OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật II - Phục Sinh Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật II - Phục Sinh Tám ngày sau, Đức Giê-su đến. Tin Mừng Ga 20,19 - 31 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người. Suy Niệm: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Thật buồn và đáng thương cho các Tông đồ. Các Tông đồ là những người đã bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giêsu, một chọn lựa đầy khó khăn, nhưng các ông đã quyết tâm đi theo Chúa. Những tưởng đi theo Thầy, sẽ được Thầy hướng dẫn, che chở, cuộc sống sẽ êm đềm, sẽ tốt đẹp. Nhưng không ngờ lại có ngày hôm nay, anh em Tông đồ phải chạy trốn, hoang mang, sợ hãi. Nhất là khi chứng kiến Thầy mình bị bắt, bị đánh đập dã man và chịu chết trên Thập giá như một tên tử tội, các ông bàng hoàng. Mặc dù Đức Giê-su đã chết, đã chôn trong mồ, nhưng các Tông đồ vẫn chưa hết hoang mang, lo sợ. Không một ai nhắc đến Lời Đức Giê-su khi còn sống Ngài đã nói, Ngài sẽ chịu nạn, chịu chết và sẽ sống lại. Nếu có ai nhắc lại Lời Chúa đã nói như vậy, thì có lẽ anh em không quá sợ hãi. Khi sợ hãi, con người thường rối trí, mất lòng cậy trông, quên hết Lời Chúa đã nói. Bác sĩ vừa thông báo về tình trạng sức khỏe không tốt của mình, nhiều người đã suy sụp ngay, và bệnh tật càng trở nên trầm trọng hơn. Cũng vậy, khi đức tin chưa đủ mạnh, thì con người rất dễ bị hoang mang, thất vọng. Chúng ta cần cầu xin ơn đức tin mỗi ngày, để chúng ta tin vào Lời Chúa dạy, xác tín vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Trong bối cảnh các Tông đồ đang bất an như vậy, Đức Giê-su hiện ra đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Chúa là người cha luôn hết mực yêu thương các môn đệ, Chúa biết các ông đang rất hoang mang, lo lắng, bất an. Do đó, lời đầu tiên Chúa nói với các ông là lời chúc bình an. Ngay sau lời chúc bình an, Đức Giê-su cho các ông xem những dấu đinh ở tay, chân và cạnh sườn Người. Việc làm của Chúa muốn nói với các ông rằng, Thầy đích thực là Đức Giê-su, Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá, đã chết, nhưng đã sống lại. Đây là lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh từ cõi chết sống lại, chứ không phải của ai khác. Đây là điều rất quan trọng mà các môn đệ cần phải xác tín. Nếu các ông không xác tín Thầy mình đã thực sự chiến thắng sự dữ, chiến thắng thần chết, thì làm sao các ông trở thành người rao giảng Tin Mừng Phục Sinh ! Chúa hiểu sự kém tin của các ông, nên Chúa muốn cho các môn đệ được kiểm chứng tận tay, nhìn tận mắt những dấu đinh của Người, để các ông xác tín chính Thầy đã sống lại, và tất cả những ai tin vào Thầy cũng sẽ được sống lại như Người. Sau khi các ông được củng cố đức tin, Chúa lại phán bảo các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Chỉ trước đó ít phút, các môn đệ còn run sợ, ở trong phòng mà còn phải chốt cửa thật chắc chắn! Làm sao có thể can đảm đi loan báo Tin Mừng. Nhưng khi các ông được Đấng Phục Sinh trao ban bình an, các ông đã trở nên mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước khi trao ban Sứ vụ mới cho các ông, Đức Giê-su lại một lần nữa chúc bình an và trao ban Thánh Thần cho các ông, để Thánh Thần Chúa hướng dẫn Sứ vụ của các ông. Sứ vụ rất cao cả, Sứ vụ của chính Chúa sẽ được trao cho các ông: : “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong các ông, và các ông sẽ luôn thi hành Sứ vụ theo ơn soi sáng của Thánh Thần. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã bao phủ trên các tông đồ. Cho dù con người có yếu đuối bất toàn, nhưng tình yêu của Thiên Chúa đã chiến thắng tất cả. Từ những người chỉ thích làm lớn, ham danh vọng, lợi lộc trần thế, Chúa đã giúp họ trở thành những người biết yêu thích giá trị Nước Trời. Từ những người nhát đảm, Chúa đã nâng đỡ để họ trở thành những người can đảm, kiên cường. Từ những người bình dân, ít học, Chúa đã giúp họ trở thành những người rao giảng Tin Mừng, thầy dạy đức tin. Chúa đã tìm kiếm các môn đệ, đã tỏ mình ra với các ông, đã tìm mọi cách để giúp các ông có được đức tin vững vàng. Chính vì vậy, Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là Chúa Nhật về Lòng Thương Xót Chúa. Nếu mỗi người chúng ta hôm nay biết tin tưởng chạy đến Lòng Thương Xót Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ được an ủi, nâng đỡ, được chữa lành, không chỉ những vết thương thân xác, mà Chúa còn chữa lành những vết thương tâm hồn cho chúng ta. Hãy chạm đến vết thương của Lòng Thương Xót, để hiểu, để cảm nhận tình yêu vô bờ Thiên Chúa dành cho ta, để ta sẵn sàng đón nhận những hy sinh đau khổ trong hiện tại, để thánh hóa bản thân. Trong niềm tín thác vào Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa, mọi hy sinh, mọi cố gắng của chúng ta, dù nhỏ bé đến mấy, cũng sẽ sinh ơn ích cho phần rỗi chính mình và phần rỗi các linh hồn. Chúa phán với thánh nữ Faustina: “Thà rằng Trời đất này biến ra không. Nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ những linh hồn tín thác”. Trong Tin Mừng hôm nay, có một gương mặt đặc biệt tên là Tô-ma, khi Đức Giê-su hiện đến với các môn đệ, Tô-ma không có mặt ở đó, Tô-ma chưa được giáp mặt Đấng Phục Sinh. Do vậy, tâm trí Tô-ma vẫn còn trong bóng tối của sự thất vọng, hoài nghi như bao môn đệ khác. Cho dù, trước đó họ thấy Đức Giê-su là một người có uy quyền trong lời nói cũng như việc làm, Ngài đã từng làm nhiều điều kỳ diệu, phi thường. Nhưng tại sao Ngài lại bị đánh bại, bị giết chết một cách đau đớn tột độ như vậy? Thực tế đó đã làm Tô-ma rất hoang mang. Do đó, khi các Tông đồ nói với ông là Chúa đã Phục Sinh, thì Tô-ma hoài nghi, không biết nên tin, hay không tin. Vì vậy, Tô-ma như thách thức các môn đệ về việc Chúa đã sống lại: Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin. Tô-ma muốn biết Đấng Phục Sinh ấy phải chính là Đức Giê-su, Đấng đã chịu đóng đinh, chịu chết trên Thập giá, đã chôn trong mồ, và đã sống lại, chứ không phải một Đấng thánh khác ! Vì vậy Tô-ma cần kiểm chứng các dấu đinh, lưỡi đòng đã đâm thấu tim Chúa! Đây cũng là điều mà trước đó Chúa Phục Sinh đã mời gọi các môn đệ kiểm chứng, khi Người đưa cho các ông xem chân, tay và cạnh sườn Người. Chúa hiểu những xáo trộn, những mâu thuẫn đang xảy ra trong đầu Tô-ma, cũng như các môn đệ trước đó. Chúa không chê trách, nhưng yêu thương họ, yêu thương Tô-ma, nên Chúa đã dành cho Tô-ma một khoảng thời gian dài để giúp ông suy gẫm, tìm hiểu, về việc Chúa Phục Sinh, điều mà Kinh Thánh đã nói tới. Rồi tám ngày sau, Chúa lại hiện ra, lần này có lẽ Chúa muốn dành riêng