OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXIII – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XXIII – Thường Niên Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được. Tin Mừng Mc 7, 31 – 37 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” Suy niệm: Chúa đến chữa bệnh câm điếc Tâm hồn 1. Chúa sẽ đến cứu dân Người Khoảng hơn 600 năm trước công nguyên, tiên tri Isaia đã tiên báo chính Thiên Chúa sẽ đến cứu dân Người: “Can đảm lên, đừng sợ! ...Chính Người sẽ đến cứu anh em... Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 4-7a). Và vào thời sau hết này, Chúa Giêsu đã đến: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được…” (Mt 11, 4). 2. Ý nghĩa cử chỉ của Đức Giê-su chữa lành cho người câm điếc Mc 7, 33-34: Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra ! * Dùng nước miếng chữa bệnh: Vào thời Đức Giê-su, người ta cho rằng nước miếng có hiệu lực chữa lành, đặc biệt hơn đối với bệnh đau mắt, như một trong những bản văn của sử gia La-tin, Tacite, làm chứng điều này (Tacite, Histoire, IV, 8, 1). Đức Giê-su cũng dùng cách thức này trong việc chữa lành người mù ở Bết-xai-đa (Ga 9, 6). Cách chữa bệnh này được gặp thấy nhiều trong các giai thoại ở vùng đất dân ngoại thời đó, nên các độc giả đầu tiên của Tin Mừng Mác-cô chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, vì họ biết các tập tục của những người đương thời với họ. * Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông và chỉ có các môn đệ Ngài là những chứng nhân. Điều này vừa là cử chỉ thân tình đối với riêng anh ta (cá vị), vừa là bài học cho các môn đệ. Sau này, Đức Giê-su quở trách sự mù lòa và điếc lác của các ông trước các sứ điệp của Thầy mình: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (Mc 8, 18). Cầu nguyện: Xin Chúa kéo con vào cung lòng Chúa, chỉ mình con với Chúa. Mọi sự nơi thế gian, không gì tách con ra khỏi tình yêu Chúa đang ấp ủ con. Amen. * Tha thứ tội lỗi: Vào thời Isaia, cũng như vào thời Đức Giê-su, những tật nguyền thể lý được coi như những hình phạt vì tội lỗi (x. Ga 9, 1-3). Vì thế, nếu những người mù được thấy, nếu những người điếc được nghe, chính vì tội lỗi của họ đã được Đức Chúa tha thứ, chúc lành. * Ơn chữa lành: Nước miếng mà Đức Giêsu bôi vào lưỡi anh câm tượng trưng cho hương vị của sự khôn ngoan của Chúa (sapor Domini sapientiae); còn ngón tay mà Đức Giêsu ấn trên tai anh điếc, tượng trưng ân huệ Thánh Thần (x. Lc 11, 20: Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông). Cầu nguyện: Ước gì hương vị khôn ngoan tình yêu chạm vào lưỡi con, ngón tay Chúa chạm vào “tai tâm hồn” điếc lác của con. Amen. 3. Chúa Giê-su chữa lành tật câm điếc của tâm hồn chúng ta Theo thánh Bê-đa (kính nhớ ngày 25/5), người Kitô hữu nào không lắng nghe Lời Chúa là người điếc, và kẻ nào không truyền đạt lời tuyên xưng đức tin cho kẻ khác là người câm. Nhữn người bị mù, câm, điếc với Lời Chúa, thường nghĩ, thấy, nghe và nói theo tính xác thịt, thế gian. Họ dễ sa vào cám dỗ của Sự Dữ, trở thành con cái của Sự Dữ. * “Thiên Chúa dựng nên con không cần đến con, nhưng để cứu chữa con, Chúa cần đến sự cộng của con” (thánh Âu-tinh): Chúa mời gọi chúng ta: cùng với Thánh Thần, thực hành “tam không” (giống “ba ông khỉ thông thái”): tập thành thói quen “bịt mắt”- tôi không nhìn điều xấu”; tập thành thói quen “bịt tai”- tôi không nghe điều xấu, tiêu cực”; tập thành thói quen “bịt miệng”- tôi không nói xấu người khác”. * Ơn Chúa ban nhưng không: Với niềm xác tín, mỗi người chúng ta chính là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong mình (x.1 Cr 3, 16-17). Mỗi ngày chúng ta nỗ lực dâng hiến chính đời sống mình cho Chúa, Thánh Thần Chúa sẽ thánh hiến chúng ta thành của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12, 1). Nỗ lực dâng hiến bằng cách bớt dần thói quen xấu, tập hình thành những thói quen tốt - nhân đức. Ví dụ: Khi ta tập thành thói quen giữ tâm mình hằng ngày ở trạng thái tĩnh lặng: không bị căng thẳng, lo lắng bởi ngoại cảnh (mất mát, bênh tật, bị áp bức..); không bị rối loạn bởi những điều xấu do mắt nhìn thấy, do tai nghe thấy, do miệng nói ra, thì Tâm sẽ toả ánh sáng Thần Linh, ánh sáng của Tình Yêu. Khi bạn sống yêu thương, các tế bào, tinh thể nước nơi bạn tỏa sáng. Điều này Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado (tổ chức IHM) ở Tokyo, Nhật Bản, và nhóm nghiên cứu của ông đã trình bày trong cuốn sách “Thông điệp của Nước”: Các mẫu lấy từ một hồ nước sau trận động đất hoàn toàn không thể tạo ra tinh thể. Tuy nhiên, sau khi ai đó đọc một lời cầu nguyện, những mẫu nước này lại có thể hình thành tinh thể. Trong một thí nghiệm khác, nếu bên ngoài khay có các nhãn dán mang tính chất tích cực như “tình thương” hay “cảm ơn”, mẫu nước sẽ tạo ra các tinh thể rực rỡ, ngược lại, mẫu nước từ các khay có dán nhãn tiêu cực như “thù hận” và “ma quỷ” sẽ tạo ra các tinh thể nước xấu xí và biến dạng. Hình dạng tinh thể nước tương ứng với các nhãn hiệu khác nhau được gắn lên bình chứa. Từ trái sang: “tình yêu”, “cảm ơn” và “ta ghét mi”. Khi bạn sống yêu thương và tri ân mọi sự trong mọi hoàn cảnh, cả con người bạn toả sáng, toả hương vị tình yêu của Chúa. Lúc này, mắt tâm linh mở ra: con nhìn Chúa - Chúa nhìn con; tai nghe được Lời yêu thương Chúa đánh động; mũi hít thở Thần Khí Chúa, cả tâm thân thấm đẫm Thần Khí; miệng loan truyền Lời Chúa bằng sức mạnh lửa Thần Khí tình yêu. Tắt một lời, chúng ta được trở nên hình ảnh của Giê-su, với sứ mệnh truyền lửa tình yêu cho người khác. Câu chuyện: Hai cách ứng sử với cùng một sự kiện bình rượu lễ bị làm bể Đức Hồng y PHUN-TƠN SIN (Fulton Sheen) (1895-1979) đã kể lại hai câu chuyện sau: + Câu chuyện thứ nhất: Tại một nhà thờ bên Nam Tư, một em lễ sinh đang giúp lễ cho cha già, đã vô tình đánh rơi làm bể lọ rượu. Ngay lúc đó, vị linh mục dù đang dâng lễ, nhưng đã không kềm chế nổi cơn tức giận, đã thẳng tay đánh em một cái bạt tai té giập vào tường. Ông còn thét lên: “Đồ nhãi ranh, làm ăn như vậy hả? Mau cút ngay cho khuất mắt tao và đừng bao giờ vác mặt về đây nữa nhé!” Cậu bé giúp lễ bị đánh rất tức giận liền cởi ngay chiếc áo giúp lễ, rời khỏi nhà thờ và thề quyết sẽ không bao giờ đặt chân vào nhà thờ nữa. Từ ngày đó, cậu ta trở thành kẻ thù của Giáo Hội. Về sau khi đã trở thành một người quyền hành lớn lao, ông ta ra sức gây khó dễ và quyết tiêu diệt Giáo Hội. Kẻ đó không ai khác hơn là thống chế Ti-tô, một thời cai trị nước xã hội chủ nghĩa Nam Tư cũ (1953-1980). + Câu chuyện thứ hai: Đức cha Phun-tơn tiếp tục kể câu chuyện về mình như sau: “Tôi còn nhớ rõ là hồi còn nhỏ, tôi đã ước muốn được giúp lễ phục vụ bàn thờ khi cha dâng lễ. Năm lên bảy tuổi, mẹ tôi là một người đàn bà rất có lòng đạo. Bà đã dẫn tôi đến gặp đức Tổng giám mục giáo phận để xin cho tôi được vào ban lễ sinh giúp lễ tại nhà thờ. Một hôm, đến phiên tôi lần đầu tiên được giúp lễ. Vì lần đầu làm công việc này, nên tôi cảm thấy lóng ngóng và lỡ tay làm rớt bình đựng rượu xuống nền cung thánh nhà thờ bể tan thành từng mảnh nhỏ. Ngay lúc đó tôi rất xấu hổ và sợ hãi, vì bọn giúp lễ chúng tôi kháo nhau rằng: Đức Tổng Giám Mục là một người rất nghiêm khắc. Thế nhưng biết tôi làm bể lọ rượu, mà ngài vẫn không mảy may phản ứng và cứ tiếp tục dâng thánh lễ như không có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi thánh lễ kết thúc và cởi áo lễ xong, ngài gọi tôi đến gần. Tôi chuẩn bị tinh thần để nghe ngài quở mắng vì tội bất cẩn của mình. Nhưng sự thể lại diễn ra trái hẳn: Đức cha thân mật đặt bàn tay lên vai tôi rồi âu yếm nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi: “Này con, lớn lên con có muốn đi tu và vào học đại học không? Con có bao giờ nghe nói về đại học Lu-vanh (Louvain) chưa?” Tôi đáp: “Thưa đức cha chưa ạ”. Ngài nói tiếp: “Con hãy về nhà thưa với mẹ con rằng: Đức cha bảo lớn lên con sẽ đi tu và sẽ vào học tại đai học Lu-vanh nhé”. Từ ngày đó, tôi cố gắng chăm chỉ học hành và mỗi năm đều đạt thứ hạng cao. Khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, được cha mẹ đồng ý, tôi đã tự động đến gặp đức cha để xin ngài cho tôi được vào chủng viện học làm linh mục. Vì là học sinh xuất sắc, tôi được đức cha cấp học bổng để vào đại học Lu-vanh là đại học rất danh tiếng thời đó. Sau 4 năm, tôi tốt nghiệp đại học với hạng ưu và được thụ phong linh mục, rồi một thời gian sau đó trở thành Giám mục. Nghĩ lại cuộc đời của mình, tôi thấy phải cám ơn Chúa đã thương cho tôi có được cha mẹ thật tuyệt vời, đã yêu thương và nuôi nấng dạy dỗ tôi nên người. Nhưng người tiếp theo tôi phải đặc biệt ghi ơn chính là Tổng Giám mục giáo phận. Ngài là người khoan dung độ lượng: đã không la mắng khi tôi sai lỗi mà đã thay Chúa kêu gọi tôi ngay từ khi 7 tuổi. Cũng nhờ lòng khoan dung và sự quan tâm ưu ái của ngài, mà tôi mới được như ngày hôm nay. Lm Giu-se Đinh Kim Chí, OMI. Ngày 07 tháng 09 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXII – Thường Niên Chúa Nhật XXI – Thường Niên Chúa Nhật XX – Thường Niên Chúa Nhật XIX – Thường Niên Chúa Nhật XVIII – Thường Niên