OMI VIỆT NAM::Sự vâng phục của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể qua lăng kính của thư Hípri Hiến sĩ Sự vâng phục của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể qua lăng kính của thư Hípri (Trích từ "Vấn đề Tự do trong Nhân học Siêu hình: Càng Tùy Thuộc Thiên Chúa, Con Người Càng Tự Do") Piô Phan Văn Tình, OMI Tác giả thư gửi tín hữu Hípri cung cấp một lối chiêm ngắm về việc Con Thiên Chúa đã học làm người ra sao, nhất là trong cách Ngài đã học vâng phục như thế nào (x. Hr 5,8). Người ta cứ nghĩ rằng vì Ngài là Con Thiên Chúa, nên được miễn ít nhiều để có thể học bài học làm người. Tuy nhiên, hoàn toàn ngược lại, trong lối phác họa của tác giả thư Hípri, Đức Giêsu đã đảm nhận tất cả những gì thuộc về thân phận con người. Ngài đã phải trải qua tất cả khó khăn thử thách, yếu đuối như con người, ngoại trừ tội lỗi, để học được bài học vâng phục. Tiến trình học này khởi đi từ yếu đuối (ἀζζέλεηα). “Yếu đuối” có thể bao hàm ba khía cạnh: Yếu đuối về thể lý: Người nghe cảm nhận sự yếu đuối trước nỗi đau, cái chết và sự mục nát (x. Lc 5,15; 2 Cr 12,7-10). Đức Giêsu hiểu điều này vì Ngài cũng có một thân xác (x. Hr 2,14). Yếu đuối trong xã hội: Giống như Đức Kitô, một số môn đệ phải chịu sự sỉ nhục và cầm tù (x. Hr 10,32-34; 11,34; 2 Cr 11,21-33). Dễ tổn thương do tội: Người yếu đuối dễ rơi vào tội lỗi (x. Hr 7,27-28), bởi vì họ “không biết và lầm lạc” (5,2; x. Rm 5,6). Vì các thượng tế Israel cũng có những yếu đuối này, nên họ phải dâng hy lễ cho chính tội lỗi của họ (7,27). Tuy nhiên, không giống như họ, Đức Giêsu không chịu thua trước cám dỗ phạm tội (4,15).[1] Rồi chịu thử thách (πεπεηξαζκέλνλ/πεηξάδω): Động từ πεηξάδω vừa có nghĩa là “thử thách” vừa có nghĩa là “cám dỗ”. Động từ này được dùng trong trường hợp Thiên Chúa thử thách ông Abraham (x. St 22,1). Chủ đề về sự thử thách đóng một vai trò quan trọng trong việc huấn luyện thế hệ sa mạc (x. Xh 15,25; 16,4; 17,2.7; 20,20; Ds 14,22), như tác giả thư Hípri trình bày trong chương 4. Đức Giêsu cũng chịu thử thách/cám dỗ trong sa mạc bởi ma quỷ (Mt 4,1-11; Mc 1,13; Lc 4,2-13). Tuy nhiên, thư Hípri không tập trung sự chú ý vào việc Đức Giêsu “chịu thử thách” nhưng nhấn mạnh sự trung thành của Ngài khi bị thử thách (Hr 5,7-8). Sự thử thách đối với Đức Giêsu, thông qua đau khổ, bảo đảm sự liên đới của Ngài với những yếu đuối của con người. Vì thế, Ngài có thể trợ giúp con người, vì chính Ngài đã chia sẻ thân phận con người với họ. Việc khẳng định Đức Giêsu mang thân phận con người, hiểu và cảm thông với sự yếu đuối của con người, nhưng không phạm tội rất phổ biến trong Tân Ước.[2] Qua những gì tác giả thư Hípri trình bày, chúng ta càng thấy nổi bật sự tương phản giữa Ađam và Đức Kitô: trong điều kiện ưu đãi hết mức, Ađam vẫn chọn phạm tội và xa lìa Thiên Chúa (3,12-13; 10, 26.29); trong khi Đức Kitô, trong thân phận người phàm và chịu thử thách hết mức về mọi phương diện, vẫn trung tín một mực, vâng phục và hoàn toàn tùy thuộc Chúa Cha. Ngài chịu cám dỗ nhưng không phạm tội (ρωξὶο ἁκαξηίαο) (5,7-8; 12,2; 13,12). Đức Giêsu, Đấng không có tội, lại vâng phục trong suốt cuộc đời mình, là ý tưởng chủ đạo của thư Hípri (x. 10,5-10; Pl 2,8). Vì thế, “học vâng phục” có nghĩa là đi đến chỗ nhận thức đầy đủ ý nghĩa về những gì phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, “học” (καλζάλω) cũng có nghĩa là thực hành điều gì đó. Theo Tân Ước, học từ Đức Giêsu là mang lấy ách của Ngài (x. Mt 11,29) và học hiếu thảo là thực hành sống hiếu thảo (x. 1 Tm 5,4). Học làm điều thiện có nghĩa là thực hành điều thiện (x. Tt 3,14). Vì thế, nói rằng Đức Giêsu “học vâng phục” có nghĩa là Ngài đã thực hành sự vâng phục. Vì vậy, sự vâng phục của Ngài là nền tảng cho sự vâng phục của Kitô hữu. Mặc dù vâng phục không phải là điều kiện tiên quyết để nhận ân sủng, nhưng là đặc tính của những ai đang trên đường lữ hành đức tin. Đức Giêsu là “Đấng tiên phong” mang lại ơn cứu độ bằng cách vượt qua quyền lực của sự thù ghét và dọn đường cho con người được vào trong tương lai mà Thiên Chúa đã hứa cho họ (x. 2,10; 12,1-3). Cứu độ là một món quà nhưng con người chỉ có thể có được nó bằng cách đi theo con đường mà Đức Giêsu đã vạch ra.[3] [1] X. Alan C. Mitchell, “Hebrews” in Sacra Pagina, Vol. 13, (Minnesota: Liturgical Press, 2007), 104-106. [2] Ibid.,107-108. [3] Ibid., 110-115. Ngày 25 tháng 03 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Sự kiện vĩnh cửu của mầu nhiệm Nhập Thể Ngôn Sứ Thầm Lặng Hiến Sĩ Tu Huynh: “Quyền Bính Đích Thực Là Để Phục Vụ” NƯỚC MẮT MÙA CHAY Giới thiệu sách mới: Sách Gióp Viết Cho Người Bệnh Một danh sách việc cần làm (Ronald Rolheiser, OMI) Mục đích Đời Tu Vị Thầy thiêng liêng Mùa Giáng Sinh năm nay, tôi mong chúng ta tôn vinh những trẻ em tị nạn là “Hài Nhi của Năm.”