cho Tô-ma. Sau khi chúc bình an cho các môn đệ, Chúa nói với Tô-ma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tô-ma không ngờ Đức Giê-su quan tâm, ưu ái với mình như vậy. Khi giáp mặt Đấng Phục Sinh, Tô-ma quá ngỡ ngàng, quá hạnh phúc, ông như được thổi một luồng sinh khí mới, đức tin của ông trở nên mạnh mẽ. Tô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Tô-ma đã mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giê-su là Thiên Chúa, điều mà trước đây rất nhiều người Do thái bàn cãi chưa tin. Tô-ma không chỉ tuyên xưng Đức Giê-su là Thiên Chúa mà còn tuyên xưng Đức Giê-su là Thiên Chúa của mình. Tô-ma đã chạm đến lòng Thương Xót Chúa và ông đã được biến đổi. Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Tô-ma như là gương mặt đại diện cho rất nhiều người trong chúng ta hôm nay. Ngày nay Chúa Phục Sinh vẫn luôn hiện diện trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta có nhận ra Người, có gặp được Người không? Lời một bài hát mà chúng ta rất quen thuộc: Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đó có ân sủng Người. Khi một người đau yếu, bệnh tật được thăm viếng, chăm sóc, thì có Chúa hiện hiện ở đó, Chúa hiện diện trong thân phận của những kẻ bé mọn, hiện diện trong tâm hồn của những người đang thực hành Lời Chúa dạy. Yêu thương anh chị em như chính bản thân mình. Những dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong cuộc sống hôm nay rất nhiều. Tuy Chúa Phục Sinh không xuất hiện hữu hình, nhưng Ngài đang hiện diện một cách cụ thể trong từng việc làm chân chính, từng nghĩa cử cao đẹp, từng lời nói chân thành, trong từng lỗ lực xây dựng sự hiệp nhất, yêu thương. Câu chuyện, một tu viện kia xém nữa đã tan rã, chỉ vì các tu sĩ đối xử với nhau như những người chưa tin Đức Giê-su Phục Sinh đang hiện diện trong anh em. May mắn thay, khi họ biết được Đức Giê-su Phục Sinh đang cải trang nơi những người anh em của mình, họ đã đối xử với nhau như đối xử với Đức Giê-su Phục Sinh, nên Dòng tu của họ đã bình yên, và có sức sống trở lại. Những vết thương của Đấng Phục Sinh đã nói cho chúng con biết, Chúa đã chiến thắng hận thù, ghen ghét. Những vết thương nơi thân mình Đấng Phục Sinh là bằng chứng sống động Chúa đã vượt qua đau khổ và sự chết. Chúa nói với Tô-ma, cũng như nói với mỗi người chúng con: “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Xin Chúa củng cố đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con xác tín Chúa Phục Sinh luôn hiện diện trong đời sống của chúng con, để chúng con luôn cố gắng sống tốt, sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để sức mạnh của Chúa Phục Sinh thể hiện trong đời sống chúng con. Trong mọi hoàn cảnh, xin cho chúng con luôn can đảm, mạnh mẽ vì bình an của Chúa luôn ở với chúng con. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không bao giờ rời xa những tâm hồn tín thác. Amen. Linh mục Giu-se Ngô Xuân Hiến, OMI. Ngày 13 tháng 04 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật VI - Phục Sinh Chúa Nhật V - Phục Sinh Chúa Nhật IV - Phục Sinh Chúa Nhật III - Phục Sinh Chúa Nhật Phục Sinh Thứ Bảy – Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Thứ Sáu – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa Thứ Năm – Thánh Lễ Tiệc Ly Chúa Nhật V- Mùa Chay