OMI VIỆT NAM::Mục đích Đời Tu Hiến sĩ Mục đích Đời Tu Pio Tình, OMI Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “lênh đênh qua cửa thần phù, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”. Phải chăng vì khái niệm “khéo tu” mà người ta cho: tu là sửa, là tu thân, là theo một tôn giáo và tuân giữ giáo lý cũng như luật lệ ? Đại thi hào Nguyễn Du cũng khẳng định: “tu là cõi phúc…”. Đứng trước nhiều quan niệm như thế, một vấn nạn được đặt ra: mục đích thực sự mà đời tu Kitô Giáo nhắm tới là gì ? Tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến xác định: tu là “theo sát Chúa Kitô”. Tại sao “theo sát Chúa Kitô” được coi là mục đích của đời tu ? Bởi lẽ trong Chúa Kitô người tu sĩ tìm thấy trọn vẹn ý nghĩa của khái niệm “khéo tu”. “Khéo tu” trong Chúa Kitô không còn là những kỹ thuật thuần túy nhân bản: thiền định, kiêng cữ hay dùng ý chí khắc chế mọi chỗ trống trong phận người, mà là ân sủng hoạt động nội tại làm sinh động hóa mọi sự trong ý chí của người tu sĩ. Không còn là chuyện “sửa” nữa mà là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày theo Chúa” (Lc 9,23). Không còn là chuyện “tu thân” theo chuẩn mực con người mà là “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Trong Chúa Kitô, người tu sĩ tìm thấy chuẩn mực của tình yêu: “không ai yêu bạn mình bằng người đã hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Người là nguồn mạch tình yêu (Ga 4,8.16). Nơi Người, người tu sĩ được yêu trọn vẹn, yêu đến kỳ cùng (Ga 13,1). Nơi Người, họ học biết “yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,28-44). Nhìn lên thánh giá Chúa, họ sẽ thấy mọi chiều kích dài rộng cao sâu của lòng mến mà Chúa đã thi thố (x. Ep 3,18-19). Nơi Chúa Kitô, người tu sĩ được tự do trong Thần Khí: “Thần Khí muốn thổi đi đâu thì thổi” (Ga 3,1-36). Tự do trong Thần Khí là tự do trách nhiệm, nghĩa là hết sức, quyết liệt trong chọn lựa, mạnh mẽ trong quyết định và dứt khoát từ bỏ mọi sự để đi theo tiếng gọi của Chúa (x. Mc 1,14-20). Từ bỏ cha mẹ anh chị em, vợ con, của cải vật chất, hơn nữa từ bỏ chính mình với những thói hư tật xấu: mê ăn, dâm đãng, hà tiện, giận dữ, buồn phiền, chán nạn, hám danh, kiêu ngạo…xuyên qua hoạt động khổ chế hay thực hành bền bỉ. Tự do trong Thánh Thần là tự chọn và quyết chọn nhờ ân sủng, nhưng không phải chọn cái này hay cái khác, chọn mẫu người này người khác mà là chọn Chúa làm chuẩn mực của đời mình trong tinh thần trách nhiệm. Thế nên đồng thời với việc bỏ mình cũ, họ phải xây dựng một con người hoàn toàn mới. Ông tổ triết học hiện sinh hữu thần Soren Kierkegaard quả chí lí khi cho rằng: tự do là chọn cho mình một mẫu sống. Người tu sĩ chắc một điều là đời họ không thể “sống, động và hiện hữu” (Cv 17,28) nếu không có một mẫu sống thích đáng. Chúa Kitô là mẫu sống của cuộc đời họ. Từ điểm tựa Chúa Kitô, họ “trung thành và dấn thân”. Trung thành là xây nền móng, xây dựng một đời sống nội tâm; dấn thân là xây dựng lên cao, là mọi hoạt động phục vụ. Trung thành là ở lại với Chúa (x. Ga 1,39), dấn thân là lên đường cùng với Chúa đến với anh em từ trong cộng đoàn nhỏ cho đến cùng cõi đất. Trung thành là kiên vững trong ơn gọi đặc biệt mà Chúa đã mời gọi họ sống, dấn thân là canh tân mỗi ngày và làm sao mang lại lợi ích cho anh chị em. Trung thành là ở lại đời thường với những mối bận tâm hết sức con người và chia sẻ cùng với anh chị em, dấn thân là đi với Thánh Thần trong chiêm niệm (x. Mc 9,2-10). Nơi Chúa Kitô, người tu sĩ tìm được hạnh phúc của việc vâng phục thánh ý Chúa Cha trên hết mọi sự, dù trong lúc cùng cực, bế tắc nhất như Chúa Giêsu đã nêu gương trong vườn Cây Dầu: “lạy Cha! Xin cất khỏi Con chén đắng này nhưng đừng theo ý Con mà theo ý Cha” (Mt 26,39), hay trên Thánh giá trong sự cô đơn tột cùng, Người đã thốt lên: “lạy Cha! Sao Cha lại bỏ Con” (Mc 15,34), nhưng rồi Người cũng quay về Cha trong sự tín phục hoàn toàn: “Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha” (Lc 23, 46; Tv 31, 6). Nếu không có ơn Chúa, không có Chúa là chuẩn mực từ trước thì làm sao trong đời thường, họ có thể vâng phục một con người, rất người như họ, có khi còn kém hơn nhiều người khác về khả năng và đạo đức, nhưng chính Chúa đã cho họ thấy sự hiện diện của Chúa nơi các ngài để họ vâng phục với lòng yêu mến. Nơi Chúa Kitô, người tu sĩ tìm thấy hạnh phúc đích thực. Đời tu không còn là nơi lánh hồng trần như trong Truyện Kiều: “tu là cội phúc, tình là dây oan”. Hạnh phúc đích thực của đời tu đặt trên nền tảng Bát Phúc: “phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính vì nước trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 3-12). Tóm lại, mục đích của đời tu là tìm Chúa, do đó sẽ không còn là chuyện “khéo tu” nữa. Cố nhiên, yếu tố “khéo tu” vẫn tồn tại trong đời tu nhưng dưới dạng điều kiện tùy chứ không phải là mục đích. Cũng không còn là hạnh phúc nữa, dĩ nhiên, hạnh phúc là thứ mà người tu sĩ luôn khắc khoải tìm kiếm và sẽ có được nó khi họ tìm thấy Chúa là mục đích duy nhất của đời tu. Nếu người tu sĩ đi tìm chuyện “khéo tu” thì họ rơi vào tình trạng duy ý chí và đi tìm kỹ thuật thuần túy. Nếu người tu sĩ đi tìm thuần hạnh phúc, họ sẽ lạc đường trong những ảo tưởng phù vân, vì ngoài Chúa không có hạnh phúc thật. Nếu người tu sĩ đi tìm tình yêu, dù là tình yêu đại đồng: “tứ hải giai huynh đệ”, họ cũng sẽ bị nhấn chìm. Nếu người tu sĩ đi tìm thuần túy tự do, họ sẽ rơi vào hai thái cực hoặc thái quá, phóng túng hoặc sẽ bất cập, nô lệ một thứ gì đó. Nếu người tu sĩ đi tìm vâng phục mà chưa có Chúa, họ sẽ đánh mất chính mình. Cho nên, Chúa là cùng đích duy nhất, phần thưởng độc nhất cho đời tu của người tu sĩ. Nơi Chúa, người tu sĩ tìm thấy mọi chuẩn mực của đời tu, mọi chuẩn mực để xây dựng đời mình: thánh thiện, yêu thương, phục vụ, vâng phục, từ bỏ…Chúa là nền tảng để từ đó họ xây dựng mọi chiều kích dài, rộng, cao, sâu (x. Ep 3,18-19) của một mầu nhiệm đời sống. Thế nên, khi thao thức đi tìm mục đích đời tu, người tu sĩ muốn xuất phát lại từ Chúa như công đồng Vatican II đã dạy trong huấn thị “xuất phát lại từ Đức Kitô”, bằng cách luôn tự chất vấn mình rằng: “Tôi vào Dòng để làm gì ?” Ngày 23 tháng 01 Năm 2019 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Sự kiện vĩnh cửu của mầu nhiệm Nhập Thể Sự vâng phục của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể qua lăng kính của thư Hípri Ngôn Sứ Thầm Lặng Hiến Sĩ Tu Huynh: “Quyền Bính Đích Thực Là Để Phục Vụ” NƯỚC MẮT MÙA CHAY Giới thiệu sách mới: Sách Gióp Viết Cho Người Bệnh Một danh sách việc cần làm (Ronald Rolheiser, OMI) Vị Thầy thiêng liêng Mùa Giáng Sinh năm nay, tôi mong chúng ta tôn vinh những trẻ em tị nạn là “Hài Nhi của Năm.”