Vụ Việt Nam Dịch từ nguyên bản Tiếng Anh. “Acts of the 36th General Chapter (2016) Ngày 28 tháng 05 Năm 2019 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Hành hương cùng người khuyết tật, một trải nghiệm yêu thương. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA SỨ VỤ OMI-VIỆT NAM Cuộc họp anh em Hiến sĩ phụ trách việc huấn luyện vùng Châu Á – Châu Đại dương