OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Tin Mừng Lc 9, 23 - 26 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.” Suy niệm: Hôm nay Chúa Nhật XXXIII TN, Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể các thánh Tử Đạo Việt Nam. Các thánh tử đạo là những người con ưu tú của Giáo Hội, là những bậc tiền nhân của chúng ta, những người đã sống niềm tin một cách xác tín, kiên cường và mạnh mẽ. Mục tiêu của mọi cuộc bách hại Đạo là, cản trở con người đến với Thiên Chúa, tìm cách cắt đứt mọi tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Để thực hiện mục đích này, nhà cầm quyền dùng mọi hình thức tra tấn, ngăn cản con người đến với Thiên Chúa, ngăn cản con người sống niềm tin của mình. Nhưng nhiều người đã không chịu khuất phục, cho dù phải chịu nhiều cực hình họ vẫn trung thành theo Chúa. Họ sẵn sàng chết vì đức tin, chứ không chối Chúa. Dù bị tra tấn, bị bách hại vẫn sống niềm tin một cách kiên cường, trung thành theo Chúa trong mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm về những tấm gương anh hùng tử đạo. Đồng thời mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống chứng nhân của chính mỗi người chúng ta? Ngày nay chúng ta có chối Chúa, có bỏ đạo hay không? Thời bách hại đạo thì cách làm chứng tuyệt vời nhất là tử đạo. Còn ngày nay, thời tự do, thì cách làm chứng tốt nhất là sống chứng nhân, luôn sống theo Lời Chúa dạy. Chúa dạy chúng ta phải sống ngay thẳng, thật thà. Ngày nay chúng ta đã sống ngay thẳng, thật thà chưa? Các Ki-tô hữu có ai gian dối, lường gạt không? Có ai buôn gian, bán lận, vu khống, đặt điều không? Nếu chúng ta sống ngay thẳng thật thà là chúng ta đang làm chứng cho Thiên Chúa - Đấng chân thật. Còn nếu chúng ta chưa sống ngay thẳng, là chúng ta đang chối đạo, vì chúng ta sống ngược với lời dạy của Chúa. Chúa còn dạy mọi người phải chân thành yêu thương nhau; phải cảm thông với hoàn cảnh của mỗi người, phải bao dung nâng đỡ những người yếu đuối lỗi lầm, phải khích lệ, động viên những người chán nản, thất vọng, giúp họ vươn lên….chúng ta đã thực hiện những điều đó như thế nào? Ngày nay Chúa chưa cần chúng ta tử vì đạo, nhưng Chúa muốn chúng ta hy sinh một chút thời gian để thăm hỏi, giúp đỡ những người đau yếu bệnh tật, chúng ta đã làm tốt chưa? Ngày nay Chúa chưa đòi hỏi chúng ta phải tử vì đạo, nhưng Chúa muốn chúng ta hy sinh ý riêng một chút, bỏ đi cái tôi cố chấp của mình, để tha thứ, để làm hòa với người anh em của mình, chúng ta đã làm tốt điều đó chưa? Những hy sinh nho nhỏ, một tấm bánh, một nụ cười, một lời nói cảm thông, rất cần cho sự hiệp nhất trong Đức Ki-tô. Nếu chúng ta chưa thực hiện những điều đó, là chúng ta đang chối Chúa, vì chúng ta đang quay lưng lại với Lời Chúa dạy. Thời nào, nơi nào, làm chứng cho Chúa cũng có những khó khăn riêng. Thời xưa khi cuộc bách đạo đến thì những khổ hình khủng khiếp, man rợ, như lăng chì, xẻ thịt, đã trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi cho bất cứ ai không bước qua Thập giá. Còn thời nay, những hình thức bách hại đạo lại không làm cho các tín hữu thấy sợ hãi. Nhưng hiệu quả cũng không kém, thậm chí có khi còn hiệu quả hơn những cực hình đe dọa ngày xưa. Ngày nay người Ki-tô hữu vẫn luôn bị cám dỗ bước qua lương tâm mình để đổi lấy địa vị, lợi lộc trần gian. Vì lợi ích trần gian, chúng ta sẵn sàng bán rẻ lương tâm, sống độc ác, gian dối. Chúng ta không thấy mình đang phản bội Chúa, đang chối Chúa, khi chúng ta quý trọng của cải vật chất, lợi lộc trần gian hơn yêu mến sự thật là chính Chúa? Chính Chúa đã nói: Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Ai muốn có sự sống đời đời làm gia nghiệp, phải sống theo Lời Chúa dạy, sống theo chân lý, theo sự thật; vì “chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta”. Thế nhưng, nhiều Ki-tô hữu vẫn không vượt qua được những cám dỗ này, vẫn không can đảm sống sự thật, vẫn tham lam, gian dối, ích kỷ (hơn bao giờ hết, cuộc sống ngày nay tràn nan sự gian dối). Trong cuộc sống, chúng ta không thấy mình bất trung với Chúa, khi chúng ta làm việc cho Chúa nhưng lại nhằm mục đích tôn vinh mình. Nhiều khi chúng ta làm mọi việc không phải để tôn vinh Chúa, mà cốt để người ta khen. Nhiều khi chúng ta vẫn đến nhà thờ, nhưng tâm hồn chúng ta lại ở xa Chúa. Chúng ta vẫn đọc kinh cầu nguyện, nhưng chúng ta chưa thực sự xác tín sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chính vì vậy, đời sống đạo đức của chúng ta chưa thăng tiến. Chúng ta đang bước qua thập giá mà không hay biết. Bước qua Thập giá có nghĩa là xem thường Thiên Chúa và đề cao chính mình. Chính sự ích kỷ, cái tôi quá lớn nơi mỗi người và sự bất trung, đã trở thành một thứ gông cùm giam hãm chúng ta, không để chúng ta mở lòng đến với Chúa và đến với tha nhân. Chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa trong thư thứ hai của thánh Phaolô Tông đồ gởi ông Timôthê: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. Do đó, việc ngăn cấm mọi người đến nhà thờ, hay phá đổ một ngôi thánh đường không nguy hiểm cho bằng xóa bỏ niềm tin trong tâm hồn các tín hữu bằng các chủ thuyết thực dụng (chỉ nghĩ đến những lợi lộc trần gian), hoặc bằng những chủ thuyết hiện sinh, nghĩa là, miễn sao có lợi cho mình, miễn sao cuộc sống hiện tại của mình được thoải mái…để rồi không còn một định luật tôn giáo nào, không còn một nguyên tắc đạo đức nào trong tâm hồn người ki-tô hữu, và cuối cùng không còn niềm tin trong họ nữa. Đây mới thực sự là một đại họa cho đời sống của người Ki-tô hữu. Cũng vậy, việc đóng cửa Nhà thờ không nguy hiểm bằng việc làm cho họ không muốn đến nhà thờ nữa, làm cho họ nghĩ rằng việc đến nhà thờ không cần thiết, và thay vào đó là các tụ điểm ăn chơi, trác táng. Khi người tín hữu tự đón nhận các trào lưu thế tục, thì cánh cửa tâm hồn của họ cũng dần dần đóng lại với Thiên Chúa, và mở ra cho thế gian. Đây là một kịch bản vô cùng nguy hiểm mà nếu mỗi người chúng ta không tỉnh thức ngăn ngừa và giúp những người khác ngăn ngừa, thì phần rỗi đời đời của chúng ta thật mong manh. Những thứ ăn chơi tiêu khiển, vô luân, giống như những kẻ trộm vô hình, đánh cắp niềm tin của người Ki-tô hữu, đặc biệt đối với giới trẻ ngày nay. Các thánh tử đạo Việt Nam gồm nhiều thành phần dân Chúa, họ là giáo dân, linh mục, tu sĩ, có cả những vị làm quan trong triều, như thánh Án Khảm, thánh Cai Tả, thánh Cai Thìn… mà làm quan thì sung sướng, đầy đủ, ăn cao lương mỹ vị, có kẻ hầu, người hạ. Đây là điều thế gian luôn mơ ước, là điều mà nhiều người đã đánh đổi tất cả để có được. Nhưng với các thánh tử đạo, các ngài đã ý thức tất cả những danh vọng, lợi lộc đó chỉ là tạm thời, chỉ là cái bóng của hạnh phúc, chỉ là một hạnh phúc ảo, nó sẽ nhanh chóng tan biến trong thời gian. Các ngài xác tín, chỉ có hạnh phúc Nước trời, chỉ có cuộc sống vĩnh cửu bên Thiên Chúa mới là hạnh phúc đích thực. Vì vậy, các ngài đã đánh đổi tất cả để trung thành với Thiên Chúa, để được sống hạnh phúc trường sinh bên Chúa, như trong bài đọc 1, trích sách khôn ngoan đã nói: Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Nhờ vậy, mà ngày nay các ngài được tôn vinh, được ca ngợi trong khắp Giáo Hội hoàn vũ. Lạy Chúa, cộng đoàn tín hữu chúng con đây đang khao khát đi theo Chúa, chúng con mong muốn trở thành những Ki-tô hữu tốt, chúng con mong muốn trở thành những chứng nhân của Chúa, chứng nhân cho Chân lý, cho Sự thật. Nhưng nhiều lúc chúng con vẫn chưa thực sự xác tín để đem Lời Chúa ra thực hành. Xin Chúa giúp chúng con can đảm trung thành với đức tin, đừng chạy theo những mời gọi của ma quỷ, thế gian, xác thịt, mà đánh đổi hạnh phúc đích thực của chính mình. Amen. Linh mục Giu-se ngô Xuân Hiến, OMI. Ngày 14 tháng 11 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật III – Mùa Vọng Chúa Nhật II – Mùa Vọng Chúa Nhật I – Mùa Vọng Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên