OMI VIỆT NAM::CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN năm C. - Kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Chúa Nhật CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN năm C. - Kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình Giuse Đinh Kim Chí, OMI Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 17,11b-19): Khi ấy, Ðức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : "Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Tin Mừng đã đến với dân tộc Việt nam trên 400 năm, thì hết 300 năm, GH Việt Nam thấm đẫm dòng máu của hàng trăm ngàn người đã tử vì đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ 19, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Trong số các anh hùng tử đạo Việt Nam, có 117 vị đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, và Anrê Phú Yên (1625-1644) được tuyên Chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000. Màu đỏ của áo lễ hôm nay là màu máu của các vị tử đạo trong Đức Giêsu, là màu lửa thắm nồng Tình Yêu Thiên Chúa I. TÌNH YÊU LÀ GÌ? . Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8). Con người là thụ tạo duy nhất giống hình ảnh Thiên Chúa - có mầm sống của Thần Khí Tình Yêu (x. St 2,7). Nhờ Thần Khí của Đức Chúa, con người có khả năng sống tương quan tình yêu hiệp nhất với muôn vật muôn loài. Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất, bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài, thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng (Kn 1,7). Nhưng do yếu đuối, kiêu ngạo, bất vâng phục, con người đã bị sa ngã bởi Tên Cám Dỗ. Thiên Chúa không bỏ con người thụ tạo. Ngài quá yêu con người, dù nó tôi lỗi, phản bội, Ngài vẫn cứ yêu, yêu đến nỗi ban chính Con Một mình xuống thế làm người – Đức Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Hơn thế nữa, hễ ai tin vào Người Con- Chúa Giêsu Kitô, họ sẽ được thánh hiến, tháp nhập với Người Con, và trở nên con Thiên Chúa. (x. Ga 3,16; Rm 8,29). Ôi tình yêu cao cả, huyền diê, vĩnh cửu! II. CON NGƯỜI ĐƯỢC TỰ DO ĐÁP LẠI TÌNH YÊU THIÊN CHÚA Chọn Chúa hay chọn thế gian Chọn thế gian: Tâm trí hướng đến của cải, danh lợi; ham mê các thú vui xác thịt, thế gian, thích được xu nịnh, ca tụng.... Hậu quả là sống trong tình trạng tăm tối sa đoạ: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. (Gl 5,19-21) Chọn Chúa: Sẵn sàng dấn thân đón nhận trọn vẹn ân sủng bí tich Thánh Tẩy: dìm mình trong cái chết của Chúa Giêsu. Ai có cái chết của Đức Giêsu nơi mình, thì cũng có sự sống của Ngài nơi thân xác mình. Ai yêu Chúa Giêsu và khao khát được chết đi đối với chính mình, đối với thế gian, khao khát mang trong linh hồn và thân xác mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, người đó được hồng phúc thánh tẩy, thuộc về Chúa. Họ là người sống trong Thần Khí Tình Yêu. Dấu hiệu nhận ra người Kitô hữu thật, có Chúa sống trong mình: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5,22-23) Tắt một lời, những người Kitô hữu, là người có Chúa Kitô sống trong mình, là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu, họ đi vào con đường chết vì yêu, họ cùng sống với nhau và cùng tuyên xưng: Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1 Ga 3,16). III. GƯƠNG MỘT SỐ THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM *Thánh Hồ đình Hy – Quan Thái Bộc (1808-1857): Chính vua Tự Đức xét xử và vì thương mến, vua khuyên dụ Ngài nghĩ lại, ít là bước qua Thánh Giá thì vua sẽ tha và phục hồi chức tước cho Ngài. Nhưng với thái độ khiêm tốn và dứt khoát Ngài thưa: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm làm việc dưới triều vua, lúc nào hạ thần cũng hết lòng yêu nước và là tôi trung Hạ thần cam chịu mọi cực hình để đền bù tội lỗi và được nên giống Chúa Giêsu. Hạ thần xin sẵn sàng lãnh nhận cái chết vì Đức Tin. Hạ thần xin đội ơn vua”. Ngài được phúc tử đạo (chém đầu)vào ngày 22 tháng 5 năm 1857. *Thánh Tôma Thiện - chủng sinh (1820 - 1838): Quan bảo nếu Tô-ma Thiện bỏ đạo thì chẳng những tha mà còn nhận làm con rể và ban cho địa vị. Nhưng cậu từ chối: “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến chức quyền thế gian”. Ngài được tử đạo ngày 21-9-1838 *Cha Anrê Dũng Lạc: hơn một lần ngài đã được cứu thoát khỏi tù ngục nhờ giáo dân quảng đại nộp tiền chuộc. Ngài nhiệt tình ao ước được chịu phúc Tử đạo, ngài thường nói những người chết vì đức tin thì được lên trời, thế mà ta cứ tiếp tục trốn tránh, chi phí tiền bạc để tránh thoát những kẻ bách hại, ta hãy để mình bị bắt và chịu chết thì hơn. ngài được ơn tử đạo, chém đầu tại Hà nội ngày 21.12.1839. *Bà Thánh Inê Đê (Lê Thị Thành) đã mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn, sẵn sàng chết vì tình yêu Thiên Chúa. Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 12-7-1841 bà trút hơi thở cuối cùng với lời thân thưa tuyệt hảo: "Giêsu Maria Giuse, con phó thác hồn con và thân xác con trong tay Chúa" * Cha Phêrô NGUYỄN VĂN LỰU (1812-1861): Năm 1860, cha Phêrô Lựu đang phụ trách xứ Ba Giồng thì có lệnh quan trấn bắt tất cả các tín hữu có tên tuổi ở Xoài Mút và Ba Giồng (gần Mỹ Tho) đưa về giam tập trung ở tỉnh. Vì thương anh em bổn đạo cha thường cải trang vào thăm viếng, ủy lạo. Sau đó, cha bị bắt, bị tra tấn. Các quan bắt cha xuất giáo, cha trả lời: "Đạo đã thấm nhập vào trong xương tủy, tôi làm sao bỏ được. Vả lại một người giáo hữu thường, một thày giảng còn không có quyền bỏ đạo, huống nữa tôi đây là đạo trưởng". Đúng như lời tuyên xưng của thánh Phao-lô: không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta" (Rm 8:35-39). Nhận thấy mọi hình khổ đều vô ích, quan tỉnh Mỹ Tho liền lên án trảm quyết cha. Ngày 07.04.1861, quân lính dẫn vị chứng nhân đức tin ra khỏi cửa thành độ một cây số, rồi chém cha ngay bên vệ đường. *Với bé Lucia 13 tuổi, (gốc từ tiếng Latinh lux, nghĩa là ánh sáng). Thiên Chúa đã cho “miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen Ngài đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan” (Tv 8,2-3). Cô bé tự nguyện chết vì Chúa. cô là con ông Phêrô Kỳ tử đạo ngày 27 tháng 1 năm 1665. Tại dinh quan Quảng Nam, người ta thấy cô bé Lucia mới 13 tuổi, xông vào và nói lên ý muốn của mình là muốn chết thay cho những người đã hèn nhát chối đạo Đức Chúa Trời. Quan ra lệnh truyền đuổi "cô bé" đó ra ngoài. Nhưng Lucia cưỡng lại lệnh quan, cô lớn tiếng nói cho mọi người biết mình là người chỉ biết tôn thờ một Đức Chúa Trời, Đấng tạo thành trời đất muôn vật. Thế là quan nổi nóng truyền thi hành án tử cho "con bé". Ngày 6 tháng 2 năm 1665.Cô đi ra pháp trường như người đi lễ hội. Chính cô chạy lại trước con voi to lớn và voi đó đã tung xác cô lên nhiều lần cho tới khi tắt thở * Chân phước Anrê Phú Yên tử đạo lúc 19 tuổi: Cha Đắc Lộ kể lại những giây phút cuối cùng của Chân phước Anrê Phú Yên đã hoàn thành cuộc đời vào chiều hôm 26/07/1644: :“ Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; Thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ Thầy; Thầy vẫn luôn luôn không chuyển động, và tôi thấy diện mạo của Thầy không mất chút nào về vẻ bình thản cũng như về màu sắc… Người thanh niên thánh thiện nầy vẫn không ngớt đọc Thánh Danh Chúa Giêsu; ngay khi đầu của thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rỏ ràng tên cực trọng Giêsu phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng, lại vừa kinh ngạc. Thánh Danh Giêsu không thể phát ra từ miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim nầy dầu có chết, cũng còn giữ mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Danh Thánh Giêsu được, thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa…” Còn nhiều vị tử đạo nữa, làm sao chúng ta có thể kể hết được. Nhưng chúng ta có thể cùng sống với các Ngài, vì cùng mang dòng máu tử đạo Giê-su. Tình yêu là ánh sáng, động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài. Các ngài đã hiến dâng mạng sống để danh Thiên Chúa Tình Yêu được cả sáng, Nước Thiên Chúa trị đến nơi dân tộc Việt, nơi chính tâm hồn mỗi Kitô hữu Việt Nam. CẦU NGUYỆN Trong thời đại tục hóa, nhiễu nhương này, xin Mẹ và các thánh tử đạo Việt Nam cầu nguyện cho chúng con thoát khỏi tính ích kỷ, lo lắng, sợ hãi. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết chết đi với chính mình, với thế gian hư mất, để chúng con thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi, trở thành chứng nhân bình an và hy vọng cho một thế giới đang chao đảo, đau khổ rên siết. Amen. ----------------------------------------------------------------------------------------------- Chứng nhân tình yêu--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Thánh lễ hôm nay đỏ một mầu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam. Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì phát xuất từ tình yêu cao quí. Máu dường như toả hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không gây ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa. Các thánh Tử Đạo Việt Nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó. Tình yêu của các ngài là tình yêu hy sinh. Nên các ngài đã từ bỏ tất cả: cuộc sống yên ổn, danh vọng tiền tài, kể cả mạng sống vì Chúa. Thánh Hồ đình Hy sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình. Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh với những lời hứa hẹn chức quyền của vua quan. Thánh nữ Anê Lê thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn dễ thương. Tất cả vì tình yêu Chúa. Tình yêu của các ngài là tình yêu chung thuỷ. Các ngài yêu mến Chúa khi bình an, các ngài càng yêu mến Chúa trong những gian nan thử thách. Các ngài đã thực hiện lời thánh Phao-lô: Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39). Tình yêu của các ngài là tình yêu cao quí. Đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì các ngài, các ngài cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa. Đúng như lời Chúa nói: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13). Tình yêu cuộc sống. Các ngài là những người yêu mến cuộc sống. Không phải một cuộc sống tầm thường nhưng là cuộc sống với tất cả những chiều kích cao đẹp của nó. Cuộc sống với những giá trị thiêng liêng như lý tưởng, như tình yêu, lòng trung tín. Một cuộc sống không nô lệ cho vật chất. Một cuộc sống trung thực không giả dối. Một cuộc sống không bị đóng khung trong thế giới hữu hạn mau tàn nhưng mở ra đến vĩnh cửu. Một cuộc sống không hạ con người xuống nhưng nâng con người lên ngang với các thần thánh. Thật sự yêu mến cuộc sống nên các ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng, để bảo vệ và xây dựng. Tình yêu nhân loại. Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình. Hãy nhìn cảnh thánh Lê văn Phụng hoặc thánh nữ Lê thị Thành an ủi con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các ngài lan cả tới lính gác, cai tù và lý hình. Thánh Lê văn Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình. Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết. Không có ai tỏ lòng oán hận. Và nhất là không có vị nào thù ghét các lý hình. Tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống. Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn toả hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó (Fulton Sheen). Động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài là tình yêu. Cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà ta có thể bắt chước các ngài. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta không có hy vọng được phúc tử đạo, nhưng ta vẫn có thể noi gương các thánh Việt Nam làm chứng cho đạo Chúa. Nếu ta không được chết cho tình yêu, ta vẫn có thể sống cho tình yêu. Có lẽ ngày nay Chúa cũng không mong ta chết vì đạo mà mong ta hãy sống vì đạo. Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin chúc lành cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Amen Ngày 12 tháng 11 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên