OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Tin Mừng Ga 20,19-23 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Suy niệm: “Lễ Hiện Xuống Mới” Chúa Nhật hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Và những câu hỏi xoay quanh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống giúp chúng ta chuẩn bị đón mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống cách sốt sắng hơn: Chúa Thánh Thần hiện xuống như thế nào ? Dấu chỉ của Thánh Thần là gì ? Sứ mạng của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống ? Và lễ Hiện Xuống mới ? Chúa Thánh Thần hiện xuống như thế nào ? Thánh sử Gioan tông đồ, trong sách Tin Mừng thứ tư, tường thuật cho chúng ta biết: “Chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!” (Ga 20, 19). Và thánh sử Luca, trong sách Công vụ Tông Đồ, đã mô tả việc Chúa Thánh Thần hiện xuống như sau: “Vào ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp” (Cv 2, 1-2). Đó là khung cảnh của ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Dấu chỉ của Chúa Thánh Thần ? Dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được thánh Gioan mô tả bằng hành động thổi hơi của Chúa Giêsu: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 22). Còn sách Công Vụ Tông Đồ thì mô tả như sau: “Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người.” (Cv 2, 2-3). Dấu chỉ của Thánh Thần là hơi thở, là lửa. Sứ mạng của Chúa Thánh Thần là gì ? Chúa Thánh Thần đến để canh tân đổi mới về mặt hiện tượng cũng như nội tâm: “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.” (Cv 2, 4). Và đặc biệt hơn cả là Chúa Thánh Thần đến ban ơn thánh hóa tức là ơn tha tội: “Hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” (Ga 20, 23). Vậy, Thánh Thần đến để canh tân, để đổi mới, để ban ơn thánh hóa, tất cả nên một trong Đức Kitô. (x. 1 Cr, 12, 12-13). Lễ Hiện Xuống Mới ? Thuật ngữ “Lễ Hiện Xuống Mới” được thánh Giáo Hoàng XXIII xử dụng trong Công đồng Vatican II: Đổi mới Công đồng; Canh tân Giáo hội; Đắc cử Giáo hoàng bất ngờ. Tất cả đều bởi Thánh Thần, ngài viết trong sổ tay: “Tôi không nghĩ chi trước. Bất ngờ hôm nay 20.1.1959, khi bàn chuyện với vị thư ký, tôi nói đến Công đồng chung, Hội đồng Roma, sửa lại Giáo luật. Thực ra lúc đó tôi không có dự ước hoặc một kế hoạch nào... Công đồng làm cho chính tôi cũng bỡ ngỡ và không ai ngờ rằng con người tôi lại nghĩ đến việc lớn lao đó. Rồi sau đó, mọi diễn biến tự nhiên xảy đến êm đẹp..." Ngài cũng không ngờ ngài làm Giáo Hoàng. Sau này chính ngài đã tâm sự: “Lúc thấy số phiếu dồn cho tôi ngày càng lên cao, tôi vẫn nghĩ rằng có thể số phiếu lại dồn về vị Hồng Y khác, vì quả là xứng đáng hơn tôi. Chính tôi cũng công nhận vị ấy xứng đáng, khả kính và tôi rất hài lòng”. Thực sự ngài không ngờ, nhưng ngài đã sống đơn sơ phó thác theo ý Chúa. Ngài đã chuẩn bị cuộc đời ngài nên một dụng cụ sắc bén để Chúa xử dụng trong khúc quanh lịch sử ấy. (x. Những người lữ hành trên đường hy vọng, số 37, mục 1). Để canh tân thế giới, đổi mới gia đình, thánh hóa bản thân, hãy thi hành sứ vụ với quyền lực của Thánh Thần. Mỗi ngày con chuẩn bị Lễ Hiện Xuống quanh con trong từng biến cố, trong từng khoảnh khắc cuộc đời (x. ĐHV 979). Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong Giáo hội, trong mỗi người chúng ta./. Lm Nicola Vũ Duy Tân, OMI. Đấng Ban Bình An Bây giờ, nếu như được ước một điều duy nhất, có lẽ nhiều người sẽ đắn đo, suy nghĩ cẩn trọng nhưng cũng có người sẽ nói ngay: tôi ước bình an. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhìn vào thực trạng thế giới hiện nay, nhất là thế giới đang chứng kiến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, rồi giá cả leo thang đang khiến cho thế giới mất bình an. Đứng trước tình hình căng thẳng của thế giới, nhiều quốc gia chọn im lặng hoặc sống khép kín đóng kín các đường biên giới. Đây cũng là cách các môn đệ xưa kia đã chọn. Sau khi Đức Giê-su bị bắt, bị giết chết và được an táng, tình cảnh của các môn đệ thật đáng thương: vì sợ người Do-thái, các ông về nhà đóng kín tất cả các cửa. Trong khi các môn đệ đang ở trong tình cảnh bế tắc, tâm hồn bất bình an, Đức Giê-su Phục Sinh đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Lời chúc bình an của Đức Giê-su hòa quyện với việc trao ban Thánh Thần và trao ban sứ mạng loan báo Tin mừng và quyền tha tội. Lời chúc bình an thứ nhất với minh chứng Đức Giê-su thực đã phục sinh Tin mừng hôm nay thuật lại, khi hiện ra với các môn đệ trong căn phòng đóng kín các cửa, lời đầu tiên Đức Giê-su nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Nói thôi thì chưa có sức thuyết phục nên Đức Giê-su cho các ông xem tay và cạnh sườn để minh chứng là Người thực sự đang sống giữa các ông. Người đang đứng giữa các ông là Người đã chiến thắng những đau khổ và sự sợ hãi cái chết. Khi Đức Giê-su phục sinh cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn bị đâm thâu, Chúa không chỉ minh chứng Người là con chiên Vượt Qua đã chết trên thập giá và nay đã sống lại nhưng còn cho thấy Thánh Thần, Đấng ban bình an sẽ được Người trao ban cho các môn đệ. Nói cách khác, Thánh Thần khởi phát phát từ nơi Đấng Phục Sinh đến với các môn đệ. Chúa Giê-su phục sinh thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Đối với người Do-thái, lời chào chúc bình an, là lời chào phổ biến trong một ngày sống, là lời nguyện chúc với các phúc lành mang ý nghĩa cánh chung về sức khỏe, sự thịnh vượng và tất cả những điều tốt đẹp. Như vậy, khi được Đức Giê-su chúc bình an nghĩa là các môn đệ được Người chúc sức khỏe, sự thịnh vượng và những điều tốt đẹp. Lời chúc bình an thứ hai với việc trao ban sứ mạng loan báo Tin Mừng và trao ban Thánh Thần Khi chào chúc bình an lần thứ hai, Đức Giê-su Phục Sinh đồng thời cũng sai các môn đệ đi loan báo Tin mừng. Người nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Các môn đệ được truyền lệnh truyền ra đi công bố chương trình cứu độ và xét xử của Thiên Chúa cho muôn dân. Lãnh nhận bình an là nhận lãnh Thánh Thần và Người sẽ đưa các môn đệ ra đi muôn phương. Ra đi không phải là đi lang thang không có chủ đích nhưng đi đến những nơi Thánh Thần gửi họ đến. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn các ông đến với những người nghèo hèn, công bố Tin mừng cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ đổ tràn nơi các môn đệ nhựa sống và làm cho họ hăng hái lên đường. Khi chào chúc bình an lần thứ hai, Đức Giê-su Phục Sinh đồng thời ban Thánh Thần cho các môn đệ. Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Hình ảnh thổi hơi vào một người khác của Chúa gợi cho chúng ta nhớ đến việc Thiên Chúa thổi hơi mang lại sức sống cho Ađam (St 2,7) và sự phục hồi dân Ít-ra-en sau thời lưu đày (Ed 37,9). Với hành động thổi hơi, Chúa Giê-su Phục Sinh cho thấy chính Người là Đấng tạo dựng hoặc tác tạo. Một trong những từ ngữ tiếng Híp-ri chỉ hơi thở là từ ruah và từ này được dịch sang tiếng việt là tinh thần, thần khí hay thần trí. Và thần trí của Thiên Chúa cũng là hơi thở của Ngài. Người Ki-tô hữu – Sứ giả bình an Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được nhận lãnh Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta thành con cái của Chúa, thành sứ giả của Tin mừng. Tin mừng hay còn được gọi là tin vui, tin bình an. Vì thế, khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức chúng ta lãnh nhận Thánh Thần, lãnh nhận bình an. Lãnh nhận Thánh Thần, nhận lãnh bình an không phải để hưởng thụ nhưng là ra đi chia sẻ bình an ấy cho người khác. Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 10.04.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với mấy chục ngàn tín hữu và khách hành hương tại đền thánh Phê-rô: nhiệm vụ của người ki-tô hữu trong thế giới hôm nay là trở thành các thừa sai của niềm hy vọng, của bình an, mở ra các không gian của ơn cứu rỗi, như các tế bào của sự tái sinh, có khả năng tái trao ban nhựa sống cho những gì xem ra đã mất đi vĩnh viễn. Mỗi cá nhân, gia đình, cộng đoàn và giáo xứ đều được mời gọi là sứ giả của bình an trong đời sống Giáo hội và xã hội. Bao lâu nhân loại còn bất an, bấy lâu Tin Mừng Bình An của Thiên Chúa cần được loan báo, đón nhận và sống. Bao lâu ngôn ngữ bình an chưa trở thành ngôn ngữ chung của tất cả mọi người trong thế giới này, bấy lâu nhân loại vẫn còn chia rẽ, chiến tranh và hận thù…. Ý thức, bình an là đặc tính căn bản của Nước Thiên Chúa như lời thánh Phao-lô quả quyết: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17), mỗi chúng ta có trách nhiệm trao ban bình an của Đức Giê-su Phục Sinh cho anh chị em đồng loại và làm cho bình an của Đức Giê-su Phục Sinh thẩm thấu vào mọi chiều kích của cuộc sống thường ngày. Thanh Tùng, OMI. Ngày 04 tháng 06 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật VI - Phục Sinh Chúa Nhật V - Phục Sinh Chúa Nhật IV - Phục Sinh Chúa Nhật III - Phục Sinh Chúa Nhật II - Phục Sinh Chúa Nhật Phục Sinh Thứ Bảy – Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Thứ Sáu – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa