OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật III – Mùa Chay Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật III – Mùa Chay Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời. Tin Mừng Ga 4, 5-42 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói : “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giê-su trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Người phụ nữ nói với Đức Giê-su : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người bảo chị ấy : “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp : “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo : “Chị nói : ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” Người phụ nữ nói với Người : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ; còn các ông lại bảo : Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi : “Thầy cần gì vậy ?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy ?” Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta : “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao ?” Họ ra khỏi thành và đến gặp Người. Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng : “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau : “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng ?” Đức Giê-su nói với các ông : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói : Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ? Nhưng này, Thầy bảo anh em : Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái ! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng ! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả ; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.” Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng : ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” Suy niệm: Thờ Phượng Chúa Cha Trong Thần Khí Và Sự Thật BỐI CẢNH XÃ HỘI THỜI CHÚA GIÊSU: Nước Do-thái thời Chúa Giê-su được chia thành ba miền giống như ba miền Trung, Nam, Bắc Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Từ thế kỷ thứ tám trước công nguyên, miền trung của họ là đất Sa-ma-ri, bị ngoại bang là người Át-xi-ri-a chiếm đóng và đô hộ. Luật pháp Do-thái cấm người Do-thái kết hôn với người khác đạo, cũng như người ngoại bang. Tuy nhiên người Do-thái ở Sa-ma-ri cuối cùng đã chấp nhận dân đô hộ, lập gia đình với thực dân, rồi tiêm nhiễm những phong tục tập quán ngoại bang. Ðiều đó khiến người Do-thái ở miền nam là Giu-đê phẫn nộ, coi rẻ người Sa-ma-ri, cho họ là dân lai căng, không còn thuần tuý Do-thái nữa. Sau này miền Giu-đê cũng bị đô hộ. Tuy nhiên người Do-thái ở đây nhất định không chịu đồng hoá với dân ngoại bang. Khi người Do-thái xây lại đền thờ Giê-ru-sa-lem, người Sa-ma-ri ngỏ ý muốn giúp đỡ, nhưng người Do-thái từ chối. Rồi một việc khác xẩy ra là một vị đại giáo trưởng Do-thái còn âm mưu cho đốt đền thờ của người Sa-ma-ri. Những thái độ và hành động đó làm cho người Sa-ma-ri căm phẫn, khiến cho hai dân tộc, trước kia thuộc cùng dòng giống, càng ngày càng xa cách. Do đó mà người Do-thái từ miền bắc là Ga-li-lê muốn xuống miền nam, và ngược lại người Do-thái ở miền nam muốn lên miền bắc, không thèm đi qua đất Sa-ma-ri, nhưng lại đi vòng xa hơn để đạt tới đích. Vì thế mà hai dân Do-thái và Sa-ma-ri thường không giao thiệp với nhau vì mang mối thù truyền kiếp này. Tuy nhiên người Sa-ma-ri vẫn nhận biết Thiên Chúa của người Do-thái và họ tin theo bộ sách Ngũ kinh của người Do-thái. Họ cũng trông đợi Ðấng Cứu thế đến như người Do-thái. I. TIN MỪNG ĐẾN VỚI SAMARI QUA NGƯỜI PHỤ NỮ BÊN BỜ GIẾNG GIACÓP Với bài Tin Mừng hôm nay, qua cuộc đàm thoại giữa Chúa Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Xy-kha, Chúa đã từ từ tỏ ra cho bà được biết Người chính là “Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô.” Tại Ga-li-lê, Chúa Giê-su muốn xác tín sứ mệnh của Đấng Mê-si-a như Người đã tiên báo về cuộc Thương khó, tức là Đấng sẽ chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Tại Sa-ma-ri, Người cho ta biết Đấng Mê-si-a là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Ơn cứu độ ấy đến với chúng ta qua Chúa Giê-su là nước hằng sống và là mối tương quan đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại. (Nước hằng sống cũng có thể hiểu là Thần Khí do Chúa Ki-tô thông ban cho ta). Qua những giai đoạn trong hành trình đức tin và hoàn cảnh sống, càng ngày chúng ta càng khám phá được những góc cạnh khác biệt sâu sắc về con người và về vai trò Đức Giê-su là ai đối với mình. Hình ảnh của Người mỗi lúc một hoàn hảo hơn trong tâm trí chúng ta. Hôm nay, tiến trình nhận biết Đức Giê-su của người phụ nữ Sa-ma-ri cũng như vậy. Chị đã lần lượt nhận biết Chúa Giê-su là “người lớn hơn tổ phụ Gia-cóp”, tiếp theo là “một ngôn sứ” và sau cùng là “Đấng Ki-tô.” ĐỨC TIN không tự trên trời rơi xuống để ta đem về cất giữ, nhưng là mối quan hệ giữa ta với Chúa, được thanh luyện và phát triển theo hoàn cảnh sống và “cơn khát” của ta. “Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Niềm tin trào dâng, hạnh phúc dâng trào, chị Sa-ma-ri quên cả múc nước, quên cả vò nước, quên thân phận mình, quên mọi nhu cầu ràng buộc trong đời sống, chị chạy về làng báo tin vui. Thật vậy, cùng với chiếc bình, chị bỏ lại cả giếng nước, cả người chồng hờ, cả ngôi đền thờ trống rỗng. Lời Chúa như lưỡi gươm sắc bén chẻ đôi đời chị. Mảnh đời cũ để lại bên giếng, kho tàng của trần gian. Mảnh đời mới ngụp lặn trong dòng suối đức tin, kho tàng thiên quốc. Lời Chúa là ngọn đèn soi đường. Nên chị bước đi những bước lẹ làng, vững chắc hướng về sự sống mới. II. MẶC KHẢI SỰ THỜ PHƯỢNG MỚI. Vậy đâu là sự thờ phượng cũ? Sự thờ phượng cũ đặt căn bản trên vấn đề nơi chốn: thờ ở đâu Đền Thờ Giê-ru-sa-lem hoặc núi Gơ-ri-dim? Sự thờ phượng của người Do-thái ở Giu-đê tinh tuyền hơn ở Sa-ma-ri? Nhưng Thiên Chúa không chỉ ngự tại những nơi ấy hoặc cho những người ấy, mà Người phải ngự trị trong mỗi con người. Do đó, “Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4:23). “Giờ đã đến” và “lúc này đây” ám chỉ Chúa Giê-su. Trong Người, ta sẽ thực hành sự thờ phượng mới, mới trong hai khía cạnh: 1) Thờ phượng Thiên Chúa Cha với thần khí của Chúa Giê-su, tức là với tinh thần tự do của con cái Chúa chứ không phải với tinh thần nô lệ sợ hãi; 2) Thờ phượng Thiên Chúa Cha trong sự thật, tức là sự thật về Thiên Chúa yêu thế gian nên “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3:17). Nói tóm lại sự thờ phượng mới nhấn mạnh đến hai yếu tố người ta thiếu trước đây, đó là thờ phượng với tinh thần con cái Chúa và với tình yêu đáp trả tình yêu của Thiên Chúa. III. CƠN KHÁT VÀ CHIẾC GẬY THÁNH THẦN TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY Xh 17, 3-7: Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống". Mô-sê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Is-ra-el. Ông đặt tên nơi đó là "Thử Thách", vì con cái Is-ra-el đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: "Chúa có ở với chúng tôi hay không?". Ngày xưa (x. Xh 17, 3-7), dân Ít-ra-en khi phải đối diện với cơn khát nước điên cuồng nơi hoang mạc, đã liều quay lưng chống đối Mô-sê, nghi ngờ sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa, quên hết bao nhiêu ơn lành và kỳ công Chúa đã thực hiện trong biến cố Vượt Qua khai mạc cuộc Xuất Hành. Họ quên cả “chiếc gậy của Mô-sê” đã từng dương ra trên biển Đỏ để họ tiến bước ráo chân giữa hai bờ tường nước dựng. Quên cả manna, quên luôn chim cút, quên cột mây che mát, cột lửa dẫn đường, quên hết Thập điều trên núi Si-nai… Ngày nay, trước những cơn khát của thời đại : khát tiền, khát tình, khát hưởng thụ, khát tự do, khát cơm no áo ấm, khát danh vọng chức quyền, sợ hãi lây bệnh Corona covid-19… , chúng ta cũng đã bao lần dẹp Thiên Chúa sang một bên, hay chí ít, cũng hồ nghi về sự hiện hữu của Ngài, quên mình là Ki-tô hữu, quên dòng nước rửa tội, quên Chúa Giê-su đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, quên các giới răn và các thực hành luân lý Ki-tô giáo, quên hết những lời dạy của Tin Mừng… VD: Bần cùng sinh đạo tặc, tìm an ổn cuộc sống trần thế dùng bùa ngải để chữa bệnh, kéo chồng về với gia đình…. Mùa Chay là Mùa để chúng ta mở rộng cõi lòng sống niềm tin tích cực, sống cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô, tìm gặp một sức sống mới, một nguồn nước mới. Chúng ta mạnh dạn quay lại ngõ lời với Đức Ki-tô: “Xin ban cho con thứ nước ấy’, và hãy để chiếc gậy Thánh Thần đập vào cõi lòng, vào tim óc và cuộc sống. Đó là chiếc gậy của tòa Giải tội, của Thánh Lễ, của việc cầu nguyện, của Tin Mừng, của ăn chay và làm phúc, của tha thứ hòa giải với anh chị em xung quanh, của việc thực hành liêm khiết, thủy chung trong đời sống gia đình, trong sáng, trách nhiệm nơi công sở…Phải sống làm sao để “dòng đời, biến loạn, dịch bệnh, chiến tranh… thế gian” không là một cuộc hồng thủy đẩy chúng ta vào vực thẳm hỏa ngục, nhưng là “dòng nước hằng sống” dẫn ta vào bến trường sinh. Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI. Ngày 09 tháng 03 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật VI - Phục Sinh Chúa Nhật V - Phục Sinh Chúa Nhật IV - Phục Sinh Chúa Nhật III - Phục Sinh Chúa Nhật II - Phục Sinh Chúa Nhật Phục Sinh Thứ Bảy – Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Thứ Sáu – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa