OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tin Mừng Ga 18, 33b - 37 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng : “Ông có phải là vua dân Do-thái không ?” Đức Giê-su đáp : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?” Ông Phi-la-tô trả lời : “Tôi là người Do-thái sao ? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?” Đức Giê-su trả lời : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Phi-la-tô liền hỏi : “Vậy ông là vua sao ?” Đức Giê-su đáp : “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Suy niệm: Đức Ki-tô Là Vua Vũ Trụ Khi đề cập đến danh xưng vua, chúng ta liên tưởng tới thời kỳ quân chủ. Nhưng thời kỳ quân chủ đã qua. Hiện nay chỉ còn một số rất ít nước còn có vua, nhưng vua chỉ là danh hiệu chứ không thực quyền. Mặc dầu không sống trong thời kỳ quân chủ, nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu được phần nào về vai trò của ông vua trong một đất nước hay lãnh thổ. Vua đi liền với quyền. Có thể nói vua có toàn quyền trên thần dân, kể cả quyền trên mạng sống. Nhưng việc thi hành quyền như thế nào thì tuỳ thuộc từng vị. Đa số các vị vua dùng quyền để cai trị thần dân một cách độc ác, tàn nhẫn, lịch sử đã minh chứng, như vua Hêrôđê, vua Minh mạng, vua Thiệu trị...Nhưng cũng có những vị vua nhân hậu, hết mực yêu thương thần dân như vua Thánh Louis Nước Pháp (1214 – 1270). Còn vua Kitô thì sao? Chắc chắn một điều rằng: Ngài là vua nhưng không phải như những ông vua trần thế. Ngài là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa. Ngài là Vua vũ trụ, “Nước Ngài không thuộc về thế gian này” (x. Ga 18, 36). Ngài là Vua chân lý, chính Ngài đã nói điều đó với Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18, 37). Ngài là Vua yêu thương, vì “Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi” (x. Kh 1, 5). 1. Chúa Kitô Là Vua Chân Lý Thật vậy, Thiên Chúa là nguồn mạch mọi chân lý. Lời của Ngài là chân lý. Lề luật của Ngài là chân lý. Nơi Chúa Giêsu Kitô, chân lý của Thiên Chúa đã được bày tỏ cách trọn vẹn. Chính Ngài là chân lý: “Tôi là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Suốt cuộc đời của Ngài đã làm chứng cho chân lý. Một vài lần dân chúng muốn Ngài làm vua: Lần thứ nhất, sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Lần thứ hai, khi Ngài bước vào thành thánh Giêsuzalem, dân chúng hoan hô, trải áo lên đường cho Ngài đi. Nếu Ngài xưng vương một trong hai lần đó thì rất thuận lợi. Nhưng Ngài đã từ chối. Vì, vị vua mà dân chúng quan niệm không đúng với tước hiệu vua của Ngài. Còn hôm nay, Ngài là một tử tội trước mặt quan toà Philatô, không có lợi thế gì, nhưng Ngài đã xưng mình là vua, vì đó là sự thật. Ngài xưng vua để làm chứng cho sự thật. Vương quốc của Ngài “Không khi nào bị phá huỷ” (x. Đn 7, 14). “Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất” (x. Đn 7, 14). Mỗi người Kitô hữu chúng ta là môn đệ của Vua Kitô, muốn bước theo Ngài cần phải sống theo chân lý, làm chứng cho chân lý, vì “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng Tôi” (x. Ga 18, 37). Sống theo chân lý là sống ngay thẳng, thật thà, chân thành, tránh sự giả hình, giả bộ. Bởi vì “Người ta không thể sống với nhau, nếu không có sự tin tưởng nhau, nghĩa là nói sự thật với nhau”. Theo lẽ công bằng, “Mỗi người phải thành thật bày tỏ sự thật cho người khác” (Thánh Tôma Aq.) Sống theo chân lý là chấp nhận sống trong sự đơn sơ của một cuộc sống phù hợp với gương mẫu của Chúa và đứng vững trong chân lý của Ngài:”Nếu chúng ta nói chúng ta hiệp thông với Ngài, mà chúng ta lại bước đi trong tối tăm, thì chúng ta nói dối, và chúng ta không hành động theo chân lý” (1 Ga 1, 6). Làm chứng cho chân lý là phải tuyên xưng đức tin của mình một cách rõ ràng không úp mở, “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta” (x. 2 Tm 1, 8). Làm chứng cho chân lý đòi buộc phải chấp nhận hy sinh, có khi phải hy sinh cả tính mạng. Như trường hợp các Thánh Tử Đạo. Đó là sự làm chứng tối cao cho chân lý và cho đức tin. Làm chứng cho chân lý là phải loại bỏ những xúc phạm đến chân lý: Nghĩa là không được làm chứng gian và bội thề; Không được nói xấu và vu khống phá