OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm C Chúa Nhật Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm C Lc 10, 25 - 37 Lm. Giuse Nguyễn Văn Cao, OMI Quan tâm và được người khác quan tâm là những nhu cầu căn bản của con người. Đây là cách thế tuyệt vời để chúng ta xây dựng tương quan với nhau và với cộng đồng. Các bài đọc trong Chúa nhật này gợi ý cho chúng ta những cách thế để chúng ta đào luyện và vun đắp tương quan của mỗi người với Thiên Chúa và với tha nhân. Có thể nói rằng, người Samari nhân hậu chính là hình ảnh của Chúa Giêsu – Đấng yêu thương vô vị lợi, Ngài băng bó những vết thương của mỗi chúng ta, chăm sóc chúng ta mỗi ngày trong bầu trời lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Luca mở đầu dụ ngôn bằng cách trình bày việc người thông luật muốn thử thách Đức Giêsu với câu hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Không phải chỉ là chuyện tôi phải làm gì để có thể được sống lại ở đời sau, nhưng còn là để có một đời sống tốt lành ngay từ đời này. Tôi phải làm gì để cuộc sống này có ý nghĩa, tôi phải làm gì để có một cuộc sống tròn đầy? Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách đặt câu hỏi ngược lại. Người thông luật đã đáp lại bằng cách phác hoạ sự tóm kết những đòi hỏi của Luật trong hai điều rất quan trọng: mến Chúa và yêu người. Bài đọc trong sách Đệ Nhị Luật đã đề cập đến chuyện lắng nghe và thực hành những luật Đức Chúa truyền, một luật ở rất gần “ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành”. Chúa Giêsu không chỉ hỏi về nội dung của Luật nhưng Ngài còn hỏi về cách đọc nữa. Cách đọc cũng không kém phần quan trọng. Ắt hẳn không chỉ đơn thuần là chuyện đọc theo kiểu văn tự “trên miệng” nhưng còn là đọc “trong lòng”. Đọc trong lòng nghĩa là để cho tiếng Thiên Chúa vang vọng trong tâm khảm của con người. Chúng ta có thể nhìn sâu vào trái tim mình và xem xét cách đọc của mỗi chúng ta về thế giới, về con người. Có những khi chúng ta không biết đọc, có khi chúng ta đọc sai điều Thiên Chúa “viết” mỗi ngày trong cuộc sống. Bởi thế, mệnh lệnh Chúa truyền và cách thế chúng ta thi hành cho đúng mệnh lệnh ấy là điều kiện để chúng ta được thừa hưởng Nước Trời. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho bất kỳ ai. Thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côlôxê giúp chúng ta hiểu hơn cách “đọc” của thánh Phaolô về vai trò của Chúa Giêsu trong sự nối kết giữa Thiên Chúa với con người cùng muôn thụ tạo. Mỗi người chúng ta được hiện hữu, hoạt động và thành toàn đời mình nhờ Ngài và trong Ngài. Hành trình của “một người kia” từ Giêrusalem xuống Giêrikhô cũng có thể chính là hành trình cuộc sống của mỗi người chúng ta. Người lữ khách này bị cướp, bị lột sạch, bị đánh nhừ tử, rồi bị bỏ mặc trong tình trạng nửa sống nửa chết. Có thể nhiều người trong chúng ta chưa bị cướp bao giờ về mặt vật chất, chưa bao giờ bị đánh nhừ tử về góc độ thể lý nhưng những tên cướp vô hình thì dường như không ai có thể tránh khỏi; những trận đánh nhừ tử, chúng ta có lẽ cũng có lần trải qua. Tên cướp ở đây là những gì làm chúng ta bị tổn thương, bị đau đớn, bị xúc phạm. Tên cướp cũng có thể là những bước đi lạc hướng, những lối rẽ sai lầm. Chúng ta bị cướp, và chúng ta thấy đi ngang qua tình trạng ấy của mình có biết bao nhiêu những “thầy tư tế”, những “thầy Lêvi”, những người thờ ơ trước đau khổ của anh em đồng loại. Có lý lắm để chúng ta than thở. Có lý lắm để chúng ta có cái nhìn tiêu cực về những mối quan hệ giữa người với người. Giêrusalem và Giêrikhô, những địa danh được đề cập đến trở thành những cứ liệu mang tính biểu tượng. Giêrusalem là thánh đô, nơi Thiên Chúa ngự trị. Giêrikhô là “thành phố mặt trăng” biểu tượng cho vị thần của ban đêm. Khi người lữ khách lựa chọn hành trình rời xa Giêrusalem, tức là Thiên Chúa thì hướng đi của người này sẽ tiến về phía bóng đêm. Bị cướp bóc là điều dường như không thể tránh khỏi trong hành trình này. Nhưng may thay, người Samari nhân hậu đã xuất hiện. Đấy là cái phao để người lữ hành không bị chìm nghỉm trong sự dửng dưng của những con người dường như vô cảm, những người thiếu sự liên đới trong tinh thần anh chị em đồng loại với nhau. Trong con mắt của người Do Thái, người Samari là đám dân ô hợp và bị khinh bỉ, bị loại trừ. Nhưng dưới ngòi bút của Luca, người Samari nhân hậu đã trở thành biểu tượng của tình tương thân tương ái, biểu tượng của lòng xót thương. Ông lại gần người bị nạn, lấy dầu xức vết thương rồi băng bó, đưa người ấy về quán trọ bằng con lừa của mình. Đó là cái tình của người cha người mẹ, cái tình của những người thương nhau, lo lắng cho nhau. Người Samari này trở thành hiện thân của chính Chúa Giêsu, là sự gần gũi của Thiên Chúa với bất cứ ai ở xa Ngài. Người lữ hành bị thương. Chúng ta cũng bị thương theo cách khác. Những vết thương rỉ máu sẽ làm sự sống của chúng ta tiêu tan dần. Chúa Giêsu đến và Ngài băng bó những vết thương ấy của chúng ta. Ngài phục hồi sự sống cho chúng ta. Bởi vậy, chính những tổn thương trong cuộc sống hằng ngày lại trở thành cơ hội để mỗi chúng ta có thể hiệp thông với Chúa, để chúng ta tri nhận lòng thương xót của Thiên Chúa trên hành trình về tương lai của mỗi chúng ta. “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Đây là lời mời gọi, là mệnh lệnh cho mỗi người chúng ta. Chúa chờ đợi mỗi chúng ta trở thành những giác quan khác nhau cho anh chị em của mình. Thành chân cho người không thể đi, thành tay cho người không thể cầm nắm, thành mắt cho người không thể thấy… Thành những người hiện thân của trái tim nhân hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa tình yêu đối với bất cứ ai chúng ta gặp trong cuộc sống hằng ngày. Ngày 13 tháng 07 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm C LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ, TÔNG ĐỒ CHÚA NHẬT LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống