OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật I – Mùa Chay Chúa Nhật Chúa Nhật I – Mùa Chay Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ. Tin Mừng Lc 4,1-13 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi !” Nhưng Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người : “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng : Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ. Suy niệm: “Cơn cám dỗ của Chúa” Mùa Chay đã đến, Giáo Hội mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm Thương Khó – Tử Nạn để rồi hân hoan đón nhận mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô. Đã là mầu nhiệm thì không thể lý giải hết được, chỉ biết cúi đầu cung kính chiêm ngắm mà thôi. Mầu nhiệm Thương Khó – Tử Nạn – Phục Sinh là đỉnh điểm sứ mạng công trình cứu độ mà Chúa Kitô nhận lãnh từ Chúa Cha. Thật vậy, Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến trần gian mang thân phận con người để thực hiện công trình cứu độ nhân loại: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Vì mang thân phận con người, Chúa Giêsu Kitô không được miễn trừ khỏi cơn cám dỗ và không tránh khỏi những gian nan thử thách: “Thiên Chúa đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, hầu dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2,10). Khởi đầu sứ vụ mầu nhiệm Thương Khó – Tử Nạn, Chúa Giê-su được Thần Khí thúc đẩy đi vào hoang địa ăn chay cầu nguyện và chịu cám dỗ như lời thánh Luca mô tả: “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói” (Lc 4,1-2). Đây là thời điểm thuận tiện Satan bày ra các chước cám dỗ để thử thách Chúa: Danh – Lợi – Thú. Cám dỗ thú vui xác thịt để thỏa mãn cơn đói, thỏa mãn sự thèm khát, thỏa mãn dục vọng thân xác mà quên đi nhiệm vụ thiêng liêng, mà xao nhãng sứ vụ thần linh, xa rời kế hoạch của Cha: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4,3). Cám dỗ lợi lộc, không làm mà có ăn, một vốn bốn lời, làm ít ăn nhiều, chuột sa chĩnh gạo, ngồi mát ăn bát vàng, ham thích vinh hoa phú quý hào nhoáng thế gian, tư tưởng hám quyền, chỉ tay năm ngón, ăn trên ngồi chốc, lời nói có gang có thép, hét ra lửa, thống trị thiên hạ: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,6-7). Cám dỗ danh tiếng, có thân có phận, tự cao tự đại, tự tôn tự ngã, quy hướng về mình, ta đây tài năng, phủ nhận ân huệ, phô diễn quyền uy, đáng bậc thần thánh: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Lc 4,9-11). Ba cơn cám dỗ này, Satan muốn tiêu diệt ý chí của Chúa tiến vào Giê-ru-sa-lem để thực hiện mầu nhiệm Thương Khó – Tử Nạn. Ba cơn cám dỗ này, Satan muốn tách Chúa ra khỏi chương trình kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Ba cơn cám dỗ này, Satan muốn nhấn chìm toàn thể nhân loại trong bóng tối âm phủ. Nhưng, Chúa Giêsu đã vượt thắng tên cám dỗ. Bằng cách ăn chay cầu nguyện kết hiệp mật thiết với Cha, Chúa Giê-su hằng ôm ấp sứ mạng Cha giao phó, luôn ghi nhớ lời Cha, luôn nhắc nhớ mầu nhiệm cứu độ, luôn ao ước cho ý Cha được thể hiện. Sứ mạng cứu độ đó, Chúa Giê-su đã tỏ cho các môn đệ biết: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Và Thầy đã thắng thế gian. Thầy đã thắng thế gian vì Thầy luôn quy hướng về Cha, quyết liệt chống trả cơn cám dỗ bằng chính lời Thiên Chúa, không thỏa hiệp, không lừng khừng, không xét lại, không đối thoại, không lý luận, không biện minh, không dễ dãi; nhưng mau mắn và dứt khoát, quyết liệt và triệt để. Với cơn cám dỗ đói và khát, Chúa Giê-su dứt khoát: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Với cơn cám dỗ lợi lộc, tôn thờ tiền bạc của cải, Chúa Giê-su phản ứng gay gắt: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8). Với cơn cám dỗ danh vọng, quyền thế, Chúa Giê-su xua đuổi và không cho tiếp cận: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12). Trước đó, dù cơn cám dỗ mới chỉ nhen nhúm thôi, cơn cám dỗ xuất phát từ người môn đệ trưởng của mình, nhưng Chúa Giê-su vẫn chống trả quyết liệt: “Satan, lui lại đằng sau Thầy! Phê-rô, anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là của Thiên Chúa” (Mt 16,23). Qua trình thuật Tin Mừng Luca về sự kiện Chúa Giê-su chịu cám dỗ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Trong khi chịu cám dỗ, Chúa Giêsu không tham gia vào cuộc đối thoại với tên cám dỗ mà chỉ đáp trả thách thức bằng Lời của Chúa mà thôi.” Ðiều này dạy chúng ta rằng với ma quỷ không nên đối thoại, chỉ trả lời nó bằng Lời Chúa. (x. Phanxicô, Kinh Truyền Tin, 10/03/2019). Tuyệt đối không thử sức, không đôi co, không thỏa hiệp với các chiêu trò của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Là con người, chúng ta không cách nào tránh khỏi chước cám dỗ. Và chước cám dỗ đã trở thành những thử thách cam go đối với chúng ta. Với thân phận con người mỏng dòn yếu đuối, chúng ta khó có thể vượt thắng cám dỗ. Nhưng tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa, nép mình vào lòng thương xót Chúa, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, chúng ta sẽ được Chúa che chở, tăng sức linh hồn khiến chúng ta có khả năng vượt thắng các chước cám dỗ. Tin tưởng vào quyền năng của Chúa, chúng ta theo Chúa tiến vào sa mạc tâm hồn, ăn chay cầu nguyện, kết hiệp mật thiết với Chúa với tâm tình tin yêu phó thác như lời ngôn sứ Mi-kha đã nói: “thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn” (Mk 6,8) chắc chắn quỷ sẽ bỏ chúng ta và dời đi nơi khác: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Lm Nicola Vũ Duy Tân, omi. Học Chúa Giê-su Chiến Thắng Cám Dỗ Cuộc sống luôn mở ra cho chúng ta những điều thú vị để chọn lựa, nhưng cũng đầy những thử thách. Tuy nhiên, với người này, gian nan thử thách có thể làm cho nhụt chí, thoái lui, hay vấp ngã ê chề nhưng với người khác, có thể lại là dịp để họ lớn lên, trưởng thành và vững chắc hơn trước những thách đố cuộc sống. Cuộc sống đem đến cho chúng ta những điều thú vị giúp ta thăng hoa chính mình nhưng đồng thời cũng ẩn chứa những cám dỗ làm chúng ta phải đau khổ. Cám dỗ gắn liền với phận người tự do. Bởi tự do chỉ thực sự có giá trị và ý nghĩa khi nó đi liền với chọn lựa đúng đắn. Tin mừng hôm nay thuật lại những cơn cám dỗ của ma quỷ dành cho Chúa Giê-su. Biết Chúa Giê-su sau 40 nhịn ăn và Chúa đang cảm thấy đói, ngay lập tức, ma quỷ tiến đến cám dỗ Ngài về những nhu cầu căn bản của con người như: ăn uống, quyền lực, tìm kiếm những điều kỳ lạ. Mặc dù bị cám dỗ nhưng Chúa Giê-su đã chiến thắng. Qua các cơn cám dỗ, Tin mừng cho thấy sự kiên vững, chắc chắn và rõ ràng của Chúa Giê-su trong tương quan với Thiên Chúa, Ngài luôn trung thành với Thiên Chúa trong mọi cảnh huống. Có một câu chuyện kể rằng: Một tập sinh trẻ đang tu học để trở thành một ẩn sĩ thánh thiện. Anh ta muốn gạt bỏ những suy nghĩ và ham muốn đầy dục vọng khỏi con người mình. Một hôm, anh ta đến gặp vị đạo sĩ già, thánh thiện và hỏi vị ẩn sĩ: “Thưa Cha, những ham muốn dục vọng sẽ mất đi ở độ tuổi nào?” Vị ẩn sư tám mươi tuổi tự tin trả lời: “Con trai, tám mươi tuổi, ở tuổi tám mươi mọi cám dỗ sẽ không còn.” “Tám mươi?” Chàng thỉnh sinh thở dài thất vọng và bắt đầu bỏ đi. Đột nhiên, một cô gái trẻ ăn mặc khêu gợi đi ngang qua túp lều của vị ẩn sĩ già để hái cành cây khô. Khi thấy cô gái, đôi mắt của vị ẩn sĩ cứ dán vào vẻ đẹp di động ấy. Vẫn nhìn chằm chằm vào cô gái xinh đẹp, vị ẩn sĩ nói với người tập sinh: “Con trai à, tôi đã nói là năm tám mươi hết bị dục vọng cám dỗ phải không? Chà, sửa lại nhé, không có độ tuổi nào hết con ạ!” Cám dỗ luôn xẩy đến với chúng ta bất kỳ lúc nào, ở mọi độ tuổi. Trong Tin mừng hôm nay, thánh Lu-ca thuật lại ba cơn cám dỗ của Chúa Giê-su. Cám dỗ thứ nhất: cám dỗ thỏa mãn mọi nhu cầu của bản năng Sau khi nhịn ăn suốt 40 ngày, Chúa Giê-su thấy đói. Cái đói de dọa sự sống con người. Thực vậy, muốn sống con người cần cơm bánh để ăn. Bởi vì, nếu không có cơm bánh trước sau gì con người cũng sẽ chết. Cho nên đói thì cần phải ăn và muốn ăn cần phải có bánh. Thấy được nhu cầu cần ăn uống sau một thời gian dài nhịn đói ở nơi con người Giê-su, quỷ tiến lại gần Chúa và đề nghị Người dùng quyền năng Thiên Chúa làm cho đá hóa thành bánh để ăn cho đỡ đói. Đứng trước lời đề nghị của quỷ, Chúa Giê-su tuyên bố rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”, nghĩa là cơm bánh cần thiết cho con người, nhưng không cần thiết và quan trọng cho bằng “bánh trường sinh” – là Lời Chúa và Mình Máu Chúa. Cám dỗ thứ hai: cám dỗ có quyền lực để thống trị Trong cuộc sống xã hội, quyền bính thể hiện vị thế, tầm quan trọng của một người, đồng thời nó cũng là sức mạnh để bắt người khác phải tôn trọng mình. Biết con người luôn có nhu cầu thống trị nên quỷ đã tìm cách tiếp cận Chúa Giê-su, cám dỗ Chúa và đề nghị Chúa hãy bái lạy nó thì Chúa sẽ có được quyền bính và sự tôn trọng từ người khác. Tuy nhiên, quỷ đã sai khi nghĩ rằng quyền bính là do mình quản lý và mình có quyền phân phát nó cho ai tùy ý. Quyền bính không đến từ Xa-ta nhưng đến từ một mình Thiên Chúa, Đấng làm chủ mọi sự. Và Chúa Giê-su xác quyết rằng: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8). Cám dỗ thứ ba: cám dỗ tìm kiếm những phép lạ Sau khi thất bại với hai cám dỗ về lương thực và quyền bính, quỷ chưa chịu bỏ cuộc. Quỷ tiếp tục đưa Chúa Giê-su lên nóc đền thờ Giê-ru-sa-lem và đề nghị Chúa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi !Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Lc 4,9-11). Lần cám dỗ thứ ba quỷ nhắm trực tiếp vào căn tính của Chúa Giê-su: “Nếu ông là con Thiên Chúa” thì hãy xin Thiên Chúa ra tay cứu mình đi hoặc xin Thiên Chúa cho mình quyền năng để có thể gieo mình từ nóc đền thờ xuống đất mà vẫn an toàn. Chúng ta thấy sự nguy hiểm trong lời đề nghị này của quỷ, đó là: nó muốn Chúa Giê-su biến Thiên Chúa thành “dụng cụ” để sử dụng theo sở thích của riêng mình. Biết được âm mưu thâm độc của quỷ, Chúa Giê-su phản ứng lại: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12). Đối với Chúa Giê-su, là Con Thiên Chúa nghĩa là vâng lời Thiên Chúa trọn vẹn, tin tưởng, phó thác hoàn toàn vào Người chứ không phải là thử thách Người. Vâng lời tuyệt đối và tin tưởng tuyệt đối nghĩa là luôn trông cậy, tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa cho dù gặp gian nan, thử thách vẫn tín trung với Người. Sau mọi nỗ lực cám dỗ Chúa Giê-su nhưng không thành, quỷ bỏ đi. Tức là quỷ đã thất bại. Ba lần quỷ cám dỗ Chúa Giê-su thì ba lần Chúa đều cho thấy lòng trung thành, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Ba lần quỷ cám dỗ nhắm vào căn tính của Chúa thì lại càng làm cho Chúa Giê-su xác tín hơn căn tính của mình là Con Thiên Chúa. Kết thúc Tin Mừng, thánh sử Lu-ca cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong cuộc đời Chúa Giê-su, nhất là trong ba cơn cám dỗ của quỷ trong Tin Mừng hôm nay. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giê-su vào trong hoang địa chịu quỷ cám dỗ. Và Thánh Thần cũng là Đấng ban tràn đầy ân sủng Thiên Chúa cho Chúa Giê-su và giúp Người chiến thắng mọi cám dỗ. Chúa Giê-su đã đối diện với cám dỗ bằng ân sủng Chúa và Ngài đã chiến thắng. Vì thế, trong đời sống, nếu ai sợ hãi và trốn chạy cám dỗ thì cám dỗ sẽ mãi đeo bám và người ta sẽ nơm nớp sợ hãi, lo âu. Còn nếu ai biết học nơi Chúa Giê-su dám đối diện với cám dỗ cùng với ân sủng Chúa thì người đó sẽ chiến thắng. Ngày nay, những cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, chúng ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Thanh Tùng, OMI. Ngày 05 tháng 03 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên