OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Hãy đi bán những gì anh có, rồi hãy đến theo tôi. Tin Mừng Mc 10, 17 - 30 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi : “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” Đức Giê-su đáp : “Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn : Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói : “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta : “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp : “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao ! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau : “Thế thì ai có thể được cứu ?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói : “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” Đức Giê-su đáp : “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” Suy niệm: Phàm nhân – Hiền nhân – Thánh nhân 1. Phàm nhân: con cái của sự dữ, tâm hướng về của cải, danh vọng, lề thói thế gian. Trong gia đình, cộng đoàn, xã hội, khi thượng bất chính, hạ tắt loạn. Kẻ trên coi trọng của cải, bề dưới cúi đầu sấp mặt, lầm bầm: hãy đợi đấy! Đồ của kẻ trên bị hao tổn, hư hao (trầy xe, cây đổ, bình bể, cá chết, chim mất...) – Ôi thôi! sấm sét giáng trên đầu, kẻ dưới hèn mọn không còn chỗ dung thân. Thời Covid, con cái sự dữ thu vén giàu có trong sự mất mát của kẻ nghèo khó. Ôi của phù vân, nấm mồ của kẻ phù hoa bóng mượt! Kẻ có tiền, có quyền, có thế giá → hậu vận cuộc đời: Âm ty có sẵn, cõi ma cuốn vào. Tên tôi là Có: Có nhiều thứ ê hề → Có ma đưa lối, quỷ đưa đường, đưa vào hỏa ngục với bầy súc sinh. (x. Mt 19, 24; Lc 16, 19 - 31). 2. Hiền nhân: Coi trọng con người hơn của cải, danh vọng thế gian Tại sao phải học làm người ? Câu chuyện 1: Một gã côn đồ đến chất vấn một tu sĩ: - Tôi xin ông giải thích điều này : tại sao trong cuộc sống, không ai dạy thú vật làm thú vật, chẳng hạn như chẳng ai dạy chó làm chó, ngựa làm ngựa, heo làm heo... mà ông lại cực nhọc đứng ra để dạy người ta làm người ? Tại sao thú vật không ai dạy mà chúng biết làm thú vật, còn người tại sao nếu không dạy thì không biết làm người ? Tu sĩ trả lời : - Con người có hai phần hợp lại bởi hai phần: phần con (con vật ) và phần người mang mầm sống của Đấng Thánh. Nếu không ai nhắc nhở thì nhiều kẻ quên bản tính người của mình, họ tồn tại lây lất với bản năng thú tính – con vật. Khi được dạy dỗ, huấn luyện con người thực sự mới biết làm người. Người thành Nhân sẽ khắc vào tim mình tên từng người bé mọn gặp trong đời. Câu chuyện 2: Trong tháng thứ 2 của khoá học y tá, vị giáo sư của chúng tôi đã cho chúng tôi một câu hỏi hết sức bất ngờ trong bài thi vấn đáp… Tôi đã lướt qua hầu hết các câu hỏi trong bài thi, và ngạc nhiên dừng lại ở câu hỏi cuối cùng: “Hãy cho biết tên người phụ nữ quét dọn trường học của chúng ta?”. Một câu hỏi không có trong chuyên môn, chắc đây chỉ là một câu hỏi đùa thôi. Tôi đã nghĩ vậy! Thật ra, tôi đã nhìn thấy người phụ nữ đó vài lần. Cô ấy chừng 50 tuổi, gầy, da ngăm đen, tóc muối tiêu, nhưng làm sao mà tôi có thể biết được tên cô ta cơ chứ? Tôi đã kết thúc bài làm của mình với câu cuối cùng bị bỏ trống. Cuối giờ kiểm tra, một sinh viên đã hỏi vị giáo sư rằng: “Liệu ông có tính điểm cho câu hỏi cuối cùng kia không?”, ông ta trả lời: “Chắc chắn rồi”, rồi ông nói tiếp: “Trong công việc, các em sẽ gặp rất nhiều người, tất cả họ đều quan trọng, họ xứng đáng được nhận sự quan tâm của các em, dù chỉ là một nụ cười hay một câu chào”. Tôi đã không bao giờ quên bài học đó trên mỗi bước đường đời của mình sau này, và tôi cũng không bao giờ quên tên của người phụ nữ đó, cô Út Dậu. → Bạn thân mến, trước khi học thành tài, thành đạt, nên chăng học chữ “Yêu” để thành Người. Khi thành người chân chính, ta sẽ nghe được lời mời gọi sống quy hồi, quy Ki-tô Trong Giê-Su- Thiên Chúa Tình Yêu, Phận người sáng tỏ cõi đi về. Lao đao, quanh quất cả một đời. Mới khóc oe oe, đã thở dài. Thế sự tồn vong, cõi vô thường. Ánh sáng Thần Linh chớp rạng ngời. Hội Thiên Quốc, Giê-su hữu quy hồi. 3. Thánh nhân: Người sống trong ân sủng tình yêu - yêu Chúa, yêu người, Người thuộc thế gian, không thể hiểu được Thiên ý nhiệm mầu: từ bỏ mọi sự thế gian - có cả khoTrời ân ban. Người không tiền, không danh, không thế giá → hậu vận cuộc đời: Thiêng đàng lối nhỏ, cửa Không dẫn vào. (x. Mt 19,27-30). Tên tôi là Không: Không cái tôi, không thế gian → tôi sống với ơn tự huỷ ra Không, sống tâm tình của Chúa Giêsu, trở nên hiện thân của Thiên Chúa, của Tình Yêu vĩnh hằng. Hạnh phúc thật của con người là được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa Vinh quang Thiên Chúa toả rạng là con người sống hạnh phúc trong Thần Khí. Rm 8,28-30: 28 Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã cảm nhận dân thánh như vườn hoa tươi sắc, muôn màu, muôn vẻ trước nhan thánh Chúa: “Chúa mở ra trước mắt con quyển sách thiên nhiên là phong cảnh trời đất. Ngắm cảnh thiên nhiên, con nhận thấy rằng tất cả những hoa Chúa dựng nên đều xinh đẹp hết, mầu hồng hoa Mân côi và sắc trắng phau phau hoa huệ không át được mùi thơm, hoa má tím, cũng không làm mất vẻ đơn sơ xinh tươi hoa cúc tây. Phải rồi, nếu tất cả những hoa ti tí ấy lại muốn làm hoa hồng cả, thì cảnh thiên nhiên sẽ mất vẻ đẹp lý thú mùa xuân, các cánh đồng sẽ chẳng còn muôn hoa rực rỡ nở. Ấy cảnh trời thiêng liêng của giới linh hồn cũng thế. Trong vườn sống này, Chúa dựng nên những vị đại thánh để sánh với hoa huệ, hoa hồng. Chúa lại dựng nên những thánh nhỏ, giống như hoa cúc đơn, hoa má tía để Chúa vui lòng lúc nhìn xuống chân thấy cảnh trời đất tưng bừng đẹp đẽ... Hoa nào càng vui theo thánh ý Chúa, càng nên trọn lành tốt đẹp.” (Thánh nữ Têrêsa – Kim Thiếu, Một Tâm Hồn, 1960, tr 12) Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI Ngày 12 tháng 10 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên Chúa Nhật XXII – Thường Niên