hoại thanh danh và danh dự của tha nhân; Không được khoe khoang, vì khoe khoang cũng là một lỗi nghịch với sự chân thật; Không được châm biếm, tìm cách hạ giá người khác bằng cách diễu cợt có ác ý một cử chỉ nào đó của tha nhân; Không được nói dối “Nói dối là nói điều không đúng, với ý định đánh lừa người ta” (Thánh Augustinô). “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5, 37). Chúa Kitô đã tố cáo sự nói dối, coi đó là việc làm của ma quỷ (x. Ga 8, 44). Làm chứng cho chân lý là biết tôn trọng sự thật. Mỗi người chúng ta có quyền nói lên sự thật, nhưng đây không phải là một quyền tuyệt đối, vô điều kiện. Vì không phải sự thật nào cũng được phép nói ra. Bí mật của bí tích Hoà giải thì bất khả xâm phạm. Các bí mật về nghề nghiệp cũng phải giữ kín. Những điều tâm sự có hại cho tha nhân cũng không được tiết lộ (x. GL GHCG số 2464 – 2513). 2. Chúa Kitô Là Vua Yêu Thương Triết gia Soren Kierkegaard sống tại Đan Mạch cách đây khoảng 150 năm có kể câu chuyện sau: Có một vị vua nọ đắm say một cô thôn nữ nhưng không thể cưới nàng làm vợ, bởi vì vua chúa không bao giờ cưới nông dân. Sau khi đã lật đi lật lại nhiều giải pháp, cuối cùng vua đã đi đến quyết định từ bỏ ngôi báu để trở nên một nông dân hèn hạ và dâng hiến tình yêu mình cho người thôn nữ kia để giữa hai người có được một tình yêu đích thực. Việc làm của vị vua trong câu chuyện trên giúp chúng ta liên tưởng tới hành vi tự hạ của Vua Kitô. Thật vậy, vì yêu thương nhân loại, Ngài đã tự hạ mình làm một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận sinh ra trong hang đá lạnh lẽo, thiếu thốn đủ thứ. Vì tình yêu, Ngài đã chấp nhận sống ẩn dật, âm thầm, làm nghề thợ mộc giúp đỡ Đức Mẹ và Thánh Giuse trong suốt 30 năm. Vì yêu thương, Ngài đã lên đường rao giảng Tin mừng để chu toàn sứ mạng của mình trong suốt ba năm. Trong ba năm đó, Chúa đã gọi, chọn và huấn luyện các tông đồ, là những cán bộ nòng cốt của Giáo Hội thuở ban đầu. Tình thương của Ngài đã chạm đến biết bao nhiêu hạng người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống: Những người bị bệnh hoạn tật nguyền; những người tội lỗi; những người bị áp bức bóc lột; những người nghèo đói khổ đau. Và để dạy cho các môn đệ bài học về sự yêu thương, tối thứ năm tuần thánh, Ngài đã đích thân rửa chân cho các môn đệ và dặn họ rằng: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận sự chống đối, ghen ghét, làm hại mà đỉnh cao là cái chết nhục nhã trên thập giá. Cái chết của Ngài làm chứng cho tình yêu, vì”Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Vì yêu thương nhân loại, nên trước khi về trời, Ngài đã lập các bí tích, nhất là Bí tích Truyền Chức và Thánh Thể để ở lại với loài người cho đến tận thế. Để thuộc về công dân nước trời, mỗi người kitô hữu chúng ta cần phải biết sống yêu thương. Trong bài Tin mừng Thánh Mathêu kể về sự phán xét chung (x. Mt 25, 31 - 46) cho chúng ta thấy, tiêu chuẩn duy nhất Chúa phán xét chúng ta là Tình Yêu. Vậy, hãy cố gắng thể hiện tình yêu thương trong cuộc sống. Đó chính là những công việc từ tâm, là những hành vi bác ái chúng ta làm để giúp đỡ người đồng loại trong những thiếu thốn vật chất và tinh thần. Dạy dỗ, khuyên răn, an ủi, khích lệ là những công cuộc từ tâm tinh thần, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng. Còn các việc từ thiện vật chất thường là: Nuôi dưỡng những người đói khổ, lo nơi trú ngụ cho người vô gia cư, lo áo mặc cho người rách rưới, thăm viếng các bệnh nhân và các tù nhân, lo mai táng người chết. Trong số các hành vi này, bố thí cho người nghèo là một trong những chứng từ chính yếu của đức bác ái huynh đệ, đó cũng là một hành vi công chính đẹp lòng Thiên Chúa (x. Gl GHCG số 2447). Tóm lại, Chúa Kitô là Vua. Ngài là Vua Chân lý. Ngài là Vua Yêu thương. Mỗi người chúng ta muốn thuộc về thần dân của Ngài thì hãy sống theo Chân lý và làm chứng cho Chân lý. Hãy sống yêu thương, và thể hiện tình yêu thương đó đến với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh. Amen. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành Nguồn:giaophanlongxuyen.org Ngày 23 tháng 11 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên